BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (8/7 - 14/7/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (8/7 - 14/7/2024)

14/7/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết xoay quanh việc khởi động mùa 2 của chương trình Kịch và Nghệ, bài về chuyện xác thực bằng sinh trắc học của GS Phan Dương Hiệu, và chuyện khó khăn của doanh nghiệp trong việc bổ sung hay tăng cường iod trong chế biến thực phẩm

DOANH NGHIỆP THAN TRỜI, DÂN LO CƯỜNG GIÁP, SAO HỌ MẶC KỆ?
Chuyện kéo dài 8 năm rồi. Đầu dây mối nhợ chỉ ở cái chốt này: sự khác nhau giữa hai khái niệm: "phải tăng cường" và "khuyến khích". 8 năm trước, ngày 28/1/2016, Nghị định 09 của chính phủ ra đời, qui định về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm...Đọc thêm

XÁC THỰC BẰNG DỮ LIỆU SINH TRẮC HỌC: CẦN CẨN TRỌNG TRƯỚC NHỮNG BƯỚC ĐI KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC.
Trong kho sinh trắc sẽ có nhiều mức độ, mỗi lần phải sử dụng một mức độ cao hơn là một bước đi “không thể đảo ngược”. Và nếu cứ leo thang mức độ dần dần, rồi đến nước phải sử dụng cả dữ liệu gene, đó sẽ là bước tận cùng, để rồi nếu thua là không còn vũ khí nào khác... Đọc thêm

SÁNG TẠO LÀ BAY BỔNG HAY LAO NHỌC?
Hôm qua là một ngày tôi phải thu dồn 2 show rất khác nhau, sáng là tập 1 mùa 2 về vỡ Tiên Nga. Tôi ngồi chầu rìa giúp HOST chính, Nghệ sĩ Thành Lộc trò chuyện với khách mời là nữ nghệ sĩ Lê Khánh. Buổi chiều là talkshow tôi host, phỏng vấn chuyên gia kỹ thuật trồng sầu riêng Huỳnh Quới. Thú vị nhất là cả 3 đều là những nhà chuyên nghiệp lão luyện trong nghề, vậy mà trước 3 máy chĩa thẳng vào người với ánh đèn sáng rực thì…Thành Lộc và Lê Khánh thản nhiên, vui vẻ...Đọc thêm

NHỮNG CON MA NHÀ HÁT ?
Ba thằng bạn hẹn gặp nhau… Vincent chép miệng, mấy khi mà cả 3 có mặt ở Sài Gòn cùng một lúc? Ừ nhỉ, Vincent làm du lịch, vừa từ Thượng Hải về, mai bay đi Paris và Hy Lạp. Quốc làm nghề drone, vừa ở Wasghinton DC và Hà Nội về, chuẩn bị bay tiếp, còn tôi thì..tuần qua chỉ có đi Tây Ninh thôi, cuối tuần mới đi Hà Nội.
Mình đi ăn tối đi. Và câu chuyện sôi nổi nhất khi luận bàn về “Những con ma nhà hát”...Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

NHỮNG THAY ĐỔI TỪ NTD MUA HÀNG ONLINE

- Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam cho hay, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. "Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%.

Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang - thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa.

Đáng chú ý, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%).

>>> Còn theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam thì kênh online hiện đang đóng góp 8% vào tổng giá trị thị trường FMCG và dự kiến sẽ tăng thêm 2 điểm thị phần trong 2 năm tới. Và kênh trực tuyến ở nông thôn cũng đang ngày càng tiếp cận thêm nhiều người mua mới, tăng gần 10% số hộ gia đình mỗi năm.

DÂN SỐ THẾ GIỚI GIÀ ĐI, MÓN GÌ BÁN CHẠY NHẤT?

Theo Liên hợp quốc (UN), dân số già hóa là một “xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược”, do tuổi thọ của con người tăng lên và quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi.

Một báo cáo của LHQ năm 2023: vào năm 2050, số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên thế giới sẽ tăng gấp hơn 2 lần, lên đến 1,6 tỷ người vào năm 2050. Nhật Bản là nước có dân già hóa nhanh nhất và đông nhất (do tỷ lệ người già tăng, các gia đình không sinh con hay ngày càng ít con).

Nhu cầu tiêu dùng tăng quan trọng nhất: bỉm dành cho người già tăng đáng kể trong khi bỉm trẻ em giảm xuống.

Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International, thị trường bỉm người già Nhật Bản đã đạt quy mô 1,7 tỷ USD năm 2023 và được dự báo tăng lên thành 1,9 tỷ USD vào năm 2026, chiếm hơn 12% thị trường bỉm người già toàn cầu.

Trên toàn cầu, thị trường bỉm người già đạt quy mô 12,8 tỷ USD năm 2023 và được dự báo tăng lên gần 15,5 tỷ USD vào năm 2026.

Thực tế là: vào tháng 3, công ty sản xuất giấy Oji Holdings có tuổi đời hơn 150 năm đã thông báo sẽ ngừng sản xuất bỉm trẻ em cho thị trường Nhật Bản từ năm nay để tập trung vào các sản phẩm cho người lớn.

Hãng Panasonic cũng nhanh chóng phát triển các sản phẩm cho người già (từ những năm 1990). Còn nhà sản xuất thiết bị bếp gia dụng Zojirushi hiện đưa ra nhiều sản phẩm dành riêng cho người cao tuổi như: ấm pha trà điện lại có thể gửi email tới một địa chỉ được đăng ký trước để người thân có thể cập nhật tình trạng thành viên cao tuổi trong gia đình. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.

HÀN QUỐC BÙNG NỔ TIÊU DÙNG MỘT NGƯỜI

Hộ gia đình một người chiếm tỷ lệ kỷ lục của cấu trúc dân số nước này năm 2023: 34,5%.

Nguyên nhân: tuổi thọ tăng mà tỷ lệ kết hôn giảm, càng không muốn sinh con.

Trước tình hình này, các công ty bán lẻ đã thu nhỏ kích cỡ của các loại thực phẩm và hàng tạp hóa, bao gồm thịt, gạo, hoa quả, rau củ, thậm chí là bánh pizza.

Đại diện chuỗi Lotte Mart cho biết doanh thu từ các bịch táo cắt lát nặng 150 gram đã tăng 70% vào năm ngoái. Dưa hấu miếng nhỏ, bán theo lát đã tăng gấp 5 lần trong tháng 6.

Việc thu nhỏ kích cỡ cũng biểu hiện rõ rệt ở các cửa hàng tiện lợi, nơi người sống một mình thường đến.

Thương hiệu GS25 cho biết họ đã tăng trưởng doanh thu 22,1% so với cùng kỳ năm trước cho sản phẩm cốc salad trái cây. Ngoài ra, doanh thu món ăn nhẹ đóng trong gói nhỏ đã tăng 28,9% trong nửa đầu 2024.

>>>>Trong khi đó, theo TV Chosun, sau nhiều ngày trăn trở, nhà lãnh đạo Kim Jong Un của BTT đã xử tử một lúc 30 em nhỏ vì tội đã lén xem chương trình ca nhạc của Hàn Quốc mà USB đã được gửi bằng bóng bay từ HQ sang. Cuộc hành quyết được thông báo là thực hiện công khai, dân chủ, đúng luật vào tuần trước.

ĐẶT CƯỢC VÀO AI: MỘT CT MỜI 50 TIẾN SĨ AI XUẤT SẮC TỪ MỸ, ANH, PHÁP VỀ LÀM VIỆC.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông Đỗ Cao Bảo - thành viên HĐQT của Tập đoàn FPT đã chia sẻ về định hướng này.

Định hướng này được chính ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn đã một vài lần công khai trên các diễn đàn: "AI là khát vọng lớn mà nhất định FPT phải làm, bởi với sự phát triển như vũ bão của AI thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, nếu không làm chúng ta sẽ không tồn tại hay nói mạnh hơn là chúng ta sẽ chết.”

Ngày trước, khi bắt đầu xuất khẩu phần mềm chúng ta nói “xuất khẩu hay là chết” là chúng ta nói hơi cường điệu lên một chút, còn hôm nay chúng ta nói “AI hay là chết”, là chúng ta nói thật, rất thật".

Ông Bảo cho biết: hiện tại FPT đã tập hợp được 50 tiến sĩ về AI, trong đó, có 2 Phó giáo sư về AI đã từng làm ở các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về AI, trong đó có viện Mila ở Quebec (Canada), họ từng giảng dạy về AI ở nhiều trường Đại học danh tiếng trên thế giới, họ đã từng làm việc ở các hãng công nghệ lớn nhất trên thế giới.  Về quan hệ hợp tác quốc tế, FPT có quan hệ hợp tác với 3 trong số 5 huyền thoại về AI của thế giới, FPT đã hợp tác với Landing AI và một vài hãng dẫn đầu thế giới về AI.

Về tiền bạc đầu tư, ông không tiết lộ.

SINH TRẮC HỌC HÀNH VI , CÔNG CỤ BẢO MẬT ĐANG THỊNH HÀNH.

Bảo mật sinh trắc học được xem là công nghệ nền tảng cho sự đổi mới và tăng cường mức độ tin cậy của các lớp bảo vệ dữ liệu, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số phát triển.

Theo báo cáo trước năm 2020 của Trường đại học Texas (Mỹ), có khoảng 7 phương thức bảo mật sinh trắc học được sử dụng nhiều trên toàn cầu, trong đó quét vân tay chiếm tới 40% thị phần. Nhận dạng khuôn mặt chiếm 15%, quét mống mắt 13%, quét dữ liệu đường chỉ trong lòng bàn tay 9%, nhận dạng giọng nói và đọc nhịp tim cùng 4%. Lựa chọn bảo mật đa phương thức sinh trắc học (kết hợp nhiều giải pháp cùng lúc) chiếm 15% thị phần.

Nhờ tính tiện lợi khi không cần phải nhớ mật khẩu, thời gian đăng nhập nhanh, phương thức này ngày càng phổ biến. Một báo cáo của Kaspersky chỉ ra có tới 57% người tham gia khảo sát ưu tiên chọn phương pháp này, chỉ 25% chọn mật khẩu truyền thống.

Tuy nhiên, công nghệ này cũng đang gây ra nhiều quan ngại liên quan tới tính riêng tư cũng như sự đảm bảo an toàn cho dữ liệu. Vấn nạn lớn nhất là : hình thức giả mạo dữ liệu sinh trắc học, dù AI có giúp chống lại phần nào, tình hình cũng không bớt rủi ro.

Ngoài ra, một mối lo ngại khác là vấn đề đạo đức trong quá trình thu thập dữ liệu cá nhân hóa. Việc bảo vệ cũng như đảm bảo khối dữ liệu này được sử dụng đúng mục đích, an toàn, ngăn chặn lạm dụng đang là vấn đề đau đầu cho các nhà quản lý trên toàn cầu.

Sinh trắc học đang là "mảnh đất màu mỡ" cho các doanh nghiệp bảo mật. Theo dự báo của hãng nghiên cứu Statista, thị trường này  ước đạt 55,42 tỉ USD vào năm 2027 mà khách hàng chủ yếu là chính phủ, ngân hàng và dịch vụ tài chính, thiết bị điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, vận tải và kho bãi.

THÁI LAN SẼ ĐÓNG CỬA CÁC CỬA HÀNG MIỄN THUẾ Ở CÁC SÂN BAY QUỐC TẾ.

Nội các Thái Lan vừa xác nhận, tất cả cửa hàng miễn thuế ở khu đến (Arrivals) tại 8 sân bay quốc tế lớn, bao gồm Suvarnabhumi, Don Mueang, Chiang Mai, Phuket, Hat Yai, U-Tapao, Samui và Krabi, sẽ đóng cửa.

Động thái này nhằm khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn cho các cửa hàng nội địa.

Hiện chưa rõ mốc thời gian áp dụng cụ thể.

Theo thống kê của Cục Hải quan, doanh thu từ các cửa hàng này đạt tổng cộng 3,02 tỷ baht vào năm 2023.

Điều kiện mua hàng miễn thuế là: sản phẩm được mua với mục đích sử dụng cá nhân hoặc chuyên nghiệp không vượt quá 20.000 baht. Khách cũng được phép mua tối đa 200 điếu thuốc lá hoặc một điếu xì gà có trọng lượng không quá 250 gran, đồ uống có cồn không quá 1 lít.

Bộ Tài chính Thái đề xuất xem xét giảm thuế cho các loại đồ uống có cồn; dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn từ 14:00h đến 17:00h và nới lỏng giờ mở cửa tại các trung tâm vui chơi giải trí về đêm…

Còn theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, nước này đã thu được tới 54,4 tỷ baht (1,6 tỷ USD) từ du lịch chỉ trong tháng 12/2023, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ chính sách đóng cửa muộn và các lễ hội đếm ngược.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 4 chuyên gia bình luận xoay quanh những chủ đề mà tôi vừa chia sẻ ở trên:

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI GIÀ

Cách đây hai năm, tôi thực hiện một dự án nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng cho độ tuổi 55 trở lên, và phát hiện ra rằng người cao tuổi hầu như đang bị các nhãn hàng “bỏ quên”. 

Dự án ấy bắt đầu chỉ như tìm hiểu về cách ăn uống của người cao tuổi, nhưng khi tôi nhìn thấy ra một số các cô, các bà tự hào khoe các loại thực phẩm chức năng, kem thoa và mỹ phẩm, thì tôi nhanh chóng chuyển hướng nghiên cứu về thái độ tiêu dùng của họ.

Nghiên cứu sâu hơn cho thấy về cơ bản có thể chia người cao tuổi thành 3 nhóm phụ thuộc vào thái độ sống: nhóm bệnh tật thì có tâm lý bi quan và sức khoẻ bản thân là mối quan tâm lớn nhất, nhóm “vì con cái” thì chỉ dành thời gian và nỗ lực cho con và cháu của mình, trong khi đó, nhóm “thời gian vàng” thì coi tuổi già là khoảng thời gian vàng để sống.

Trong ba nhóm đó, thì nhóm “thời gian vàng” là nhóm có tài sản hoặc có nguồn thu nhập thụ động, không vướng bận con cháu. Họ chi tiêu rất nhiều — và thường là quá độ — cho thực phẩm chức năng, chăm sóc ý tế, du lịch, thời trang và cho mọi thú vui mà lúc còn trẻ hơn họ không có cơ hội hưởng thụ.

Hai thị trường hầu như còn trống là thời trang và du lịch: người cao tuổi đang mặc những thứ không dành cho nhu cầu đặc trưng của họ, đang mua những tour không được thiết kế riêng cho họ.

Gần đây, tôi tư vấn cho một doanh nghiệp đang kinh doanh bít tất chống giãn tĩnh mạch mạnh dạn mở rộng sang đồ lót, đồng thời được biết một doanh nghiệp khác đang thiết kế thời trang thể thao (nhẹ) cho người cao tuổi, và tôi cho rằng thị trường này đang còn nhiều cơ hội.

Và khi xã hội đang già đi, và giàu lên, thì thị trường này sẽ chiếm một phần rất đáng kể trong nền kinh tế.

Ông Đồng Phước Vinh

31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.

NGHIỆN MUA SẮM ONLINE. MUA XONG ĐỂ ĐÓ

Các sàn thương mại điện tử không thích khách hàng mua sắm trên website trên máy tính mà luôn tìm đủ cách để người dùng cài app và mua sắm thông qua app. Việc mua sắm thông qua app thường thu thập được nhiều thông tin về thói quen mua sắm và hàng loạt thông tin khác của người dùng hơn khi họ truy cập vào website sàn thương mại điện tử trên trình duyệt web máy tính. Ngoài ra, với app và màn hình nhỏ, người dùng dễ có xu hướng chốt đơn nhanh hơn, giảm tìm tòi lục lọi thêm như khi tìm mua hàng trên màn hình lớn của máy tính.

Trước đây, qua trải nghiệm bản thân, tôi thấy nếu cùng lúc mở app trên smartphone và truy cập website thì bản trên máy tính sẽ bị “đơ”, khó sử dụng. Rồi khi tắt internet trên smartphone, website trên máy tính lại truy cập bình thường.

Hiện nay chiêu “chơi xấu” này không còn nữa mà các sàn chuyển qua khuyến khích xài app bằng cách tung ưu đãi. Trong đa số chương trình, muốn nhận ưu đãi, khuyến mãi của sàn thì người dùng phải mua hàng thông qua app như một điều kiện bắt buộc.   

Một tình trạng bắt đầu phổ biến là nghiện mua sắm online. Tôi đã biết khá nhiều người, đặc biệt là giới nữ thường xuyên mua sắm online do bị các chương trình khuyến mãi, các buổi livestream bán hàng “hớp hồn”. Không chỉ có giới trẻ mà nhiều phụ nữ trung niên cũng nghiện mua sắm online như vậy, đặc biệt là từ khi mạng lưới giao hàng đã phủ đến tận ấp, xã như ở vùng quê vợ tôi, một xã cù lao ở tỉnh Tiền Giang.

Có người mua xong không nhớ đã đặt mua món gì, đến khi shipper giao đến cũng không nhớ đã chốt đơn khi nào. Không ít trường hợp mua xong về mở ra xem và để đó vì không có nhu cầu dùng. Một nữ sinh viên bạn của con gái tôi cũng mua sắm triền miên rồi thỉnh thoảng lại nhờ nhóm bạn thân “giải cứu”,  mua lại những món hàng mà em này đã lỡ đặt mua quá nhiều.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

GIÀ HÓA DÂN SỐ CỦA VIỆT NAM

Theo Tổng cục Thống kế, số hộ độc thân một người ở Việt Nam trong năm 2019 là 12,47%. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Kết quả cuộc tổng thống kê dân số năm 2024 sẽ được công bố từ tháng 10 sắp tới.

Việt Nam hiện đã qua đỉnh điểm của cơ cấu “dân số vàng” vào năm 2014. Một số các chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ sớm bước vào thời kỳ già hóa dân số trong 10 năm tới, tức là nhanh hơn dự báo đến 15 năm.

Cho đến giờ, tỷ lệ số hộ độc thân chỉ bằng phân nửa con số 25% ở Trung Quốc, và khoảng 1/3 so với tỷ lệ 34,5% ở Hàn Quốc, 36% ở Đài Loan và 38% ở Nhật Bản. Phần lớn người già Việt Nam thích quây quần bên con cháu, phụ thuộc vào nguồn tài chính của con cháu kiểu “người già cậy con”. Trong khi đó, người già ở các nước giàu hơn Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có cuộc sống độc lập với con cháu về mặt tài chính. Mạng lưới chăm sóc y tế công và hệ thống nhà dưỡng lão đảm bảo cuộc sống an nhàn và khỏe mạnh hơn, nhưng rất đơn độc hoặc cô độc.

Đó là chưa kể sự cộng hưởng của tỷ lệ hộ độc thân ở người trẻ và cả ở người già. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, tỷ lệ hộ độc thân của người trẻ và cả người già đang ngày càng gia tăng và các chuyên gia dự báo con số này sẽ chiếm hơn 60% trong thời gian tới.

Tác động kinh tế xã hội và sức nặng lên mạng lưới y tế sẽ vô cùng to lớn khi có sự gia tăng của hộ độc thân ở người trẻ và người già cùng lúc gia tăng.

Thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chúng ta, người trẻ lẫn người già, sẽ oằn lưng khi chưa kịp giàu nhưng đã già. Và cũng xin nhắc lại lần nữa, Việt Nam đã qua thời điểm đỉnh của cơ cấu dân số vàng từ năm 2014 và chính thức bước vào thời kỳ dân số lão hóa từ năm 2034-2035. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, thu nhập cao từ năm 2045.

Ông Cao Minh Việt

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI GIÀ

Đến năm 2030, cứ 6 người trên thế giới sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Vào thời điểm này, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 1 tỷ vào năm 2020 lên 1,4 tỷ. Đến năm 2050, dân số thế giới từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi (2,1 tỷ người). Số người từ 80 tuổi trở lên dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2050, đạt 426 triệu người.

Ngoài góc nhìn về một thị trường phục vụ người lớn tuổi đang ngày càng lớn dần, với khả năng chi tiêu dồi dào sau khi tích trữ tài sản sau nhiều năm làm việc, lượng người lớn tuổi đang ngày càng lớn dần cũng sẽ là một trở ngại cho quá trình chuyển đổi số tại các quốc gia.

Tại Nhật, tuy quá trình chuyển đổi số quốc gia được lên chiến lược và triển khai thực hiện từ năm 2018 qua chương trình chính phủ điện tử, tuy nhiên việc thực hiện chuyển đổi sao cho những người lớn tuổi, không quen dùng các thiết bị di động, máy tính có thể bắt kịp và làm quen cũng không hề đơn giản. Tại Nhật, các thiết bị hỗ trợ thanh toán không tiền mặt được triển khai rộng khắp tại các cửa hàng, siêu thị, hệ thống tàu điện. Tuy nhiên, các thiết bị này đều được thiết kế sao cho có thể vừa thanh toán được bằng các thiết bị điện tử đầu cuối như điện thoại, thẻ từ, vừa có thể thanh toán tự động bằng tiền mặt. Đồng tiền xu 1 yên của Nhật, tương đương với khoảng 160vnđ vẫn được dùng rộng rãi khi mua hàng.

Thị trường phục vụ người lớn tuổi cũng sẽ gây áp lực lớn lên thị trường lao động tại các nước như Nhật, khi nhu cầu về điều dưỡng viên tại các Viện dưỡng lão ngày càng tăng lên, mà lao động trong nước không đáp ứng được do công việc nặng nhọc, vất vả, mức lương không cạnh tranh. Nguồn lao động nước ngoài được ưu tiên đào tạo, tuyển dụng để lấp vào chỗ trống, nhưng rào cản về ngôn ngữ và khác biệt văn hóa khiến cho quá trình tuyển dụng này mất thời gian và không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh. Các công nghệ mới như camera AI, cảm biến té ngã, robot hỗ trợ người già,v.v… được kỳ vọng sẽ là một thị trường mới đầy tiềm năng cho các startup và doanh nghiệp công nghệ

Danh sách các bài viết gần nhất: