BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (13/5 - 19/5/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (13/5 - 19/5/2024)

19/5/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó điểm lại những thông tin nổi bật trong tuần, và chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về các chủ đề như chuyện một thương nhân Việt "du học" bên đất Thái, chuyện thủ tướng mới nhậm chức của Singapore, chuyện robot được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực mới, chuyện cạnh tranh của Việt-Thái ở thị trường sầu riêng và sau cùng là về một "cơn bão" mà các doanh nghiệp phải đối diện trong thời gian tới.

Người Trung Quốc mua sầu riêng Việt Nam ở siêu thị (Bắc Kinh)-ảnh từ video nb C. Thái Bình

CƠN BÃO TÀN KHỐC ĐANG QUÉT QUA THỊ TRƯỜNG
Một tin không mới, nhưng cũng báo hiệu một đổi thay đáng kể: chấm dứt một thời quảng cáo sản phẩm tiêu dùng làm mưa làm gió trên khắp các màn ảnh nhỏ: đầu năm 2024, hãng Mondelez, thương hiệu quảng cáo mạnh mẽ bánh Oreo nổi tiếng của họ đã cắt hẳn chương trình trên TV. Hãng này cho hay, các chương trình truyền hình giờ đây không còn sức hút lớn nữa. Mảng dịch vụ truyền hình trực tuyến như Netflix thì cũng chưa phổ biến rộng rãi với đại chúng... Đọc thêm

HAI “ÔNG BỐ”  NGƯỜI VIỆT TÀI HOA...
Hai nhà sáng chế trẻ này đã cho ra đời những con robot mang tên của Eureka Robotics, công ty họ thành lập sau khi tốt nghiệp khoa tự động hóa của Đại học Nanyang Singapore. Các cánh tay robot của Eureka Robotics có khả năng khéo léo như con người đã được sử dụng ở nhiều nhà máy ở Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ... Đọc thêm

CẠNH TRANH SÁT VÁN VIỆT-THÁI VỀ XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG VỚI 2 THỊ TRƯỜNG TỶ DÂN.
Những ngày này, Thái Lan bắt đầu thu hoạch sầu riêng và ồ ạt xuất khẩu đi Trung Quốc. Theo dõi tin về hoạt động này, tôi thường đọc The Nation và Bangkok Post . Tuần qua không thấy tin, bạn Ricky Hồ đưa tôi một nguồn mới, tờ Khaosod (tiếng Thái)  có bài phân tích khá trực diện: Sầu riêng Thái có nên sợ đối thủ Việt..Đọc thêm

KHI MÁY ĐƯỢC DẠY PHA RƯỢU VÀ NẤU ĂN.
Hôm qua, nền tảng maybe.vn đã phát video trò chuyện với doanh nhân Võ Quang Huệ. Câu chuyện rất phong phú, tuy nhiên tôi tâm đắc nhất là đoạn chia sẻ với anh nỗi bức xúc về đào tạo nguồn nhân lực cho VN. Không chuẩn bị trước mà khi nói tới khả năng rất tốt của lực lượng lao động trẻ Việt Nam (mà lại chưa được phát huy tốt) là tôi nói dễ dàng như “tuồng bụng” về cả 3 trường hợp hiện đến trong đầu tôi khi ấy....Đọc thêm

THỦ TƯỚNG VỪA NHẬM CHỨC CỦA SINGAPORE: "CHÚNG TÔI SẼ LÃNH ĐẠO THEO CÁCH RIÊNG CỦA MÌNH"
Thủ tướng Lawrence Wong, nhà lãnh đạo thứ tư của Singapore, nhà kinh tế được đào tạo tại Hoa Kỳ và là người đầu tiên sinh ra sau khi Singapore giành độc lập đã tuyên thệ nhậm chức từ một cuộc chuyển giao (sớm 6 tháng) được chuẩn bị cần thận. Diễn văn tuyên thệ nhậm chức của ông nêu rõ: chính phủ mới của ông sẽ phải lãnh đạo theo một phong cách khác. Ông cũng nêu bật 3 điều kiện thiết yếu làm nên quốc gia hùng mạnh: lãnh đạo giỏi-chính trị ổn định và hoạch định lâu dài...Đọc thêm

TRƯỜNG HỌC ĐẶC BIỆT CỦA TƯỜNG VI.
Cô gái trẻ này là Ngô Tường Vi, một thương nhân có nghề trong làng xuất khẩu trái cây Việt Nam. Mấy tháng nay cô ấy đi “du học” ở Thái Lan. Không nộp hồ sơ hay thi tuyển vào trường đại học nào, cô ấy lặng lẽ lăn vào giữa những khu vườn sầu riêng, sống chung vui vẻ với những người nông dân Thái Lan chân chất trồng sầu và giữa những nhà buôn trái cây Thái Lan lọc lõi...Đọc thêm

TIN TỨC NỔI BẬT

Tiếp theo, tôi xin tóm lược nội dung những câu chuyện đang phát (gần nhất) trên chuyên mục “5 phút-Chuyện thị trường” kênh Tiktok tuần qua.

1/ Cuộc chiến thương mại điện tử trên thị trường Ba Lan. Nước Ba Lan là quốc gia lớn nhất ở Trung Âu. Gần đây, thị trường bán lẻ diễn ra cuộc canh tranh giữa hai “ông lớn” từ Mỹ (Amazone), Trung Quốc (Temu) với sàn thương mại điện tử lớn nhất là Allegro. Amazone chuyên sử dụng công cụ video còn Temu sử dụng nhiều công cụ mới và Temu chiếm thị phần nhanh hơn, dù thị gần lớn nhất vẫn là của Allegro...

2/Lễ hội SEN diễn ra ở Đồng Tháp rất phong phú và nhiều khách tham quan (Người dân Đồng Tháp và du khách các nơi). Các hoạt động cộng đồng thu hút đông đảo người xem. Hội thảo về “Phát triển thị trường cho Sen” có trưng bày một tập tài liệu quí: bản đồ tất cả các sản phẩm, dịch vụ được khai thác từ 6 bộ phận trong một cây sen: Rễ, cọng, lá, hoa, gương sen và hạt sen.

3/Giới thiệu về bản tin tổng hợp cuối tuần của nhà báo VKH. Số lượng người đăng ký tăng đều và nhanh, mỗi tuần đều có bài mới độc quyền dành cho bạn đọc tuần tin này...

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi.

1/ NHIỀU HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ DOANH NGHIỆP QUAN TÂM THỊ TRƯỜNG TỶ DÂN ẤN ĐỘ.
Sau ngày 11/5/2024 BSA tổ chức hội thảo mở đầu: “Kinh doanh tại Ấn Độ - Những nội dung quan trọng doanh nghiệp Việt Nam cần biết” tập trung bàn về các nội dung: cơ hội kinh doanh tại Ấn Độ, quan hệ thương mại-đầu tư Ấn - Việt, thủ tục xuất nhập khẩu của Ấn Độ... Trung tâm BSA liên tục nhận được các yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp về thị trường này. Một số bạn hỏi về “tiêu chuẩn” nào cần cho sản phẩm muốn và Thị trường này? Chương trình “HVNCLC - Chuẩn hội nhập” đã trả lời về Tiêu chuẩn BIS là tiêu chuẩn buộc phải có với thị trường này.
Ngoài ra, đầu tuần sau, một số doanh nghiệp Việt có cơ hội gặp gỡ các luật sư, chuyên gia tư vấn về các vấn đề pháp lý trong quan hệ thương mại và đầu tư với Ấn. Nội dung sẽ được giới thiệu trong bản tin tuần sau...

2/ DIỄN BIẾN CUỘC THANH TRA CỦA CỤC HÀNG KHÔNG VỚI TÌNH HÌNH GIÁ VÉ TĂNG VỌT NHIỀU LÝ THÚ...

3/ CỨU VÃN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ BẢO VỆ CƯ DÂN ĐỒNG BẰNG, những nỗ lực bền bỉ trước hai thảm họa vẫn đang diễn ra: xâm nhập mặn khiến mùa màng thất bát, người dân thiếu nước ngọt và nhất là nạn sạt lở ảnh hường tính mạng người dân. Vì sao có 2 ý kiến trái ngược nhau: đồng bằng thiếu nước và ĐB không thiếu nước...

4/ THÊM MỘT SÁNG KIẾN DỄ THƯƠNG CỦA "NGƯỜI HÙNG" HỒ THANH NHIÊN: BÁNH MÌ GẤC. Có bao nhiêu tài nguyên bản địa đã được vào “thực đơn” thuần chay của chị?

5/ NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG MỪNG TỪ LỄ HỘI SEN. Tôi được tham gia hội thảo về Sen sáng 18/5/2025 và còn được nhiều thông tin hơn .

6/ ĐỐI PHÓ VỚI CƠN BÃO TÀN KHỐC QUÉT QUA THỊ TRƯỜNG là cuộc đi xa tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp đồng bằng xây dựng các cách bán hàng mới với việc tư vấn huấn luyện về xây dựng bán hàng đa kênh...


Hôm nay, tôi có chuẩn bị một bản khảo sát nhỏ với mục đích ghi nhận những ý kiến, phản hồi về bản tin tổng hợp mà tôi đang gửi đến các bạn vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, để từ đó cải thiện nội dung và mang tới nhiều giá trị hơn cho các bạn. Mong các bạn sẽ dành chút thời gian để giúp tôi thực hiện khảo sát này.


BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 3 chuyên gia tham gia chuyên mục này: ông Phạm Trọng Chinh, ông Phạm Ngọc Hưng và ông Hồ Nguyên Thảo. Xin giới thiệu 3 lời bình sau:

Ông Phạm Trọng Chinh

Trưởng nhóm chuyên gia thị trường của Hội HVNCLC và BSA, với chuyên môn là Quản trị Hệ thống phân phối, Quản lý bán hàng và Trade Marketing.

Về bài viết "CƠN BÃO TÀN KHỐC ĐANG QUÉT QUA THỊ TRƯỜNG"

Marketing/Sales đúng là đang có những thay đổi rất mạnh mẽ và đi vào những căn cơ mới (new fundamental setting).

Cũng khó nói trước thật chắc chắn là mọi thứ sẽ chuyển động thế nào. Tình thế đòi hỏi người làm kinh doanh lắng nghe thị trường, lắng nghe người tiêu dùng, tự điều chỉnh, tự thích nghi mỗi ngày. Người tiêu dùng đang mua sắm ở nhiều kênh hơn, mỗi kênh lại có nhiều điểm chạm hơn, hành trình mua sắm và lựa chọn của mỗi người tiêu dùng cũng phức tạp hơn...

Từ đó đặt ra vấn đề lớn cho DN về nguồn lực và năng lực của người kinh doanh.  Nguồn lực sẽ bị phân tán vì phải đầu tư thêm kênh, thêm điểm chạm (nghĩa là thêm tiền, người), còn về năng lực, đã quen với bán hàng truyền thống và trong chủ trương, không thấy phải quyết liệt thay đổi thì không dễ chuyển đổi trạng thái, trước bối cảnh đầy thách thức. Mà mỗi bạn doanh nhân sẽ phải tự suy xét và cùng đội ngũ của mình nghĩ suy, hành động.

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

Về giải pháp của ông Nguyễn Đức Tài trong bài CƠN BÃO TÀN KHỐC ĐANG QUÉT QUA...

Đọc đến cam kết của anh Tài, tôi nghĩ rõ ràng là thị trường bán lẻ đang đẩy cạnh tranh nhảy thêm một bậc nữa trên thang "trải nghiệm mua sắm". Cái thang trải nghiệm ấy tôi thường hình dung bậc thấp nhất là các bà ở chợ cá, khách trả giá mà không mua là người bán chửi, còn bậc cao nhất là sự hài lòng hoàn toàn của khách hàng — ngay cả khi không mua được hàng.
Thực tế thì cái thang trải nghiệm mua sắm ấy cũng rất cần sáng tạo, vì sự hài lòng của khách hàng ngày nay cũng đã khác nhiều, đến từ nhiều phương chiều dịch vụ: chất lượng sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giao tiếp bán hàng và sự thuận tiện khi mua hàng.

