BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (1/7 - 7/7/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (1/7 - 7/7/2024)

7/7/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về các chủ đề như cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng trên thị trường sầu riêng Trung Quốc cũng như cách Thái Lan xây dựng vị thế trong cuộc đua, câu chuyện về những người Việt đang lao động hết mình để phát triển thương hiệu sầu riêng Việt Nam, hay những niềm vui của tôi khi thấy những doanh nhân trẻ đang sẵn sàng cất cánh, hay ghi nhận sau một buổi chia sẻ về kể chuyện cho doanh nghiệp trong tuần, và sau cùng là những sự thật ngỡ ngàng của văn hóa thời trang nhanh từ chuyên gia Nguyễn Phi Vân.

7 ĐIỀU NGỠ NGÀNG VỚI THỜI TRANG NHANH.
Mấy năm trước, tôi cũng đã quan tâm đến vần đề thới trang nhanh và tôi có viết một bài về 7 sự thật ngỡ ngàng của văn hoá thời trang nhanh (fast fashion) và tác hại của nó đối với môi trường. 7 yếu tố ngỡ ngàng bao gồm...Đọc thêm

STORRY-TELLING NGHĨA LÀ… HIỂU ĐỂ THƯƠNG ?
Bài nói chuyện sáng nay, thứ bảy 6/7/2024, của mình là bài thứ tư (mỗi tháng một bài) với nhóm các CEO xuất sắc tham gia chương trình Go Global nhằm đào tạo các leader sẽ nhượng quyền ra thế giới. Ba bài trước là : Xây dựng thương hiệu cá nhân- Rèn kỹ năng viết- Rèn kỹ năng nói và sáng nay, story-telling, là bài mình cần ít thì giờ chuẩn bị nhất mà trình bày lại lai láng, đầy cảm hứng...Đọc thêm

RỘN RÀNG CẤT CÁNH
Hôm qua, thứ sáu cuối tuần, tôi bắt đầu gom góp "tài sản" tích trữ được trong tuần để viết bài tổng hợp. Vui lắm, vì mở ra những mảnh ghép đã “đóng băng cảm xúc” này là sống lại thật nhanh những giây phút rộn rã đáng nhớ.
Mà sao cuối tuần này tôi quá may....Đọc thêm

SẦU RIÊNG: BÍ QUYẾT GIỮ NGÔI ĐẦU CỦA NGƯỜI THÁI
Theo dõi báo chí Thái Lan, đọc những tin vể các cuộc ruồng bố của cảnh sát, mang cả xe tải đi theo, đột kích vào những vườn sầu riêng Thái khi nhận được tố cáo là nông dân cắt trộm sầu riêng non (chưa đủ tuổi) tôi ước mình được “đột kích” vào các cuộc đột kích này, xem họ xử “tôi phạm” sầu riêng ra sao....Đọc thêm

NHÀ ĐẦU TƯ "TÀI TỬ" & MÙA SẦU ĐẦU TIÊN
Tôi buông 2 chữ "tài tử" xuống dòng đầu stt mà hơi lựng khựng. Trước khi biết tới phương thức canh tác của nhóm bạn Huỳnh Quới, tôi dễ dàng tin như mọi người hay nói, có tiền đâu tư trồng sầu, cứ mua đất, thuê 1 người giữ vườn là đúng ngày tháng đi thu hoạch ngon lành. Gặp Kha (Nguyễn Minh Kha, một trong những nhà sáng lập "nhạc của tui", nay Kha mở công ty Blisser) và được Kha đưa đi thăm vườn, nghe anh nói chuyện trần ai "thở theo nhịp sống sinh lý của sầu" , tôi đổi cách nghĩ....Đọc thêm

HƠI NÓNG PHẢ VÀO CUỘC CANH TRANH "TAM QUỐC" XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG SANG TRUNG QUỐC
Indonesia vừa công bố một kế hoạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc rất quyết liệt đọc khá sốc. Indonesia cho biết muốn đạt 25-40% thị phần nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc (trị giá 1,5 tỷ USD) và đẩy mạnh đến con số kỷ lục đạt doanh số 8 tỷ USD. Điều này có nghĩa cuộc cạnh tranh "tam quốc" giữa hai đối thủ chính là Thái Lan, Việt Nam và Malaysia nay sẽ thêm Indonesia...Đọc thêm

BA NGƯỜI BẠN TRỒNG SẦU TÔI GẶP TRÊN ĐỈNH MADAGUI
Sáng nay, một tin nhắn kèm mấy tấm ảnh làm tôi giật mình, chị Hạnh ơi, hôm qua đã xuất hết sầu vườn nhà tôi rồi đây chị. Tôi chắc lưỡi, vậy rồi mình hẹn nhau sáng ngày mốt lên vườn anh xem cắt sầu mà anh đã cắt sớm vậy?
Sáng mốt, một đoàn doanh nông trẻ sẽ đi thăm vườn ông Quới ở Tây Ninh. Anh nói, chúng tôi vẫn đợi mọi người đến thăm vườn....Đọc thêm

SƯ MINH TUỆ - KHEN CŨNG THẾ MÀ KHÔNG KHEN CŨNG NHƯ THẾ !
Cuộc trò chuyện giữa đường rất tự nhiên của anh Nhân (Nhân Gà Vlogs) với sư Minh Tuệ đã được anh ghi hình trong cuốn băng video dài 90 phút. (Bài ghi lại thành văn bản ở đây là của chị Phạm Hiền Mây dài tới 6.000 chữ). Dài vậy mà thú thực tôi đọc hết vẫn thấy ngắn. Và video này đã nằm trên youtube hơn năm qua. Anh Nhân Gà Vlogs đã hỏi sư Minh Tuệ hầu hết những điều mà mỗi người trong chúng ta đang thắc mắc hay đang chưa rõ. Và sự Minh Tuệ trả lời hết...Đọc thêm

10 KIỂU CHẾ SẦU, THIỆT NGON, THIỆT NGẦU !
Thông tin tôi nhận được thiệt là lý thú, nó hot, ngọt, béo, thơm, dù “tâm hồn ăn uống” của tôi chỉ vừa vừa (hoàn cảnh lắm, phải ngoảnh mặt đi vì nó ngon khó cưỡng, đã ăn thì khó…ăn ít) nhưng cân nhắc một hồi, tôi nghiêng về phía cứ tường trình để mọi người hình dung độ ghiền và sáng tạo của thị trường số 1 thế giới món này. Và còn vì nghề "kể chuyện thị trường" nữa, sức nóng cạnh tranh của thị trường nó phả vào gáy ngày càng nóng quá, nóng dãy nên mình phải kể...Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

NHIỀU CHUYỆN THỜI SỰ LIÊN QUAN CÁC SÀN TMĐT

Shopee thừa nhận vi phạm luật độc quyền ở Indonesia, đối với dịch vụ chuyển phát nhanh ở đây. Ngày 26/6, Cơ quan chống độc quyền Indonesia (KPPU) cho biết Shopee thừa nhận sai và phải điều chỉnh. KPPU cho rằng từ tháng 3/2021, Shopee đã ngừng liệt kê một số nhà cung cấp dịch vụ giao hàng mà họ đã sử dụng trước đó, khiến khách hàng chỉ còn 2 lựa chọn. Một trong 2 công ty (CT) dịch vụ này có giám đốc điều hành của Shopee Indonesia nằm trong Ban giám đốc (BGĐ)

Các sàn TMĐT đồng loạt nâng cấp chính sách lấy lòng người tiêu dùng (NTD). Nội dung xoay quanh việc kéo dài thời gian đổi trả hàng hóa, cập nhật một số biểu phí mới và tính năng mới giúp tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm, kinh doanh trên sàn TMĐT

Ví dụ, TikTok Shop Mall cho phép người mua trả hàng trong vòng 15 ngày và người bán phải chịu phí vận chuyển nếu do lỗi của người bán. Lazada cũng ràng buộc thời hạn trả hàng cho các sản phẩm thuộc kênh Choice và gian hàng LazMall là 30 ngày từ tháng 2-2024.

Tiki còn mạnh bạo hơn khi không chỉ cho phép đổi trả hàng hóa trong 30 ngày, mà còn hỗ trợ đổi trả trong 365 ngày cho các sản phẩm là Thiết bị số - Phụ kiện số, Điện gia dụng, kễ từ  tháng 4-2024. Shopee, còn cho phép NTD có thể yêu cầu hủy đơn hàng ở trạng thái "Đang giao", áp dụng từ đầu tháng 6 năm nay.

Hàng loạt biện pháp để nâng sức cạnh tranh đang khiến tình hình các sàn TMĐT hết sức sôi động

BẮC ÂU THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DỆT MAY, DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu cho biết tháng 2/2024, Uỷ ban Hợp tác về phát triển bền vững khu vực Bắc Âu đã họp và nhất trí đưa ra một nguyên tắc, tiêu chuẩn chung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hàng dệt may.

Mục tiêu chính: giảm khối lượng lớn hàng dệt may được tiêu thụ ở khu vực Bắc Âu.

Theo họ, ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới: gây ra từ 8-10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và dân Bắc Âu tiêu thụ hàng dệt may nhiều hơn mức trung bình của thế giới.

Dùng nguyên liệu là các loại sợi làm từ nhựa nhẹ như ni-lông, polyester và acrylic là gây ra rác thải nhựa đáng lo ngại cho môi trường.

Vấn đề lớn khác là chất thải dệt may lại được xuất khẩu sang các nước có thu nhập thấp ngoài EU để chôn lấp.

DU LỊCH LÊN ‘SÀN’: XÂY KÊNH TRÊN NỀN TẢNG SỐ, TỪ ZERO ĐẾN HERO

Tận dụng các nền tảng mạng xã hội, nhiều người trẻ tiến hành làm du lịch trên nền tảng số qua xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo nội dung về du lịch trên TikTok, quảng bá nét đẹp địa phương và thu hút được rất nhiều du khách bằng cách đăng hình ảnh đẹp và kể những câu chuyện trải nghiệm hấp dẫn, gây cảm xúc nơi du khách khiến họ quan tâm đăng ký mạnh.

Như anh Tạ Thanh Sang (quê Long An) từng "tay ngang" chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch tự do. Anh Sang cũng tìm hiểu, học thêm lớp về du lịch, đồng thời tạo thêm nhóm Camping in VietNam - Cộng đồng thích cắm trại Việt Nam trên Facebook, để kết nối với khách du lịch.

"Lúc đầu ít người biết đến nhóm mình. Mình cứ chăm chỉ đăng những bài viết, bộ ảnh, chia sẻ lại những chuyến đi trải nghiệm của bản thân nhiều hơn", anh Sang cho biết. Từ đó, báo đài quan tâm, kết nối phỏng vấn, dần dần thu hút hơn 30.000 lượt tham gia và đăng ký tour.

Anh Sang còn ứng dụng công nghệ số bằng hệ thống website booking riêng. Bán tour qua các nền tảng OTA (Klook, Traveloka, Booking...). Việc chuyển đổi số giúp tiếp cận khách hàng nhanh hơn,  cũng giúp khách hàng dễ tìm kiếm chuyến đi phù hợp hơn

NGỌN NÚI CAO NHẤT HÀN QUỐC BỊ PHÁ HOẠI BỞI MÌ ĂN LIỀN

Văn phòng Công viên Quốc gia núi Hallasan (nằm trên đảo Jeju) phát đi cảnh báo những người tham gia trekking (đi bộ đường dài) không đổ nước thừa sau khi ăn mì ăn liền xuống các dòng suối để đảm bảo "môi trường trong sạch".

Nước mì có chứa nhiều muối. Người dân trekking thường mang theo lý mì giấy để ăn trong ngày và ăn xong thì đổ nước thừa xuống suối hòa cùng dòng chảy tự nhiên chạy dọc thung lũng. Côn trùng, các loài thủy sinh bị chết dần vì không thể sống trong nguồn nước đã bị ô nhiễm.

Vào năm 2023, có khoảng 924.000 người đến thăm ngọn núi cao nhất Hàn Quốc (1.947 m).

Cùng với hành vi cụ thể như xả nước thải mì ăn liền trên núi, việc hút thuốc lá, vứt lại thức ăn thừa, rác thải, uống rượu và xâm nhập trái phép đều nằm trong danh sách hành vi cấm trên ngọn núi này.

Cá nhân vi phạm có thể đối mặt với hình phạt lên tới 2 triệu won (khoảng 36,8 triệu đồng).

MỖI TUẦN MỘT CHUYỆN MỚI VỀ AI

Đây là mục mới xuất hiện thường xuyên ở bản tin. Tuần này có 3 thông tin mới liên quan AI

CHIP AI CÓ THỂ TẠO RA HƠN 1 TỶ TẤN KHÍ THẢI CARBON

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự đoán trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2029, mức tiêu thụ điện toàn cầu sẽ đạt 153.000 terawatt giờ. Điều này có nghĩa là chip AI sẽ chiếm 1,5% lượng điện tiêu thụ trong 5 năm tới và chiếm một phần lớn trong việc tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Việc sử dụng năng lượng này cũng sẽ phát thải ra môi trường lượng khí carbon tương đối lớn.

Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Hoa Kỳ, mức độ phát thải khí carbon trung bình của lưới điện vào năm 2023 sẽ là 481gr carbon dioxide mỗi kilowatt giờ. Điều này có nghĩa là từ năm 2025 đến 2029, chip AI sẽ tạo ra 1,1 tỷ tấn carbon dioxide và lượng khí thải carbon này cần khoảng 50 tỷ cây trưởng thành để hấp thụ mỗi năm.

GIỚI CÔNG NGHỆ MỸ TÌM MUA ĐIỆN HẠT NHÂN PHỤC VỤ AI

Một loạt công ty công nghệ lớn ở Mỹ tìm cách mua điện trực tiếp từ các nhà máy hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Báo Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin khẳng định Amazon Web Services (AWS), công ty phụ trách mảng điện toán đám mây của gã khổng lồ Amazon, sắp đạt thỏa thuận lấy điện trực tiếp từ một nhà máy điện hạt nhân ở phía đông nước Mỹ với Constellation Energy - nhà cung cấp điện hạt nhân lớn nhất xứ sở cờ hoa. Hồi tháng 3, một nhánh khác của Amazon cũng đã đạt thỏa thuận mua một trung tâm dữ liệu chạy bằng điện hạt nhân tại bang Pennsylvania trị giá 650 triệu USD.

Các thỏa thuận như trên được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh đáng kể tiến độ phát triển AI trên thế giới, khi thời gian xây dựng các trung tâm dữ liệu sẽ được rút ngắn nhiều năm do không phải đợi xây dựng hạ tầng năng lượng mới.

Khi mà một lượng năng lượng lớn phải cung cấp cho ngành AI, không được hòa lưới điện chung, nước Mỹ hoàn toàn có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện. Việc các doanh nghiệp "chiếm hữu" hoàn toàn điện hạt nhân từ nhà máy có thể tác động xấu đến những mục tiêu phát triển bền vững.

TRONG KHI ĐÓ, DOANH NGHIỆP CÒN NGÁN NGẠI SỬ DỤNG AI

Theo báo cáo McKinsey & Company khảo sát 1.363 DN trên thế giới về áp dụng AI, có 72% DN đã ứng dụng công nghệ này ở ít nhất 1 phòng, ban.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, khảo sát cho thấy phần lớn DN, đặc biệt là DN quy mô nhỏ và vừa, chưa sẵn sàng, còn lúng túng khi ứng dụng AI.

Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa sắp xếp được nguồn vốn, nguồn nhân lực; gặp khó khi sở hữu dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau như Google Drive, Excel...Nhiều DN nhỏ và vừa cứ nhắc đến ứng dụng AI là nghĩ ngay đến chi phí rất cao nhưng thực tế chi phí này rất nhỏ so với chi phí chuyển đổi số và phân tích dữ liệu.

Bà Nguyễn Ngọc Lệ, đại diện Công ty CP MISA, nêu 97% DN nhỏ và vừa ở Việt Nam gặp các vấn đề khi ứng dụng AI. Thứ nhất, đa số DN lưu trữ dữ liệu ở rất nhiều file, chia thành nhiều tệp, gây khó trong việc kiểm soát tính chính xác của dữ liệu trong khi AI cần dữ liệu tập trung để phân tích.

Thứ hai, khi DN tăng quy mô, công cụ AI không thể đáp ứng nhu cầu và nếu đầu tư thêm thì sẽ tăng chi phí, chưa kể khó kế thừa dữ liệu. Thứ ba, DN hầu hết chỉ sử dụng AI cho một số bộ phận như kế toán, nhân sự, bán hàng, điều hành..., gây nên sự không đồng bộ trong vận hành DN. Các DN vừa và nhỏ, là ngại ứng dụng AI do "sợ bị thay thế". Nhân viên ngại sử dụng AI vì sợ mình bị mất việc…

Như vậy rất cần phổ biến rộng rãi cho lãnh đạo DN về những lợi ích mà công nghệ này mang lại. Đơn cử, AI có thể giúp bộ phận kế toán tự động đối soát hóa đơn có thông tin không hợp lệ hoặc cảnh báo thông tin DN đã hoặc đang làm thủ tục giải thể, nhờ đó giúp minh bạch thông tin gần như tuyệt đối và bảo đảm hóa đơn chính xác. Ngoài ra, AI cũng có thể giúp bộ phận bán hàng phân tích dữ liệu khách hàng để gợi ý nhân viên bán hàng giới thiệu khách mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ nào tiếp theo...

STARTUP AI TRUNG QUỐC ĐỔ XÔ ĐẾN SINGAPORE

Môi trường thân thiện với kinh doanh của đảo quốc Sư tử giúp start-up các nước kéo nhau đến, trong đó, đáng kể là Trung Quốc.

Các start-up TQ ngán ngẩm nạn căng thẳng do xung đột Mỹ-Trung.

Điều quan trọng không kém là các công ty khởi nghiệp với AI có thể mua những sản phẩm chip mới nhất của Nvidia (bị các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ ngăn chặn không cho bán cho TQ) và các công nghệ tiên tiến khác ở Singapore

Singapore đang nổi lên như là điểm đến yêu thích của các start-up AI Trung Quốc. Đặt trụ sở ở Singapore cũng là một cách để nhiều công ty Trung Quốc che mờ nguồn gốc. Đó là nỗ lực nhằm tránh sự giám sát từ khách hàng và cơ quan quản lý ở các nước là đối thủ chính trị của Trung Quốc, chẳng hạn như Mỹ.

Hoạt động tại TQ, các start-up bị quản lý nghiêm ngặt về nội dung do AI tạo ra. Tháng 7 năm ngoái, Bắc Kinh yêu cầu các công ty AI đăng ký thuật toán với cơ quan quản lý trước khi triển khai các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng.

Các quy định quản lý AI của Singapore ít nghiêm ngặt hơn và nước này nổi tiếng là nơi thành lập công ty rất dễ dàng. Chính phủ Singapore cũng cung cấp hỗ trợ, bao gồm tài chính và kỹ thuật cho các startup AI. Climind nằm trong số những công ty nhận được hỗ trợ tài chính từ nhà nước Singapore. Ngoài ra, có rất nhiều vườn ươm khởi nghiệp ở đây.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 4 chuyên gia bình luận xoay quanh những chủ đề mà tôi vừa chia sẻ ở trên:

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

VỀ SỬ DỤNG VÀ ỨNG DỤNG AI TẠI VIỆT NAM

Gần đây, cơn sóng hứng khởi về AI có vẻ như cao hơn rất nhiều so với ứng dụng thực tế. AI mới chỉ thâm nhập vào các trường đại học, các viện nghiên cứu, một số tờ báo và các doanh nghiệp liên quan đến truyền thông, nhưng chưa tìm được chỗ đứng trong hầu hết các ngành nghề khác.

Tại Việt Nam, lý do chủ yếu cho việc chậm ứng dụng AI trong tổ chức kinh doanh là do mức độ chuyển đổi số còn hạn chế: không có cơ sở dữ liệu chung thì không thể ứng dụng AI vào tối ưu hoá nguồn lực, không có cơ sở dữ liệu khách hàng thì không thể tối ưu hoá các hoạt động kinh doanh. 

Vì lý do đó, AI chỉ được ứng dụng trong các tác vụ nhỏ lẻ, như chatbot tự động trả lời khách hàng, hay duyệt hợp đồng trước khi ký, hay viết post trên FB… chỉ như một phần mềm nâng cao hiệu quả làm việc chứ không có ý nghĩa tự động hoá, giảm bớt nhân lực. 

Nhìn ra bên ngoài thế giới, thì việc Nvidia đang chiếm 99% lợi nhuận từ cơn sóng AI đang khiến nhiều người đặt câu hỏi có phải AI là một cuộc cách mạng công nghiệp mới hay chỉ là một dotcom khác. Rất có thể, nghi ngại đó sẽ trở thành vô lý trong vài năm nữa, nhưng vào lúc này không phải là không đáng đặt ra.

Ông Đồng Phước Vinh

31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.

AI VÀ XE ĐIỆN SẼ "NGỐN" ĐIỆN KHÔNG ÍT

Tính bình quân để sạc đầy một ô tô điện cần 50 kWh và xe máy điện cần 3 kWh thì lượng điện cần cung cấp không nhỏ.

Hiện tổng số ô tô điện đã bán ở Việt Nam khoảng 50.000 chiếc. Tính bình quân ô tô điện mỗi lần sạc 50 kWh thì tốn 2,5 triệu kWh. Mỗi tháng sạc hai lần tốn 5 triệu kWh

Bộ Giao thông Vận tải cho biết tính đến hết năm 2023, cả nước có 2,3 triệu xe máy điện. Lượng điện cần sạc cho 2,3 triệu xe, mỗi lần 3 kWh và mỗi tháng sạc 2 lần là 13,8 triệu kWh/tháng.

Tổng lượng điện sạc xe là khoảng gần 20 triệu kWh/tháng tức 120 triệu kWh/năm, tức cao hơn công suất nhà máy thuỷ điện Đa Nhim (240MW, mỗi năm cung cấp khoảng 100 triệu kWh).

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng điện sử dụng tại các trung tâm dữ liệu (datacenter) trên toàn thế giới vào năm 2026 sẽ tương đương lượng điện mà cả Nhật Bản sử dụng trong 1 năm, tức là khoảng 939 Terawatt giờ. Các máy chủ trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những nguyên nhân chính khiến lượng điện mà datacenter tiêu thụ tăng vọt.

Trong 5 năm tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo nhu cầu điện tăng  khoảng 8,5%/năm. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa làm chủ hoàn toàn về nguồn cung điện, hai nguồn tiêu thụ điện lớn và tăng nhanh là xe điện và AI cần tính đến sớm để đưa vào dự báo, bổ sung nguồn cung cấp.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

VỀ SỬ DỤNG VÀ ỨNG DỤNG AI TẠI VIỆT NAM

Microsoft và LinkedIn đã tiến hành khảo sát 31.000 người lao động ở 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Báo cáo Chỉ số xu hướng công việc năm 2024 của họ công bố hồi tháng 5-2024 có nhiều điều thú vị.

Đúc kết nổi bật nhất là người lao động Việt đang tận dụng các công cụ AI (GenAI)  để nâng cao kỹ năng, nhưng họ nhận được sự hỗ trợ rất hạn chế từ doanh nghiệp và giới lãnh đạo.

88% lao động tri thức ở Việt Nam hiện đang sử dụng GenAI tại nơi làm việc, con số này rất cao so với 75% lao động tri thức trên toàn cầu. Các nhân viên nói rằng họ đang vùi đầu trong đống công việc, luôn chạy nước rút để đáp ứng tiến độ và các công cụ AI giúp tiết kiệm thời gian, tăng cường khả năng sáng tạo và cho phép họ tập trung vào các nhiệm vụ chính.

Trong khi đó, 89% lãnh đạo tại Việt Nam tin rằng cần áp dụng AI để duy trì tính cạnh tranh. Nhưng chỉ 48% thể hiện lo ngại về việc thiếu kế hoạch và tầm nhìn triển khai cụ thể (con số này của các lãnh đạo toàn cầu tương ứng là 79% và 60%).

76% các nhà lãnh đạo tại Việt Nam cho biết họ sẽ không tuyển dụng những người không có kỹ năng về AI (so với 66% các nhà lãnh đạo toàn cầu).

Đúc kết lại, là người lao động Việt Nam phải tự thân lo cho mình – điều này tốt chớ sao và giúp các chỉ số ở Việt Nam vượt mức trung bình rất cao. Nhưng hơn một nửa các vị lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam cứ nghĩ “lo bò trắng răng”, không phải chuyện của người làm lãnh đạo.

Bà Nguyễn Phi Vân

Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á. Đại diện cấp cao của Việt Nam tại các diễn đàn đầu tư thiên thần toàn cầu. Chủ tịch mạng lưới cấp phép và nhượng quyền Việt Nam VFLN.

VỀ STORRY-TELLING

Kể chuyện đang trở thành hình thức tiếp thị thương hiệu rất chính yếu và phổ biến. Mình làm "trợ giảng" cho bà bạn nhà báo Kim Hạnh (hôm nay nói với lớp đào tạo các CEO chuẩn bị bán nhượng quyền ra thế giới, mình thấy nhiều điều hay.

Hình thức kể chuyện để tiếp thị này hay thiệt. Mình lăn lộn với các bạn cũng từ sáu tháng đến hai năm, nhưng thật ra có nhiều chuyện ngày hôm nay mới được nghe. Khi được khơi gợi đúng cách để kể chuyện, sao chuyện nào nghe cũng cảm động muốn xỉu. Vừa nghe, mình vừa tưởng tượng ra những caption kiểu “Bí mật của hạnh phúc”, “Sáng chủ nhật của gia tộc phở”, “Đời người sau dòng code”, “Những con đường gập ghềnh về hạnh phúc”, hay “Hành trình vô quốc tịch”. 

Thực tế cho thấy, các bạn có nhiều chuyện hay và cảm động quá. Chỉ cần gần hơn với người tiêu dùng thì ôi thôi có bao nhiêu là chuyện để kể. Vấn đề là, một khi thương hiệu đã lớn lên, một khi scale công ty đã to bự hơn, chúng ta rồi có còn gần gũi hay cố tình lắng nghe những câu chuyện đời thường đong đầy tình yêu thương và cảm xúc nữa hay không?