SƯ MINH TUỆ - KHEN CŨNG THẾ MÀ KHÔNG KHEN CŨNG NHƯ THẾ !
Cuộc trò chuyện giữa đường rất tự nhiên của anh Nhân (Nhân Gà Vlogs) với sư Minh Tuệ đã được anh ghi hình trong cuốn băng video dài 90 phút. (Bài ghi lại thành văn bản ở đây là của chị Phạm Hiền Mây dài tới 6.000 chữ). Dài vậy mà thú thực tôi đọc hết vẫn thấy ngắn. Và video này đã nằm trên youtube hơn năm qua. Anh Nhân Gà Vlogs đã hỏi sư Minh Tuệ hầu hết những điều mà mỗi người trong chúng ta đang thắc mắc hay đang chưa rõ. Và sự Minh Tuệ trả lời hết…
Sư Minh Tuệ tu theo tông phái nào? Sư Minh Tuệ có thông tuệ, có đọc nhiều, học nhiều kinh Phật không? Sao phải đi khất thực? Sao khỏe mạnh mà không đi lao động tự kiếm mà ăn? Ba y một bát là gì, tại sao phải nhặt vải đã bị vứt may áo mặc? Khi đi khất thực mà nhận tiền là đúng hay sai? Tại sao sư Minh Tuệ bao năm qua lại sống ở hang núi, hốc cây, nghĩa trang? Sao sư lại xưng con? Giá trị mang lại cho cộng đồng là gì khi sư tu theo hạnh khất thực, bộ hành?
Người có “công đức vô lượng” chịu khó ngồi ghi lại từng câu những video từng cuộc trò chuyện thẳng thắn, chân thành với sư Minh Tuệ còn nhắn: Nếu các bạn không có nhiều thời gian, các bạn chỉ cần đọc bốn câu 5, 9, 17, 21. Chỉ nhiêu đó, các bạn cũng sẽ được hiểu thêm rất nhiều về sư Minh Tuệ.
Thật không biết nói gì hơn lời cám ơn hết sức sâu sắc với cô bạn tuyệt vời Phạm Hiền Mây. Mời bạn đọc bài của Pham Hiền Mây, mình share về đây.
SƯ MINH TUỆ - KHEN CŨNG THẾ MÀ KHÔNG KHEN CŨNG NHƯ THẾ!
Cảnh mở đầu, quay con đường mòn trong đêm, cỏ mọc um tùm, chứng tỏ ít người lên xuống. Thêm ít bước chân nữa, bạn Nhân Gà Vlogs, sau chữ ô kéo rất dài, bạn reo lên mừng rỡ, Mô Phật, thầy ơi, con đây.
Bạn quay phim cũng không cầm được, reo lên: Mô Phật. Và cuối cùng là giọng nhỏ nhẹ, khẽ khẽ của sư: Mô Phật.
Bạn Nhân khoe: Đúng theo quán tính của con rồi. (Chắc bạn ấy mừng quá, mà sử dụng từ không đúng thôi. Trong trường hợp này, nói linh tính, sẽ đúng hơn.) Bạn đứng xa xa, và hỏi: Con có làm phiền thầy đang thiền định không ạ? Sư trả lời: Không sao cả, mọi thứ đều do nhân duyên. Bạn Nhân nói tiếp: Thầy nhớ con không thầy ơi. Sư trả lời: Nhớ, nhớ, hôm gặp ở Miếu Năm Bà.
Bạn Nhân vẫn chưa hết mừng rỡ: Duyên là thật, thầy ơi. Từ bên ngọn núi bên kia, sau khi con biết thầy không còn ở đó nữa, con nghe tin thầy ở núi Sạn, con xem google map, con tự nghĩ, chắc thầy sẽ tìm nơi có nhiều đá, thế là con cứ hướng đó mà tìm lên, và bây giờ, con được gặp thầy như thế này.
Sư cũng cười hiền lành: Thế là các bạn không hỏi ai, các bạn cứ thế đi tìm thôi sao? Bạn Nhân thích chí: Dạ. Lần trước, con gặp thầy dễ dàng hơn lần này. Sư cười, nối theo: Dạ, đúng là duyên. Con cũng định, sau ngày hai mươi này, con lại bộ hành tiếp tục, lên vùng tây nguyên, sau những ngày con chọn nơi này để ở lại tu tập.
Bạn Nhân vẫn chưa hết trầm trồ về sự may mắn của mình. Bạn kể: Chỗ ngã ba hồi nãy, có hai lối rẽ, ban đầu, con tính rẽ trái, rồi con thấy cái cổng, có hai cái cây đứng, một cây bắc ngang qua, nếu đã có cổng, dù đơn sơ, thì chắc cũng đã từng có người đi vô lối này, con không ngờ được gặp thầy sớm hơn dự kiến.
Sư chia sẻ: Dạ, mọi hôm, con thiền định, con cũng hay ngồi hang đá phía sau, mọi người có lên đây, cũng khó thấy được con.******
Hỏi: Mấy hôm rồi, trời mưa, thầy có bị ướt không ạ?
Đáp: Dạ không ướt. Con chỉ là người đang tập học, sống theo hạnh xả bỏ, sống đạo đức theo lời Đức Phật dạy, có một chỗ để tránh mưa, tránh nắng, tránh gió như thế này, đối với con, cũng quá hạnh phúc rồi.
Hỏi: Tối, thầy chỉ ngồi, không nằm ạ?
Đáp: Năm đầu tiên, khi con bắt đầu khất thực, con ngủ nằm. Sang năm thứ hai, con ngủ ngồi, con không nằm nữa. Ngủ ngồi, lúc đầu, nếu mỏi, có thể tựa lưng vào vách. Các vị tu hành khác, vẫn có thể nằm khi ngủ, không sao cả. Nhưng với riêng con, con đã nguyện học theo pháp tu mười ba hạnh Đầu Đà, thì con phải ngủ ngồi. Nghĩa địa, hay rừng núi, chỗ nào con cũng có thể qua đêm. Ví dụ như khi con đi đường rừng Trường Sơn, chỗ ngủ của con là ở dưới chân cầu.
Hỏi: Nhờ đâu, thầy biết đến núi Sạn này?
Đáp: Ở núi Sạn này, từng có ông Mười Quang tu núi. Giờ, ông đã theo hạnh khất sĩ, ông ở bên Đắc Lộc, Vĩnh Phương, Nha Trang. Khi con trình bày, con cần có một nơi để tu tập mỗi ngày, chính ngài đã dẫn con lên nơi đây. Ngay phía dưới một chút, cũng có ngài Sa Môn Huyền Chân đang tu tập. Trên đỉnh một vị, và hang bên kia, một vị. Các vị giữ giới luật rất nghiêm chỉnh. Núi Sạn tuy ở giữa thành phố, nhưng lại vô cùng yên tĩnh. Thích hợp với việc mỗi ngày mình xuống phố khất thực, và buổi chiều quay về, tu thiền định tại đây. Ở đây rất an toàn. Người dân thì vui vẻ, hoan hỉ.
Hỏi: Không phải ai cũng dễ dàng tìm được đường lên núi Sạn. Nơi đây là chỗ tu, tu theo đúng nghĩa tu, của nhiều vị sư.
Đáp: Dạ, nếu người dân lên nhiều quá thì sư sẽ bỏ đi ạ. Các vị sư ấy, đa số theo hạnh Đầu Đà. Cũng là duyên tình cờ, vô tình mà gặp nhau tại đây của những người tu hạnh tam y nhất bát.
Hỏi: Bữa trước, có một số người, tìm con, nhờ con dẫn đường đi tìm thầy để cầu sư học đạo. Nhưng con từ chối, vì con biết sư rày đây mai đó, đâu chọn chỗ nào để ở lại lâu dài.
Đáp: Dạ, tìm con chi. Con cũng chỉ là một người rất bình thường, đang còn tập học. Con đi khất thực, người dân họ thắc mắc, sao con không mặc y vàng? Rồi họ quy kết con là ngoại đạo, con là Bà La Môn, con là cái bang. Con không dám xưng sư hay là thầy, càng không phải Bồ Tát hay Phật. Con chỉ là một công dân, biết vâng theo lời dạy ở trong kinh sách Phật, bộ kinh Nikaya. Con tập học thôi, con không giảng đạo được. Con chỉ khuyên, nếu ai có niềm tin vào Đức Phật, thì hãy học bộ kinh Nikaya. Học kinh, và thực hành sống thiện, thì những ước mong sẽ đạt thành, sẽ tới. Đời bây giờ, có ai là A La Hán, là Phật được nữa. Thời Đức Thế Tôn, còn để lại mấy bộ kinh, mình cứ theo đó mà học, cứ theo đó mà hành trì thôi. Pháp tu hành của con, không vì danh vì lợi, cũng không nhận đệ tử. Nếu ai hỏi con, con chỉ biết khuyên, hãy làm theo lời dạy của Phật. Cứ tự học, rồi dần dần biết ra. Không có ông Phật nào sẵn mà chỉ bày cho chúng ta. Sự hiểu biết bây giờ, có nhiều chiều hướng, có nhiều suy nghĩ, không thể cho rằng, tôi nói là đúng mà bạn nói là sai. Chẳng hạn như chuyện đi khất thực, nhận tiền là đúng hay sai. Có người nói đúng, có người nói sai. Riêng con, con đã từng thực hành khất thực, thì thấy, các sư nào muốn nhận tiền thì cứ nhận tiền. Sư nào không nhận thì họ sẽ lắc đầu, chối từ, không nhận. Tất cả đều tùy thuộc vào hạnh tu. Như con bây giờ, đã bỏ hẳn được lòng tham. Con đang dần giảm sân, giảm si. Giảm được chừng nào thì sẽ càng đỡ khổ cho mình chừng ấy. Các vị ấy cũng vậy.
Hỏi: Cho con hỏi, cái này, người ta gọi là cái gì? Còn cái bình bát mà các thầy khác hay ôm, thì làm bằng chất liệu gì ạ?
Đáp: Là cái xoong nhôm, nồi cơm điện. Con xin của người ta, rồi con cưa cái vành đi, con làm phương tiện khất thực. Gọi là xoong nhôm cũng được, gọi nồi cơm cũng được, bình bát cũng được, gọi gì cũng được. Bình mà các sư thường ôm, làm bằng inox, của Thái Lan, rất đẹp. Ngày xưa, con đã từng sử dụng loại đấy. Sau này, con thấy, những bát ấy, rất mắc tiền, lỡ mình làm hư, làm hỏng, thì lại tốn kém. Còn xài những thứ bình dân có thể xin được như thế này, con thấy vui hơn. Nồi cơm điện này, của một cô ở Đắc Lắc, cổ cho con.
Hỏi: Bữa giờ, thầy có may thêm bộ y nào nữa không ạ?
Đáp: Con vừa mới khâu xong mấy tấm. Y của con, thường mau mục, rách, nên con phải khâu liên tục. Con đọc trong kinh Tiểu Bộ, tập ba, Trưởng Lão Tăng Kệ, thì thấy các vị tu hành, nhặt vải xong thì nhuộm, và khâu y. Con thì không nhuộm. Màu vàng là màu tượng trưng cho A La Hán, tu giải thoát, hoặc các bậc đại đức, có đức độ, họ mới thích hợp dùng y đó. Còn như con, chỉ là chú tiểu, hay cư sĩ, đang là người tập học, nhặt được cái gì thì con mặc cái đấy. Đức độ, phước đức của con còn nhỏ, con cần cố gắng siêng năng học tập.
Hỏi: Y này, thầy may mấy lớp? Trên núi, mùa này đang rất lạnh. Hồi nãy, con nhìn thấy thầy mà giật mình.
Đáp: Dạ, trên người con đang có hai y. Y thượng là y đắp để đi khất thực. Y ấy chỉ một lớp. Còn y đây là y kép, y Tăng Già Lê. Tổng cộng là ba y. Hôm nay, trời lạnh, nên con lấy y này trùm lên cho đỡ lạnh. Hôm con ở nghĩa địa Ea Phê, Đắc Lắc, lúc đó mới năm giờ sáng, chưa tỏ mặt người, có anh gặp con, la lên, ma hay người vậy trời. Nhiều năm sau, họ quen rồi, họ biết con là người tập tu, họ không sợ nữa.
Hỏi: Sau nhiều năm thầy bộ hành, người ta ít nhiều cũng biết. Chắc họ không cản trở và không hành hung thầy như những ngày đầu, phải không thầy?
Đáp: Đúng rồi. Hôm con vào nghĩa địa Đà Nẵng nghỉ, con gặp nhiều người, họ hỏi, con trình bày, con bộ hành ngang đây, tới nghĩa địa này, con xin nghỉ đỡ rồi mai con đi tiếp. Họ bảo nhau, có từng thấy con trên mạng, thế là họ không nói gì nữa, họ cũng cho phép con an ổn. Tuy nhiên, cũng đôi lúc, cũng gây ra tai hại. Khi người ta biết mình nhiều quá, ngã mạn mình sẽ tăng. Danh là thứ mà nếu mình đam mê thì nó sẽ trở thành cái làm phiền. Cái gì cũng đều có hai mặt, lợi và hại. Con bây giờ không sử dụng mạng, không sử dụng điện thoại, những thứ đó bây giờ không thuộc về con. Ai nói gì cũng mặc kệ họ. Khen cũng như thế mà không khen cũng như thế. Chê bai cũng mặc kệ họ. Con sống như thế này, theo sự thật. Ai hỏi gì, con nói nấy. Biết thì con nói mà không biết thì thôi.
Hỏi: Con thường nghe tiếng chuông chùa. Tôn giáo khác, họ cũng sử dụng chuông. Cho con hỏi về ý nghĩa của chuông?
Đáp: Chuông là rung chuông. Chuông là cảnh báo, làm cho ta thức tỉnh. Chùa chiền thì có Đại Hồng Chung. Tiếng chuông phá vỡ màn tối tăm. Nó khác nhiều lắm với tiếng kẻng. Tiếng chuông, tiếng mõ, mỗi nơi quan niệm mỗi khác nhau, mình không thể mang suy nghĩ của mình để áp đặt lên họ.
Hỏi: Đêm, thầy có thiền định không ạ?
Đáp: Đây là sự chọn lựa suốt đời trong cuộc sống của con: ba y một bát, sống nghĩa địa, núi rừng. Đêm, con vẫn tập ngồi tư thế kiết già, lưng thẳng, thiền tỉnh thức, định niệm hơi thở. Con cứ kiên trì như thế cho đến khi nào mệt quá thì con ngủ. Con cũng tập tỉnh thức sớm. Khi dậy, con lại thiền tiếp. Mặt trời lên thì con ôm bát đi khất thực. Đi khất thực, con đồng thời nhặt vải áo. Có vải áo, con giặt, và may. Nếu không, con ngồi thiền tiếp. Cứ như thế. Đối với mọi người, cuộc sống của con rất là buồn chán, không gì hay ho cả. Một mình cô độc, phải tập quen, nếu không, sẽ bỏ chạy, bỏ tu. Bây giờ, con ngồi hang đá. Mười năm sau nữa, con cũng sẽ vẫn ngồi hang đá như thế này tiếp, không gì thay đổi. Ba mươi năm sau, hay trước khi chết, con cũng như thế này thôi. Trước khi chết, mà vẫn hành trì thế này, giữ được hạnh này, thì rất là tốt. Còn nếu như, con tìm về chùa, hay xây tịnh xá, thì đó lại là hoàn toàn khác rồi.
Hỏi: Con thấy thầy đã vượt qua những định luật (!) về cơ thể. Ví dụ như bình thường, chúng ta ăn tối thiểu, cũng phải ngày hai bữa. Nhưng như thầy tu tập, dùng thức ăn ít như vậy, thời gian đầu, thầy có khó chịu lắm không thầy?
Đáp: Trước khi vào chùa, con đã tu tập sáu tháng, ăn chay một bữa. Con giảm chín ký. Người con ốm và xanh mướt như bức tường sơn xanh. Bụng con lỏng bỏng, vì không có gì, mỗi khi con đói và đau, con ôm bụng gắng chịu hoặc đi đi lại lại cho nó qua. Con không thối lui, vì nghĩ, điều này mà mình không tập được thì sao có thể tập những điều khác nữa. Vượt qua sáu tháng ấy, con trở lại bình thường, và một năm sau, dù con chỉ vẫn ăn một buổi, con mập mạp hơn và sức khỏe thì đầy đủ. Ban đầu, con bốn mươi tám ký. Khi con ăn ngày một bữa, con ba mươi chín ký. Một năm sau, con năm mươi mốt ký. Nếu được ăn bài bản như ở chùa hay tu viện, thì con sẽ lên ký nữa. Khất thực, khi thì cơm, khi thì trái cây, khi thì bánh mì, tuy không điều độ nhưng con vẫn giữ được sức lực.
Hỏi: Hóa ra, để được như thế này, thầy cũng phải chịu nhiều đau đớn. Như con mới ngồi đây, mà chân tê hết trơn rồi.
Đáp: Khi học Tứ Niệm Xứ, buộc mình phải ngồi được tư thế kiết già. Ngồi chéo chân, một, hai tiếng không nói làm gì nhưng nếu ngồi cả một ngày, thân thể rất đau. Những cơn đau ấy, kéo dài cả năm. Sau đó, nó êm dần, và bây giờ, thì ngồi cả ngày, cũng không thấy đau gì nữa. Mỗi người trong chúng ta, đều có nhân duyên. Ba La Mật của chúng ta khác nhau. Biết đâu, nếu anh tu hành, Chánh Đẳng Giác của anh thành, con lại trở thành đệ tử của anh, điều đấy cũng có.
Hỏi: Thầy nói thế, con tổn thọ chết.
Đáp: À không, trong kinh Tiểu Bộ có nói điều này. Lúc ngài Sariputta - Xá Lợi Phất, một nhà khổ hạnh, đã bắt đầu tu hành rồi, thì Đức Phật vẫn còn đang bận bịu làm vua, thế mà sau này, Đức Phật lại là thầy của Sariputta. Mọi chuyện đều có thể. Tất cả đều vô thường.
Hỏi: Con không thấy thầy mang kinh sách theo mình. Vậy thì, kiến thức tu tập, thầy đã được học từ trước?
Đáp: Dạ, con đã học từ trước. Và con nghe đi nghe lại bộ kinh Nikaya. Bộ kinh Trung Bộ, Trường Bộ, Tiểu Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ. Đây là bộ kinh mà Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Pali sang. Còn một bộ nữa là bộ A Hàm, dịch từ Hán Tạng sang. Mình nghe kinh đó rồi, mình đối chiếu sang cũng được. Nhưng độ hiểu trong kinh sách và lời dịch thì nhiều chỗ, ngôn ngữ Việt Nam mình, không biết đã diễn tả đúng như ý của các bậc đồ sư ngày xưa dạy hay không. Khi tu hành, có lúc bị vấp, ngồi nghĩ lại mới hiểu ra thêm nghĩa kinh.
Hỏi: Vậy thì thầy có đọc kinh Phật khi thiền không ạ? Chân mình khi gập lại, máu huyết không lưu thông, sao lại có thể ngồi được cả ngày?
Đáp: Phật dạy, nơi khu rừng, hốc cây, hang đá, đều có thể ngồi kiết già. Lưng thẳng, chánh niệm, tôi biết tôi thở ra, chánh niệm, tôi biết tôi thở vô. Ngồi kiết già cả ngày, là điều có thật. Điều đó phụ thuộc vào sự gìn giữ giới luật, kham nhẫn, kiên trì. Cảm thọ ấy giúp mình vượt qua, cho mình an ổn. Ban đầu, có thể tê nhưng mình cứ cố gắng vượt qua. Vượt qua được, nó tự sửa, trở về trạng thái ban đầu của nó, tự nó sửa. Con cũng bị đau khi gấp gối, nó đau suốt hai mươi sáu ngày. Thọ này, nhiều người cũng không vượt qua được, sợ đau, sợ liệt. Nó đau tới mức, duỗi chân ra không được, đứng dậy cũng khó khăn. Nhưng khi qua được rồi, mọi chuyện trở nên hết sức dễ dàng. Khó khăn nhứt, là trước lúc chết của mình. Con từng coi một bộ phim về con sư tử. Trước lúc nó chết, nó bỏ bầy đàn, một mình ra chỗ không có ai, vật vã ba lần rồi mới chết. Con người cũng thế, đau đớn, nên mình hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ. Học tu thì trước cái chết sẽ nhẹ nhàng.
Hỏi: Đã bao giờ, thầy thiền mấy ngày liên tiếp, và không ăn?
Đáp: Con chưa có cơ duyên ấy. Nhưng con biết, nếu không dùng thức ăn trong bảy ngày, thì cũng không sao đâu. Khi còn ngủ, còn hôn trầm, thụy miên, tham sân si còn dày đặc, chưa muội lược, nhân duyên chưa tới, thì khó mà ngồi thiền như vậy. Như trồng lúa vậy, chưa tới mùa gặt, sao gặt được? Nếu cứ ép, vô ích, thân dễ thành bệnh, hoặc không thì tâm cũng sẽ loạn. Hãy cứ tập xả ly, hôn trầm giảm, tham sân si giảm, thậm chí, bị vô cớ đấm vào mặt, đánh đập, chửi mắng, cũng không buồn khổ, cũng không sân hận. Được đưa lên video, nổi danh, cũng không vì thế mà ưa thích, cũng không vì thế mà quan tâm. Muội lược như thế, ngồi mấy ngày cũng vẫn được. Cơ duyên, nhân duyên chưa tới, không áp đặt được. Quả còn xanh quá, vặt vào, giấm, cũng hư. Tu tập là một lộ trình, cần phải hiểu lộ trình ấy. Không hiểu lộ trình mà cứ ép, dễ hóa điên. Mình như con ngựa, phải có thầy hướng dẫn. Không hôn trầm, không sân si, tâm từ bi rồi, không ham muốn gì nữa, cũng sẽ thấy không buồn ngủ nhiều. Khi ngủ, không gục lên gục xuống, không té lên té xuống nữa.
Hỏi: Con có một cái duyên, con từng tìm ra nơi tu tập của Bồ Tát Viên Chiếu, ở Hòn Lớn, Ninh Hòa. Cách đây một trăm năm về trước, Bồ Tát Viên Chiếu cũng đã một thân một mình vào rừng sâu, ẩn tu, và viên tịch trong đó. Không biết thầy đã từng đến đó lần nào chưa ạ? Nếu có duyên, con sẽ đưa thầy tới thăm nơi ấy. Theo di nguyện của thầy Viên Chiếu, người ta bảo rằng, giữ nguyên thân thể như vậy, không di chuyển. Mọi người đã phát tâm, xây một khối bê tông, như một cái tháp nhỏ ở trong rừng. Vì kim thân ấy đã được mối bọc lại.
Đáp: Dạ, có đại uy lực, có đại thần lực, giữ được sự thanh tịnh, mới để lại kim thân. Thân bất tịnh, thân sẽ rã ngay. Con cũng rất muốn tới những nơi ấy, để tăng thêm sách tấn của mình, nghị lực của mình, niềm tin của mình. Ở núi Sạn thì hiền lành nhưng khi đã quyết định vào rừng sâu, rừng nguyên sinh, nơi đó, muỗi mòng dày, nhiều thú dữ, không đơn giản. Duyên đưa tới như vậy thì gọi là Tương Ưng. Mình sẽ may mắn gặp được những người cùng giới. Giới đây được hiểu là giới luật. Giữ được giới luật nghiêm túc, chỉnh tề thì mình sẽ thực hiện được ước nguyện. Mọi thứ xảy ra đều rất là mầu nhiệm. Mình hành trì theo lời Đức Thế Tôn dạy trong kinh, kiên trì như thế, đời này chưa được thì đời sau lại tu tập tiếp.
Hỏi: Con có nghe hôm trước, thầy nói là thầy sẽ không dùng bất kỳ một phương tiện di chuyển nào hết, cho nên, một ngày đẹp trời, con sẽ phát tâm đi bộ cùng thầy tới đó. Con cũng muốn đến đó để thắp hương cho Bồ Tát Viên Chiếu một lần nữa.
Đáp: Dạ, cái đấy hữu duyên chớ con không hứa được. Con không sử dụng điện thoại, cũng không đi xe, không sử dụng tiền bạc. Con nguyện suốt đời bộ hành, ba y một bát, ở nghĩa địa, hốc cây, hang núi, nhà hoang.
Hỏi: Khi nào thì thầy đi tây nguyên ạ?
Đáp: Sau ngày hai mươi thì con sẽ đi, vì mùa này là mùa nắng. Mưa thì sẽ an trú mùa mưa. Con phát nguyện, con đi khắp đất nước, bất kỳ tỉnh, thành nào, con cũng sẽ đi cả. Con đi bộ tới một nơi nào đó, và có thể, con sẽ ở lại nơi đó một vài tuần hay một vài tháng. Con đi trong nhân duyên, nên con sẽ không khẳng định, con đi tới nơi này, nơi kia. Con không hứa là vì con biết đời sống vô thường.
Hỏi: Nãy giờ, con làm phiền thầy cũng đã quá lâu.
Đáp: Không sao đâu. Khi con tu hành độc cư, yên tĩnh, mọi người có kiếm con cũng không kiếm được. Nhưng hiện nay, con đang học hạnh buông xả, nghĩa là con không trốn thực tại, nơi hang con đang ở đây, là thuộc về đường người ta đi lên xuống. Ở chỗ kín quá, đôi khi, con không tỉnh thức được, con ngủ quên đi. Đi tu, đâu phải là để ăn rồi ngủ. Đồ ăn khất thực đó đâu phải dễ ăn. Đức Thế Tôn nói, ăn đồ ăn khất thực đó, giống như nuốt hòn sắt. Mang cái áo của gia chủ cúng giống như lấy sắt nóng mà áp, mà cuốn lên người. Nhận đảnh lễ, cúng dường của người ta, giống như lấy sợi lông đuôi ngựa, ngay chỗ đầu gối, mà siết cho đứt da, đứt thịt, đứt xương, tới tủy mới dừng lại. Ai còn dám? Ăn đồ ăn khất thực là phải lo mà tu hành siêng năng. Bằng không thì thôi, về tự làm mà ăn. Mang nợ đó không được đâu. Một số người hỏi con: To khỏe như thế, không bệnh tật gì, sao không đi làm mà ăn? Con thưa: Làm để ăn, thì ở đời, ai cũng làm được. Đây là con đang tập đi xin ăn theo lời Phật dạy. Ngay cả cái bánh họ cho con, con cũng tự hỏi lòng, không biết họ có dám cho con cái họ hào phóng như thế hay không, nếu mình không biết nghĩ, cứ dùng vô tội vạ là không được. Vì thế, con phải cố gắng tu hành, để tạo cho họ, giúp cho họ có niềm tin. Họ bòn thêm chút phước. Và con cũng vậy, cũng bòn thêm chút phước. Chớ nếu khất thực xong, con lên núi Sạn ngủ, là con mang cái nợ. Cứ tìm chỗ kín kín, chưa đủ tỉnh thức, chưa đủ giới luật, sẽ rất dễ rơi vào ngủ. Ngủ, sẽ hỏng hết cả.
Hỏi: Phái Khất Sĩ, khi đi khất thực, họ mặc y vàng ạ?
Đáp: Họ có ba cái, y hạ, y trung, y thượng. Còn Nam Tông, thì có y nội, y vai trái và y hai lớp Tăng Già Lê. Ngày xưa, con tu theo phái Bắc Tông. Sau đó, con sang Khất Sĩ. Khi con hành Khất Sĩ, con bắt đầu học kinh Nikaya. Từ lúc ấy, con tu học theo đúng tinh thần của bộ kinh Nikaya, làm theo đúng bộ kinh Nikaya. Chẳng hạn như, về y, thì có y hạ, y thượng, và một Tăng Già Lê, con cũng làm theo y hệt như vậy. Đời sống tu hành theo bộ kinh Nikaya là ở rừng núi, thì con cũng ở rừng núi. Ngồi hang đá, con cũng ngồi hang đá. Họ không nằm, con cũng noi gương không nằm. Họ không dùng tiền, con cũng noi gương không dùng tiền. Họ ăn ngày một bữa thì con cũng tập ăn ngày một bữa. Họ không ca hát, con cũng tập không ca hát.
Hỏi: Cho đến bây giờ, việc tu học của thầy còn gặp những khó khăn gì?
Đáp: Nếu không tham đắm gì, sống bình thường như thế này, con không thấy có trở ngại gì nữa cả. Bệnh tật tới, con cũng khắc chế được, con chưa phải dùng tới thuốc tây, thuốc chữa bệnh. Lạnh, nắng, nóng, con cũng đều chịu được. Đi bộ trên đường rát, con cũng chịu được. Kham nhẫn, về già, không lên núi cao nữa, ở quanh quanh đồng bằng. Trong kinh Nikaya, và kinh Tiểu Bộ, khi ấy, người tu hành cũng ở Tịnh Xá hoặc Cốc, Thất. Quan trọng hơn cả là phải học được giới hạnh.
Hỏi: Nơi tu tập của Bồ Tát Viên Chiếu, còn lưu giữ lại một số nét bút của Bồ Tát. Con nghe nói lại rằng, sư Viên Chiếu đã viết lại được cả ngày và giờ mất của mình. Người giữ tập tài liệu ấy, không cho con xem. Đó cũng là nhân duyên phải không ạ?
Đáp: Dạ vâng, do họ tu có thành tựu, nên có khả năng biết được nhiều đời, biết được quá khứ vị lai. Điều đó, thuộc về phát nguyện. Họ phát nguyện tu để biết được những điều đó. Con thì không phát nguyện như vậy nên con không biết.
Hỏi: Bây giờ, con đã hiểu ra, mọi thứ trong đời này, đều do duyên mà ra cả.
Đáp: Con không bao giờ nghĩ con là sư, là thầy. Con là một người nhỏ bé và bình thường. Con chỉ nghĩ, mọi người đã có công lên núi tìm con, con cũng mong mọi người đạt được ước nguyện cao nhất của mình. Cố gắng học theo lời Phật dạy, cố gắng giữ năm giới. Lời Phật dạy khi nào cũng hữu ích và có giá trị. Ai tin thì mới thấy được. Cố gắng sống khiêm tốn sẽ thành tựu. Đừng nghĩ mình tài giỏi, không phải vậy đâu. Nhiều người thắc mắc, tại sao, con xưng con? Thật ra, con là một người nhỏ bé, đang tập học, đang noi theo gương, đang học những điều hay nơi tất cả mọi người, lúc nào mình cũng như bụi như cát ấy. Con chưa tu được gì cả. Việc tu hành rất gian nan. Nghiệp mà đập một cái là bay ngay. Không nói gì trước được cả. Hoặc giả, bệnh tật nó đổ, như đau dạ dày, như nóng sốt, rồi chết, làm sao tu được nữa? Không phải cứ muốn là được đâu. Khi mình hiểu được nhân quả, mình rất là sợ. Trước khi tu hành, ai không sát sanh, ai không từng làm những việc ác? Giờ, mình đang tu, nghiệp mới tìm tới để đòi. Mình không tu, có thể mình vẫn thọ mệnh hết đời này, rồi trả nghiệp sau. Nhưng vì mình tu, nên nghiệp mới trổ ra.
Hỏi: Nghĩa là, nếu mình chưa tu hành, nghiệp đợi cho mình mất đi, rồi nó sẽ đến sau? Và khi mình tu hành, nó sẽ đến để ngăn cản?
Đáp: Nhân quả sẽ chờ đợi để trổ. Ví dụ nhé, con đang nợ ai một trăm triệu, con tính chạy. Khi biết con chạy, chủ nợ sẽ túm lại đòi. Cho đến khi nào, con trả hết nợ rồi, họ mới thả cho con đi. Những nhân quả này, có thể đã từ đời trước, khi mình sát sanh, đánh đập, giết hại ai đó, giờ nó mới tìm tới. Mình muốn ngồi kiết già, nó không cho, nó làm mình đau, mình ngứa, mình lở loét, hư tay, hư chân, nó nhứt định không cho mình tập. Khi mình hiểu nhân quả, mình sẽ gắng tu. Thiện tăng, sẽ bào mòn nghiệp lực, muội lược, ví dụ như sức mình gánh năm mươi ký, mà bây giờ, gánh lên tới tám mươi ký, sao mình gánh được, phải gắng làm mòn đi, còn hai mươi ký thôi, gánh nhẹ nhàng mới đi được. Con đã từng thấy một số sư ngồi kiết già, họ bị đau, dẫu cho họ cũng giữ giới. Phải kham nhẫn mới vượt qua được cái ngưỡng. Nếu không qua được, ngưỡng vẫn cứ nằm ở đó. Và mình cũng thế, cũng cứ mãi mãi dừng lại đó.
Hỏi: Nãy giờ, chân con, chỗ đầu gối, rất là đau, nghe thầy nói, con cố gắng chịu.
Đáp: Anh cố gắng tập luyện rồi tự nhủ: thọ này, con chịu được. Chịu đựng cơn đau, đến một lúc, nó sẽ không đau nữa. Tự nó sẽ trở lại bình thường. Tự nó sẽ lưu thông. Tự nó sẽ điều chỉnh. Tự nó sẽ khôi phục. Đó gọi là bước nền. Nền tảng. Nhưng nền tảng cũng vẫn chưa là gì. Chỉ mới là định thân. Cần phải giảm thêm tham sân si. Tu tập, quan trọng là tâm. Cái thân, khi hiểu rõ về nó, người ta cũng chẳng sợ gì. Cố gắng, là đều làm được cả. Hãy xem thân của mình như một người khác. Hãy rải tâm từ bi, thương chỗ này, thương chỗ kia, thọ trên thân sẽ giảm. Ai đánh đập mình, mình thương họ, rải tâm từ bi cho họ, mong chọ họ điều tốt lành. Con bò, con chó muốn cắn mình, mình thương nó, có khi sẽ khác đi. Mọi việc nhờ thế hóa giải. Cái đau, thì ai rồi cũng sẽ có, chỉ là đến sớm hay muộn thôi. Con cũng đau chứ nhưng khi con làm theo lời Phật dạy, con thấy con giảm đau, con an trú, an ổn. Từ cái thấy ra được ấy, con lại càng tin, và học theo lời Phật dạy!
******Video có độ dài một giờ mười ba phút, dài nhứt trong các video từ đó tới nay về sư Minh Tuệ, được phát hành trên kênh YouTube cách đây đã hơn năm.
Dài nhưng hay. Xem video này, mọi người sẽ trả lời được các câu hỏi, ngấm ngầm nằm ở trong đầu, từ khi sư Minh Tuệ xuất hiện và trở thành hiện tượng, sự kiện hết sức đặc biệt ở Việt Nam, trong thế kỷ hai mươi mốt này.…
Nếu các bạn không có nhiều thời gian, các bạn chỉ cần đọc bốn câu 5, 9, 17, 21. Chỉ nhiêu đó, các bạn cũng sẽ được hiểu thêm rất nhiều về sư Minh Tuệ.
Ghi chép lại những vấn đáp này, lòng tôi nghe vui sướng vô biên!