NHÀ ĐẦU TƯ "TÀI TỬ" & MÙA SẦU ĐẦU TIÊN

NHÀ ĐẦU TƯ "TÀI TỬ" & MÙA SẦU ĐẦU TIÊN

Tôi buông 2 chữ "tài tử" xuống dòng đầu stt mà hơi lựng khựng. Trước khi biết tới phương thức canh tác của nhóm bạn Huỳnh Quới, tôi dễ dàng tin như mọi người hay nói, có tiền đâu tư trồng sầu, cứ mua đất, thuê 1 người giữ vườn là đúng ngày tháng đi thu hoạch ngon lành. Gặp Kha (Nguyễn Minh Kha, một trong những nhà sáng lập "nhạc của tui", nay Kha mở công ty Blisser) và được Kha đưa đi thăm vườn, nghe anh nói chuyện trần ai "thở theo nhịp sống sinh lý của sầu" , tôi đổi cách nghĩ.

Kha Nguyễn, tuy chuyên sâu lãnh vực công nghệ thông tin, bỏ tiền đi trồng sầu như một nhà đầu tư, song thấy anh nuôi và chăm vườn sầu như nuôi đứa con cưng bằng niềm say mê đến dốc sức tham gia trực diện những khâu phức tạp nhất, chịu khó học-hỏi "sư phụ" Huỳnh Quới, Kha thực hiện qui trình thật chặt chẽ. Trên trang nhà của anh, Kha không giấu niềm vui rộn ràng với hàng loạt hình ảnh khu vườn trĩu quả, kết quả theo đúng theo "ca ta lô" trồng sầu định hướng hữu cơ vi sinh.

Ngồi chung ô tô vượt đoạn đường dài Sai Gòn-Madagui, tôi nghe Kha càm ràm Huỳnh Quới về việc Kha "bất bình" ông bác sĩ trị bệnh cứu người, nay đi trị bệnh cứu cây (các khu vườn sầu bị bệnh) lại quá tập trung công sức khi mà chủ vườn bị sâu bệnh lại không cố gắng đúng mức. Kha gay gắt, họ phải có trách nhiệm cao nhất, nếu không, sao anh toàn làm free mà cứ phải đeo đuổi làm chi. Tôi cười thầm, nghe "bác sĩ nông dân" chống chế, họ không hiểu tình hình nghiêm trọng, mà họ cũng đâu hiểu rành kỹ thuật như Kha. Kha kiên nhẫn, ủa, hồi mới tới "thọ giáo" anh, em cũng thắc mắc đủ chuyện, phải chú ý mới nắm kỹ thuật và hiểu bịnh của cây chứ đâu dám ỷ lại. Nhà cố vấn im bặt (hình như hơi bị...bí, nên vờ ngủ, vui thật)

Nhà đầu tư Kha Nguyễn là một Phật tử thuần thành và dù biết vậy, tôi cũng thoáng ngạc nhiên khi Kha trầm giọng thiết tha, trồng cây cực khổ nên mình cũng thương nó (thương cây ?) đó chị. Cuối cùng, em mong trồng sầu thành công để làm được ước nguyện là xây dựng được một nhà nuôi trẻ mồ côi, không dám mơ lớn như trường Hope chị kể, em mong nuôi được chừng 5 đến 7 hay 8 cháu mồ côi, khuyết tật. Kha khiến tôi nghĩ tới điều mà Quới có nhấn mạnh: sau khi thu hoạch toàn bộ sầu, các chủ vườn tập trung chuyện bán với xuất khẩu và cả ăn mừng mà không dành sức đúng mức chăm sóc từng cây một, vào thời điểm "sức khỏe" cây bị suy yếu nhất như người sản phụ vừa sinh xong, họ yếu ớt, dễ tổn thương, cần được chăm sóc thực lòng, chu đáo mới đủ sức khởi động cho mùa mới.

Giải pháp mới với công nghệ sạch, xu hướng xanh, đảm bảo tính "ngon" và "lành" trên nền chăm lo chu đáo cho vườn cây, từng cây, từng trái, phải chăng là quan điểm, phương pháp cơ bản trước cuộc cạnh tranh quyết liệt chưa từng có với mặt hàng xuất khẩu lớn, trái sầu riêng hiện nay.

Danh sách các bài viết gần nhất: