SAU FLAPPY BIRD DẬY SÓNG TOÀN CẦU, GAME VIỆT ĐANG MƠ GÌ?
Nhân đọc một đoạn tin về “xu hướng quảng bá văn hóa, du lịch độc đáo, sáng tạo bằng GAME” tôi viết bài này. Tôi không phải một game thủ, nhưng quan tâm đến ngành sản xuất game và đội ngũ chơi game chuyên nghiệp – môn thể thao điện tử (esport) mà Việt Nam được xếp vào trong top đầu của thế giới.
Việt Nam là một trong năm nước có số lượt tải xuống các tên game nhiều nhất thế giới, theo Google. Chúng ta có nghe là Việt Nam có một đội ngũ lập trình viên lên đến 35.000 kỹ sư, một con số đáng kể so với gã khổng lồ Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được hơn 20% nhu cầu của người chơi nội địa. Một vài tên game Việt đã từng gây bão toàn cầu, còn lại đến 80% các tên game phải nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Bắc Mỹ…
Những tên game Việt nổi tiếng thế giới
Thành lập năm 2012, Sforum là một trong những trang tin công nghệ và game hàng đầu tại Việt Nam thuộc hệ thống bán lẻ CellphoneS. Đầu năm 2024, Sforum đã điểm danh 15 game miễn phí với nhiều chủ đề đa dạng như kinh dị, bắn súng, phiêu lưu, nông trại… do người Việt sản xuất được xem là hay nhất và được thế giới biết đến nhiều nhất. Sforum nói những tên game này “mang đến cho người chơi những trải nghiệm đáng nhớ”.
Trong 15 tên game này, Sforum đã nhắc lại những game gây sóng gió toàn cầu như Flappy Bird của kỹ sư Nguyễn Hà Đông năm xưa hay Axie Infinity của startup tỉ đô Sky Mavis – đăng ký thành lập ở Singapore nhưng đang vận hành một văn phòng lớn tại TP.HCM.
Sforum đề cập đến một thế giới cỏ cây hoa lá đầy lý thú với tựa Hoa hay Sky Garden, hay thế giới vi sinh như Superbugs Awaken. Còn có thế giới siêu nhiên hay tưởng tượng với Metal Squad, 2112 Revolution hay Caravan War.
Nổi bật nhất là thế giới kinh dị theo tín ngưỡng dân gian với các tựa The Horror – Nỗi kinh hoàng, The Scourge – Tai ương, The Death – Thần trùng, và Bloodfield. Bốn tựa này được các Facebooker, TikToker review rất nhiều trên mạng và tạo nên làn sóng tò mò trong và ngoài nước.
Tựa game duy nhất về lịch sử là 7554 về chiến thắng Điện Biên Phủ - đứng giữa danh sách, chìm lỉm trong các tựa game gây nghiện, đầy kích thích.
Thái Lan đã dùng game thu hút du khách như thế nào?
Thái Lan đã triển khai kế hoạch phát triển quốc gia dài hạn cho ngành công nghiệp game từ năm 2020. Chính phủ sẽ hỗ trợ 1-5 triệu baht cho các startup ngành game, cung cấp kinh phí cho đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng khác.
Với sự hậu thuẫn lớn của chính phủ, ngành công nghiệp trò chơi điện tử có khả năng trở thành một ngành quan trọng đối với nền kinh tế số Thái Lan – về mặt này, Việt Nam đang có thế mạnh hơn Thái Lan. Dù đang đang nhập khẩu game nhưng Thái Lan đã tận dụng ngành công nghiệp này để quảng bá du lịch.
Hồi tháng 2-2024, chính phủ Thái đã làm việc với Gravity Game Tech, hãng con tại Thái Lan của hãng trò chơi Gravity của Hàn Quốc về việc đưa các điểm đến của Thái Lan vào game. Gravity sẽ đưa một số địa điểm trong di sản văn hóa thế giới Ayutthaya vào phiên bản mới trò chơi Ragnorak Origin (ROO) dự kiến sẽ phát hành cuối năm nay. Đây là trò chơi trực tuyến nhập vai phổ biến toàn cầu, có lúc thu hút hơn 50 triệu người chơi trên thế giới.
Cựu thủ tướng Srettha lúc đó đã yêu cầu, Gravity Game Tech bổ sung trang phục đấu muay thai và voi chiến Thái Lan làm vật phẩm trong trò chơi.
Bài toán của ngành game Việt
Doanh thu ngành game Việt Nam đạt khoảng 400 triệu USD trong năm 2022, tăng khoảng 100 triệu USD so với con số 300 triệu cách đây 10 năm. Cơ quan quản lý nhà nước xem đây là “bước lùi” của ngành. Bởi số lượng công ty phát triển game không tăng đáng kể, chất lượng và khả năng cạnh tranh của game Việt Nam và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của ngành này.
Tuy vậy, các nhà phát hành game trong nước cho rằng, doanh thu thực tế của ngành lên đến 3,5-4,5 tỷ USD. Nhưng hơi buồn là phần lớn nguồn thu lại chảy ra nước ngoài thông qua các công ty phát hành xuyên biên giới.
Ngành game Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030, theo một kế hoạch của Bộ Thông tin truyền thông.
Hàng loạt chính sách và kế hoạch đầu tư vốn thích đáng cho các startup Việt hay nhà sản xuất game tại Việt Nam để phát triển các tựa game văn hóa và lịch sử Việt Nam là một câu hỏi bị bỏ ngõ. Và các tựa game Việt – với cảnh Thăng Long, Hội An, Huế hay Sài Gòn, từ xa xưa đến hiện đại – đủ sức hấp dẫn và thu hút du khách quốc tế hay không lại là câu hỏi nhức đầu hơn nhiều.
Giấc mơ lớn của chúng ta là phải làm được các tựa game hấp dẫn toàn cầu tương đương hoặc hơn ROO của người Thái và người Hàn.