BÍ QUYẾT BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

BÍ QUYẾT BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Ác mộng có thật giữa ban ngày ở thị trường Trung Quốc (TQ). Con người tự dưng bị mất tên tuổi, thành một cái bóng vô danh tính sống như chết giữa đời? Mất thương hiệu của doanh nghiệp, của sản phẩm, còn ghê gớm hơn, vì ngoài nỗi đau tinh thần, còn có những thiệt hại vô song về vật chật không tính đếm được.

Người Việt Nam nói chung vốn yếu kém hơn người TQ về kinh doanh. Qua lời kể chí tình của một người 30 năm lăn lộn và phát triển ở thị trường này, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CT Vinamit, tôi tự đúc kết về máu kinh doanh của họ qua 3 chữ T: Thiên bẩm, tố chất và thời gian.

Từ khi vừa biết nghe biết nói, trẻ con TQ được cha mẹ cho ngồi tham dự những cuộc bàn tính về kinh doanh (không phải bàn luận, là bàn tính). Từ đó, họ hiểu, nắm vững và từng trải kinh doanh nhờ giáo dục gia đình, điều này thành một “tố chất” nơi họ và trong phần lớn cuộc sống họ, thời gian học và lắng nghe, tiếp thu chuyện kinh doanh có thể kéo dài từ sáng đến tối, rồi từ tối đến sáng miên man bất tận.

Điều rủi ro mà người Việt Nam bị bất ngờ nhất khi vào làm ăn ở TQ là mất thương hiệu. Có khi họ thông qua người quen, qua thân cận với người trong gia đình, họ nắm được chuyện làm ăn của gia đình và họ thấy  sản phẩm nào bán chạy thấy có triển vọng là ngay lập tức, họ đăng ký bảo hộ.

Về pháp lý, từ đó, họ là chủ thương hiệu đó, không phải mình nữa, trên thị trường TQ.

Và thiệt hại thì khó kể xiết. Ông Nguyễn Lâm Viên kể: ngay cả khi mình kinh doanh đã ổn định ở TQ, bỗng một hôm, chủ siêu thị hạ hàng của mình xuống, đưa hàng (giả hàng) mình lên, ngang nhiên với tên chính hàng mình. Họ có giấy tờ hợp pháp và mình thành hàng giả. Tôi đã bỏ ra 4 năm trời, đến các cấp tòa theo đuổi vụ kiện đến cùng, mòn mỏi rồi mới thắng. Thậm chí cái tên quán cà phê Regina là nơi tôi mở để dạy các cháu thiểu năng kinh doanh và toàn bộ tiền lời đều làm công tác xã hội hết, nghĩa là quán không nhằm mục đích kiếm lời như mọi cuộc kinh doanh bình thường, cũng bị họ đăng ký luôn. Và còn bất ngờ hơn, một ngày nào đó, sản phẩm của họ (giả thương hiệu mình) được bán ở Việt Nam với giá chỉ một nửa của mình với tư cách là hàng nhập có bảo hộ thương hiệu ở TQ!

Nên lời khuyên của tôi là: “hãy đăng ký bảo hộ ngay” khi thương hiệu của bạn ra thị trường, bán được, đừng chần chợ, dù ngay lúc đó, bạn chưa có ý định bán hàng ở TQ. Chị phí không nhiều, nhất là nếu so với chi phí to lớn bạn phải dùng để “mua lại” chính thương hiệu mình hay đi kiện thưa đòi lại.

Bạn cũng có thể bắt đầu thâm nhập vào thị trường này bằng cách gia công cho họ. Rồi làm sản phẩm với tên khác và thử chọn hội chợ nội địa của họ, tham gia để tự đánh giá triển vọng sản phẩm của mình để dần dần đầu tư đúng mức cho thương hiệu.

Có những trường hợp mà những cái tên hấp dẫn đã bị họ bảo hộ như hai chữ SÀI GÒN. Để tạo ấn tượng sản phẩm là hàng Việt Nam “xịn”, họ hay dùng tên Sài Gòn. Dọc biên giới Đông Hưng (đối diện Móng Cái, Quảng Ninh, Việt Nam) họ bán nhiều hàng của họ nhưng mang danh Sài Gòn như dép Sài Gòn, bánh phu thê Sài Gòn và nhất là cà phê Sài Gòn, vì cà phê đang là thức uống tăng trưởng nhanh trong giới trẻ TQ. Thậm chí, họ còn mở quán cà phê trang trí tương tự như cà phê Trung Nguyên legend và treo bảng quảng cáo cà phê Sài Gòn khắp các trung tâm thương mại lớn ở Đông Hưng.

Và cùng với “phỗng tay trên” hay “tiên hạ thủ vi cường” trong hành vi đi đăng ký chính thức bảo hộ thương hiệu, họ còn có những tính toán khôn khéo để cũng cố thương hiệu. Ví dụ, biết tâm lý người TQ cũng sính hàng ngoại, họ mở nhà máy ở Việt Nam, lấy tiếng sản xuất ở VN (thực chất là đóng gói bán thành phẩm, dán nhãn rồi nhập ngược vào TQ) để dân TQ tưởng là sản xuất ở VN thực sự. Có ngành khác, như kẹo dừa (Bến Tre) họ tổ chức nhà máy sản xuất thật ở Việt Nam, nhập vào TQ, thành ra như sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam mà họ làm chủ thương hiệu.

Cay đắng hơn, có trường hợp qua tận TQ đòi lại được thương hiệu của mình thì rồi cũng không còn kinh doanh được nữa vì họ qua VN, tổ chức mua nguyên liệu, mở nhà máy sản xuất tại VN và bán tại nội địa VN cũng như xuất trở qua TQ. Có trường hợp họ lấy vợ Việt Nam, hình thành chuỗi sản phẩm sản xuất ở VN, thương hiệu VN (mà chủ là người TQ) đúng câu “của chồng công vợ”!

Hiện nay nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kể cả của các bạn khởi nghiệp mà sản phẩm đã đứng được trên thị trường, đã xuất khẩu một số thị trường khó tính như Nhật, Hàn quốc…khi chủ CT qua dự hội chợ ở TQ cũng được người tiêu dùng TQ quan tâm, hỏi ra thì một số đã bị bảo hộ thương hiệu, tức đã bị chiếm đoạt thương hiệu rồi.

Công ty phân phối của Vinamit thành lập ở Quảng Châu từ lâu và nay hoạt động trên toàn quốc Trung Quốc vừa rồi đã thành lập một nhánh hoạt động để “bảo vệ thương hiệu Việt Nam” để giúp các DN Việt Nam kiểm tra tình hình sức khỏe thương hiệu mình và bảo hộ giúp cho DN luôn. Với các DN Việt Nam, đó là một sự giúp đỡ kịp thời. Luật sư TQ có thể thông báo ngay thực trạng tình hình thương hiệu đã bị chiếm đoạt chưa, nếu đã, thì phải giải quyết ra sao, đi kiện hay chọn tên khác và đăng ký ngay?

Lời khuyên “Hãy bảo hộ thương hiệu ngay”, khi thực hành cũng phải nhanh và cẩn trọng. Nhưng dù cẩn trọng thì cũng phải thực hiện tức khắc vì kinh nghiệm đau thương của nhiều trường hợp chậm chân đã quá rõ rồi.

Danh sách các bài viết gần nhất: