HỘI NGỘ VUI CẦN THƠ - ĐỒNG THÁP GIỮA SÀI GÒN

HỘI NGỘ VUI CẦN THƠ - ĐỒNG THÁP GIỮA SÀI GÒN

Đang theo dõi Diễn dàn IIBF đến hồi sôi động, bỗng thầy Dương văn Ni, ngồi cạnh tôi, đứng bật dậy lặng lẽ bỏ ra ngoài. Tôi có ý chờ. Một lát, thấy zalo xuất hiện 2 tấm ảnh. Thở phào. Người chụp ảnh, Hoàng Tuyên, sếp văn phòng BSA ở Cần Thơ gửi ảnh vừa chụp với chú thích ngắn: Gặp nhau rồi nha chị.

Hiểu ra, tôi mừng. Ông thầy ở Cần Thơ. Khoa-xơ-mướp thì ở Đồng Tháp. Tối qua, Khoa nhắn là sáng sớm Khoa “bay” qua Cần Thơ, dành một ngày đi thăm thầy để nghe và hiểu về…cỏ năng tượng. Tôi báo tin là cả thầy lẫn người mai mối cho cuộc gặp, anh Hoàng Tuyên đều sẽ đi dự Diễn đàn IIBF ở Sài Gòn.

Sau chuyến đi Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu…thăm và thấy tận mắt sản phẩm từ “cỏ năng tượng”, hiểu về giá trị lớn của loại cây đối phó biến đổi khí hậu, tạo thu nhập tốt cho nông dân đồng bằng, tôi tìm đến HAWA để giới thiệu cho họ loại nguyên liệu mới này. Quá mừng khi gặp anh Nguyễn Chánh Phương thông báo Hawa đã nghe về loại cây này và HAWA đã đưa vô chương trình là tìm hiểu để khai thác như nguyên liệu mới cho hội viên.

Rồi hôm ở SIAL Thượng Hải, tôi đã nghe Khoa, tức Đỗ Đăng Khoa, giải nhất cuộc thi Khởi Nghiệp Xanh 2023 với dự án “Kết nối con người với tự nhiên”, có tham gia hội chợ này, kể về chuyện trồng mướp lấy nguyên liệu. Tôi có giới thiệu với Khoa về cây năng tượng. Và rồi Khoa hẹn là đã sắp xếp được đi Cần Thơ gặp thầy Dương văn Ni.

Đọc bộ slide có tên “Câu chuyện về Cỏ Năng Tượng” đầy ắp thông tin mà thật dễ hiểu dễ nhớ của Tiến sĩ chuyên về đa dạng sinh học ĐBSCL, tôi bị hút vào ngay slide đầu tiên: bản đồ 3 vùng nước khác nhau của đồng bằng. Câu chuyện sinh thành và trưởng thành, trở thành nguyên liệu hái ra tiền cho nông dân của cây năng tượng, anh Ni cô đọng trong cũng chỉ một slide thật là hay. Anh buông một câu cuối: trồng cỏ mà đủ gạo ăn, một câu ngắn gọn nhẹ nhàng mà suốt 20 năm thầy theo đuổi từ khi phát hiện ra loại cây với tính năng có một không hai này, trải qua không biết bao nhiêu chặng, đến 2022 mới ra được thị trường.

Lúc ngồi trong nhóm thảo luận về những giải pháp sáng tạo đối phó với biến đổi khí hậu, anh kể một chuyện nhỏ đáng suy nghĩ. Tham gia nhiều nhất là các chị nông dân lớn tuổi, ngồi nhà mùa nông nhàn cũng làm được nhiều sản phẩm thật khéo xuất khẩu. Trong số rất nhiều loại sản phẩm, mỗi năm, họ làm được 1 triệu cái rổ, là đã thay được 1.000 tấn nguyên liệu nhựa.

Trung bình mỗi năm, các HTX năng tượng xuất được 200 ngàn sản phẩm qua Úc. Khi nghe tôi nói số liệu này, một viên chức ngoại giao Úc nói, vậy là giảm được 200 tấn vật liệu không thân thiện với môi trường, có lẽ chúng tôi nên tài trợ 500 nghìn đô la cho dự án này để tăng năng suất, thêm lợi ích cho người nông dân.

Anh Ni sau đó nói với tôi, giọng rất vui là đại diện lãnh đạo Hiệp Hội chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ HAWA gần đây đã đến Cần Thơ, cũng đã đi thăm các vùng cỏ năng tượng này và đã bàn với anh là sẽ cùng các nhà sản xuất, các HTX tính chuyện chế biến các loại vật dụng như đồ chèn hay lót trên bàn, đồ đựng sản phẩm trang trí phòng khách, các vật dụng bằng nhựa có gỗ, ghế tài xế ô tô, ghế phòng họp, cả làm ván okal hay phân bón…

Mục đích của Diễn đàn IIBF là khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, và đi vào thực chiến để nâng hiệu quả kinh doanh. Bài tôi nói giới thiệu về Diễn đàn trên chuyên mục “5 phút-Chuyện thị trường trên kênh Tiktok mới đây nhận được nhiều góp ý, trong đó có một câu tôi tâm đắc: “tôi đồng ý với chị Hạnh, cái gì doanh nghiệp thấy khó thì BSA càng phải “xông pha” vô và khuyến khích, đồng hành giúp doanh nghiệp. Quả thực thời gian qua, nhiều DN tâm sự, công nghệ mới, chuyển đổi kép thì DN cũng biết là cần thiết nhưng vẫn thấy khó về kỹ thuật, vì tốn kém, tăng chi phí, sợ là sẽ càng khó bán hàng giữa lúc sức mua lại đang rớt.

Rõ ràng IIBF cũng đang nhắm hướng phải… xông pha này, mời các chuyên gia, nhà khoa học và cả các doanh nghiệp đã thực chiến thành công đưa ra các phân tích thật sát thực tế và các giải pháp thiết thực cho các DN vừa và nhỏ để họ tính chuyện “lâm trận”. Chứ chuyện đổi mới công nghệ, chuyển đổi kép nay đã là xu hướng lớn thì…né đi đâu rồi cũng đụng tường…

Nhưng khi xông pha, chúng ta nhận ra đã có những cuộc “chiến đấu” thầm lặng hơn 20 năm như thầy Ni vẫn đã diễn ra rất lâu Nay có thêm chất xúc tác mạnh là các doanh nghiệp đã “thực chiến thành công” nhảy vào thì hành trình càng hứa hẹn khi đuổi theo xu thế đổi mới công nghệ tốc độ nhanh thần sầu hiện nay.

Danh sách các bài viết gần nhất: