BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (19/8 - 25/8/2024)
25/8/2024 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về các mặt hàng nông sản sắp được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, về sự mất mát và tiếc thương trước sự ra đi của giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyện công ty Danny Green chịu chi để làm thương hiệu cho nông sản Việt, tiếp đó là loạt bài về giải pháp cho các nhà sản xuất Việt trước cơn sóng thần hàng Trung Quốc giá rẻ.
LOẠT BÀI: SÓNG THẦN HÀNG TRUNG QUỐC GIÁ RẺ VÀ GIẢI PHÁP SỐNG CÒN CỦA NHÀ SẢN XUẤT VIỆT - P2: SHEIN - TEMU ĐÁNH NHAU VÀ…HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA
Hai cái tên Shein và Temu kể ra cũng dễ đọc dễ nhớ. Và chúng đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng Hoa Kỳ, châu Âu và Đông Nam Á, dĩ nhiên có cả Việt Nam rồi. Cuộc chiến pháp lý giữa hai nền tảng thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc này vẫn đang tiếp tục leo thang tại Mỹ. Vào ngày 19-8, Shein đã để đơn kiện Temu là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bán hàng giả, và gây nhầm lẫn cho khách hàng bằng mô hình kinh doanh bất hợp pháp. Ngoài ra, Shein còn tố cáo một nhân viên của Temu đã đánh cắp bí mật thương mại.... Đọc thêm
LOẠT BÀI: SÓNG THẦN HÀNG TRUNG QUỐC GIÁ RẺ VÀ GIẢI PHÁP SỐNG CÒN CỦA NHÀ SẢN XUẤT VIỆT - P1: MA LỰC GIÁ RẺ
Tổ chuyên gia thị trường của BSA trao đổi và chuẩn bị loạt bài này trong hơn 1 tháng qua. Tôi làm thư ký và chắp bút. Ngoài việc lắng nghe doanh nghiệp TPHCM và Hội viên Hội DN. Hàng Việt Nam Chất lượng cao, ba ngày qua tôi đi 3 tỉnh đồng bằng (Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long), lo việc khác nhưng cũng để tâm tìm hiểu về vấn đề này.
Hôm nay xin đăng bài thứ nhất và mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của doanh nghiệp, chuyên gia và NTD Việt.... Đọc thêm
TRẢ LỜI CHO NGHI VẤN “RỬA TIỀN” CỦA DANNY GREEN
Sáng sớm, có hai tin nhắn bay tới tôi cách nhau không đầy nửa giờ. Một hỏi, hình như cô quen ông chủ công ty này, Danny Green? Câu thứ hai, hỏi thẳng, con nghi họ rửa tiền, có đúng không cô?
Tôi thấy hai câu hỏi đều thật và nên trả lời. Kể ra câu chuyện không mới, nhưng gần đây thấy trên FB rộ lên cuộc trao đổi, tranh luận mà nghi vấn “rửa tiền” là khá rõ rệt.... Đọc thêm
SẼ KHÔNG CÓ THẦY NỮA TRONG MEKONG CONNECT NĂM NAY…...
8g sáng qua, mình ghé Cần Thơ đón bạn Hoàng Tuyên, trưởng văn phòng BSA ở Cần Thơ cùng đi Hậu Giang bàn việc chuẩn bị Mekong Connect 2024 thì nghe tin thầy Võ Tòng Xuân vừa mất trước đó nửa giờ. Sáng mai mình chỉ còn được đi thăm thầy một lần cuối, lại chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ... Đọc thêm
TIN VUI
SẦU RIÊNG ĐÔNG LẠNH, DỪA TƯƠI, CÁ SẤU ĐƯỢC CẤP PHÉP XUẤT CHÍNH NGẠCH SANG TRUNG QUỐC
Hôm nay, nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Việt Nam đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư cho phép xuất chính ngạch 3 dòng sản phẩm này sang TQ..... Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
MỘT LÀN SÓNG MỚI CỦA THỰC PHẨM VÀ ĐỒ UỐNG TRUNG QUỐC TRÀN VÀO ĐÔNG NAM Á
Các công ty thực phẩm và đồ uống (F&B) của Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng sang Đông Nam Á, thậm chí là Bắc Mỹ và Châu Âu, trong vài năm qua, một phần là do tình trạng bão hòa trong nước thúc đẩy phải mở thị trường ra nước ngoài. Theo Huafu Securities, gần 3,19 triệu doanh nghiệp F&B mới đã được đăng ký tại Trung Quốc vào năm 2023, tăng 24,2% so với năm trước.
"Trong ba năm qua, hoạt động tuyển dụng và trả lương ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã tăng hơn 200% mỗi năm", Lin Tan, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của PayInOne, một công ty bán dịch vụ tuyển dụng và trả lương cho các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài, cho biết.
Haidilao International Holding là một công ty kỳ cựu trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo nên tiếng vang F&B ở nước ngoài. Gã khổng lồ lẩu Tứ Xuyên bắt đầu mở rộng hoạt động ra quốc tế cách đây 12 năm với một cửa hàng tại khu phố ven sông lịch sử Clarke Quay của Singapore. Kể từ đó, công ty đã mở thêm mười một cửa hàng nữa tại thành phố này. Đến tháng 3 năm nay, đơn vị điều hành ở nước ngoài của công ty, Super Hi International Holding, đã thống kê được 119 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó 3/5 hoạt động tại Đông Nam Á.
Về mặt đồ uống, Mixue, chuỗi trà sữa trân châu lớn nhất Trung Quốc, đã mở rộng ra 11 quốc gia với hơn 4.000 cửa hàng tính đến tháng 9 năm 2023, kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào năm 2018.
Để có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, các công ty F&B Trung Quốc đang áp dụng nhiều chiến lược khác nhau như nhượng quyền thương mại, lựa chọn thị trường, bản địa hóa và quản lý chuỗi cung ứng.
"Cả nhượng quyền thương mại và hoạt động trực tiếp đều được sử dụng như một chiến lược khi mở rộng ra nước ngoài. "Hầu hết sẽ chọn các khu vực Đông Nam Á trước, chủ yếu là vì chi phí nhân sự thấp hơn và quản lý dễ dàng hơn, trước khi dần mở rộng sang Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc".
HÀN QUỐC SẮP CÓ KỲ LÂN AI ĐẦU TIÊN, THÁCH THỨC NVIDIA
Ngày 18/8, SK Telecom công bố việc sáp nhập giữa startup thiết kế chip AI Rebellions và Sapeon Korea, công ty con chuyên cung ứng chip AI cho trung tâm dữ liệu. Rebellions được định giá 900 tỷ won (664 triệu USD) và Sapeon Korea là 550 tỷ won (411 triệu USD). Cả hai sẽ hợp nhất để tạo nên kỳ lân AI đầu tiên của Hàn Quốc, với giá trị công ty mới dự kiến vượt 1.000 tỷ won.
Công ty mới sẽ mang tên Rebellions và CEO Rebellions, Park Sung Hyun, sẽ dẫn dắt. Thương vụ này được kỳ vọng giúp họ cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường chip AI toàn cầu, nơi Nvidia hiện chiếm ưu thế với 94% thị phần. Để bảo đảm sự ổn định, các cổ đông của Sapeon Korea, bao gồm SK Telecom, SK Hynix và SK Square, sẽ bán 3% cổ phần cho lãnh đạo công ty mới, duy trì vị thế cổ đông lớn nhất. CEO SK Telecom, Ryu Young Sang, tin rằng thương vụ này sẽ tăng cường lợi thế cạnh tranh của họ trong lĩnh vực AI.
THÁI LAN LẬP ỦY BAN ĐỐI PHÓ HÀNG TQ GIÁ RẺ VÀ DU LỊCH 0 ĐỒNG
Ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Thái nói về dự kiến sẽ lập UB với nhiệm vụ như trên vào cuối tháng 8/2024. Tờ Bangkok Post nói rằng Ủy ban sẽ giám sát và hành động vấn đề này. Nếu cần, UB này sẽ áp dụng các qui định của WTO như thỏa thuận chống bán phá giá hay các qui định khác về TM quốc tế như hàng nhập phải có chất lượng đủ tốt... Chúng tôi sẽ sớm tổ chức một các DN SME trao đổi về những thiệt hại do nạn xâm lấn hàng hóa này.
Thái Lan cũng đã có một số cuộc điện đàm với đại sứ và tùy viên TM TQ tại Thái Lan về tác động tiêu cực đặc biệt là nền tảng Temu (mới hứa sẽ bán giảm giá hàng ở Thái tới 90%. Temu phải đăng ký và được quản lý phù hợp ở Thai Lan.
Ngày 21/8, Cục điều tra TW của Thái đã đột kích vào hai kho hàng ở Bagkok và Samut Sakhon, phát hiện nhiều SDP nhập lậu. Dư luận cho rằng lẽ ra VN nên làm trước Thái Lan vì nền TM của TQ vốn mạnh hơn và hàng giá rẻ của TQ đã hoành hành ở VN quá mạnh rồi.
Trong khi đó, nhiều qui định cũng được chuẩn bị siết chặt tình hình du khách TQ đi du lịch Thái Lan nhiều nhưng vẫn là hình thức du lịch 0 đồng. Hiện nay, biện pháp đầu tiên là yêu cầu đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch phải làm sao để du khách TQ mua nhiều hàng của Thái Lan hơn hiện nay.
KHÓ KHĂN TRONG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH THEO ĐẠO HỒI
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ấn Độ và một số quốc gia theo đạo Hồi luôn nằm trong top đầu thị trường khách nước ngoài đến Việt Nam. Trước tiềm năng đón lượng lớn dòng khách này, các doanh nghiệp đã nâng cấp sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy vậy, doanh nghiệp đạt chuẩn phục vụ vẫn còn hạn chế.
Theo ông Ho Sen You Sof, CEO công ty cổ phần Halal Trip Việt Nam, hiện có nhiều bên tổ chức đào tạo dịch vụ, cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn Halal cho đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú và nhà hàng khắp Việt Nam. Tuy vậy, việc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy tắc về lưu trú, thực đơn đạt đúng chuẩn Halal khiến du khách có niềm tin tuyệt đối không phải chuyện dễ dàng.
Hiện tại, công ty đào tạo áp dụng theo tiêu chuẩn Halal MS 1500:2019 của Malaysia và tiêu chuẩn MS 2610:2015 dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo. Các tiêu chuẩn này yêu cầu nhà hàng khách sạn phải có khu vực ẩm thực riêng, khu vực hành lễ tập thể dành cho người theo đạo Hồi.
Ngoài ra, tại cơ sở phải có ít nhất một nhân sự là người Hồi giáo tham gia chế biến hoặc phục vụ, đào tạo kiến thức, xu hướng tiêu dùng, hiểu thói quen và tập tính sinh hoạt của từng quốc gia Hồi giáo. Quan trọng nhất thực đơn cho du khách Halal phải tuân thủ các tiêu chuẩn của luật Hồi giáo.
Đại diện Sở Du lịch TPHCM chỉ ra Việt Nam chưa phát triển hạ tầng du lịch chuyên biệt đáp ứng yêu cầu của dòng khách đạo Hồi. Một trong những ví dụ đặc trưng là khách sạn dành cho du khách Hồi giáo cần có những trang bị riêng như đánh dấu mũi tên chỉ hướng về thánh địa Mecca để họ cầu nguyện, nhà hàng cần phải có đầu bếp nấu chuyên, thực phẩm phải có chứng nhận Halal…
Đại diện một nhà hàng chuyên phục vụ khách Halal ở Hà Nội cho biết để xây dựng bếp đạt tiêu chuẩn Halal, khoản chi phí nguyên vật liệu, thực phẩm lấy hằng ngày cao gấp 1,5 lần so với thực đơn bình thường. Ngoài ra, việc huấn luyện nhân sự mất thời gian khoảng vài tháng để hiểu văn hóa phục vụ. Hiện, nhà hàng chuyên đón khách đoàn từ Malaysia, Indonesia, Bangladesh, Pakistan… với khẩu phần ăn dao động 13 đô la Mỹ/người.
CÔNG TY MẸ CIRCLE K MUỐN MUA DOANH NGHIỆP ĐỨNG SAU 7-ELEVEN
Nikkei Asia trích nguồn tin thân cận cho biết, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã nhận được đề xuất mua lại từ gã khổng lồ cửa hàng tiện lợi Alimentation Couche-Tard (Canada). Seven & I đã lập một hội đồng để đánh giá đề nghị này. Họ sẽ cân nhắc có nên chấp nhận đề xuất mua lại hay không, dựa trên báo cáo của hội đồng này.
Alimentation Couche-Tard hiện có khoảng 17.000 cửa hàng tại 30 quốc gia, với các thương hiệu Couche-Tard và Circle K. Công ty này hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Toronto với vốn hóa 80 tỷ đôla Canada (58,5 tỷ USD). Họ từng tiếp cận Seven & I và đặt vấn đề mua lại năm 2020.
Trong tài khóa kết thúc vào tháng 4/2024, Alimentation Couche-Tard đạt doanh thu 69,2 tỷ USD. Doanh thu của Seven & I trong tài khóa kết thúc vào tháng 2/2024 là 11.000 tỷ yen (75 tỷ USD). Nếu sáp nhập thành công, đây sẽ là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, với mảng kinh doanh cốt lõi là cửa hàng tiện lợi.
Alimentation Couche-Tard đặt mục tiêu mở rộng việc kinh doanh và mạng lưới cửa hàng ra khắp thế giới. Hiện tại, Seven & I có 85.000 cửa hàng tiện lợi tại 20 quốc gia. Họ muốn mở rộng con số này lên 100.000 tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2030. Năm 2021, Seven & I mua Speedway - công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi tại các trạm xăng ở Mỹ.
Nikkei Asia cho rằng đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài với công ty Nhật Bản.
DỰ ÁN KHU CÔNG NGHIỆP XANH TẠI ĐÔNG NAM BỘ HÚT NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Những động thái mới đây từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho thấy, các khu công nghiệp xanh đang được nhiều “ông lớn” quan tâm rót vốn đầu tư. Ngay sau khi gặp gỡ với các đối tác Việt Nam, Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các khu công nghiệp xanh tại Bình Dương.
Nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến việc phát triển mô hình cụm công nghiệp Net Zero tại Bình Dương. Trong đó, Tập đoàn Gia Định (Việt Nam) và Tập đoàn SEP Cooperative (Hàn Quốc) đang hợp tác để chuẩn bị xây dựng Cụm công nghiệp Tam Lập 2 (huyện Phú Giáo, Bình Dương), với vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD.
Trong khi đó, tại TP.HCM, Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và Phạm Văn Hai II (289 ha) ở huyện Bình Chánh cũng được định hướng xây dựng thành khu công nghiệp xanh, sinh thái. Hàng loạt nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM xin đăng ký làm nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Logos, Techtronic Industries, Goldman Sachs, Einhell, Quantum…
Chung xu hướng thu hút các dự án đầu tư xanh trong vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai mới đây làm việc với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) để thực hiện Dự án Hợp tác phát triển mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2024-2026. Trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, địa phương này cũng ưu tiên mời gọi đầu tư ít nhất 3 khu công nghiệp xanh, đạt chuẩn Net Zero và 3 khu công nghệ cao.
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Mời bạn theo dõi các ý kiến bình luận của tuần này:
Ông Phạm Trọng Chinh
Trưởng nhóm chuyên gia thị trường của Hội HVNCLC và BSA, với chuyên môn là Quản trị Hệ thống phân phối, Quản lý bán hàng và Trade Marketing.
LIVESTREAM HÀNG THỰC PHẨM VÀ ĐỒ UỐNG LÀ DỄ LÀM NHẤT, NHƯNG…
Nếu phải bình chọn những ngành nào “hồ hởi & năng động” nhất với trend livestream bán hàng thì F&B chắc là không nằm ngoài top 5, phải được sánh ngang với thời trang, mỹ phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là tính phù hợp khá cao giữa đặc tính sản phẩm với livestream và sự phong phú, thuận lợi trong câu chuyện content. Ví dụ: để làm content về một món ăn thì nhiều người có thể làm được, hoặc chỉ cần một món ăn với một trăm livestreamer có thể có một trăm câu chuyện khác nhau. Bản thân tôi khi làm việc với nhiều bạn livestreamer thì những show về F&B là những show khá dễ làm và không gian sáng tạo lớn, đồng thời chi phí tạo dựng cũng không quá cao.
Khó khăn của F&B chính xác là vấn đề hệ thống logistic, có thể nói khó khăn này của F&B là nan giải nhất so với tất cả các ngành khác. Nói vui là ông trời không cho không ai cái gì, chuyện này dễ thì đổi lại cái khác cực kỳ gian nan.
Ngoài ra có một rào cản khác của F&B Livestream chính là câu chuyện chất lượng. Bản thân tôi đã từng đọc một nghiên cứu người tiêu dùng thì quan ngại nhất của họ về chất lượng của các sản phẩm thực phẩm nhận được khác quá xa so với những gì họ nghe, thấy trên livestream. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người mua lặp lại (repeat purchase) của F&B online thấp và tỷ lệ hài lòng cũng thuộc nhóm đội sổ. Cũng dễ hiểu thôi, một thỏi son mua qua livestream thì khi nhận được không khác so với quảng cáo, nhất là hàng có thương hiệu, nhưng một món ăn nhìn bắt bắt, ngon lành trên màn hình khi có mặt ở nhà thì thường là khác xa so với tưởng tượng. Cho nên với ngành F&B, làm content, livestream không khó, tạo ra doanh số bền vững mới là câu chuyện nan giải nhất.
Ông Ngô Đình Dũng
Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.
CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ THÁI LAN ĐỐI PHÓ HÀNG TRUNG QUỐC GIÁ RẺ
Về việc chính phủ Thái lan đang xem xét việc hạn chế TEMU hay các nền tảng TMĐT của TQ bán phá giá thì đây là việc quá cần để thể hiện trách nhiệm của chính phủ bảo vệ nền kinh tế.
Tuy nhiên, xét về góc cạnh thực tế, đây còn có thể là một bước chiến thuật như con cờ để thương lượng các điều khoản thương mại có lợi cho Thái hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa Thái sang TQ. Chứ về cơ sở theo hiệp định WTO việc hạn chế gặp cái khó là rất khó để chứng minh thiệt hại do hàng rẻ của TQ.
Hiện giờ các nước khác cũng đã tìm cách nâng cao rào cản với hàng giá rẻ bằng cách hạ giá trị gói hàng nhập khẩu chịu thuế. Tuy nhiên, các DN logistics của TQ chắc chắn sẽ lại tìm ra cách để lách các quy định như vậy. Đây sẽ là cuộc chiến thương mại lâu dài giữa các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nằm quá gần với TQ để các nhà sản xuất TQ có thể tận dụng lợi thế qui mô lớn, chi phí thấp về logitsics và sản xuất rẻ. Giải pháp khả thi lúc này chắc là phạt nặng các trường hợp hàng kém chất lượng và chú trọng công tác truyền thông, phải truyền thông mạnh hơn về các vụ sự cố chất lượng để nâng cao ý thức người tiêu dùng. Đây là điều quan trọng và cần thiết nhất.
Ông Cao Minh Việt
Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.
XÂY DỰNG NHỮNG KHU CÔNG NGHIỆP XANH
Theo Savils tính đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các khu kinh tế, 37 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, 7 KCN nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120 nghìn héc-ta.
Với xu hướng phát triển các KCN xanh nhằm hướng đến Netzero thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng, các công ty đầu tư hạ tầng KCN từ Nhật, Hàn Quốc đều đang xúc tiến đầu tư mạnh tại Việt Nam.
Về mô hình KCN xanh, có một cách nhìn khác từ khía cạnh năng lượng xanh, đặc biệt là nhu cầu đối với hydrogen xanh (green hydrogen). Khi xây dựng một cụm công nghiệp mới, có thể bắt đầu ngay từ một nhà máy sản xuất hydrogen xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Việt Nam có ưu thế đường bờ biển trải dài, không quá sâu nên thuận tiện để xây các farm điện gió ngoài khơi, và đây sẽ là nguồn để tạo ra hydrogen xanh. Nguồn năng lượng này sẽ được đóng gói, sau đó vận chuyển đến các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc với chi phí rẻ hơn khi phải nhập từ Úc.
Để các nhà đầu tư nước ngoài từ Đức, Nhật có thể đầu tư vào mảng này chắc chắn Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, ổn định lâu dài để thu hút và giúp nhà đầu tư an tâm.
Nguồn năng lượng xanh này không những được bán cho nước ngoài mà còn có thể sử dụng trực tiếp tại địa phương góp phần chuyển đổi các mô hình công nghiệp theo kiểu cũ, cũng như thay đổi vai trò của Việt Nam trong câu chuyện chuyển đổi xanh và hướng đến NetZero
Ông Đồng Phước Vinh
31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.
MẶT TRÁI CỦA HÀNG ONLINE GIÁ "RẺ BÈO"
Trải nghiệm của bản thân, người quen, người nhà của tôi trong việc mua hàng online cho thấy, các loại hàng giá rẻ từ Trung Quốc bán tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử có khả năng tác động rất mạnh đến tâm lý mua sắm, nhất là khi nhìn mẫu mã qua hình ảnh đều "đẹp lung linh". Do nhiều món hàng giá quá rẻ, có khi chỉ vài ngàn, vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng nên quyết định đặt hàng rất dễ dàng vì ai cũng nghĩ bụng "không tốn kém bao nhiêu" so với giá thông thường vài chục, vài trăm hay hàng triệu đồng.
Tâm lý dễ dãi này khiến người mua "tha" về một đống hàng hoá có khi không dùng đến, có khi dùng không bao lâu đã hư hỏng. Một số món hàng tôi đã thấy như bạt trùm xe, vòi nước, đèn led, đồ gia dụng nhỏ, pin dự phòng, máy móc điện tử loại nhỏ, cáp và cốc sạc điện thoại.... có tuổi thọ cực ngắn, có khi chỉ vài tháng là đã phải bỏ. Có món hàng khi nhận được người dùng đã bỏ luôn vì chất liệu xấu, kích thước không phù hợp, công năng không đúng như mô tả nhưng vì giá trị đơn hàng nhỏ nên ít ai khiếu nại.
Một số nhà bán hàng Trung Quốc còn xài thủ thuật thuê seeder để đặt hàng và bình luận tốt cho sản phẩm, "đè" các bình luận bất lợi chìm xuống để tạo tâm lý tin tưởng nơi người mua. Lượng hàng hoá này dù nhanh chóng trở thành rác nhưng tính ra tổng doanh thu cũng không nhỏ chút nào.
Ông Hồ Nguyên Thảo
Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.
LÀN SÓNG THẦN HÀNG GIÁ RẺ TỪ TRUNG QUỐC VẪN SẼ TIẾP DIỄN VÀ LAN RỘNG
Temu đăng ký chính thức ở Boston, Mỹ tháng 9-2022, sau khi Shein – đăng ký ở Singapore - bước vào thị trường Mỹ hai năm trước đó. Chỉ vài tháng sau, Temu đã tung ra các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ để giành thị phần với Shein và các nền tảng thương mại điện tử khác ở Mỹ.
Trong khi Temu và Shein so găng ở Mỹ, trên thị trường quê nhà đại lục, cuộc chiến lại càng khốc liệt hơn giữa các sàn thương mại điện tử Trung Quốc. Lần này có sự tham gia của các mạng xã hội, như Douyin của Bytedance, WeChat của Tencent và nền tảng microblog Weibo bắt dầu thâm nhập vào lĩnh vực thương mại điện tử. Các mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin này tận dụng lượng khách hàng sẵn có, buộc họ mở túi tiền trở thành nguồn thu mới cho họ.
Đó là sự cạnh tranh hỗn độn và sống còn của khoảng 10 tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc, với tham vọng mở rộng thị phần trong nước và cả nước. Có thể Temu, Pinduoduo, Shein, JD.com, Alibaba, ByteDance, Tencent, Weibo, Meituan… Một khi sản xuất trong nước đình đốn và dư thừa công suất, thị trường nội địa đình trệ, sức mua suy giảm thì các gã khổng lồ phải tìm cách tràn qua nước ngoài tìm đường sống, tống tháo sản phẩm.
Mỹ, châu Âu và Nam Phi đã tiến hành điều tra các hoạt động thương mại của các sàn này bằng các biện pháp trừng phạt và đánh thuế. Năm ngoái Mỹ đã đưa ra Luật Hạn chế cho phép Bộ trưởng Thương mại cấm một số ứng dụng nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia.
Temu mới vào Philippines tháng 6-2023, Malaysia tháng 9-2023 và Thái Lan tháng 7-2024 vừa rồi bởi đây là những nước có thị trường thương mại điện rất phát triển. Ở hai nước đầu tiên Temu xuất hiện khá là yên ắng dù rằng chính phủ đã siết chặt các biện pháp đánh thuế, ở Thái Lan Temu gây sự sôi sục hơn bởi mọi người lo ngại với các khoản giảm giá đến 90% Temu có thể đè bẹp hàng trong nước. Những ngày trước khi bị Tòa Hiến pháp phế truất, cựu Thủ tướng Srettha Thavisin ngành thuế, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Y tế công và Bộ Kinh tế và xã hội số “giám sát chặt chẽ mọi động thái của Temu”. Ông yêu cầu không để lọt lưới sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Thái Lan, kể cả thông qua các chuỗi nhượng quyền F&B và các tour không đồng.
Khi Temu mở rộng hoạt động ở Đông Nam Á, Shein chắc chắn sẽ đón đầu nghênh chiến.
Amazon trước sức mạnh toàn cầu của các sàn Trung Quốc đã phải bắt tay với TikTokShop và các nhà bán hàng Trung Quốc để có nguồn hàng rẻ hơn.
Và như vậy, vẫn có khả năng đến lúc các sàn Trung Quốc bắt tay với nhau và với những gã khổng lồ như Amazon hay eBay. Những cơn lũ hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang hiện nay vẫn chưa là đợt cuối.
Các học giả trong và ngoài nước mà tôi trao đổi cùng có tiếng nói chung về nguyên nhân tại sao các nhà bán hàng trên Temu có thể cung cấp các khoảng giảm giá đến 90%.
Đầu tiên, nền tảng này đã tận dụng được mạng lưới chuỗi cung ứng rộng lớn ở Trung Quốc, cung cấp sản phẩm với chi phí thấp đáng kể. Thứ đến, nền tảng này vận hành với chi phí tiếp thị và chi phí hoạt động tối thiểu, do quy mô của tập đoàn mẹ Pinduoduo, cũng là “bầu sữa” của Temu. Ngoài ra, mô hình bán hàng trực tiếp giúp loại bỏ các bên trung gian, giúp cắt giảm chi phí. Temu đã kết hợp và chuyển trực tiếp cả ba khoản tiết kiệm này cho người tiêu dùng, hạ giá bán sản phẩm và tạo cuộc chiến giá cả trên thị trường.
Ban đầu, người tiêu dùng có thể hào hứng bởi người tiêu dùng Đông Nam Á luôn nhạy cảm về giá, nhưng về lâu dài mọi chuyện sẽ khác. “Tuy nhiên, sự hào hứng mua hàng thường bị cảm giác hoài nghi kiềm hãm. Người tiêu dùng ASEAN cảnh giác với chất lượng và tính xác thực của các sản phẩm giá cực thấp, lo ngại các món hàng có chi phí ẩn như nguyên vật liệu kém chất lượng, tuổi thọ sản phẩm ngắn hoặc dịch vụ hậu mãi không đầy đủ. Sự cảnh giác này đặc biệt rõ rệt ở những thị trường mà người tiêu dùng ngày càng thông minh và nhận thức được những cạm bẫy tiềm ẩn của những món hời quá tốt để có thể là sự thật”, Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh.
Một khi nền sản xuất Trung Quốc quá chú trọng về số lượng mà quên chất lượng, các mặt hàng kém chất lượng sẽ nhanh chóng trở về bãi rác, giống như trường hợp của thời trang nhanh. Tạo thêm áp lực mới về môi trường.
Khả năng hạ giá của nhà sản xuất, nhà bán hàng Trung Quốc sẽ tạo áp lực lên nền kinh tế nội địa, buộc doanh nghiệp trong nước phải có chiến lược để tồn tại, thích nghi và sống sót trong và sau cơn lũ. Chính những lúc này, chính sách bảo vệ và hỗ trợ sản xuất nội địa từ chính phủ là cần kíp.