Vì vậy, chỉ xin đưa một góp ý nhỏ, liệu là anh Tài có thể "bắt trend" bằng giải pháp: giao hàng vệ đường — tức là “curbside pickup & delivery”, tức là có thể bán hàng qua mạng nhưng thay vì giao hàng tại nhà thì cho nhân viên giao ngay ở lề đường trước cửa hàng. Cách bán hàng này đang rất phổ biến ở nhiều nước, vì không có phí ship hàng và thuận tiện cho người mua trên đường đi làm hoặc về nhà, không cần phải hẹn giờ giao hàng hay phải có người nhận hàng ở nhà.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

Về MỘT KIỂU KIỂM TRA KHÔNG ĐÁNG TIN CẬY

Báo chí đưa tin Cục Hàng không đã tiến hành kiểm tra tình hình bán vé và niêm yết giá của bốn hãng Vietnam Airlines (VN), VietJet Air (VJ), Bamboo Airways (QH) và Vietravel Airlines (VU) thông qua 6 đại lý của các hãng này trong thời gian từ ngày 1-1 đến ngày 4-5 – theo các báo cáo của ngành hàng không.

Cuộc kiểm tra thực hiện cấp tốc trong vòng ba ngày từ 7 đến 9-5.

Kết luận của cuộc kiểm tra ngắn ngủi này là không có vé đại lý nào trong 6 đại lý trên bán giá vượt khung quy định. Và chỉ có 11 hành khách phản ánh  mua vé với giá vượt khung thì Cục đã phúc đáp là “không” có trường hợp nào vé bán vượt khung giá quy định.

Tôi thấy, nếu xét quy mô là hàng ngàn đại lý bán vé, hàng trăm ngàn chuyến bay, và nhiều triệu lượt hành khách thì cách thức trên quả có nhiều lỗ hổng.

Hiện VN có 440 đại lý tại Việt Nam (gồm 332 đại lý truyền thống và 108 đại lý online), VJ có 1.342 đại lý (trong đó có 60 đại lý online và 6 phòng vé trực thuộc), QH có 1.510 đại lý (trong đó có 10 đại lý online và 2 phòng vé trực thuộc), VU có 400 đại lý (trong đó có 5 đại lý online và 8 phòng vé trực thuộc).

Và xét về quy mô của đại lý thì lại có một điều rất đáng nói: Ngành hàng không thường phân đại lý thành hai cấp. Đại lý cấp 1 có khả năng xuất vé, phải đóng quỹ với các hãng nhiều tỷ đồng và có thể giải quyết nhiều vấn đề thay các hãng bay nên cũng được gọi là tổng đại lý hay đại diện chính thức. Đối với các hãng bay quốc tế, số tiền ký quỹ của tổng đại lý lên đến nhiều chục tỷ đồng. Hệ quả là nếu các tổng đại lý “ngậm vé” hay “neo vé” ở giá cao, rồi đến khi đến khi bán không được thì nhả vé thì xảy ra cơn bão giá vé như thời gian qua.

Riêng các đại lý cấp 2 phải ký quỹ hay nộp cọc, khoảng 20 triệu đồng chẳng hạn, cho tổng đại lý và chỉ nhận booking và cho quyền xuất vé của đại lý cấp 1 hay tổng đại lý.

Như vậy, nếu với quy mô lấy mẫu (kiểm tra) thấp như vậy (VN với tỷ lệ 2/440, VJ với 2/1.342, QH với 1/1.510 và VU với 1/400)  thì rõ ràng, làm như vậy là RẤT SƠ SÀI, CHIẾU LỆ KHÔNG ĐÁNG TIN CẬY.

Danh sách các bài viết gần nhất: