BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (27/5 - 2/6/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (27/5 - 2/6/2024)

2/6/2024 | Bản tặng miễn phí

Trên đây là hình ảnh livestream ầm ĩ tại gian hàng CF SÀI GÒN ở HC SIAL Thương Hải tuần qua. Bài viết liên quan "Khi gấu thành chồn", bạn có thể đọc ở bản tin. Cả tuần qua, tôi ở đây. Bài vừa viết xong, ghi nhận riêng cho bản tin, có nhiều câu hỏi "Sống còn và vượt qua 4R ở thị trường TQ ?". Thêm 4 bài nữa cũng đăng ở FB Vũ Kim Hạnh, chuyên mục "Theo nhịp thị trường". Kế tiếp là các thông tin vừa phát tuần qua ở "5 phút- Chuyện thị trường" trên kênh Tiktok. Có cả "Điểm nóng tuần sau" với những tin cần theo dõi. Đặc biệt có tới 4 lời bình của ch.gia. Mời bạn theo dõi...

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về các chủ đề như cách Malaysia thu hút đầu tư công nghệ cao, chuyện Trung Nguyên làm thương hiệu ở Thượng Hải, chiêu trò "biến gấu thành chồn" ở xứ Trung Hoa, chuyện về đất hiếm và hạn mặn ở nước mình và chuyện làm sao để sống còn và cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc.

SỐNG CÒN VÀ VƯỢT QUA 4R Ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC?
Tuần qua tôi ở Thượng Hải cả tuần. Ngắm nhìn, nghe ngóng cũng nhiều. Xin ghi lại đây mấy điều nghĩ và thấy mà các doanh nghiệp Việt (SME) cần chú ý cẩn trọng để tránh mìn bẫy và khó khăn.
4R nêu trên là RẮC RỐI và RỦI RO.....Đọc thêm

ĐẤT VÀ NƯỚC TÔI, CHUYỆN ĐẤT HIẾM VÀ HẠN MẶN
"Không có nước thì không có thức ăn, không có hòa bình, không có sự sống, vì vậy, nước phải được quản lý tốt vì mỗi giọt đều quý giá”. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo nói tại Diễn đàn nước thế giới.
Ngày 29/5, Quốc Hội Việt Nam có phiên bàn về nạn thiếu nước và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL. Cùng ngày này, báo Asia Times có bài về “Nguồn đất hiếm chưa được khai thác của Việt Nam”....Đọc thêm

KHI GẤU THÀNH CHỒN
Với những số liệu vẫn luôn hoành tráng, mặt bằng toàn hội chợ 60.000 mét vuông có 43 quốc gia tham dự và 1.500 gian hàng cùng 67000 chuyên gia, doanh nhân, đây là Hội chợ cỡ lớn. Nhiều điều hay. Hàng hóa phong phú, đặc biệt là hàng của chủ nhà. Nhiều sản phẩm mới xuất hiện. Có doanh nhân nói, suốt gần 2 năm bị phong tỏa, bó gối, mà không bó đầu, người Trung Quốc nghĩ ra vô số máy móc thiết bị chế biến mới cùng công nghệ mới làm ra vô số sản phẩm...Đọc thêm

MỘT THOÁNG BAN MÊ, ROBUSTA THÚ VỊ Ở THƯỢNG HẢI.
Đến thăm không gian cà phê Trung Nguyên tại Thượng Hải, tôi có ấn tượng ngay với mô hình Bảo tàng Thế giới cà phê được đặt ngay cổng chính.
“Đây là Daklak của Việt Nam, là Ban Mê Thuột quê hương tươi đẹp của tôi, cũng là quê hương của cà phê Robusta ngon nhất thế giới . Những hạt cà phê được dân tôi trồng được chọn lọc chắt chiu đó đã đến đây với các bạn. Đó là cà phê cội nguồn của sáng tạo, cà phê năng lượng, cà phê đổi dời...Đọc thêm

NÓI CÓ SỐ CÓ SÁCH. HÃY XEM HỌ LÀM
Malaysia đào tạo 60.000 kỹ sư để trở thành trung tâm chip. Chính phủ phân bổ 5,3 tỷ USD cho Chiến lược bán dẫn quốc gia mới.
Theo Nikkei Asia, Malaysia vừa chính thức công bố kế hoạch đào tạo 60.000 kỹ sư bán dẫn địa phương có tay nghề cao để giúp nước này đạt được tham vọng trở thành trung tâm chip toàn cầu, Thủ tướng Anwar Ibrahim tuyên bố hôm thứ Ba. Malaysia định vị mình là trung tâm các nhà sản xuất, khi các công ty toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng và các căng thẳng địa chính trị khác...Đọc thêm

TIN TỨC NỔI BẬT

Tiếp theo, tôi xin tóm lược nội dung những câu chuyện đang phát (gần nhất) trên chuyên mục “5 phút-Chuyện thị trường” kênh Tiktok tuần qua.

CHUYỆN VỀ TRÁI VẢI ĐẦU MÙA
Hiện nay ở Việt Nam và Trung Quốc đang vào mùa vải. Đặc điểm của mùa vải năm nay là xáo trộn mạnh về thời tiết. Làm mất mùa, sản lượng giảm mạnh. Năm nay, Việt Nam có một số vùng vải chín sớm. Hai vùng vải chín sớm từ 15-20 ngày là Uông Bí với 400 hecta trên tổng diện tích 1800 tấn vải và Tân Yên (Bắc Giang) với 450 tấn. Còn vải ở Trung Quốc? Sản lượng vải Trung Quốc chiếm phần lớn của thế giới và tất cả đều xuất đi Âu, Mỹ. Vải Việt Nam lại xuất hầu hết qua Trung Quốc. Hương vị vải VN ngon hơn do trái vải mọng nước, thơm, cơm dày, ngọt hơn vải TQ chua hơn, trái nhỏ hơn và ít nước hơn. Tuy vậy, vải TQ có những ưu thế hơn vì có tới 70-80 giống và có rất nhiều cách chế biến cho ra nhiều sản phẩm rất đa dạng: yến chế biến với vải, kem vải, rượu vải, vải đóng hộp, vải sấy khô (vải thiều khô)… Chúng ta cần học hỏi người TQ về chế biến trái vải.

PHÁT TRIỂN CỦA MEGA MARKET TRONG HỆ THỐNG BÁN LẺ HIỆN ĐẠI TPHCM.
Nhà bán lẻ của Thái – Mega Market đã triển khai chiến lược phân phối sản phẩm của các siêu thị gốc, cung cấp cho các cửa hàng Mama shop với đặc điểm 4 KHÔNG: không phí nhượng quyền, không độc quyền cung cấp, không chi phối giá bán và không thu chi phí vận hành. Hệ thống Mega Market từ lâu nay cung cấp sản phẩm Thái Lan cho chuỗi Mama shop. Hiện nay các mama shop vẫn có phân phối sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là các cửa hàng ở địa phương. Cuộc cạnh tranh giữa hàng VN và Thái Lan sẽ mở ra trong nội bộ kinh doanh của các cửa hàng mama shop. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất VN phải không ngừng theo dõi và chăm sóc lực lượng mạng lưới Mama shop để không bị tuột tay cơ hội bán hàng với chi phí mềm mà mình đang có 

CHUYỆN VỀ NHỮNG NÔNG DÂN THÔNG MINH
Khi người nông dân yêu nông sản Việt, họ làm giàu và phát triển nông nghiệp bằng sự thông minh. Anh Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Công ty Rynan Technologies đã chế tạo hệ thống giám sát côn trùng hay hệ thống quan trắc đo độ phèn nước sông, nước trên ruộng giúp người nông dân có thể biết được lúc nào độ phèn thấp để tưới cây. Có thể kể đến vua bánh mì Kao Siêu Lực cùng những sản phẩm bán chạy là bánh mì sầu riêng, bánh mì thanh long, bánh trung thu. Anh cho ra mắt thương hiệu mới có tên Gelato được pha cùng dừa, bơ, ca cao. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Ngọc Luận - người sáng lập Meet More, đưa sản phẩm cà phê trái cây xuất khẩu ra thế giới. Anh Huy Long An đã đưa thương hiệu chuối Việt Nam đến 91 điểm bán chuối tươi ở Nhật Bản, Hàn quốc.
Những người nông dân thông minh là có nhiều kinh nghiệm thực chiến, luôn bám thị trường và lắng nghe người tiêu dùng và cũng thiết tha lan tỏa kiến thực của mình. Có thể thấy rõ như trường hợp ông Kao Siêu Lực công bố trên mạng xã hội công thức bánh mì thanh long.

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

TRÁI CÂY THÁI GIÁ RẺ TRÀN NGẬP CHỢ VIỆT
Măng cụt, sầu riêng mini, mây, chôm chôm được các thương lái nhập từ Thái Lan, giá thấp hơn 30-40% so với năm ngoái và cạnh tranh với hàng Việt.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và Hóc Môn, nhiều loại trái cây Thái được tiểu thương nhập về với số lượng lớn. Bên cạnh hàng về chợ, năm nay nhiều đầu mối còn nhập và phân phối trực tiếp tại các chợ truyền thống và online.

HÀN QUỐC PHÁT HIỆN HÓA CHẤT ĐỘC HẠI CAO TRONG SẢN PHẨM CỦA "ĐẾ CHẾ" THỜI TRANG SHEIN TẠI HOA KỲ (CÓ Ở VN)
Chính quyền Hàn Quốc ngày 28/5 cho biết một vài sản phẩm dành cho trẻ em được bán trên sàn thương mại điện tử Shein của Trung Quốc có chứa chất độc hại với hàm lượng gấp hàng trăm lần so với mức chấp nhận được: một đôi giày chứa lượng phthalate gấp 428 lần mức cho phép. Đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận cho đến nay trong các cuộc thanh tra của Seoul. Đồng thời họ cũng phát hiện ba chiếc túi có lượng phthalate cao gấp 153 lần giới hạn.

CƠ QUAN CHỐNG ĐỘC QUYỀN INDONESIA ĐIỀU TRA SHOPEE, LAZADA
Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Cơ quan Chống độc quyền của Indonesia, trong đó khẳng định có những dấu hiệu rằng Lazada đã thực hiện các hành vi phân biệt đối xử có khả năng hạn chế tính cạnh tranh và gây hại cho người tiêu dùng nước này. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được các vi phạm, Lazada có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 50% lợi nhuận hoặc 10% tổng doanh thu đạt được tại thị trường Indonesia trong thời gian vi phạm. Phía hai sàn thương mại điện tử hiện chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc. Dự kiến phiên điều trần sơ bộ về cáo buộc sai phạm của Shopee sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2024

GOOGLE MAKERTING LIVE 2024: CÔNG CỤ AI MỚI GIÚP DOANH NGHIỆP TIẾP THỊ THƯƠNG HIỆU VÀ SẢN PHẨM
Ngày 21/5, tại Google Marketing Live, ông Matt Madrigal – Vice President, GM, Merchant Shopping tại Google – đã chia sẻ một số công nghệ thú vị dành cho các nhà bán lẻ, giúp gia tăng trải nghiệm mua sắm thú vị cho khách hàng, đặc biệt là vào thời điểm người mua đứng giữa tràn ngập các lựa chọn.

Hơn 40% các truy vấn mua sắm trên Google Search đề cập đến một thương hiệu hoặc một nhà bán lẻ. Điều này cho thấy một bước quan trọng trong hành trình mua hàng của người dùng là tìm hiểu thêm về thương hiệu.

Google Marketing Live, giới thiệu hồ sơ thương hiệu trực quan mới ngay trên Search, cung cấp kết quả phong phú hơn cho các truy vấn mua sắm phổ biến.

Tại Google Marketing Live 2024, Google cũng giới thiệu 3 định dạng quảng cáo mới được hỗ trợ bởi Google AI, giúp quảng cáo của thương hiệu phát huy tối đa công suất. Trước mắt, tính năng này sẽ được ra mắt dưới dạng thử nghiệm giới hạn vào cuối năm nay. Marketer có thể kết nối quảng cáo của mình với các video sản phẩm dạng ngắn của thương hiệu hoặc video của những người sáng tạo nội dung.

Chỉ với một cú nhấp chuột, người mua hàng trên Google Search có thể tương tác với các video ngắn này, xem quần áo trông như thế nào trên người họ, từ đó nhận các gợi ý phối đồ hữu ích.

HẢI SẢN HÀN QUỐC, NHẬT BẢN "CHEN CHÂN" VÀO THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Các sản phẩm thuỷ hải sản đông lạnh bào ngư, hàu đông lạnh, cá bơn… nhập khẩu từ Hàn Quốc hay sò điệp, cá cam… nhập khẩu từ Nhật Bản đang gia tăng tại Việt Nam. Mặt hàng này không chỉ tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn phục vụ người Hàn Quốc tại Việt Nam, mà còn được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng vì giá khá cạnh tranh với hàng Việt.

Ông Kim Ki Hoon, đại diện Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc, cho biết nhu cầu thực phẩm từ Hàn Quốc của người Việt ngày càng tăng, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 trong các quốc gia giao thương thực phẩm của Hàn Quốc, đồng thời là quốc gia vô cùng thân thiết với Hàn Quốc về các mặt kinh tế, văn hóa và tình cảm 2 nước.

Các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để làm nơi gia công, từ đó xuất khẩu sang Mỹ, các nước ASEAN...

XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ TRỞ LẠI QUỸ ĐẠO TĂNG TRƯỞNG
Trong 4 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 668 triệu USD, tăng 38,3%;

Canada đạt 77,5 triệu USD, tăng 29,2%; Anh đạt 73 triệu USD, tăng 21,3%; Úc đạt 46 triệu USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Cắt giảm lãi suất ở HK đã kích cầu tiêu dùng trở lại.

Tuy nhiên, theo Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính…

Quan ngại hơn, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 4 chuyên gia bình luận về các thông tin sẽ được thu vào tuần tới:

Ông Phạm Trọng Chinh

Trưởng nhóm chuyên gia thị trường của Hội HVNCLC và BSA, với chuyên môn là Quản trị Hệ thống phân phối, Quản lý bán hàng và Trade Marketing.

“TRÁI CÂY THÁI GIÁ RẺ TRÀN NGẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM”

- Những năm trước người Việt ăn trái cây Thái cũng không phải chuyện gì lạ lẫm, nó thường là sự lựa chọn của người tiêu dùng có thu nhập tương đối tốt trở lên, trong các siêu thị là chủ yếu.

Chưa bao giờ trái cây Thái Lan gắn mác là "trái cây giá rẻ" như năm nay hết. Theo khảo giá thì rẻ hơn 30 - 40% là mức rẻ rất sâu.

- Nguyên nhân dễ thấy và cũng hợp logic thì năm nay nông dân Thái được mùa, sản lượng tốt, hơi thừa nên họ thúc đẩy xuất khẩu ra các nước xung quanh, trong khi ở chiều ngược lại thì năm nay Việt Nam mình lại giảm sản lượng, một số loại trái cây chủ lực thậm chí là giảm diện tích trồng khi mấy năm trước kia bị mất giá, nông dân nản, như chôm chôm chẳng hạn. Bề nổi là vậy nhưng đi sâu hơn thì cũng thấy nhiều chuyện thú vị.

- Chinh có tham khảo ý kiến một buyer ngành hàng Fresh/Fruit của một hệ thống siêu thị thì thấy thế này: mấy năm trước trái cây Thái cũng được bán rồi, qua một vài nhà nhập khẩu Việt Nam, sản lượng, giá cả thì kiểu cũng hên xui, theo vụ, tuy nhiên năm nay họ đã làm ăn trực tiếp với một doanh nghiệp xuất nhập khẩu Thái Lan đàng hoàng, họ cam kết, giá cả, sản lượng, chất lượng đàng hoàng, kể cả nhờ mạng lưới thu mua rộng tại Thái Lan, doanh nghiệp này còn cam kết cung cấp sản phẩm trái vụ luôn. Quá chuyên nghiệp và hoành tráng. Có nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu Thái Lan đang bành trướng chân rết ra các nước trong khu vực, các nhà bán lẻ đi đến đâu, họ đi đến đó một cách căn cơ.

Đã đến lúc thấy rằng cái thời trái cây Thái nhập qua tiểu ngạch (cũng mạnh vì gần quá) đang được nâng tầm lên, khi các doanh nghiệp Thái đã trực tiếp thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Hệ thống phân phối cắt ngắn, sản lượng lớn, nghĩa là giá giảm, họ sẽ còn cạnh tranh ngon lành hơn nữa?

Và câu hỏi là, làm sao bảo vệ thị trường quốc nội trước?

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

“PHÁT HIỆN HÓA CHẤT ĐỘC HẠI TRONG SẢN PHẨM CỦA SHEIN”

…Một loại phthalates mà nhiều người Việt lớn tuổi từng dùng và biết rõ là thuốc D.E.P trị ghẻ, sử dụng. Hiện tại, thuốc này vẫn đang được Mekophar sản xuất và bán bình thường không kê toa. Phthalates cũng được sử dụng khá rộng rãi trong các bao bì nhựa PVC, đồ chơi trẻ em, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, hương thơm và các chất ổn định thực phẩm.

Những tiếp xúc gần như thế khiến cho rất ít người biết rằng Phthalates được coi là nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ, và có 3 dẫn xuất bị cấm (DEHP, DBP và BBP1 ) trong phụ gia thực phẩm và đồ chơi trẻ em. Thế nên, nếu như phthalates lọt qua hàng rào kiểm tra của cơ quan chức năng, thì sẽ lọt qua luôn hàng rào tự phòng vệ của người tiêu dùng.

Ông Ngô Đình Dũng

Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.

“GOOGLE MARKETING LIVE 2024: CÔNG CỤ AI MỚI GIÚP DOANH NGHIỆP TIẾP THỊ THƯƠNG HIỆU VÀ SẢN PHẨM”

Có lẽ chúng ta sắp chứng kiến 1 cuộc cạnh tranh mới của các ông lớn công nghệ như Google, Meta, Tiktok, …. Và các sàn TMĐT trong việc tạo ra các tính năng mới thông minh hơn, tiện ích nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn cho người dùng mạng để họ tăng dần thời gian và thói quen sinh hoạt trên không gian mạng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà nước cũng phải dần điều chỉnh luật để kiểm soát các ông lớn và bảo vệ người dùng tốt hơn. Với sự ra đời của AI và công nghệ siêu máy trạm như NVIDIA thì khả năng chuyển hóa dịch vụ của các ông lớn công nghệ lại càng được hiện thực hóa nhanh hơn. Chúng ta sẽ lại chứng kiến 1 chu kỳ đổi mới như thời kì bùng nổ Dotcom vào những năm 2000. Chu kỳ này chắc sẽ nhanh và ngắn hơn nữa làm cho thế giới ngày càng bất ổn đúng theo nghĩa VUCA.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

“HẢI SẢN HÀN QUỐC, NHẬT BẢN CHEN CHÂN VÀO VN”

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam nhập 170 triệu USD thủy hải sản từ Nhật Bản trong năm 2023, tương đương năm 2022.  Đầu năm nay, từ 8-1-2024, sò điệp nguyên con từ đảo Hokkaido của Nhật Bản được các doanh nghiệp nước này đưa về chế biến tại các cơ sở tại Việt Nam. Các cơ sở này sẽ tiếp tục sơ chế thành sò điệp nửa vỏ (một mảnh vỏ), thành sò để làm sashimi và sò điệp đông lạnh (để ăn sống) sau đó được tái xuất trở lại Nhật Bản và có thể là các thị trường khác.

Chi phí lao động gia công ở Việt Nam chỉ bằng 20-30% giá ở Nhật Bản. Theo trang Nikkei Asia, đây là nỗ lực tìm kiếm thị trường mới cho hải sản Nhật Bản của chính phủ và doanh nghiệp nước này khi Trung Quốc “tẩy chay” hải sản từ xứ Phù Tang sau vụ nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima được xả ra biển từ tháng 8-2023.

Việt Nam là thị trường tiềm năng của hải sản Nhật Bản khi số lượng nhà hàng Nhật Bản ngày càng tăng và trong bối cảnh các chuỗi nhà hàng Nhật nỗ lực xâm nhập các thị trường Đông Nam Á và Mỹ. Hải sản Nhật Bản đã được thị trường đánh giá cao về chất lượng, độ tươi ngon, đáp ứng yêu cầu để ăn sống.

Hàn Quốc cũng nhập nhiều thủy hải sản vào VN. Số nhà hàng Hàn Quốc ở VN hiện đông hơn số nhà hàng Nhật vì cộng đồng người Hàn hiện đông nhất trong các cộng đồng ở VN

Nỗi đau hàng Việt lép vế trên sân nhà âm ỉ và rồi sẽ bộc phát khi các doanh nghiệp không thể mở rộng quy mô sản xuất, tuyển người. Sự yêu thương hàng Việt của người tiêu dùng trong nước sẽ như muối bỏ biển nếu không có những hàng rào thuế quan hay chính sách phòng vệ thương mại mạnh và hiệu quả.