CẠNH TRANH SÁT VÁN VIỆT-THÁI VỀ XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG VỚI 2 THỊ TRƯỜNG TỶ DÂN.

CẠNH TRANH SÁT VÁN VIỆT-THÁI VỀ XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG VỚI 2 THỊ TRƯỜNG TỶ DÂN.

Những ngày này, Thái Lan bắt đầu thu hoạch sầu riêng và ồ ạt xuất khẩu đi Trung Quốc. Theo dõi tin về hoạt động này, tôi thường đọc The Nation và Bangkok Post . Tuần qua không thấy tin, bạn Ricky Hồ đưa tôi một nguồn mới, tờ Khaosod (tiếng Thái)  có bài phân tích khá trực diện: Sầu riêng Thái có nên sợ đối thủ Việt?

Tờ báo viết: “Tại cảng Youyi, cảng biên giới đất liền Trung Quốc- Việt Nam, ở Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, 48.000 tấn sầu riêng tươi đã được nhập khẩu trong quý đầu năm nay. Trong số này, có 35.000 tấn, nhập từ Việt Nam, tăng 48,1% và 13.000 tấn nhập từ Thái Lan.

Ông Ath Pisalvanich, một chuyên gia kinh tế quốc tế, đã đưa ra bản phân tích về Chỉ số Rủi ro Sầu riêng Thái Lan năm 2024 và đánh giá sầu riêng Thái Lan trong 5 năm tới, sẽ gặp nhiều rủi ro.

Thái Lan có 4 loại nông sản xuất khẩu chính: gạo, sầu riêng, cao su và khoai mì. Sầu riêng là cây trồng kinh tế quan trọng duy nhất đóng góp đáng kể (25% tổng giá trị xuất khẩu của 4 loại này). Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 140 tỷ baht, vượt giá trị xuất khẩu cao su và khoai mì nhưng vẫn tụt hậu so với gạo....

Phân tích DURI (Chỉ số rủi ro sầu riêng) cho năm 2024 và 5 năm tiếp theo cho thấy Chỉ số rủi ro sầu riêng Thái Lan cho năm 2024 là 57, được coi là rủi ro cao vì nó vượt quá 50. Các giá trị DURI trong 5 năm tới cũng nhất quán vượt 50, do ba yếu tố rủi ro chính: hạn hán nông nghiệp, xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng và chi phí vận chuyển sang Trung Quốc tăng.

Trong 12 năm qua, sản lượng sầu riêng Thái Lan đã tăng 180% từ 500.000 tấn lên 1,4 triệu tấn, nhờ diện tích trồng sầu riêng trên cả nước tăng 80%. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng hạn hán sẽ làm giảm 50% sản lượng sầu riêng trong 5 năm tới nếu chính phủ không giải quyết trực tiếp vấn đề hạn hán.

Các chuyêng ước tính sản lượng sầu riêng Thái Lan sẽ giảm 53%, tương đương 640.000 tấn trong 5 năm tới. Năm nay, hạn hán dự kiến sẽ làm giảm sản lượng sầu riêng 42%, tương đương 540.000 tấn.

Cho cả năm 2024, báo này ước đoán Việt Nam dự kiến xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, trong khi xuất khẩu của Thái Lan dự kiến là 800.000 tấn, giảm gần 200.000 tấn. Ngoài ra, giá thành sản xuất sầu riêng ở Thái Lan cao gấp đôi ở Việt Nam. Năm 2023, chi phí sản xuất của Việt Nam là 15 baht/kg và tăng lên 19 baht/kg vào năm 2024.

Và nhiệm vụ quốc gia cấp bách nhất của chính phủ Thái là giải quyết vấn đề hạn hán cho nông dân và giữ vững chất lượng. Trong 3 năm tới, chất lượng sầu riêng Việt Nam sẽ tiệm cận chất lượng sầu riêng Thái Lan”:

Thủ tướng Srettha Thavisin bình luận sự cạnh tranh giữa Thái Lan giữa Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề cạnh tranh tự do. Yếu tố quan trọng là chất lượng và hương vị . Ông nhấn mạnh, người kiểm soát được chất lượng và vận chuyển hiệu quả để đảm bảo giao hàng nhanh chóng sẽ nắm được ưu thế trên thị trường.

Theo Tân Hoa Xã,  Trung Quốc đã nhập khẩu 6,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023.  Báo Thái thì cho rằng số liệu đáng chú ý là cuối năm 2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 31% thị trường nhập của Trung Quốc (dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố).

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG  SANG ẤN ĐỘ

Cuộc cạnh tranh trên thị trường tỷ dân Trung Quốc luôn căng thẳng, gay go. Mới đây, ông Lê văn Thiệt, Phó Cục trưởng Bảo Vệ Thực vật nêu ý kiến: nên “bỏ trứng vào thêm một cái rổ khác là thị trường tỷ dân Ấn Độ,’.

Năm 2024, chung ta cũng đang muốn mở thêm thị trường này. Sáng kiến này đầy hứa hẹn. Tôi đã lập tức tìm hiểu và kiểm tra thực tế với các chuyên gia Việt Nam đã làm ăn với thị trường này gần 20 năm qua… Tổng hợp tài liệu và kiểm tra, nghe phân tích từ những người Việt Nam làm ăn ở Trung Quốc, tôi thấy, “sáng kiến” này còn “cao hứng”  và khó khả thi trong thực tế.

Ẩm thực truyền thống của Ấn Độ không bao gồm món sầu riêng. Gần đây có thể có sự du nhập từ các nước Đông Nam Á nên sầu riêng đã có mặt ở một số vùng của Ấn Độ, đặc biệt là ở các thành phố lớn với dân số đa dạng và có thị trường hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, nó không được người dân nói chung tiêu thụ rộng rãi.

Sầu riêng có thể được tìm thấy trong các cửa hàng đặc sản, các chợ quốc tế và đôi khi trong các siêu thị phục vụ nhóm khách hàng đa dạng quốc tịch. Nó không phổ biến như các loại trái cây nhiệt đới khác như xoài, chuối hoặc đu đủ.

Mùi nồng và hương vị độc đáo có thể gây khó chịu cho những người không quen với nó.

Mặc dù sầu riêng có sẵn ở một số vùng của Ấn Độ và được một bộ phận nhỏ người dân tiêu thụ, nhưng về mặt lịch sử hoặc hiện tại, nó không phải là một phần quan trọng trong thói quen ẩm thực của người Ấn Độ.

Trong khi đó, người Ấn có thói quen thường dùng trái cây trong ăn uống, ăn tươi hay chế biến khi nấu nướng.

Triển vọng không lạc quan lắm về sầu riêng, trái lại, nhiều loại trái cây nhiệt đới quen thuộc ở Việt Nam được sử dụng phổ biến nhất trong ẩm thực Ấn Độ: xoài, chuối, lựu, dừa, ổi, thơm, đu đủ…

Xoài (Aam) được ăn tươi, làm thành nước ép hoặc dùng trong các món tráng miệng như lassi xoài và aamras. Xoài sống được sử dụng trong dưa chua (achar), tương ớt và salad.

Chuối (Kela) được ăn tươi, dùng trong các món tráng miệng và còn được nấu trong các món mặn (cà ri) và đồ ăn nhẹ chiên.

Chuối chiên, chuối halwa, kela ki sabzi, pazham pori (chuối rán).

Lựu (Anaar) dùng làm đồ trang trí, làm món salad và làm tương ớt. Nước ép lựu cũng được ưa chuộng.

Dừa được sử dụng ăn tươi, nạo, làm sữa và dầu. Nó là một món ăn chủ yếu trong ẩm thực phía Nam Ấn Độ. Các món liên quan là: Tương ớt dừa, cơm dừa, payasam (một loại kheer), cà ri dừa.

Me (Imli) Bột me được dùng để tạo hương vị thơm ngon trong nhiều món ăn, bao gồm tương ớt, cà ri và đồ ăn nhẹ, sambar, rasam, cơm me (puliyodarai).

Ổi (Amrud) được ăn tươi, làm thành nước ép, dùng trong các món salad và món tráng miệng.

Đu Đủ (Papita) Dùng được cả đu đủ chín và đu đủ sống. Đu đủ chín được ăn tươi hoặc làm món tráng miệng, trong khi đu đủ sống được dùng trong món salad và cà ri.

Cũng vậy, các món Mít (Kathal) , cam, quit, dứa, mãng cầu, vải thiều và Táo cũng được dùng trong món ăn Ấn.

Như vậy thay vì nghĩ về xuất khẩu sầu riêng, ta lại có thể khảo sát thực tế và tìm cơ hội cho các loại trái cây cũng là thế mạnh của Việt Nam. Sáng kiến thị trường dù nhắm vào yếu tố đông dân thì cũng cần phải đi vào nhu cầu và hành vi tiêu dùng thực tế.


Chào các bạn, tôi có chuẩn bị một bản khảo sát nhỏ với mục đích ghi nhận những ý kiến, phản hồi về bản tin tổng hợp mà tôi đang gửi đến các bạn vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, để từ đó cải thiện nội dung và mang tới nhiều giá trị hơn cho các bạn. Mong các bạn sẽ dành chút thời gian để giúp tôi thực hiện khảo sát này.


 

Danh sách các bài viết gần nhất: