5/5/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó điểm lại những thông tin nổi bật trong tuần, và chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về các chủ đề như tình yêu dành cho sản phẩm của các doanh chủ Việt, bản lĩnh đối phó với đại dịch của chính phủ Singapore, câu chuyện về một doanh nghiệp kinh doanh cà phê - một loại nông sản đang rất nóng trong thời gian gần đây và sau cùng là chuyện kiểm soát giá vé tại thị trường hàng không Việt Nam.

LẠI NÓI VỀ GIÁ VÉ MÁY BAY: THÔNG LỆ KHÔNG ĐƯỢC THÔNG CẢM!
Chuyện đã thành thông lệ nhiều chục năm nay. Cơ quan quản lý ra đề bài, hãng hàng không trả bài và…giá vé máy bay cứ tăng. Cứ khoảng một tháng trước các dịp lễ Tết, Cục Hàng không lại gửi văn bản yêu cầu các hãng bay báo cáo về định giá vé, nhắc nhở không được tăng, rồi yêu cầu các hãng báo cáo việc họ giám sát chuyện định giá và bán vé… Đọc thêm

CÀ PHÊ TRÁI CÂY, THÊM MỘT SÁNG KIẾN CHO NÔNG SẢN VIỆT.
Tôi hỏi cô bán hàng của một quán cà phê lớn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng): Em ơi, phải chăng vì ở trên núi nên khách hàng của em thích cà phê (muối) biển? Và tôi tiếp tục hỏi ông chủ của hãng cà phê nông sản Meet More: Cơ duyên nào mà là Việt Kiều (Úc) đang thành công với nghề cửa nhôm bỗng quay về quê kinh doanh cà phê nông sản?... Đọc thêm

THỦ TƯỚNG LÝ HIỂN LONG VÀ BẢN LĨNH ĐỐI PHÓ ĐẠI DỊCH COVID 19.
Trong 20 năm cầm quyền Thủ tướng Lý Hiển Long (LHL) đã phải đối phó và vượt qua ảnh hưởng của 2 cuộc khủng hoảng khủng có tính toàn cầu: (1)Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và (2) Khủng hoảng bởi đại dịch Covid 19... Đọc thêm

TÌNH YÊU SẢN PHẨM CỦA HỌ SÂU SẮC, MÃNH LIỆT THẾ NÀO?
Mấy ngày nay, có 2 đề tài tôi viết mãi chưa xong. Đó là: “Nợ nước”, nói về nạn thiếu nước (ngọt), nạn xâm nhập mặn mà người đồng bằng đang chịu đựng quá khổ sở. Và chuyện “Con kênh đào Phù Nam” sẽ tác động kinh khủng đến kinh tế-xã hội đồng bằng sông Cửu Long… Đọc thêm

TIN TỨC NỔI BẬT

Tiếp theo, tôi xin tóm lược nội dung những câu chuyện đang phát (gần nhất) trên chuyên mục “5 phút-Chuyện thị trường” kênh Tiktok tuần qua.

Cuộc đua sầu riêng xuất khẩu nhìn từ Thái Lan. Việc chuẩn bị của Thái là bài bản, có hệ thống và đặc biệt, làm đúng kiểu "Nhất cự ly, nhì tốc độ". Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ thương mại trực tiếp chỉ huy: coi trọng nhất là chất lượng, tiêu chuẩn, kế đó là cung cấp dịch vụ logistic kịp thời, hiệu quả. Có trọng điểm, tập trung ở thủ phủ sầu Thái: tỉnh Chanthaburi.

“Điểm chạm thần thánh” của các hệ thống phân phối: Các hệ thống từ truyền thống đến hiện đại đang phải đua nhau giành người tiêu dùng Việt vì sức mua vẫn giảm sâu. Hệ thống Aeon lâu nay vẫn tập trung nét riêng: siêu thị của gia đình (diện tích rộng, bán sản phẩm tiêu dùng với không gian rộng thư giãn của các gia đình), nay đã khởi động hình thức của hàng tạp hóa và siêu thị nhỏ hơn ở Crescent Mall. Các chợ truyền thống đang đuối, hệ thống các công ty bình ổn giá đang cố nâng sức mua…

Công thức livestream bán hàng: Livestream vốn là cách bán hàng tận dụng lợi thế thu hút sẵn khách của mạng xã hội có giải trí phong phú bên cạnh mua sắm, nay các kênh bán hàng kiểu livestream còn kết hợp với cả trò chơi điện tử (kiểu của Công ty Temu TQ) cho mua theo nhóm… Shopee thì cho tăng hình thức video live cùng với livestreaming, nhằm giới thiệu hàng hóa luôn sẵn, sinh động và kỹ lưỡng hơn. Và cùng với rao bán hàng livestreaming, Shopee cũng làm tọa đàm sinh động giới thiệu hàng hóa, trả lời các thắc mắc chung để cung cấp thông tin có hệ thống hơn. Rõ ràng livestreaming đang làm nòng cốt và nhiều hình thức công nghệ khác vẫn đang sinh sôi…

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin mà tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để mọi người tiện cập nhật theo dõi.

Tiếp tục giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường tỷ dân Ấn Độ. Tìm cách mở rộng thị trường thế giới khi thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu quen thuộc dần thành…đại dương đỏ, thì Ấn Độ rất hứa hẹn. Nhưng thị trường này khá đặc biệt. Hội doanh nghiệp HVNCLC và BSA cùng Công ty xúc tiến quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế tổng hợp online và offline với các diễn giả toàn là chuyên gia và doanh nhân đã kinh doanh thực chiến tại thị trường này. Các kinh nghiệm phát hiện và phát huy cơ hội thị trường sẽ được giới thiệu và phân tích kỹ. Kết nối với các tổ chức mạnh mẽ và doanh nghiệp Ấn được chuẩn bị sẵn. Chắc chắn nhiều thông tin bổ ích.

Quan tâm nhiều hơn tới các vụ ngộ độc thực phẩm. Mới đây ở Long Khánh có trường hợp 450 người cùng ngộ độc tại một trường học. Vì sao? Tình hình càng nghiêm trọng khi khí hậu nóng cực đoan. Cần phải chú ý ngăn chặn tái phát các trường hợp quá nguy hiểm này, mà bằng các biện pháp nào?

Giá các loại nông sản chính của Việt Nam vẫn nhảy múa bất lợi cho nông dân. Phân tích tình hình giá cà phê tăng đến bất trị, có thể tác hại lâu dài cho ngành kinh doanh này… Giá sầu riêng lên xuống phập phù gây bất lợi cho kinh doanh xuất khẩu.  Trung tâm BSA tổ chức lại việc phân tích số liệu xuất khẩu để đưa ra các cảnh báo…

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Bản tin tuần này chúng tôi mời 2 chuyên gia mới tham gia: 

Bà Nguyễn Phi Vân là doanh nhân, chuyên gia nhượng quyền và cũng là nhà đầu tư thiên thần để trao đổi về lĩnh vực AI đang rất được quan tâm. Tiếp tới là bà Nguyễn Cẩm Chi - chuyên gia tài chính, thuế và kiểm toán để chia sẻ về câu chuyện bị truy thu thuế khi làm tiếp thị liên kết mà nhiều bạn đang thắc mắc.

Bà Nguyễn Cẩm Chi

Thành viên Hiệp Hội kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA). Giảng viên các chương trình đào tạo quốc tế như ACCA (UK), ICAEW... Gần 10 năm làm mentor tình nguyện cho dự án Khởi Nghiệp Xanh của BSA.

Về trường hợp làm tiếp thị liên kết bị truy thu thuế 5 tỷ này, tôi xin trả lời với một số giả định mình phải nói ngay từ đầu, đó là:

Đầu tiên, mình KHÔNG CÓ BẢN HỢP ĐỒNG TRONG TAY, nên không đọc hết được các điều khoản và những gì mình đang nói là dựa vào thông tin được cung cấp từ phía người tiếp thị liên kết với Shopee, ở đây xin gọi là KOL/KOC (chứ không phải phía Shoppee) và cũng phân tích dựa trên thông tin thu thập trên báo chí. Nên nếu thiếu thông tin nào, hoặc giả định của mình chưa hợp lý mong được bỏ qua cho.

Thứ hai, mình phân tích ở góc độ của người làm tư vấn thuế, tư vấn tài chính, không phải ở góc độ KOL/KOC nên có thể vẫn còn nhiều chỗ chưa “hợp tình” theo đúng ý các bạn.

CÂU HỎI 1: VÌ SAO PHẢI CHỊU THUẾ, THUẾ NÀY LÀ THUẾ GÌ?

Đầu tiên là từ hợp đồng hai bên ký kết với nhau. Mình phỏng đoán đây là dạng hợp đồng dịch vụ, nhưng không phải chỉ nhận tiền 1 lần mà trả theo tháng. Đó là lý do mà cơ quan thuế phân loại đây là thu nhập từ tiền công tiền lương và tính thuế trên thu nhập này. Đừng nói là cứ phải ký hợp đồng lao động mới phát sinh thu nhập từ tiền công, tiền lương bạn nhé, vì theo Luật thuế TNCN thì các khoản “có tính chất tiền lương” là thu nhập chịu thuế, chứ không phải ký bằng loại hợp đồng gì. Chưa kể, điều 2 thông tư 111/2013/TT-BTC còn nói rõ các loại thù lao nhận được dưới các hình thức trong đó có cả tiền dịch vụ quảng cáo nữa, nên không thể chạy đâu được.

Rồi vậy là đã rõ là phải chịu thuế TNCN. Đồng ý với mình nhé.

CÂU HỎI 2: TIẾP NỮA LÀ TẠI SAO SHOPPEE BẢO LÀ NỘP THUẾ RỒI MÀ XONG LẠI BỊ TRUY THU?

Khi Shoppee nộp thuế là TẠM NỘP 10% trên thu nhập bạn nhận được, chứ chưa phải đã HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ THUẾ. Nghĩa là họ tạm nộp để đảm bảo tính thời điểm cho khoản thu nhập bạn nhận thì thuế cũng thu luôn 10%, còn sau đó đến cuối năm bạn mới quyết toán và mới biết là bạn nộp thừa hay thiếu để được hoàn lại hoặc nộp nốt. Trường hợp này, thật không may, là bạn đang nộp thiếu.

Tại sao lại có thiếu có thừa? Là vì thuế TNCN được tính trên biểu thuế lũy tiến (tăng dần – đảm bảo là người có thu nhập cao sẽ đóng thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp), nhưng ngược lại bạn đóng thuế TNCN còn được giảm trừ gia cảnh và trừ cho người phụ thuộc nữa. Nên coi như cuối năm làm toán lại từ đầu, tính ra số thuế phải nộp theo quy định của luật thuế TNCN, rồi so với số Shoppee đã tạm nộp 10%, nếu thừa thì bạn được hoàn lại, tiền ting ting vào tài khoản vài ngày thôi, còn nếu thiếu, tất nhiên xin mời bạn hoàn thành nghĩa vụ công dân. 
Bạn hiểu vì sao lại bị truy thu rồi đúng không ạ? 

CÂU HỎI 3: TẠI SAO TÔI PHẢI CHI TRẢ CÁC CHI PHÍ QUẢNG CÁO MÀ LẠI ĐÓNG THUẾ TRÊN TIỀN HOA HỒNG TÔI ĐƯỢC NHẬN

Nếu bạn muốn tính thuế theo cách lấy DOANH THU trừ đi CHI PHÍ, thì bạn cần phải thành lập doanh nghiệp và nộp thuế Thu nhập Doanh nghiệp. Theo đó, Chi phí của Doanh nghiệp nếu đáp ứng được các yêu cầu là Chi phí được trừ theo luật thuế TNDN, bạn sẽ được tính theo cách đó. Doanh thu thì bạn cần xuất hóa đơn GTGT và nộp thuế GTGT này nữa ạ.
Đáp ứng các yêu cầu trên (về hóa đơn GTGT, về Chi phí được trừ), thì bạn có thể tính thuế bằng cách lấy Doanh thu – Chi phí rồi phần còn lại, chịu thuế 20%. 

Tất nhiên nói cho nhanh cho gọn vậy chứ còn phải kê khai hàng tháng hàng quý nữa ạ. Và tất nhiên ở đây bạn KOL/KOC không lập doanh nghiệp, và chúng ta quay lại câu chuyện thuế Thu nhập cá nhân nhé.
Thuế TNCN không được trừ như vậy vì đang tính là thu nhập mang tính chất tiền công, tiền lương, và thay vì được trừ chi phí bạn quảng cáo ở đâu đó, thì bạn có được trừ bớt nhưng là trừ số giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc, vậy thôi ạ.

Nên tóm lại bạn sẽ đóng thuế trên HOA HỒNG NHẬN ĐƯỢC chứ không phải PHẦN CÒN LẠI CỦA HOA HỒNG SAU KHI CHI QUẢNG CÁO TRÊN CÁC NỀN TẢNG KHÁC.

Câu hỏi cuối cùng: VẬY PHẢI LÀM THẾ NÀO?

Phải bình tĩnh và cần có hiểu biết về pháp luật thuế - đó là câu trả lời rõ ràng nhất trong trường hợp này. Bình tĩnh là sao? Nghĩa là trong làm ăn, khi sắp bước vào một giao dịch lạ (affiliate là dạng hợp đồng lạ), cần nghiên cứu kỹ trước, nhất là nghĩa vụ thuế, rất cần có tư vấn hẳn hoi để tránh rủi ro.
Thứ hai, nếu là KOL/KOC thì nên có quản lý và có công ty booking để ký dưới dạng công ty sẽ tránh được việc phải nộp thuế TNCN với biểu thuế lũy tiến mà không được tính các chi phí quảng cáo (nếu đủ chứng từ). 
Thứ ba, hãy rành mạch giữa kinh doanh và tiền cá nhân. Các bạn nhận tiền vào tài khoản cá nhân, thu và chi cùng ở tài khoản đó xong lại muốn thuế người ta tự tách ra cho các bạn thì không được đâu ạ. Cứ vào tài khoản cá nhân, là có rủi ro về thuế TNCN. Trừ khi các bạn đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh cá thể. 

Cuối cùng, vậy tình huống đã xảy ra thì làm thế nào?

Mình rất tiếc nhưng phải nói thật, là chỉ có cách tuân thủ và đóng thuế, rồi… nghiên cứu lại từ đầu thôi ạ. 

Bà Nguyễn Phi Vân

Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á. Đại diện cấp cao của Việt Nam tại các diễn đàn đầu tư thiên thần toàn cầu. Chủ tịch mạng lưới cấp phép và nhượng quyền Việt Nam VFLN.

Câu hỏi: Xin cho một lời khuyên ngắn gọn về việc sử dụng AI tạo sinh (GenAI) đang là vấn đề nóng được giới công nghệ quan tâm nhiều.

Thời đại AI tạo sinh thực ra là chuyện hiển nhiên trong sự phát triển của công nghệ AI trên thế giới. Vì vậy, Không cần phải bàn thì ai hay doanh nghiệp nào cũng phải biết ứng dụng những công cụ này trong việc tối ưu hóa chất lượng và hiệu quả công việc. Tuy nhiên con người không nên ỷ lại và dựa dẫm hoàn toàn vào AI. Ví dụ, tôi đã từng đọc một email do AI viết thay cho một bạn doanh nhân và muốn té xuống đất khi đọc email ấy. Tôi vội nhắn khuyên bạn làm ơn đừng copy 100% nội dung email tiếng Anh do AI viết để gửi cho đối tác của mình. Nói gì đi chăng nữa, nếu viết email một cách vô cảm và dài dòng văn tự kiểu AI thì làm sao có thể xây dựng quan hệ tốt, cá nhân hóa với đối tác của mình được? Thành ra, ứng dụng AI tạo sinh nhất thiết phải sử dụng nhưng không được phụ thuộc.

Lời ngỏ

Tôi xin cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho bản tin này. Vì đây là những số đầu tiên nên sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót, chưa hoàn chỉnh. Do đó, nếu có góp ý gì về bản tin, các bạn hãy gõ vào phần bình luận bên dưới để ekip chúng tôi có thể ghi nhận và điều chỉnh.

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/4 - 5/5/2024)