NGÀY 21/6, XIN KỂ CHUYỆN “TÔI (VẪN ĐANG) ĐI HỌC LÀM BÁO”.

NGÀY 21/6, XIN KỂ CHUYỆN “TÔI (VẪN ĐANG) ĐI HỌC LÀM BÁO”.

Thực sự là học, không phải ví von. Tôi thực sự nghĩ vậy, thâm thía vở lẻ (là từng tuổi này, bấy nhiêu tuổi nghề), tôi vẫn thấy hạnh phúc được đi học làm nghề mỗi ngày. Nên bảo sao mà tôi không mê nghề và siêng học

Lắng nghe, tìm hiểu và hiểu sâu, tôi “ngộ” rằng mình khám phá ra được rất nhiều điều từ cuộc sống, từ nền kinh tế, từ cuộc cạnh tranh thương trường, nơi tôi học mỗi ngày để kể lại mỗi ngày chỉ 5 phút, 5 phút chuyện thị trường.…

Mà chỉ mấy câu chuyện gần đây nhất thôi để không quá dài dòng .

1/ Hôm sáng ngày 14/6/2024, tôi nhận được điện thoại và tin nhắn rủ tôi ra Vĩnh Phúc dự cuộc thi (?) các dự án khởi nghiệp của sinh viên các đại học-cao đẳng nông nghiệp miền Bắc. Khi ấy, tôi đã cầm trên tay vé bay đi Đà Năng dự Lễ trưởng thành của các học viên lứa đầu của trường Hope. Lời mời đi Vĩnh Phúc lại đến từ người bạn tôi rất quí, thêm 3 “yếu tố” mà tôi bị thu hút: Người trẻ. Khởi nghiệp. Nông Nghiệp.

Vậy là tôi đổi vé bay ngay tối đó, đi Hà Nội để ra thẳng Vĩnh Phúc. Ngồi nghe 5 dự án thi khởi nghiệp về các đề tài thật thời sự: Cung cấp sản phẩm tẩy rửa từ nông sản. Sản xuất thức ăn gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp. Sản xuất cà phê Trầm Việt, mận trái mùa Mộc Châu, mô hình nuôi cá kết hợp trồng rau thủy canh, Du lịch nông nghiệp-văn hóa Bắc Giang.

Tôi nghe và ghi chép kĩ. Thấy mình học được một điều mới: Vấn đề kiến thức thị trường. Các dự án viết công phu, có đầu tư và đầy tự tin vì hiểu việc mình đang làm nhưng hầu như các tác giả chưa nghiên cứu đủ về thị trường, ngành hàng mà các bạn khởi nghiệp. Chia sẻ sự sôi nổi với cà phê trầm Việt, giống Arabica, tôi kể các bạn nghe về món CF đang bán tốt ở các quán sang trọng Sài Gòn, Cascara, mà bạn doanh nhân rất “sáng tạo đột phá” của tôi là Phan Minh Thông đã tung ra thành công, sau khi “dám” mở nhà máy chế biến CF Arabica đầu tiên tại Sơn La (Robusta vẫn là giống CF chính ở Việt Nam). Tôi nghĩ tôi phải “mai mối” cuộc gặp giữa anh Thông và các bạn. 

Ở dự án làm thức ăn chăn nuôi bằng phụ phẩm nông sản (vỏ dưa, dưa leo, măng cụt…) các bạn nói mình đang muốn làm cám viên độc quyền và nhắm tới thị trường xuất khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản, tôi hỏi, các bạn đã nghiên cứu thị trường mục tiêu Hàn, Nhật chưa? Còn ở dự án nuôi cá, trồng rau thủy canh, tôi hỏi các bạn bán sản phẩm hay bán giải pháp và cung cấp thông tin về “phong trào” này ở TPHCM và cả thông tin mới nhất về hình thức trồng cây thẳng đứng ở Singapore và nhiều nước, đối phó Biến đổi khí hậu.

