TÌNH YÊU SẢN PHẨM CỦA HỌ SÂU SẮC, MÃNH LIỆT THẾ NÀO?

TÌNH YÊU SẢN PHẨM CỦA HỌ SÂU SẮC, MÃNH LIỆT THẾ NÀO?

Mấy ngày nay, có 2 đề tài tôi viết mãi chưa xong. Đó là: “Nợ nước”, nói về nạn thiếu nước (ngọt), nạn xâm nhập mặn mà người đồng bằng đang chịu đựng quá khổ sở. Và chuyện “Con kênh đào Phù Nam” sẽ tác động kinh khủng đến kinh tế-xã hội đồng bằng sông Cửu Long…

Rồi chiều qua tôi đọc được tin của BSA Media và hình ảnh ghi nhận nghĩa cử các công ty “HVNCLC - Chuẩn hội nhập” đang mang nước ngọt về chia sẻ ở đồng bằng. Cùng lúc đó, chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo của BSA chuyên đi đánh giá cấp chứng nhận tiêu chuẩn cho DN cũng hào hứng chia sẻ về nỗ lực thầm lặng đáng nể của các CT này trong đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của họ. Tôi tự thấy nên kể ngay câu chuyện “Họ đã yêu sản phẩm của họ sâu sắc chừng nào” cho mọi người cùng hiểu về họ.

Hai công ty đang chuyển nước ngọt về trợ giúp dân thiếu nước là: CT Tân Nhiên (Tây Ninh) và CT nước Thái Dương.

Thực ra không chỉ 2 CT này mà có một số doanh nghiệp đang rủ nhau cùng đưa nước ngọt về miền Tây. Tôi kể 2 CT tiêu biểu thôi. Sau một số đợt, lần này, “Bánh tráng Tân Nhiên” đang đưa 15 khối nước ngọt và 800 blốc nước đóng chai về  xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang (rất gần huyện Gò Công Tây, quê chồng mình).  Còn CT chuyên về nước sạch đóng chai Thái Dương cũng tham gia đợt làm việc nghĩa này.

MỘT GÓC NHÌN KHÁC RẤT THÚ VỊ VỀ HỌ

Những gì họ làm lặng lẽ là rất đáng quí, phải không, nhưng tôi muốn mời mọi người khám phá thêm câu chuyện khác của họ: cách họ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm. Chuyện này nghe không có drama, hấp dẫn nhưng mình nghe kỹ thì thấy đáng quan tâm lắm, vì là bằng chứng về ý định “phát triển bền vững” của họ.

Chuyên gia  Phương Thảo thường xuyên đi đánh giá cấp các chứng nhận tiêu chuẩn cho DN kể rằng:

“Tân Nhiên làm bánh tráng, nghề ruột của người Tây Ninh. Từ bao đời, họ chuyển từ ngồi lựa bánh tráng qua…đứng lựa bánh tráng, từ cắt bằng thớt gỗ sang dùng thớt nhựa trắng (đáp ứng điều kiện tiếp xúc thực phẩm). Vậy mà Tân Nhiên là doanh nghiệp nhỏ, chủ trẻ đầu tiên làm cuộc cách mạng tự đông hóa ở Tây Ninh. Họ chọn xây dựng tiêu chuẩn chế biến thực phẩm là FSSC (thuộc hệ GFSI, khó hơn, đắng nghét so với các tiêu chuẩn thông dụng ISO và HACCP). Khó nên mấy năm trời Tân Nhiên trầy trật (tốn tiền, tốn công) thay đổi cấu trúc, qui trình của xưởng, cùng lúc đối mặt khó khăn lớn hơn là làm sao “quản” được đội quân lành nghề lâu năm, quá giỏi mà chỉ muốn làm theo qui trình và cách làm truyền thống, tức là phải kiểm soát chặt chẽ và trả lương cao hơn mà công nhân rất dị ứng (như kiểm soát bánh tráng vụn tốt hơn, sạch hơn vì đó là nguyên liệu làm bánh tráng trộn - bằng máy móc công nghiệp). Tân Nhiên đã dời hẳn xưởng muối đi xa ra chỗ khác, làm thêm một đường đi để lộ trình toàn bộ xưởng là đúng một chiều, vào một cổng và ra cổng khác tránh lây nhiễm chéo…

Còn CT nước Thái Dương thì đặc biệt là có cô chủ làm quản lý chất lượng mấy chục năm ở Vissan nên quản lý chất lượng sản phẩm vào hàng siêu kỹ lưỡng. Cô chủ thuê hẵn một CT chuyên xử lý nước nhiều năm (thiết kế, lắp đặt và lọc từ nước ngầm thô) với công đoạn “làm mềm, làm ngọt nước, tức xử lý ion rất kỹ, không phải ngọt đường mà ngọt từ nước. Thái Dương cũng đầu tư luôn dây chuyền thổi chai PET từ phôi . Và…

TRANG BỊ TỨC THỜI, VÌ ĐÂU?,

…Và chuyên gia đánh giá chất lượng nói tới câu này: “khi nghe góp ý là CT nên trang bị chuyền chổi chai Pet , thổi xong thì súc và rót luôn, thì chủ CT mua và ráp liền ngay hôm sau” là tôi lại nhớ tới “phản ứng tức thì” của một ông chủ làm Cà phê trái cây là anh Nguyễn Ngọc Luận, chủ thương hiệu Meet More.

Câu chuyện là một bối cảnh khác. Anh Luận kể rằng có một khách hàng Hàn Quốc cử người theo chuyền nhà máy nhiều tháng và bày tỏ rằng, cần có hai loại máy, máy sàng rung để sàng thật kỹ chất của sản phẩm bằng cơ chế sàng nhiều tầng với độ rung để lọc đến mức chất bột sau khi sàng qua nhiều tầng thì đảm bảo độ mịn, đồng đều và đi kèm với một máy X quang để truy cho ra ngay cả một sợi tóc (của công nhân rủi ro rợt vào sản phẩm khâu cuối) cũng phải được phát hiện  và tách khỏi sản phẩm. Và anh Luận thấy đúng, đã mua ngay 2 cái mày tức thì.

Cũng vậy, một câu chuyện khác gây ngạc nhiên cho đối tác và ngay cả cho tôi, khi nghe anh Huy Long An kể: Một lần, tôi nghe người phụ trách kinh doanh của đối tác Nhật gọi điện than phiền, trong container chuối vừa nhận được, họ thấy có một số chuối bị dập, kém chất lượng. Tôi nghe thì áy náy không yên. Và không nói gì với đối tác nhưng tôi lấy vé máy bay, bay ngay sang để xem tận mắt những sản phẩm bị coi là “kém chất lượng” đó. Khi tôi đến cổng công ty Nhật thì họ quá kinh ngạc nhưng tôi giải thích, tôi muốn thấy tận mắt để tìm hiểu rõ nguyên nhân và tìm cách khắc phục hiệu quả nhất. Và tôi hiểu là do nhân viên CT tôi, xếp chuối không để ý, xếp quá chặt gây ra trầy xước vỏ và dập chuối…

Trang bị tức thời, bay tức thời là vì đâu? Cho chất lượng sản phẩm chứ gì nữa?

Trong cả 4 trường hợp này, Tân Nhiên đập xưởng xây lại đúng qui trình tiêu chuẩn FSSC, Thái Dương trang bị ngay dây chuyền thổi chai PET, Meet More trang bị máy sàng rung và máy X quang, còn ông chủ Huy Long An thì bay ngay sang Nhật xem sản phẩm bị chế kém chất lượng để khắc phục.

Tôi thực sự thấy cần kể mấy câu chuyện - có thể kém tình tiết giật gân hấp dẫn - lại là những chuyện quí mà tôi thấy hay hơn những lời khen có cánh cho họ.