BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (04/11 - 10/11/2024)
10/11/2024 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Tuần này, tôi có viết về buổi giao lưu và giới thiệu sách ở đường Nguyễn Văn Bình, đôi lời cảm khái về những "hiền nhân" từ Bến Tre, hay "mách nước" nhỏ cho các doanh nghiệp Việt trước cơn bão cạnh tranh gay gắt. Đồng thời tuần này tôi cũng xin chia sẽ những bài viết từ các chuyên gia Nguyễn Phi Vân, Hồ Nguyên Thảo và Phạm Ngọc Hưng. Mời các bạn theo dõi ngay bên dưới.
MỘT LỜI THIẾT THA…
Tôi nhớ tiếc thời gian hơn 20 năm trước.
Và rồi tôi nghĩ, đừng nhân nhượng, các doanh nghiệp Việt đừng nương nhẹ, hãy đòi hỏi nhà quảng cáo phải đam mê, sáng tạo hơn.
Hồi đó, tôi và anh Trương Tiếp Trương là lứa copywriter đầu tiên làm việc ở các agency nước ngoài. Chúng tôi vào nghề chủ yếu bằng tự tìm tòi và bằng đam mê. Mỗi dự án làm TVC đối với chúng tôi là một cơ hội quý, và chúng tôi thường rót hết sức mình vào cho từng ý tưởng, để rồi dù có bán được cho khách hàng hay không, thì chúng tôi cũng đều y hệt như những con tằm đã nhả hết tơ... Đọc thêm
SAU FLAPPY BIRD DẬY SÓNG TOÀN CẦU, GAME VIỆT ĐANG MƠ GÌ?
Nhân đọc một đoạn tin về “xu hướng quảng bá văn hóa, du lịch độc đáo, sáng tạo bằng GAME” tôi viết bài này. Tôi không phải một game thủ, nhưng quan tâm đến ngành sản xuất game và đội ngũ chơi game chuyên nghiệp – môn thể thao điện tử (esport) mà Việt Nam được xếp vào trong top đầu của thế giới.
Việt Nam là một trong năm nước có số lượt tải xuống các tên game nhiều nhất thế giới, theo Google. Chúng ta có nghe là Việt Nam có một đội ngũ lập trình viên lên đến 35.000 kỹ sư... Đọc thêm
MỘT KIỂU NHƯỢNG QUYỀN QUÁ LẠ Ở DUBAI !
Hôm kia, thấy Phi Vân được trao giải thưởng “Women Franchise Leader of the Year - Lãnh đạo nữ ngành nhượng quyền của năm” do Triển lãm Nhượng quyền Ả Rập trao, tôi tìm đọc tiêu chuẩn của giải thưởng này (sẽ nói ở cuối bài). Và chiều nay thứ sáu cuối tuần, tôi chuẩn bị sáng mai đi dự vòng thi Chung kết Khởi nghiệp Xanh, quá bận, nên nhắn Phi Vân, dù bận, Phi nhớ gửi bình luận thị trường cho bản tin cuối tuần; hay là viết một bài nóng hổi từ Dubai cũng được. Phi nhắn lại, “Dạ chị, tối mai em về, hẹn gặp chị sáng chủ nhật”. Ô, lại còn hẹn. Là Phi Vân sẽ bay về vào tối mai thứ bảy và sáng chủ nhật có mặt chấm thi chung kết Khởi Nghiệp Xanh!... Đọc thêm
CHUYỆN TEMU: CỬA NÀO CHO DOANH NGHIỆP NHỎ LẺ VIỆT ?
Tôi có cô bạn là phó Tổng giám đốc CT Đồng Lợi ở Đồng Nai, chuyên bán và kinh doanh các loại xe nâng, xe công trình, hầm mỏ, vệ sinh công nghiệp. Cô bạn này sống và làm ăn ở 2 nơi: Việt Nam và Úc (nhìn ảnh Hà, khó tưởng tượng cô ấy bán xe công trình, xe nâng nhỉ?).
Nhắc cô ấy, Lê Thu Hà, nich FB là Hà Lê, vì Hà vừa có bài viết kể chuyện vì sao cô mua hàng Temu ở Úc và đề xuất giải pháp đối phó... Đọc thêm
QUÊ HƯƠNG CỦA 3 VỊ HIỀN TÀI TÔN QUÍ
"Giá trị một con người không phải là chức quyền, tài sản hay ngay cả tài năng và trí tuệ. Theo tôi, giá trị con người là tổng số hạnh phúc mà họ mang lại cho người khác...".
Bài toán cộng ấy, hai vợ chồng trẻ Trần Anh Thuy-Lê Thanh Trúc đã "thực thi" suốt 20 năm qua, từ làng nghề Phú Lễ, huyện Ba Tri, Bến Tre. Ct CP Rượu Phú Lễ được bình chọn Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao nhiều năm rồi nhưng... Đọc thêm
HỌ VẪN ĐỨNG Ở VỊ TRÍ TIÊN PHONG, SAU GẦN NỬA THẾ KỶ
Chiều nay mình đi họp ở Bến Tre về, bị một cơn mưa to kinh hoàng. Tin nhắn đến, Nguyễn Tuấn Quỳnh, chị thấy không, hôm qua tụi mình hên quá hên. Trời đẹp, đẹp như chưa bao giờ đẹp thế, giữa mùa mưa già, Quỳnh nhỉ?
Hôm qua, hôm qua, hên thiệt. Chỉ giới thiệu sách thôi mà hên, có tới 7 nhân vật (nổi tiếng) đã đến... Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG TMĐT VIỆT NAM QUÝ III/2024: BỨC TRANH TĂNG TRƯỞNG VÀ NHỮNG XU HƯỚNG NỔI BẬTTheo báo cáo thị trường TMĐT quý III/2024 từ Metric, ngành thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số TMĐT đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó quý III đóng góp 84,75 nghìn tỷ đồng, tăng 18,15% so với quý trước. TikTok Shop và Shopee dẫn đầu thị trường, duy trì đà tăng trưởng ổn định và TikTok Shop thậm chí đạt doanh thu gấp đôi so với năm ngoái nhờ chiến lược mua sắm kết hợp giải trí. Tiki cũng có sự phục hồi đáng kể, tăng trưởng 3,1% trong quý này sau một thời gian suy giảm.
Phân khúc Shop Mall, với các gian hàng chính hãng, dù chiếm 5% số cửa hàng nhưng đóng góp gần 1/3 doanh số, cho thấy vai trò quan trọng của niềm tin thương hiệu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng xu hướng này bằng cách đầu tư vào uy tín sản phẩm và cam kết chất lượng để cạnh tranh bền vững. Sự mở rộng thị trường TMĐT ra các tỉnh thành như Hưng Yên và Đà Nẵng cho thấy xu hướng chuyển dịch từ các đô thị lớn. Chiến lược marketing bản địa hóa sẽ giúp các thương hiệu kết nối gần gũi với người tiêu dùng ở các địa phương mới nổi.
Sản phẩm dưới 200.000 đồng chiếm hơn một nửa doanh số, phản ánh nhu cầu lớn về sản phẩm giá rẻ. Các thương hiệu có thể khai thác phân khúc này bằng cách đảm bảo chất lượng và kết hợp khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng đại chúng, đồng thời áp dụng chiến lược upsell và cross-sell nhằm tăng giá trị đơn hàng. Các sản phẩm "hot trend" như sữa gấu và đồ chơi Labubu cũng cho thấy hiệu quả của truyền thông viral và tâm lý FOMO, khi nhanh chóng trở thành "must-have items" nhờ chiến lược influencer marketing và livestream bán hàng.
LÝ DO EU ĐIỀU TRA TEMU, CÓ NGUY CƠ TEMU BỊ PHẠT 6% DOANH THU
Cuộc điều tra được EU khởi động hôm 31-10 dựa theo Đạo luật dịch vụ số (DSA), đạo luật vốn buộc các công ty công nghệ lớn nhất thế giới từ Facebook cho tới X, Google... phải hành động nhiều hơn để bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến tại châu Âu.
EU sẽ điều tra để đánh giá liệu Temu có vi phạm DSA hay không trong các lĩnh vực liên quan đến việc bán sản phẩm bất hợp pháp, thiết kế dịch vụ có khả năng gây nghiện, hệ thống được sử dụng để đề xuất mua hàng cho người dùng cũng như quyền tiếp cận dữ liệu dành cho các nhà nghiên cứu.
Về phía Temu, công ty này khẳng định họ "thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình theo DSA". Một người phát ngôn của Temu nói: "Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý để hỗ trợ mục tiêu chung về một thị trường an toàn, đáng tin cậy cho người tiêu dùng".
Từ đe dọa này, Temu đang cân nhắc tham gia sáng kiến chống bán hàng giả trực tuyến tại châu Âu cùng với các nền tảng thương mại điện tử và các thương hiệu lớn, theo chương trình nghị sự cuộc họp mà Reuters dã xem.
Temu sẽ trình bày tại cuộc họp ngày 11-11 của các thành viên MOU với tư cách là “bên ký kết mới tiềm năng”, ghi chú chương trình nghị sự cho biết.
Tuy vậy, nhiều thành viên của Biên bản ghi nhớ chống hàng giả lại lo ngại sự hiện diện của Temu trong tổ chức này, vì e ngại uy tín của họ bị ảnh hưởng.
NHỮNG LÝ DO KHIẾN HÀNG NGÀN CỬA HÀNG BÁN LẺ TẠI MỸ PHẢI ĐÓNG CỬAKể từ đầu năm tới nay, các hãng bán lẻ lớn tại Mỹ đã đóng cửa tổng cộng 6.189 cửa hàng, vượt xa mức 5.553 cửa hàng trong cả năm 2023.
Áp lực lạm phát vẫn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn của nhiều cửa hàng bán lẻ. Mặc dù lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt về gần mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giá cả hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với năm 2020.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc số cửa hàng phải đóng cửa gia tăng trong năm nay là bởi thời kỳ đỉnh cao của ngành bán lẻ trong các năm 2021-2022 - khi người tiêu dùng sẵn sàng vung tiền mua sắm các sản phẩm như ghế sofa, tivi và quần áo mới, giờ đã thực sự khép lại.
Sự cạnh tranh từ những công ty hàng đầu như Amazon, Walmart, Costco, Home Depot và nhiều nhà bán lẻ lớn khác cũng là một yếu tố quan trọng góp phần bóp nghẹt các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn.
Các nhà phân tích tại UBS dự báo, tổng số cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa có thể lên tới 45.000 trong vòng năm năm tới, chủ yếu là do các cửa hàng nhỏ hơn phá sản, ngay cả khi các công ty lớn hơn như Walmart, Costco, Target và Home Depot tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh.
TRÒ CHƠI “TÚI MÙ” VÀ NHỮNG NGUY HẠI TIỀM ẨN
Trào lưu "túi mù" đang bùng nổ trên mạng xã hội, đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới trẻ Gen Z và Gen Alpha, với nhiều video "bóc túi mù" đạt hàng triệu lượt xem. Sản phẩm "túi mù" có giá từ 10.000 - 50.000 đồng đã trở thành một hiện tượng tiêu dùng, với doanh thu lên đến 4,6 tỷ đồng và gần 170.000 sản phẩm bán ra trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Mặc dù mang lại cảm giác hồi hộp và hứng thú, trào lưu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bao gồm tác động tiêu cực đến môi trường, tâm lý người tiêu dùng, và sức khỏe. Đa số các sản phẩm trong túi mù được làm từ nhựa và bọc nilon không tái chế, gây ra một lượng rác thải nhựa khổng lồ. Nhựa từ túi mù phân hủy thành vi nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây hại cho sức khỏe con người. Vi nhựa còn gây ô nhiễm đất, nước và không khí, làm giảm chất lượng môi trường sống.
Trào lưu "xé túi mù" cũng gây ra tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), khiến người tiêu dùng chi tiêu quá mức và dễ dẫn đến thất vọng nếu không nhận được món đồ như mong muốn. Việc tiêu dùng bốc đồng không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân mà còn góp phần tạo ra thói quen chi tiêu không hợp lý. Bên cạnh đó, nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện khi nhiều túi mù có nguồn gốc không rõ ràng và được sản xuất từ vật liệu không đảm bảo, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em.
Mặc dù thú vị, trào lưu "túi mù" đi kèm nhiều hệ lụy tiêu cực. Người tiêu dùng cần tỉnh táo và cân nhắc trước khi tham gia, để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng không kiểm soát.
SÁU CÁCH MÀ CÔNG NGHỆ ĐANG THAY ĐỔI BẢN CHẤT CỦA QUẢNG CÁO TRUYỀN HÌNH
Quảng cáo truyền hình, khởi đầu từ quảng cáo ngắn 10 giây của hãng đồng hồ Bulova năm 1941, đã phát triển vượt bậc qua các thời kỳ. Từ hình ảnh trắng đen sơ khai, các quảng cáo truyền hình (TVC) đã được cải tiến với màu sắc và đa dạng hóa qua các kênh truyền hình, tiếp tục giữ vị trí quan trọng nhờ sự phổ biến và hiệu quả trong việc tác động đến người tiêu dùng. Trung bình, người Mỹ dành hơn 5 giờ mỗi ngày xem TV, và một tỷ lệ lớn người tiêu dùng thừa nhận bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo truyền hình trong quyết định mua hàng. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã mở ra những phương thức mới, giúp TVC trở nên hiệu quả và tiếp cận khán giả tốt hơn.
Một số công nghệ tiêu biểu đang định hình lại quảng cáo truyền hình bao gồm TV thông minh, Công nghệ Nhận dạng Nội dung Tự động (ACR), mã QR, Mô hình Ngôn ngữ Lớn (LLM) và máy học. TV thông minh với các nền tảng phát trực tuyến đã thay đổi thói quen xem truyền hình, khi người xem có thể xem bất cứ lúc nào và nội dung được cá nhân hóa. ACR giúp nhận diện nội dung mà khán giả xem, cung cấp dữ liệu về hành vi người dùng để các nhà quảng cáo tối ưu chiến dịch quảng cáo. Mã QR trong quảng cáo tạo cơ hội kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, đo lường sự tương tác qua số lần quét mã và các hành động tiếp theo của khách hàng. LLMs, nhờ khả năng dự đoán phản hồi người xem trước khi quảng cáo được phát hành, giúp tăng hiệu quả sáng tạo và giảm chi phí. Trong khi đó, máy học có thể phân tích dữ liệu để tìm ra khán giả mục tiêu, hỗ trợ nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác mà không cần phụ thuộc vào dữ liệu bên thứ ba.
Nhờ 5G, công nghệ quảng cáo truyền hình không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp cho những tương tác mạnh mẽ hơn với khán giả trong kỷ nguyên số hóa. Các công nghệ này đã và đang giúp quảng cáo truyền hình tối ưu hóa nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm, và mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
CHIẾC BÚT NHỎ, CHIẾN LƯỢC LỚN CỦA STARBUCKS
Starbucks sẽ mua 200.000 chiếc bút để khôi phục truyền thống viết tên khách lên cốc. Một bước chiến lược tìm về bản sắc thương hiệu vốn bị bỏ quên vài năm qua.
Tại Starbucks, việc ghi tên khách hàng lên chiếc cốc không chỉ để dễ dàng nhận diện khi đồ uống hoàn thành, mà còn tạo cảm giác cá nhân hóa mạnh mẽ. Khi mọi thứ đều trở nên công nghiệp hóa, Starbucks khéo léo biến hành động nhỏ này thành phương thức tạo dựng mối quan hệ gần gũi giữa nhân viên và khách hàng.
Khách hàng cảm thấy mình không phải là một con số trong hệ thống, mà là một cá nhân đặc biệt được quan tâm và ghi nhớ. Điều này giúp tạo dựng lòng trung thành và gia tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng, khiến họ quay lại nhiều hơn.
THIẾU HỤT VĂN HÓA SỐ LÀ RÀO CẢN LỚN ĐỂ DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI SỐ?Dù đã bàn luận nhiều về chuyển đổi số trong những năm qua, không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng khái niệm này. Tại sự kiện ra mắt cuốn sách “Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số”, chuyên gia Lại Tiến Mạnh nhấn mạnh rằng để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần thay đổi toàn diện từ mô hình kinh doanh đến dịch vụ và thanh toán số. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn bám vào thói quen truyền thống, trì hoãn việc chuyển đổi, dẫn đến tình trạng không biết bắt đầu từ đâu. Ông Mạnh cho rằng, thiếu hụt văn hóa số trong doanh nghiệp là một rào cản lớn, và việc phổ biến văn hóa số sẽ giúp chuyển đổi số diễn ra tự nhiên hơn.
Ông Dương Ngọc Dũng từ MSB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Ông giới thiệu phương pháp “thử - sai - sửa” để khuyến khích nhân viên chấp nhận cái mới và đổi mới sáng tạo. Ông Lê Quang Vũ, tác giả cuốn sách, khẳng định rằng văn hóa số kết hợp giữa giá trị con người và công nghệ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Cuốn sách cung cấp công cụ văn hóa cần thiết để doanh nghiệp chuyển đổi số, từ đó tạo ra nguồn nhân lực tư duy đột phá và xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thị trường hiện đại.
ĐỐT HAY CHÔN?Việt Nam đang đối mặt với vấn đề chậm tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, dẫn đến phụ thuộc vào phương pháp chôn lấp rác. Việc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính. Mỗi ngày, Việt Nam thải ra khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, với phần lớn được xử lý bằng chôn lấp. Các dự án điện rác lớn, như nhà máy tại Phú Thọ và nhà máy điện rác Nam Sơn (Hà Nội), đã khởi công từ nhiều năm nhưng chưa thể hoàn thành do vướng mắc về thủ tục hành chính và quy hoạch.
Bên cạnh đó, các dự án tại TP.HCM và Đồng Nai cũng gặp khó khăn trong triển khai và vận hành. Nhà máy tại Bắc Ninh dù đã vận hành thử nghiệm nhưng vẫn gặp khó khăn về cấp phép, thiếu nguồn cung cấp rác và bất ổn về lưới điện. Hiện chỉ có khoảng 13% lượng rác được đốt để thu hồi năng lượng tại Việt Nam, phần còn lại chủ yếu là chôn lấp. Chuyên gia nhận định, để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, góp phần bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo.
GIÁ CÀ PHÊ: MỞ MẮT LÀ THẤY GIẢM
Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm mạnh trong những ngày đầu tháng 11, ghi nhận ở mức khoảng 106.000 đồng/kg, giảm hơn 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10. Tại các tỉnh, giá cà phê cụ thể là 106.300 đồng/kg ở Gia Lai, 106.400 đồng/kg ở Kon Tum, 106.500 đồng/kg ở Đắk Nông và 106.000 đồng/kg ở Lâm Đồng.
Trên thị trường quốc tế, cả giá cà phê Robusta và Arabica cũng giảm, với cà phê Robusta giao tháng 1-2025 trên sàn London giảm 2,06%, còn 4.279 USD/tấn. Giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng giảm 1,2% so với phiên trước đó.
Nguyên nhân chính của đợt giảm giá này là do cà phê Việt Nam đang vào mùa thu hoạch, cùng với áp lực từ việc nhu cầu giảm khi Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hoãn thực hiện quy định mới về nhập khẩu hàng hóa. Ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng đây là hiện tượng bình thường khi nguồn cung tăng trở lại và nhu cầu giảm, dự đoán giá cà phê sẽ còn tiếp tục giảm trong tuần tới.
NHIỀU NÔNG SẢN XUẤT KHẨU LẬP KỶ LỤC MỚI
Trong 10 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu kỷ lục, ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, với xuất siêu đạt khoảng 15,2 tỷ USD, tăng 62%. Trong đó, nhóm rau quả dẫn đầu với 6,34 tỷ USD, tăng 31,5%, nhờ vào sự bùng nổ xuất khẩu sầu riêng, đóng góp hơn 3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 3,8 tỷ USD, tăng 38%.
Ngoài rau quả, xuất khẩu cà phê đạt 4,6 tỷ USD, tăng hơn 40%, với giá xuất khẩu trung bình 3.981 USD/tấn, tăng 57%. Các thị trường như Philippines và Malaysia có nhu cầu cao, tăng trưởng gấp 2,2 lần so với năm trước. Xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng mạnh, đạt 4,86 tỷ USD từ gần 7,8 triệu tấn gạo, tăng hơn 10% về khối lượng và trên 23% về giá trị. Các thị trường tiêu thụ lớn như Philippines, Indonesia và Malaysia ghi nhận mức tăng đáng kể.
Xuất khẩu hồ tiêu cũng phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch đạt 1,12 tỷ USD, tăng hơn 48%. Năm 2024 được dự báo là năm kỷ lục về giá nông sản, với giá cà phê Việt Nam lần đầu tiên cao nhất thế giới. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 60-61 tỷ USD, trong đó rau quả có thể vượt 7 tỷ USD và gạo, cà phê dự kiến vượt 5 tỷ USD.
HƠN 2.500 TỶ ĐỒNG NHẬP KHẨU, CHOÁNG VỚI GIÁ NHO TRUNG QUỐC Ở CHỢ ĐẦU MỐI
Thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra số tiền hơn 2.500 tỷ đồng để nhập khẩu nho về Việt Nam, trong đó có rất nhiều hàng từ Trung Quốc. Đáng chú ý, nhiều người cảm thấy choáng khi biết giá nho Trung Quốc được chào bán tại chợ đầu mối.
Trong nhóm quả và hạch quả nhập nhiều nhất về Việt Nam trong 8 tháng năm 2024, nho đứng vị trí thứ 3, chỉ sau táo và hạt dẻ cười. Theo đó, các thương nhân và doanh nghiệp đã chi ra 100,8 triệu USD (khoảng hơn 2.500 tỷ đồng) để nhập khẩu các loại nho tươi về Việt Nam, chiếm 9,1% giá trị nhập khẩu nhóm quả và hạch quả của nước ta trong 8 tháng năm nay.
Điều đáng nói, nho Trung Quốc luôn là mặt hàng có giá rẻ nhất so với hàng cùng loại nhập từ các quốc gia khác. Nhưng nhiều người còn cảm thấy choáng váng khi hay biết giá nho nhập khẩu được chào bán ở các chợ đầu mối.
CHIẾN LƯỢC GAME HÓA DI SẢN GIÚP QUẢNG BÁ VĂN HÓA, DU LỊCH THEO CÁCH ĐỘC ĐÁO VÀ SÁNG TẠO
Game hóa di sản đang trở thành xu hướng nổi bật, biến đổi các yếu tố văn hóa thành trò chơi tương tác, tạo nên trải nghiệm du lịch độc đáo cho du khách. Tại Việt Nam, đây không chỉ là một phương thức phát triển du lịch mới mà còn là cách để quảng bá văn hóa và lịch sử quốc gia. Du khách giờ đây có thể khám phá văn hóa qua các trò chơi trên điện thoại, giúp họ tiếp cận văn hóa một cách gần gũi và sinh động hơn.
Trên thế giới, game hóa di sản đã chứng minh tính hiệu quả trong giáo dục và giải trí. Ví dụ, “The Colosseum Challenge” tại Ý cho phép du khách khám phá đấu trường La Mã thông qua ứng dụng di động, hoặc “The Great Wall Run” ở Trung Quốc kết hợp thể thao với di sản, khuyến khích người tham gia chạy bộ dọc theo Vạn Lý Trường Thành. Những dự án này không chỉ giúp tăng cường nhận thức về di sản mà còn mang lại trải nghiệm đáng nhớ cho người tham gia.
Tại Việt Nam, game hóa di sản đã phát triển từ hơn một thập kỷ qua. Chương trình truyền hình "Hà Nội 36 Phố Phường" là một trong những tiên phong, kết hợp giải trí và giáo dục. Gần đây hơn, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” cho phép du khách khám phá lịch sử qua các hình ảnh laser, và ứng dụng Outing mang đến trải nghiệm di sản ở làng cổ Đường Lâm qua các thử thách hấp dẫn. Những tour như “Food Tour phố cổ Hà Nội” cũng đã áp dụng game hóa, giúp du khách khám phá ẩm thực và di sản với trải nghiệm tương tác.
Thách thức lớn của Game hóa là : làm sao tái hiện chuẩn xác giá trị văn hóa và lịch sử.
LÀNG RAU CỔ GẦN 400 NĂM Ở HỘI AN THÀNH 'LÀNG DU LỊCH TỐT NHẤT THẾ GIỚI'?
Làng rau Trà Quế tại Hội An vừa được Tổ chức Du lịch Thế giới vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất thế giới" nhờ giá trị văn hóa và du lịch đặc sắc. Với gần 400 năm lịch sử, làng nổi tiếng với phương thức canh tác truyền thống, sử dụng ít phân hóa học, tạo ra rau thơm tự nhiên, hương vị khác biệt so với các vùng khác. Trà Quế bao quanh bởi sông Cổ Cò và cánh đồng, là nơi sản xuất khoảng 40 loại rau, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại Hội An và Đà Nẵng. Khách đến đây có thể tham quan, trồng rau cùng nông dân, và thưởng thức các món ăn từ nguồn rau tại chỗ.
Trước năm 2020, du lịch tại làng rau được tổ chức bởi doanh nghiệp, nhưng nay chuyển sang đơn vị sự nghiệp ở Hội An. Làng thu hút hàng chục ngàn khách mỗi năm, với vé dao động từ 20.000 - 30.000 lượt/năm. Vinh danh này không chỉ ghi nhận công sức bảo tồn văn hóa của người dân mà còn thúc đẩy định hướng Hội An thành đô thị văn hóa, sinh thái.
LÃNG PHÍ THỰC PHẨM TRÊN THẾ GIỚI LÀ VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG, KHÔNG LOẠI TRỪ VIỆT NAMTrên thế giới, khoảng một phần ba thực phẩm được sản xuất cho nhu cầu của con người bị lãng phí trong quá trình từ nông trại đến bàn ăn, trong đó khoảng một phần ba là do nạn vất bỏ sau khi mua, phần còn lại bị thất thoát trong thu hoạch, chế biến, vận chuyển và lưu trữ. Sự thiệt hại khổng lồ này lên đến 940 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Chống lãng phí thực phẩm đòi hỏi sự tham gia trên nhiều lĩnh vực của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Và đây cũng là một mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hiệp quốc đề ra.
Khi chúng ta hướng tới năm 2024, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tình hình này, bao gồm tăng trưởng kinh tế, tiến bộ công nghệ, thay đổi chính sách và hành vi của người tiêu dùng.
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Tuần này có 4 chuyên gia gửi bình luận cho bản tin. Mời bạn đọc các lời bình.
Ông Ngô Đình Dũng
Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.
A/VỀ BỨC TRANH TĂNG TRƯỞNG CỦA TMĐT VÀ CÁC XU HƯỚNG NỔI BẬTTôi có một thông tin mới cần lứu ý giới kinh doanh: Hiện nay, còn 1 mô hình TMĐT nữa cũng bắt đầu thâm nhập VN là Yingdong, Hiện nay sàn này chỉ bán hàng cho các DN Trung quốc hoạt động tại VN. Sàn này ko chỉ bán từ cây chổi khăn lau sàn, mà còn bán luôn cả các sp công nghiệp B2B như dầu nhớt, nguyên liệu đầu vào cho các DN, nhà máy Trung quốc hoạt động tại VN. Có lẽ đây là mô hình chưa được cộng đồng quan tâm nhiều vì họ chỉ liên quan đến DN từ TQ, nhưng hàng hóa thì có cả hàng từ những tập đoàn đa quốc gia cũng tham gia cung cấp cho các DN TQ. Sàn TMĐT này đã hoạt động khá thành công ở Indonesia và hiện đang vào VN.B/ VỀ NGUYÊN NHÂN KHIẾN HÀNG LOẠT CỬA HÀNG BÁN LẺ HOA KỲ ĐÓNG CỬA?
Hiện nay các cửa hàng Walmart, Costco, Target ngoài việc cung cấp nơi tiếp cận và trải nghiệm sản phẩm cho NTD, họ cũng có app bán hàng online, giao hàng tận nhà, và thậm chí khách hàng có thể đặt hàng online và hẹn giờ ghé ngang cửa hàng offline để lấy hàng (chắc là đỡ phí shipping). Có thể nói họ là kênh bán hàng OMNI CHANNEL và đem lại nhiều giá trị tiện ích cho khách hàng.
Điều này cho thấy, các nhà bán lẻ lớn đã thành công trong việc thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với sự thay đổi hành vi NTD. NTD lớn tuổi vẫn đến cửa hàng mua sắm, gặp gỡ trò chuyện, NTD trẻ hơn thì có cơ hội mua hàng, nhận hàng, thanh toán online và tiết kiệm thời gian. Các mô hình shopping mall, cho thuê mặt bằng ở Mỹ có lẽ đang tìm cách thay đổi mô hình để thích ứng và tồn tại hoặc là chết.
Ông Cao Minh Việt
Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.
VỀ VIỆC CHỌN GIẢI PHÁP ĐỐT HAY CHỐN LẤP RÁC?Các công nghệ đốt rác tiên tiến hiện nay được áp dụng rộng rãi trong xử lý chất thải rắn để giảm khối lượng rác thải và tạo ra năng lượng. Dưới đây là một số công nghệ hiện đại nhất, cùng với hiệu suất đốt và lượng nhiệt thu được cho các mục đích khác nhau.
Công nghệ đốt rác tầng sôi (Fluidized Bed Combustion - FBC)
• Hiệu suất đốt: Có thể đạt từ 85-90%.
• Phát điện và nhiệt thu hồi: Công nghệ này tạo ra nhiệt độ ổn định khoảng 850-900°C, cho phép sử dụng khí nóng để phát điện. Thông qua tuabin hơi, hiệu suất thu hồi điện năng có thể đạt khoảng 20-25% từ năng lượng nhiệt tổng thu được.
Công nghệ đốt rác với lò quay (Rotary Kiln Incineration)
• Hiệu suất đốt: Đạt từ 90-95%.
• Phát điện và nhiệt thu hồi: Nhiệt độ đốt lên đến 1,000-1,200°C. Lượng nhiệt này có thể được chuyển đổi thành năng lượng điện, với hiệu suất phát điện khoảng 15-20%.
Công nghệ đốt rác bằng Plasma (Plasma Arc Gasification)
• Hiệu suất đốt: Lên đến 99%, một trong những công nghệ đốt sạch nhất.
• Phát điện và nhiệt thu hồi: Đốt cháy ở nhiệt độ cực cao (trên 3,000°C) giúp khí hóa toàn bộ rác thành syngas, có thể được sử dụng để phát điện với hiệu suất từ 25-30%.
Công nghệ đốt rác với lò tầng cố định (Grate Furnace Incineration)
• Hiệu suất đốt: Khoảng 80-85%.
• Phát điện và nhiệt thu hồi: Đốt ở nhiệt độ từ 850-950°C, thích hợp cho rác thải sinh hoạt và có hiệu suất phát điện từ 15-20%.
Khí hóa rác thải (Waste-to-Energy Gasification)
• Hiệu suất đốt: Khí hóa đạt hiệu suất từ 85-95%.
• Phát điện và nhiệt thu hồi: Khí hóa tạo ra syngas, có thể chuyển đổi thành điện với hiệu suất cao, khoảng 30-35%. Phù hợp với các đô thị lớn vì khả năng giảm thiểu ô nhiễm và tái chế nhiệt tốt.
Để so sánh thì hiệu suất thu hồi điện năng khi đốt than đá trong các nhà máy nhiệt điện truyền thống hiện nay thường dao động từ 33-40%. Nhà máy nhiệt điện than đá có chi phí sản xuất khoảng từ 0,04 - 0,06 USD/kWh tùy thuộc vào giá than, công nghệ sử dụng và các chi phí vận hành. Trong khi đó nhà máy nhiệt điện từ đốt rác (Waste to Energy) thường nằm trong khoảng 0,08 - 0,20 USD/kWh.
Tại Việt Nam, do đầu vào của rác là rác hỗn hợp nên chi phí xử lý rác ban đầu trước khi đốt khá cao. Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi, minh bạch và ổn định về đầu tư xử lý rác thải, và cần triệt để phân loại rác tại nguồn, góp phần giảm chi phí đầu tư hệ thống, nhà máy để tạo hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Hồ Nguyên Thảo
Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.
VỀ NẠN LÃNG PHÍ THỰC PHẨM TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM?Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nạn lãng phí thực phẩm, với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vất bỏ mỗi năm gây tổn hại khoảng 3,9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, gần 2% GDP hiện nay. Tỷ lệ lãng phí thực phẩm của Việt Nam hiện cao gấp hai lần các nền kinh tế tiên tiến và giàu có trên thế giới. 25% lượng thực phẩm sản xuất bị thất thoát trước khi đến được nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối.
Tổng thiệt hại của tình trạng lãng phí thực phẩm của Việt Nam ước tính khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỉ đô la Mỹ, khoảng 2% GDP của Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát ở nhóm rau quả là cao nhất, khoảng 32% sản lượng, tương đương với khoảng 7,3 triệu tấn rau quả bị thất thoát mỗi năm. Nhóm cá và thủy sản có tỷ lệ thất thoát khoảng 12% sản lượng, tương đương 804.000 tấn mỗi năm.
Từ đó, có thể nghĩ tới các giải pháp tiềm năng như:
Cải thiện việc quản lý chuỗi cung ứng: Việc tăng cường mạng lưới hậu cần và phân phối có thể giúp thực phẩm đến tay người tiêu dùng trong tình trạng tốt hơn.
Việc đầu tư vào công nghệ như hậu cần chuỗi lạnh, quản lý hàng tồn kho thông minh và ứng dụng di động cho nông dân và người tiêu dùng có thể giảm đáng kể chất thải.
Ngoài ra, cần có các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức với người nông dân, nhà phân phối, nhà bán lẻ và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc giảm lãng phí thực phẩm.
Đẩy mạnh việc hợp tác trên toàn chuỗi cung ứng để tạo ra một cách tiếp cận tích hợp hơn trong việc quản lý chất thải thực phẩm. Rồi tổ chức việc sử dụng thực phẩm dư thừa qua kết nối với các tổ chức nhân đạo.
Cuối cùng, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong các hoạt động nông nghiệp và kỹ thuật bảo quản thực phẩm. Nói chung, cần có một cách tiếp cận đa chiều bao gồm đổi mới công nghệ, hỗ trợ của chính sách và thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Ông Đồng Phước Vinh
31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.
MUỐN CHUYỂN ĐỔI SỐ HIỆU QUẢ THÌ PHẢI CÓ BỨC TRANH TỔNG THỂ TRƯỚCCó một thực trạng khá phổ biến là ban lãnh đạo doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng lại không xác định rõ từng mục tiêu cụ thể cần giải quyết. Vì mong muốn chung chung nên cách hiểu cũng chung chung, có khi cùng một hạng mục chuyển đổi số nhưng trong ban lãnh đạo mỗi người lại hiểu khác nhau.
Một vấn đề khác là nhân sự phụ trách chuyển đổi số cấp cao và cấp trung gian đa số cũng được “phiên ngang” theo chức vụ như người ở ban giám đốc đứng đầu chương trình và người ở cấp phòng phụ trách triển khai. Trong một số trường hợp, nhân sự có thẩm quyền nhưng lại không phải là người bao quát chuyên môn và có khi còn khá mù mờ về công nghệ. Do nhân sự phụ trách như vậy nên các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cũng “nhức đầu” vì các yêu cầu đưa ra đôi khi không rõ ràng, thậm chí là thiếu nhất quán cứ thay đổi liên tục.
Ở các đơn vị như vậy, người khổ nhất là nhân sự cấp thấp, tức những người thừa hành vì đôi khi sếp đưa ra những yêu cầu theo kiểu phân mảnh, không biết ráp vào đâu trong bức tranh tổng thể.
Để tránh tình trạng chuyển đổi số manh mún, các bộ phận không liên kết được với nhau thì cần xây dựng được bức tranh tổng thể về mục tiêu trước khi bắt tay vào làm. Bức tranh này phải bảo đảm các mảnh ghép phải ráp được với nhau một cách suôn sẻ, ít nhất là trên bản vẽ sơ đồ, quy trình trước khi làm việc với đơn vị công nghệ.
Ngoài ra, trong quá trình này cũng cần tìm ra một “kiến trúc sư trưởng” đủ am hiểu chuyên môn và có kiến thức công nghệ ở mức độ nhất định. Người này không nhất thiết phải có chức vụ cao mà cần nhất là được ban lãnh đạo giao đủ quyền và cơ chế để quản lý chương trình chuyển đổi số.
Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.
Link chia sẻ: https://vukimhanh.com/ban-tin-tong-hop-cuoi-tuan-04-11-10-11-2024-2/