Với các bạn trồng vải thì đúng là tôi gặp món “ruột”, tôi kể ngay kinh nghiệm đấu giá những “cụ vải” hay những cây cổ thụ “vải tổ” mấy trăm năm tuổi rất khôn ngoan của nông dân Trung Quốc…

Tôi học được rằng, tình thế đó, tôi nên kết nối các dự án khởi nghiệp ít nhiều tham vọng ở đây với một hoạt động hết sức nền tảng là nghiên cứu thị trường mà BSA vẫn hướng dẫn các dự án “Khởi nghiệp Xanh”. Tức là: phải đưa các chuyên gia nghiên cứu thị trường đầy kinh nghiệm “thực chiến” từ Sài Gòn đến với các bạn ở đây, để hai bên cùng học nhau.

 2/ VỚI MỘT DOANH NHÂN NỔI TIẾNG NGÀNH XUẤT KHẨU GỖ.

Tôi học được rằng ngành này làm ra tới 6 tỷ USD năm 2023, con số ấn tượng nếu so với các ngành tỷ đô khác của nền xuất khẩu VN. Và thật thú vị,  người chủ tịch Hiệp Hội chế biến gỗ với thành tích lẫy lừng đó, lại vẫn đầy tâm tư, muốn kêu oan, rằng ngành này không hề “phá rừng lấy gỗ” đổi đô la, đơn giản vì nguyên liệu họ dùng phải là gỗ có chứng nhận là gỗ rừng trồng (nhập khẩu). Và tôi hiểu thêm, họ cạnh tranh với thế giới thì đối thủ của họ lại đang kinh doanh ngay tại Việt Nam từ hàng hai mươi năm qua, mà sản lượng của họ chiếm tới 50% tổng sản lượng xuất, với tới 70% là hàng cao cấp, giá trị gia tăng cao trong lượng gỗ họ xuất. Giới trẻ ngày nay đang thay đổi thị hiếu về hướng chuộng gỗ bền vững (tức gỗ khai thác theo cách bảo vệ môi trường) chứ không ưa thích những thứ gỗ “bền vững” tính theo thời gian truyền đời lâu năm mà ông bà giàu có để lại gỗ quí làm của cho con cháu.

3/VÀ MỘT DƯỢC SĨ THÀNH CÔNG VỚI “THUỐC TỪ DƯỢC LIỆU” VẪN CÓ NHIỀU ƯU TƯ…

Chị Phạm thị Xuân Hương là một phụ nữ học giỏi, giỏi nghề và đầy sáng tạo đang lèo lái công ty dược liệu OPC là một doanh nghiệp qui mô lớn, bề dày 47 năm kinh nghiệm, nhiều mặt hàng nổi tiếng mà vẫn thiết tha thay đổi “vận mệnh” của thuốc Nam “nhà quê”, giá rẻ… Hiểu rằng những viên thuốc “thảo dược” nhà quê đó là thành quả của cả một công trình gian nan và là thứ thuốc cần suốt đời cho các thứ bệnh mãn tính để chăm sóc, hỗ trợ dài hạn, không tác dụng phụ nhưng lại không được quản lý bằng tiêu chuẩn (vì thế giới chỉ có tiêu chuẩn cho thuốc tân dược - tức thuốc bào chế từ hóa dược - trị bệnh cấp tính) và phải trải qua một quá trình rất dài, làm thành một chuỗi giá trị phức tạp, từ trồng nguyên liệu (nuôi một vùng nguyên liệu đòi hỏi phải liên kết với dân chứ ngành dược đâu phải nông dân, phải tốn biết bao chi phí, công phu từ chọn gen cây, chất đất, nuôi dưỡng cây…) rồi thu hoạch, chế biến và bán ra trong “định kiến” lâu đời của người dùng với thuốc dược liệu. Số phận của nó còn nhiều “hẩm hiu” từ kiểu nghĩ, đó là “thuốc Nam” làm từ cây cỏ, cứ cắt lá phơi khô, bắc lên bếp, 3 chén xắc còn 7 phân…

Tôi nghe và hiểu sâu thêm điều chị Xuân Hương nói, cái khó và sự đòi hỏi nghiêm túc người làm nghề dược liệu đã và đang hết sức khắc nghiệt, họ phải xây dựng niềm tin bằng cách chứng minh khoa học để khẳng định giá trị thật của thuốc.

Ít người biết rằng cuộc nghiên cứu về các hoạt chất, cách chiết suất và định lượng các hoạt chất này trong công thức bào chế từng loại theo công dụng cũng rất nghiêm ngặt, công phu, đòi hỏi tuân thủ độ chính xác, đòi hỏi hiểu sâu về nguyên liệu, về công thức bào chế...

Rồi nghĩ lại, chúng ta vẫn thường theo quán tính: ca ngợi thiên nhiên ưu đãi Việt Nam, đất đai thổ nhưỡng ban cho nhiều loại thảo dược quí nhưng về hành động - một chuỗi dài rất công phu, nhiều tâm sức và tiền bạc cùng những thử thách của khai phá - để biến những món bảo vật quí từ thiên nhiên thành vàng thì đến nay, vẫn nói là chính và nhận thức nhiều hơn hành động.

 4/ ĐẾN CHUYỆN TRỒNG SẦU RIÊNG THEO PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC.

Không vẻ vang tới 16 tỷ đô như xuất khẩu gỗ, nhưng sầu riêng vẫn đủ sức làm nên cơn sốt dai dẳng đến thay nhau chặt các thứ cây từng làm Việt Nam nổi tiếng như cà phê, tiêu, điều, cao su… và nay vẫn thu hút bao người lao vào. Những huyền thoại tôi thường nghe: chỉ đầu tư số vốn kha khá ban đầu, rồi cứ để đó đến mua thu hoạch là hái ra vàng; Bán sầu riêng đi Trung Quốc cứ đắt như tôm tươi, loại nào, giá nào cũng bán được, dân Tàu cũng ăn hết…

Không đến nỗi tin vậy (đời đâu dễ thế) nhưng tôi cũng bị trợn mắt ngạc nhiên khi hiểu rằng để trồng được sầu riêng đủ 5 vị, ngon và lành, tốt cho sức khỏe người dùng, cũng phải học tới “xói đầu” mới chạm tay thành công một cách có bài bản và bền vững.

Cho tới khi tôi được bạn trẻ kinh doanh nông sản Mai Thanh Thái giới thiệu với bác sĩ Huỳnh Quới, giờ đã là chuyên gia về trồng sầu riêng sau nhiều thất bại, xách túi đi học từ đủ vị trí. Nay anh thành “thầy thuốc trị bệnh sầu riêng”, đang ra tay cứu độ cho biết bao nhà vườn đang trên dà sụp đổ…

Tôi ngồi kiểu gần bệt dưới đất, nghe anh kể về quá trình làm phân bón vi sinh và hệ vi sinh vật để chuyển hóa đất (thay vì dung thuốc diệt cỏ) cho đến chăm sóc lá, hoa, trái đến tổ chức vườn cây… tôi thấy lòng hồ hởi vô song, vì té ra tò mò đi chơi mà…học được nhiều quá. Vì mọi điều anh nói đều từ nghiên cứu, thử sai, thực chiến. Thú vị nhất là… chăm sóc vườn cây ngay sau thu hoạch, như người sản phụ yếu đuối cần dinh dưỡng đúng cách để phục hồi sau khi sinh. Trời, chăm cây sau thu hoạch, nâng niu, cưng chiều mà phải đúng cách thì chỉ có ông bác sĩ Huỳnh Quới…


Chỉ có 4 câu chuyện mới xảy ra, tôi đã “chứng minh” là mình có cơ hội học hỏi quí biết bao nhiêu, và kết quả chỉ còn tùy vào sự  siêng năng học của mình. Gắng siêng thêm một chút mà học được bao điều hay trong cả túi khôn của vũ trụ.

Cám ơn những ông thầy đã đành, tôi cũng cảm ơn Maybe đã tạo cơ hội cho tôi gặp biết bao doanh nhân qua chương trình 5W1H Podcast, được nghe những câu chuyện về đời kinh doanh của họ. Mấy khi họ ngồi kể thật chân thành, thiết tha suốt hai-ba giờ liền như vậy, dù có khi tôi chơi thân với họ hàng ba chục năm?

Danh sách các bài viết gần nhất: