BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (10/6 - 16/6/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (10/6 - 16/6/2024)

16/6/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về các chủ đề như bước đi mới của thương hiệu Miliket thân quen, sự phát triển của nền thương mại điện tử TQ, chuyện kết nối xoay quanh giống cỏ năn tượng, hay nỗi oan của ngành xuất khẩu gỗ và sau cùng là việc bảo hộ thương hiệu khi làm ăn tại Trung Quốc.

BÍ QUYẾT BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Ác mộng có thật giữa ban ngày ở thị trường Trung Quốc (TQ). Con người tự dưng bị mất tên tuổi, thành một cái bóng vô danh tính sống như chết giữa đời? Mất thương hiệu của doanh nghiệp, của sản phẩm, còn ghê gớm hơn, vì ngoài nỗi đau tinh thần, còn có những thiệt hại vô song về vật chật không tính đếm được...Đọc thêm

ĐÁNH TRỐNG KÊU OAN CHO…16 TỶ ĐÔ.
16 tỷ đô là kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam ra thế giới năm 2023. Với kim ngạch này, Việt Nam xếp hạng 6 trên thế giới về xuất khẩu gỗ. Ngành gỗ mang tiếng oan nhiều lắm, là mình chuyên phá rừng lấy gỗ. Phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa, Hiệp hội chế biến gỗ và TCMN. TPHCM, chủ tịch công ty AA corp  về cuộc cạnh tranh trên toàn cầu của ngành GỖ Việt Nam, tôi bất ngờ với lời KÊU OAN của ông và nhiều thông tin khác nữa từ thị trường...Đọc thêm

HỘI NGỘ VUI CẦN THƠ - ĐỒNG THÁP GIỮA SÀI GÒN
Đang theo dõi Diễn dàn IIBF đến hồi sôi động, bỗng thầy Dương văn Ni, ngồi cạnh tôi, đứng bật dậy lặng lẽ bỏ ra ngoài. Tôi có ý chờ. Một lát, thấy zalo xuất hiện 2 tấm ảnh. Thở phào. Người chụp ảnh, Hoàng Tuyên, sếp văn phòng BSA ở Cần Thơ gửi ảnh vừa chụp với chú thích ngắn: Gặp nhau rồi nha chị....Đọc thêm

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Ở TRUNG QUỐC ĐÃ ĐI XA ĐẾN ĐÂU?
Thượng Hải, chuyến đi du lịch tuần đầu tháng 6. Trong khi tôi ráo riết chuẩn bị bài nói chuyện “Tăng hiệu quả bán hàng qua các công cụ số” cho khóa đào tạo CEO của VCCI. TPHCM cuối tuần này, thì anh bạn tôi đi du lịch ở Thượng Hải. Tôi tranh thủ đề nghị anh ấy kể chuyện Thương mại điện tử ở Trung Quốc đi… Kết quả là có mấy mẫu ghi nhận thật đắt...Đọc thêm

MILIKET, GÓI MÌ “HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ”
Bữa ăn tối trên đỉnh đồi Madagui hôm ấy thật cảm động vì được gặp nhóm bạn cùng nhau trồng sầu riêng hữu cơ vi sinh thật chân tình và ấm áp. Và món lẩu với toàn nguyên liệu tự chế (cải chua tự muối, cá câu dưới hồ), phải nói là ngon chưa từng thấy. Và khi nhà bếp đưa mấy gói mì Miliket ra làm phụ tùng cho lẩu thì mình gật gù, đúng ca ta lô rồi. Nó đó, những gói mì vỏ màu bao xi măng, cái màu gợi nhớ miên man thân thương. Nhớ cái hồi ăn độn khoai với bo bo, kiếm được gói mì này làm canh là cả nhà xúm xít xí xụp… Ôi, miliket, mi nhé, mi là mì vừa li vừa kết nha. Mình về đến nhà là đặt hàng “dì Sáu bếp xịn” nhà mình, món cá om dưa, cho gia vị là chút nghệ và có hai gói mì Miliket...Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

Hãng điện tử Nhật Bản 106 năm tuổi Panasonic phải sao chép từ Trung Quốc để sống sót, thời 'hàng tàu đạo nhái' sắp đi vào dĩ vãng.

Các doanh nghiệp Nhật Bản như Panasonic dù từng nổi tiếng về thiết bị điện tử nhưng hiện nay cũng phải lên kế hoạch tăng số lượng sản phẩm được thiết kế tại Trung Quốc rồi xuất xưởng sang thị trường Đông Nam Á.

Hãng điện tử huyền thoại Panasonic của Nhật Bản (thành lập từ năm 1918) cho biết họ sẽ mô phỏng cách tiếp cận tối giản từ Trung Quốc trong thiết kế thiết bị điện tử tiêu dùng và điều thứ hai là cũng không quá cầu toàn trong quy trình lên kế hoạch sản phẩm trước khi ra mắt. Điều này gây tốn quá nhiều chi phí và chậm trễ thời gian … 

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí xanh cho nền kinh tế
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc tích hợp các tiêu chí xanh vào các chiến lược, kế hoạch, pháp luật về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hệ thống phân loại xanh còn tích hợp một số ngành kinh tế mới như đầu tư và phục hồi môi trường tự nhiên, sử dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ xử lý môi trường, năng lượng tái tạo…

Bộ tiêu chí xanh quốc gia chú trọng một số chỉ tiêu quan trọng như mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GDP, chỉ số phát thải trên GDP, chi tiêu Nhà nước và xã hội cho kinh tế xanh, biến đổi khí hậu, môi trường…

Du lịch Thái Lan, bài học “nói hoài” cho Việt Nam?
Theo Tạp chí Dân số Thế giới (WPR), trong năm 2023, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách các quốc gia thu hút nhiều khách du lịch nhất thế giới. Tính từ đầu tháng 1/2024 đến ngày 26/5/2024, lượng khách quốc tế đến Thái Lan đã đạt được cột mốc 14 triệu lượt (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong năm 2023, Thái Lan nỗ lực tận dụng và khai thác “quyền lực mềm 5F” của Thái Lan, đó là: ẩm thực (food), phim (film), lễ hội (festival), võ cổ truyền Muay Thái (fighting) và thời trang (fashion). Cùng với đó, Thái Lan tích cực tuyên truyền, quảng bá các nét văn hóa độc đáo chỉ có ở Thái Lan (Thainess) như: massage Thái, lụa Thái, đền chùa cổ kính…

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan thực hiện 5 chiến lược: nâng cao hình ảnh thương hiệu bền vững, khám phá các thị trường chất lượng mới, tìm kiếm quan hệ đối tác mới, mở rộng kết nối giao thông mặt đất và sử dụng nội dung số để tiếp thị.

Thái Lan cũng triển khai một loạt các chính sách kích thích du lịch. Quan trọng hơn cả là “chính sách miễn thị thực mở rộng” được coi là đòn bẩy hàng đầu. Từ tháng 1/2024, Thái Lan và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận miễn thị thực chung giữa 2 nước.

Đến tháng 6 năm nay, Thái Lan tiếp tục mở rộng danh sách các quốc gia đủ điều kiện miễn thị thực với thời gian lưu trú 60 ngày (từ 57 lên 93 gia) cũng như danh sách các quốc gia được cấp thị thực tại cửa khẩu (từ 19 lên 31 quốc gia).

Thái lan thuyết phục các nước thành viên ASEAN tham gia chương trình “một visa, đặt chân đến mọi nơi”. Bên cạnh đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông cũng là một trong những ưu tiên nhằm đảm bảo trải nghiệm của khách du lịch. Trong 2024, Thái Lan sẽ có thêm tới 8 hãng hàng không mới … 

E-com tại Trung Quốc
Trung Quốc thường tự coi là thị trường Thương mại điện tử (ecom) lớn nhất thế giới, chiếm 50% giao dịch toàn cầu. Một số đặc điểm:

  • Thanh toán di động phổ biến. AliPay và WechatPay
  • Dùng trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn=> quản lý chuỗi cung ứng và hiệu quả.
  • Hậu cần và cơ sở hạ tầng - Đầu tư đúng mức , ví dụ, drone và nhà kho tự động để đẩy nhanh việc giao hàng.                                                    
  • Hình thành hệ sinh thái tích hợp nền tảng thương mại điện tử + dịch vụ truyền thông xã hội / giải trí và DV Tài chính.
  • Xây dựng lợi thế của hình thức Livestreaming + Người nổi tiếng.

Tóm lại, Ecom Trung Quốc có qui mô lớn hơn, độ phức tạp và độ trưởng thành cũng hơn.

Cơ sở hạ tầng, việc áp dụng công nghệ (AI + data lớn + thanh toán di động) cùng hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc đang tạo ra một hệ sinh thái mạnh mẽ.

Việt Nam là TT ecom phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tỷ lệ sử dụng Internet ngày càng tăng.

Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 4 chuyên gia bình luận xoay quanh những chủ đề mà tôi vừa chia sẻ ở trên:

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

VỀ DU LỊCH THÁI LAN

Điểm đáng chú ý trong sự thành công của ngành du lịch Thái Lan là chiến lược tận dụng mềm "5F", kết hợp với các biện pháp mở rộng miễn thị thực. Điều này tạo nên sức hút mạnh mẽ cho du khách quốc tế nhờ quảng bá văn hóa độc đáo và tạo điều kiện thuận lợi.

Việt Nam có nhiều lợi thế nổi bật, đặc biệt phải kể đến ẩm thực và các bãi biển tuyệt đẹp. Theo bảng xếp hạng tỷ lệ béo phì thế giới , Việt Nam có tỷ lệ dân số béo phì rất thấp. Điều này phần nào thể hiện được ẩm thực Việt Nam không chỉ phong phú mà còn rất lành mạnh, với các nguyên liệu tươi, ít dầu mỡ và giàu dinh dưỡng.

Thành phố Hồ Chí Minh đã được xếp vào top 20 điểm đến có ẩm thực ngon nhất thế giới theo bài báo của VnExpress. Đây là minh chứng rõ rệt cho sức lôi cuốn của ẩm thực Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Nếu Việt Nam khai thác tốt hai điểm mạnh này - ẩm thực và bãi biển - ngành du lịch sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần khởi động những chiến dịch quảng bá mạnh mẽ hơn về ẩm thực lành mạnh và phong phú, kết hợp với việc nâng cấp và bảo vệ các bãi biển để tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách quốc tế.

Ông Ngô Đình Dũng

Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.

VỀ CẠNH TRANH HÀNG ĐIỆN TỬ GIỮA NHẬT VÀ TQ

Với ngành hàng điện tử tiêu dùng (Household electronics) thì các sản phẩm đã gần như đi vào thòi kỳ cuối của của vòng đời sản phẩm với các tính năng cơ bản. Vì thế, các nhà SX gần như phải cạnh tranh nhau trên các yếu tố phụ như Giá, bao bì/ tính năng phụ. Việc xây dựng các nhà máy ở TQ đã giúp cho các nhà Sản xuất TQ đạt tới mức chi phí SX thấp nhất do quy mô rồi, ngoài ra, do tính tương đồng về trình độ tiêu dùng (đi trước NTD việt nam khoảng 5 năm) nên các nhà SX TQ lại lần nữa có thêm lợi thế cạnh tranh về việc đưa các mẫu mã thành công sang các TT như VN. Các thương hiệu Nhật giờ chỉ còn uy tín về độ bền sp và dịch vụ bảo hành, nên để cạnh tranh ở thị trường VN thì việc đặt hàng OEM, chọn lựa những mẫu sp nào thành công ở TT TQ để đưa sang bán ở VN là 1 chiến lược đúng đắn, đạt hiệu quả kinh doanh.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

VỀ VIỆC XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ XANH CHO NỀN KINH TẾ

Có ít nhất là năm bộ chỉ số phát triển bền vững đang được áp dụng tại Việt Nam, theo các chuyên gia về phát triển bền vững. Trong đó, có Chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), chỉ số hài lòng của khách hàng (CSI), bộ chỉ số GRI của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) có trụ sở tại Hà Lan và bộ chỉ số VNSI của Sàn chứng khoán Việt Nam (HOSE).

Và ngay với bộ chỉ số VNSI, theo đại diện của sàn HOSE, thì trong khoảng 400 công ty niêm yết trên HOSE thì sàn chọn ra 100 công ty tốt nhất cho chỉ số VN100, rồi từ 100 công ty mới ra được chỉ số VNSI20 từ 20 công ty thực hành tốt nhất các báo cáo phát triển bền vững.

Nhưng bước ra khỏi Việt Nam, có hơn 600 khuôn khổ hay tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trên toàn cầu. Có đến 150 công ty hay tổ chức toàn cầu cung cấp bộ chỉ số ESG như GRI, MSCI, S&P, Bloomberg… Có những doanh nghiệp khổng lồ như Tesla bị S&P đánh bật ra khỏi bộ chỉ số, hoặc MSCI lại nâng hạng thị trường của McDonald’s.

Gấp rút ra nhanh bộ tiêu chí xanh mới cho nền kinh tế và không hoàn toàn chú ý đến năng lực tuân thủ và báo cáo sẽ là thất sách. Bởi thị trường sẽ có thêm một bộ tiêu chí quá mới mẻ (với hàng trăm tiêu chuẩn và thước đo) và thêm nhiều công ty dịch vụ báo cáo tiêu chuẩn. Trong khi đó, các hãng tư vấn nói chỉ cần doanh nghiệp báo cáo khoảng 20 tiêu chuẩn mà họ cho là mình cần tối ưu hóa.

Giữa thời loạn các bộ ESG thì mọi người cần “anh hùng dẹp loạn” hơn là người phất cờ, tham gia khởi nghĩa.

Bà Nguyễn Phi Vân

Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á. Đại diện cấp cao của Việt Nam tại các diễn đàn đầu tư thiên thần toàn cầu. Chủ tịch mạng lưới cấp phép và nhượng quyền Việt Nam VFLN.

VỀ CẠNH TRANH HÀNG ĐIỆN TỬ GIỮA NHẬT VÀ TQ

Năm 2015 khi đi công tác ở Dubai, tôi đã ghé thăm trung tâm xúc tiến hàng Trung Quốc tại Dubai. Ở đây không thiếu bất kỳ loại sản phẩm và thương hiệu Trung Quốc nào. Mục tiêu rất rõ ràng của Trung Quốc là xuất khẩu sản phẩm và thương hiệu sau một khoảng thời gian dài bị gắn mác là “công xưởng thế giới”. Chiến lược của quốc gia này rất rõ ràng. Họ thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất để nhận chuyển giao công nghệ từ những thương hiệu lớn của thế giới. Việc biến Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới không phải chỉ để tạo ra một nền kinh tế “cheap”. Tầm nhìn của họ là tạo ra công xưởng thế giới để học hỏi, tiếp nhận, ứng dụng tất cả những công nghệ tiên tiến nhất từ thế giới đổ về. 

Sau khoảng thời gian này, họ có chiến lược rất rõ ràng về việc xây dựng thương hiệu và sản phẩm made-in-China, đưa giá trị sản phẩm lên một tầm cao mới và dần dần nâng cao vị thế của sản phẩm và thương hiệu Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Đó cũng là lý do vì sao công xưởng thế giới giờ đây không còn là Trung Quốc nữa mà chính là các quốc gia kém phát triển hơn như Indonesia, Việt Nam, Myanma…. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một quốc gia cực mạnh về sản xuất như Nhật Bản lại phải đi học hỏi từ Trung Quốc. Nhật Bản đã trải qua thời kỳ huy hoàng hậu chiến tranh thế giới thứ hai và xây dựng nền kinh tế dựa trên sức mạnh nội tại và tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, sự mở rộng, đón nhận và du nhập tinh hoa thế giới của Nhật Bản thì không thể nào so sánh được với Trung Quốc. Nơi nào hội tụ tinh hoa, nơi đó đương nhiên sẽ phát triển mạnh, nhanh và cập nhật hơn. Việc một công ty Nhật tuyên bố sẽ học tập từ cách làm của Trung Quốc, theo tôi là một điều tích cực đối với Nhật Bản. Với tư duy mở, tinh thần học hỏi đúng cách của start-up, luôn suy nghĩ và học hỏi như khi mới bắt đầu, tôi cho đây là một tín hiệu cực kỳ tốt đối với sự chuyển hướng và hành trình phát triển mới của Nhật Bản

Danh sách các bài viết gần nhất: