MỘT KIỂU NHƯỢNG QUYỀN QUÁ LẠ Ở DUBAI !
Hôm kia, thấy Phi Vân được trao giải thưởng “Women Franchise Leader of the Year - Lãnh đạo nữ ngành nhượng quyền của năm” do Triển lãm Nhượng quyền Ả Rập trao, tôi tìm đọc tiêu chuẩn của giải thưởng này (sẽ nói ở cuối bài). Và chiều nay thứ sáu cuối tuần, tôi chuẩn bị sáng mai đi dự vòng thi Chung kết Khởi nghiệp Xanh, quá bận, nên nhắn Phi Vân, dù bận, Phi nhớ gửi bình luận thị trường cho bản tin cuối tuần; hay là viết một bài nóng hổi từ Dubai cũng được. Phi nhắn lại, “Dạ chị, tối mai em về, hẹn gặp chị sáng chủ nhật”. Ô, lại còn hẹn. Là Phi Vân sẽ bay về vào tối mai thứ bảy và sáng chủ nhật có mặt chấm thi chung kết Khởi Nghiệp Xanh!
Thế rồi 1 giờ sau, Phi Vân nhắn: “Em không bình luận, em gửi bài về UAE luôn nha chị”
Quá nhanh. Quá nguy hiểm. Quá độc đáo. Đây là bài viết tôi vừa nhận được chiều tối nay.
UAE ỨNG DỤNG NHƯỢNG QUYỀN VÀO MÔ HÌNH DỊCH VỤ CÔNG
Qua Dubai lần nào cũng phải cà phê với anh bạn người Emirati hiện là chủ tịch Hiệp hội nhượng quyền UAE - Các tiểu vương quốc Ả rập. Hồi tháng 5 qua thì ảnh còn hơi than thở tình hình kinh tế, bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán tan nát đồ. Lần này thì năng lượng khác hẳn. Ảnh nói Dubai giờ đông quá đông, đông tới nỗi không có rush hour - giờ cao điểm nữa, vì giờ 24/24 lúc nào cũng là giờ cao điểm. Mà thiệt. Mình đáp Dubai lúc 3:30 sáng ngày 5/11, đi qua cổng hải quan điện tử cái một, trong vòng 10p từ máy bay mình ra khỏi sân bay và leo lên xe về khách sạn. Ra khỏi sân bay chừng 5 phút thì tới đoạn đang xây dựng cầu vượt, chỗ này xe ứ lại hơi kẹt chút. Ba giờ mấy sáng mà kẹt thì tự hỏi không biết ban ngày nó sẽ ra sao. Trưa đó bắt xe qua Museum of the Future - Bảo tàng tương lai thì quả nhiên xe lết như ốc sên. Tới nơi bạn tiếp tân kêu chị ơi, book trước cả tháng chưa biết có vé không, chị tới kiểu này không có cửa. Người đông như kiến chờ vào xem viễn cảnh nhân loại tại thành phố và quốc gia của tương lai này.
Anh Mohhamad kể trước nhà ảnh mới làm xong con kênh đào nhân tạo. Xứ này thứ gì mà không nhân tạo. Công trình làm tất bật cả ngày lẫn đêm nên trong vòng có 5 tháng là xong hết. Người đổ về UAE nhiều quá nên cả quốc gia tấp nập xây dựng thêm cơ sở vật chất.
Khu nhà ảnh ngay gần bãi biển Jumeirah chắc sang năm không còn chỗ đi bộ luôn. Ì xèo tấp nập 24/24 là như thế. Giờ phải lo tận hưởng sự chưa đông đúc cho lẹ chớ rất nhanh sẽ không còn cơ hội. “Không đi bộ được mà giá địa ốc tăng vọt thì cũng ráng chịu đựng ha”, tôi chọc. Ảnh cười ha ha, “Ừ thì cái gì cũng có giá của nó”.
Kinh tế tăng trường 4%. Dân làm kinh doanh ở cái xứ xài Tesla để chạy uber này bận rộn thì phải biết. Tôi nhận ra trong suốt 3 ngày làm việc ở đây, năng lượng tích cực có thể nhìn thấy trong từng người Emirati và cả giới nhập cư làm ăn ở xứ sở này. Năng lượng cao đồng đều. Ai củng tất bật và đặc biệt là cực kỳ open trong việc hợp tác phát triển. Trong 1 ngày dự buổi network đầu tư nhượng quyền tại UAE, tôi gặp gỡ và trao đổi cơ hội hợp tác với đủ loại người, từ người bản xứ tới người Hà Lan, Mỹ, Anh, Ma rốc, Mexico, Ấn độ, Brazil, Nga, Tunisia, Áo…. Mohhamad nói, thì đó, thị trường quốc tế là phải vậy, cực mở cho tất cả mọi người đổ về làm ăn. Hay nữa là lần này gặp nhiều đối tác người Emirati hơn và ai cũng tiếng Anh quá trôi luôn trời ơi. Hồi xưa qua lại nơi này nhiều thấy họ ngoại ngữ còn thua Việt Nam. Giờ hơn là chắc.
Nhìn vào cái sự kinh doanh đời thường như vậy thì rõ ràng đằng sau nó phải là một hệ thống hỗ trợ siêu mượt của chính phủ. Làm gì có sự phát triển tích cực như thế mà thiếu đi vai trò của chính quyền. Nghĩ thế, mình bèn hỏi anh Mohhamad về những thay đổi tích cực từ phía nhà nước cho sự phát triển của UAE. “Phi nhìn đi”, ảnh nói, “chính phủ UAE đã thành chính phủ điện tử thực thụ 20 năm nay rồi. Giờ tất cả đều online chạy mượt như nhung hết. Không có cái thứ gì là còn sử dụng giấy tờ nữa cả. Này đặc biệt hay nè, toàn bộ dịch vụ công giờ thành hệ thống franchise hết rồi. Phi có thể đi tới bất kỳ văn phòng dịch vụ công all-in-one (một cửa) nào tại UAE để làm tất cả giấy tờ liên quan tới chính phủ, trả tiền xong là xong chuyện. Văn phòng dịch vụ công được chính phủ nhượng quyền cho công dân UAE. Ai muốn mở văn phòng dịch vụ công thì đăng ký, qua qui trình tuyển chọn như tuyển đối tác nhận quyền vậy, trả phí nhượng quyền cái là mở dịch vụ thôi. Nhờ vậy văn phòng dịch vụ mở ào ào, còn cạnh tranh nhau nên dịch vụ ngày càng xịn sò. Ai cũng vui vẻ hài lòng mà chính phủ bớt được gánh nặng hành chính. Giờ họ chỉ cần ngồi approve - chấp thuận online thôi là xong. Chính phủ UAE thành franchisor - bên nhượng quyền rồi đó Phi.
Tôi thật sự là quá được truyền cảm hứng bởi cái mô hình này, vì nó quá sức hiệu quả và giải quyết tất cả mọi vấn đề nút thắt hành là chính cho tất cả các chính phủ. Có điều, để có thể triển khai được mô hình nhượng quyền dịch vụ công đột phá kiểu này thì không phải chính phủ nào cũng làm được. Cần có người đứng đầu có tinh thần doanh nhân cao độ, có khả năng triển khai quyết liệt mới dám chịu chơi như thế. Mohhamad nói anh được gọi vào giúp cho việc truyền thông về mô hình nhượng quyền cho tất cả các công chức chính phủ vì thật ra họ chẳng hiểu gì về nhượng quyền, và thay đổi này về mô hình nó quá gắt đi. Bao nhiêu năm làm nhà nước theo cách truyền thống quen rồi, giờ tự nhiên phải thay đổi hành vi như dân kinh doanh và hỗ trợ nhượng quyền đâu phải là chuyện dễ. Có điều, khi quốc gia có một Thủ tướng dám nói trong cuộc họp nội các là, ai không thay đổi, ai không cập nhật và chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình được trong tư duy thì đương nhiên mất job, rồi tới làm làm thiệt thì chuyện họ làm được cũng không đáng ngạc nhiên.
Cần người đứng đầu như thế Phi à. Còn vụ này hay nè, UAE là quốc gia đầu tiên có Bộ trưởng trẻ nhất hành tinh. Có hả?, tôi hỏi, vì thật ra bộ trưởng trẻ thì tôi nghe Indo đã có tuổi 32, Phần Lan có tuổi 35 chẳng hạn, nên thật ra cũng không mấy ngạc nhiên.
Sinh năm 94, 22 tuổi lên Bộ trưởng phụ trách thanh niên, giờ đang là Bộ trường bộ phát triển cộng đồng. Mà là phụ nữ nữa nhe.
Hả? Mohamad cười. Sợ chưa? Phải vậy, trẻ hoá đội ngũ và tư duy thì mới làm được những điều kỳ diệu. Muốn người ta đổ về làm ăn thì phải biết ngoại giao, tạo điều kiện và ra chính sách win-win. Không thì ai người ta tới.
Rồi, đương nhiên sẽ là từ đây, từ những người như Mohhamad mà tôi tìm cách đưa các thương hiệu nhượng quyền của Go Global sang khu vực GCC (Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh). Tám 3 tiếng, nói chuyện business có nửa tiếng là xong. Chúng tôi trở thành đối tác vì sự chân thành, cởi mở và tin tưởng nhau bao năm qua. Hôm nay thứ 6, UAE chỉ làm có nửa ngày. Theo luật lao động UAE nghỉ tới 2.5 ngày. Vậy mà còn tấp nập như thế. Tới giờ cầu nguyện chiều thứ 6 rồi nên Mohhamad chào tạm biệt, hẹn sẽ sang thăm Việt Nam và các thương hiệu trong hệ sinh thái Go Global. Ảnh rời khỏi khách sạn, còn tôi thì cứ tần ngần ngồi lại trong lobby, không dứt ra khỏi được sự ngưỡng mộ cho những gì họ đã làm được, đặc biệt là cách họ ứng dụng nhượng quyền vào mô hình dịch vụ công. Ước gì…
PS. Đây, trang web chính thức của triển lãm này công bố: giải thưởng phải đạt 3 tiêu chí (tôi gom chung lại ngắn gọn) như sau: Người nhận giải thưởng là người có “Sự công nhận của cộng đồng và uy tín thông qua các hoạt động có hiệu quả và thực tế chứng minh sức mạnh và khả năng tồn tại của mô hình kinh doanh.”