Một tin không mới, nhưng cũng báo hiệu một đổi thay đáng kể: chấm dứt một thời quảng cáo sản phẩm tiêu dùng làm mưa làm gió trên khắp các màn ảnh nhỏ: đầu năm 2024, hãng Mondelez, thương hiệu quảng cáo mạnh mẽ bánh Oreo nổi tiếng của họ đã cắt hẳn chương trình trên TV. Hãng này cho hay, các chương trình truyền hình giờ đây không còn sức hút lớn nữa. Mảng dịch vụ truyền hình trực tuyến như Netflix thì cũng chưa phổ biến rộng rãi với đại chúng. Đối với vị thế thống trị của truyền hình nhờ sức hút mạnh mẽ lượng khán giả rộng lớn, khó có thể tưởng tượng một ngày nào đó, màn hình tivi bỗng thu nhỏ lại, nhỏ đến có thể nhét vào túi quần, hay túi xách của phụ nữ: màn hình smartphone. Còn nhớ, giới làm marketing trước phải thuộc lòng công thức, tung toàn bộ chiến dịch offline chỉ sau khi tivi phát hình chiến dịch quảng cáo một ngày, còn quảng cáo mà không có chiến dịch offline đi kèm cũng phí.

Lại có quảng cáo về một cam kết kinh doanh mới của ông Nguyễn Đức Tài rằng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của ông nay sẵn sàng trả lại tiền cho khách mua hàng mà không hài lòng về sản phẩm. Người lãnh đạo kinh doanh đầy kinh nghiệm như ông Tài hẳn thấy rằng mình phải cam kết mạnh mẽ, gây được khác biệt và ấn tượng nhưng việc thực hiện sẽ ra sao? Một chuyên gia thị trường bạn tôi kể rằng, anh am hiểu thị trường Indonesia, cách làm của ông Tài có thể cũng tương tự cách kinh doanh hiện nay của các chủ vựa sầu riêng. Khi họ bán sầu ra, khách khiếu nại là vựa lập tức thay đổi hàng (không phải trả lại tiền) và họ đem trái sầu đã “khui” đưa vào cấp đông bán cho siêu thị, cũng không thiệt hại gì. Còn cách làm của ông Tài có vài điểm khác trong xử lý. Nguồn lực của họ là rất mạnh nhưng để linh động cạnh tranh được với thị trường đang thay đổi từng ngày là chuyện không dễ. Nhưng hãy chờ xem...

Sáng 6g shipper ngồi uống cà phê chuẩn bị giao hàng. Nếu để ý sẽ thấy các bạn shipper đang chạy nhộn nhịp trong khắp các ngõ ngách SG thời gian qua

Tờ Wall Street Journal cho rằng đây là chuyển biến lớn lao. Đến nay trong thực tế, hầu như tất cả công ty đều cắt giảm mạnh mẽ nhưng họ không công bố ra với bàn dân thiên hạ. Các kênh truyền hình đã giảm liên tục chương trình quảng cáo về tần suất, thời gian. Việc đầu tư các phim TVC công phu, hiện đại, đắt tiền để chiếm sóng giờ vàng tạo nên những slogan “găm” vào đầu người xem tivi đã thưa thớt dần, vấn đề là ông nào công bố hay không công bố mà thôi. Sự chuyển dịch các kênh media mấy năm nay đã cho thấy kênh TV đã giảm mạnh, giảm liên tục về tần suất và thời gian xem TV của người Việt. Báo giấy cũng vậy, có những tờ báo mà trước, sấp quảng cáo luôn nặng tay thì nay không còn gì hay chỉ có một, đôi trang mỏng.

Tôi có đi thăm 2 hội chợ hàng tiêu dùng gần đây tại TP. Hội chợ hàng tiêu biểu xuất khẩu và Foodex 2024. Vẫn khai mạc hoành tráng những lực lượng các doanh nghiệp lớn, dám “xuống tiền” đầu tư gian hàng phô trương danh thế với quà tặng khuyến mãi hậu hỉ, nay đã biến mất. Có gian hàng to ghi tên cơ quan xúc tiến của một vài TP lớn mà hàng trưng bày thì lèo tèo, không đại diện được cho cơ quan chủ quản. Tôi cũng biết nhiều công ty được mời không thu tiền thuê mặt bằng nhưng họ vẫn từ chối khi so đo hiệu quả.

Và rồi đến những chương trình “kế nối cung cầu” của các cơ quan xúc tiến tổ chức cũng đi vào hình thức cho có lệ để báo cáo chứ không còn “khí thế” như xưa. Bởi đưa được hàng vô siêu thị không còn là điều họ thiết tha nữa vì siêu thị...cũng vắng.

Siêu thị tăng giờ bán kiếm thêm khách trong ngày khá vắng vẻ

Tôi làm nghề xúc tiến này đã 30 năm. Kể về những Hội Chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao có số vé bán một ngày chủ nhật hàng trăm nghìn vé, mỗi tháng một hội chợ lớn liên tỉnh hay những chuyến đi hội chợ quốc tế tưng bừng sang trọng ở Franakfurt, Paris, Washington...giờ chỉ còn biết thở dài.

Bây giờ tình thế hoàn toàn khác. Mạng xã hội chiếm sóng. Thương mại điện tử tung hoành. Người mua không thích đi, cũng chẳng cần sờ “thấy mới tin” nữa. Họ chỉ gọi điện thoại hay chạm nhẹ một cái nút chốt đơn. Bởi nguyên tắc thu hút người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn.

Như một cơn cuồng phong quét qua khắp các thị trường, tất cả đã thay đổi. Cái chính là nguyên tắc thu hút người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn. Không cần tivi ra rả hàng đêm, không cần hội chợ hay sự kiện khủng - quà khủng vào các ngày lễ lớn ở các tụ điểm công cộng hay siêu thị.

Ồ ạt trả mặt bằng, bán hàng offline thua lỗ

Giờ mạng xã hội, kênh điện tử thu hút người xem với các phương tiện mới mẻ, các chương trình giải trí, các game show, các chương trình mua sắm xen kẽ...
Bây giờ là lúc thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, bán hàng. Làm chủ mô hình phát triển bán hàng đa kênh. Xây dựng thương hiệu, uy tín bằng chất lượng, giá cạnh tranh và truyền thông đa phương tiện. Không chỉ đơn giản là livestream thu hút đông đảo và chốt đơn dồn dập một lần, đôi lần.

Vì vậy, chưa bao giờ BSA tổ chức một hệ thống thu thập và phân tích cung cấp thông tin thị trường cùng đội ngũ chuyên gia có kiến thức nền tảng vững chắc và có “thực chiến” để tư vấn, huấn luyện và sát cánh cùng doanh nghiệp như hiện nay.

Chúng tôi cũng phải học mỗi ngày, cũng mắt tròn mắt dẹt trước sự thay đổi cực nhanh của các phương tiện, công cụ bán hàng. Trước sự đa dạng biến hóa khôn lường của nghệ thuật viết content. Và mỗi ngày thêm kinh nghiệm để giúp doanh nghiệp Việt thích nghi trong xây dựng chiến lược và đội ngũ phù hợp hiệu quả của mình.

Chỉ có thể nói: Tình thế đã hoàn toàn khác. Tư duy phải thay đổi.
Chiến lược, mô hình kinh doanh phải thay đổi rồi.  Chọn giải pháp thông minh, phù hợp cho mình vào lúc thiên nan vạn nan này. Cũng may, một điều mới là lúc này, chừng như ai làm doanh nghiệp cũng hiểu là phải tìm bạn, nhiều bạn để đi cùng nhau.


Chào các bạn, tôi có chuẩn bị một bản khảo sát nhỏ với mục đích ghi nhận những ý kiến, phản hồi về bản tin tổng hợp mà tôi đang gửi đến các bạn vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, để từ đó cải thiện nội dung và mang tới nhiều giá trị hơn cho các bạn. Mong các bạn sẽ dành chút thời gian để giúp tôi thực hiện khảo sát này.


 

CƠN BÃO TÀN KHỐC ĐANG QUÉT QUA THỊ TRƯỜNG