BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/12 - 29/12/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/12 - 29/12/2024)

29/12/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

💡
Nếu cảm thấy bản tin hay và hữu ích, nhờ bạn chia sẻ giúp tôi đến bạn bè, đồng nghiệp,người thân... qua đường link bên dưới để lan tỏa bản tin đến nhiều người đọc hơn.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Mời bạn theo dõi các bài viết của tôi cũng như các bài gửi về từ các chuyên gia trong tuần qua:

THỬ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CHO TÌNH TRẠNG GIAN LẬN MÃ SỐ VÙNG TRỒNG SẦU RIÊNG

Trong vài ngày qua, báo chí trong nước bắt đầu viết về chuyện gian lận mã số vùng trồng sầu riêng. Điều đó có nghĩa rằng tình trạng đã trở nên đáng báo động, chứ việc gian lận đã xảy ra ngay từ khi chữ ký trên nghị định thư kiểm dịch sầu riêng chưa khô mực... Đọc thêm

TRANH LUẬN: LÀM SAO BÁN ĐƯỢC HÀNG GIỮA THỜI BUỔI NÀY?

Trả lời câu hỏi thường gặp như trên của các bạn khởi nghiệp hay sản xuất hàng OCOP, tôi muốn trình bày vài suy nghĩ từ tình hình thực tế. Rất mong các bạn sẽ trao đổi thêm để mỗi bạn qua đây tìm thấy các giải pháp phù hợp cho mình.
Một vấn đề đáng quan tâm cho các sản phẩm OCOP và khởi nghiệp hiện nay là: bản thân các sản phẩm khá giống nhau... Đọc thêm

HỒI PHỤC VÀ VƯƠN MÌNH

Không khí cuộc lễ mừng ngành tôm, cá xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD không chỉ vui mà còn cảm động. Bởi năm 2024, ai cũng thấy lành ít dữ nhiều, khó khăn lớn hơn thuận lợi. Cực khổ nhất là những ngư dân vươn khơi xa và những người thợ suốt ngày đêm đắm mình trong không khí lạnh giữ tươi hàng xuất khẩu. 49 doanh nghiệp đại diện nỗ lực của ngành xếp hàng nhận vòng hoa và kỷ niệm chương chúc mừng, thấy ánh mắt họ tràn niềm vui. Mình tình cờ ngồi trong bàn cạnh ông "vua tôm" Minh Phú và "nữ hoàng cá" Vĩnh Hoàn, cụng ly mừng họ thấy họ vừa vui vừa trầm ngâm... Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới. 

THAY ĐỔI TRONG HÀNH VI MUA SẮM TẾT: DẦN THÍCH MUA SẮM TẾT ONLINE

Trọng tâm là thích sự tiện lợi và tiết kiệm: mua online đỡ mất thời gian và có thể tối ưu hóa chi phí.

Cũng có tình hình: mua sắm sớm. Các mặt hàng được săn đón nhiều bao gồm thực phẩm, đồ uống, quà Tết, và sản phẩm gia dụng. Theo thống kê, tỷ lệ giao dịch online tăng mạnh ở các nhóm hàng này.

Các phiên livestream bán hàng Tết sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên trong mùa Tết năm nay

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ghi nhận sự thay đổi đáng kể khi vai trò của hai tháng Tết trong tổng doanh thu dần giảm sút: có vẻ NTD tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và các hoạt động gia đình thay vì các mặt hàng xa xỉ. Các DN phải tăng các SP có tính sáng tạo như đồ ăn chế biến sẵn, bánh kẹo độc đáo hay các món quà Tết tiện dụng trở thành yếu tố thu hút khách hàng.

Các chương trình khuyến mãi đã trở thành chiến lược trọng tâm của các nhà bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Central Retail, và WinMart trong dịp Tết Nguyên đán. Các sản phẩm thực phẩm cao cấp, quà tặng như yến sào, trái cây sấy hay rượu ngoại đều được giảm giá mạnh để thu hút người tiêu dùng. Điểm đặc biệt của chiến lược khuyến mãi hiện nay là tính đa dạng và liên tục. Từ đầu tháng 12, các chương trình giảm giá, tặng quà, và ưu đãi đặc biệt đã được triển khai đồng loạt tại các hệ thống bán lẻ. Việc mở cửa xuyên Tết cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt với nhóm khách hàng có nhu cầu mua sắm muộn.

Điểm nổi bật trong hành vi tiêu dùng online là việc tích hợp các công nghệ cá nhân hóa, giúp gợi ý sản phẩm phù hợp dựa trên thói quen mua sắm. Các chương trình giảm giá độc quyền, khuyến mãi cho thành viên, và cashback qua ví điện tử đã làm tăng đáng kể tỷ lệ chuyển đổi.

AMAZON ÂM THẦM CẠNH TRANH VỚI TEMU, SHEIN

Hai tuần trước Black Friday, Amazon đã ra mắt ứng dụng Haul, cung cấp các sản phẩm giá siêu rẻ chủ yếu từ Trung Quốc, nhằm cạnh tranh với các ứng dụng mua sắm như Temu và Shein. Haul chào bán các mặt hàng như giày thể thao, đồ dùng nhà bếp và ốp điện thoại với mức giá thấp, giới hạn 20 USD mỗi món, và miễn phí giao hàng cho đơn hàng trên 25 USD. Tuy nhiên, thời gian giao hàng dài hơn, từ 1-2 tuần, thay vì 1-2 ngày như dịch vụ Prime.

Amazon Haul ra mắt từ giữa tháng 11/2024. Ảnh: Amazon

Amazon Haul sử dụng chiến lược "de minimis", cho phép các gói hàng nhỏ dưới một ngưỡng giá trị nhất định được miễn thuế và kiểm tra hải quan, giúp giảm chi phí và duy trì mức giá thấp. Tuy nhiên, cách này đang bị giám sát bởi giới chức Mỹ. Việc cung cấp sản phẩm giá rẻ đã thu hút người tiêu dùng, làm tăng trưởng của các ứng dụng như Temu, hiện đang trở thành ứng dụng mua sắm miễn phí được tải nhiều nhất trên Apple Store. Trong khi Haul đang thử nghiệm, nhu cầu đã vượt quá nguồn cung, và ứng dụng này cháy hàng nhiều sản phẩm trong dịp giảm giá Black Friday. Amazon dự định mở rộng danh sách sản phẩm của Haul trong thời gian tới.

Lưu ý là dù đang chuẩn bị cưới vợ mới lần 2, ông chủ Amazon đang chuẩn bị một đám cưới 600 triệu USD, nhưng ô Bezos ko lơ là với… Temu và Shein.

SỰ BÙNG NỔ "XE NĂNG LƯỢNG MỚI” (NEV) TẠI TRUNG QUỐC CÓ DUY TRÌ ĐƯỢC ĐÀ TĂNG TRƯỞNG NĂM 2025?

Một mẫu xe NEV từ Xiaomi

Năm 2025 dự kiến sẽ là một bước ngoặt cho ngành xe năng lượng mới (NEV) tại Trung Quốc. Các hãng như Xpeng, Leapmotor, Li Auto, và Xiaomi đã đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số ấn tượng, với các chiến lược tập trung vào việc ra mắt nhiều mẫu xe mới và tích hợp công nghệ tiên tiến. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống như BMW, Mercedes-Benz, và Audi (BBA) đang đối mặt với sự sụt giảm doanh số tại Trung Quốc, buộc phải cải tiến sản phẩm để cạnh tranh.

Doanh số NEV từ tháng 1-10/2024 tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,77 triệu chiếc. Tuy nhiên, dự kiến trợ cấp chính phủ sẽ giảm vào năm 2025, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thị trường. Ngoài ra, các yếu tố bất ổn quốc tế như thuế chống bán phá giá của EU và chính sách thương mại của Mỹ có thể gây áp lực lên chuỗi cung ứng ô tô.

Năm 2025 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt, khi các hãng xe Trung Quốc mở rộng thị phần và đẩy mạnh đổi mới, đặc biệt trong phân khúc hạng sang, nơi công nghệ trở thành yếu tố then chốt.

Trong khi đó, 3 ông lớn Nhật Honda, Nissan và Mitsubishi đã tính xong chuyện hợp nhất để giành thị phần 8 triệu xe, chiếm thứ 3 thế giới sau Toyota và Volswagen.

LIVESTREAM ĐÃ TRỞ THÀNH KÊNH PHÂN PHỐI CHÍNH THỨC TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM

Các phiên livestream nhiều quy mô diễn ra liên tục mỗi ngày. Ảnh: Trương Nhật Dương

Theo Metric, trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đơn hàng trên các sàn TMĐT tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự phổ biến của livestream trong các ngành thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, và sản phẩm tiêu dùng nhanh. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ báo cáo doanh thu từ livestream chiếm 30-50% tổng doanh thu hàng tháng, trong khi một số lĩnh vực như gia dụng đạt đến 60% doanh thu từ kênh này khi kết hợp với khuyến mãi.

Các thương hiệu lớn phải tăng tần suất livestream lên 2-4 lần/tuần, trong khi các nhà bán lẻ nhỏ có thể livestream hàng chục lần mỗi tháng. Nhiều doanh nghiệp đang xây dựng kênh bán hàng riêng để giảm phụ thuộc vào nền tảng TMĐT, kết hợp chiến lược tiếp thị trực tuyến như sử dụng KOL/KOC, ứng dụng công nghệ AI, và tập trung vào dịch vụ khách hàng để duy trì sự trung thành của người tiêu dùng.

Theo YouNet ECI, xu hướng mua sắm giải trí đang tăng mạnh, với 62,8% người tiêu dùng số mua sắm trực tuyến hàng tuần. Dự báo đến năm 2028, giá trị giỏ hàng các ngành điện tử và gia dụng trên TMĐT có thể tăng lần lượt 150% và 117% so với năm 2023. Đại diện VECOM khuyến cáo nhà bán hàng cần đa dạng hóa kênh phân phối, xây dựng thương hiệu và tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm để duy trì sức cạnh tranh dài hạn.

THIẾU LAO ĐỘNG, HÀNG LOẠT CÔNG TY Ở NHẬT BẢN BỊ PHÁ SẢN

Số lượng công ty phá sản do thiếu lao động đạt mức kỷ lục 182, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Theo Teikoku Databank, cho biết hiện tượng này có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. 

Nhật Bản đang đối mặt với khủng hoảng lao động nghiêm trọng, đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp và ngành nghề truyền thống, đặc biệt ở các thị trấn nhỏ như Ino, tỉnh Kochi. Nơi đây, ngành sản xuất giấy truyền thống chịu áp lực lớn từ tình trạng thiếu nhân lực.

Một công nhân loại bỏ tạp chất khỏi nguyên liệu giấy thô tại Nhà máy sản xuất giấy washi truyền thống Kashiki Seishi ở Ino, tỉnh Kochi, Nhật Bản ngày 9-8-2024 - Ảnh: REUTERS

Dù Nhật Bản hạn chế nhập cư quy mô lớn, các công ty đã thuê lao động ngắn hạn từ Việt Nam và Philippines, nhưng đồng yen yếu làm giảm sức hấp dẫn. Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đầu tư tự động hóa, như Wako Seishi chi 80 triệu yen nâng cấp dây chuyền, nhưng chi phí cao hạn chế khả năng tăng lương giữ chân nhân viên. Một số doanh nghiệp, như Toyo Tokushi, cân nhắc tuyển dụng học sinh trung học chưa từng có tiền lệ, nhưng thiếu nguồn lực đào tạo.

BRANDS VIETNAM 2024 REVIEW: NHÌN LẠI NHỮNG XU HƯỚNG VÀ SỰ KIỆN NỔI BẬT TRONG NĂM

Năm 2024 khép lại với những dấu ấn khó quên, nhiều xu hướng mới không chỉ định hình mà còn tái định nghĩa cách marketer sáng tạo và kết nối với khách hàng.

Một trong những điểm nhấn là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt trong sản xuất nội dung. OpenAI đã ra mắt Sora, một công cụ chuyển đổi văn bản thành video, mở ra cơ hội lớn cho marketers. Tuy nhiên, mặc dù AI mang lại hiệu quả vượt trội, bà Vidhya Srinivasan, Phó Chủ tịch Google, nhấn mạnh rằng sáng tạo vẫn phụ thuộc vào con người.

Ngoài AI, thị trường gameshow tại Việt Nam đã tạo ra những cơ hội lớn cho các thương hiệu, với các chương trình như “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” thu hút lượng người xem đông đảo. Các ngân hàng như VIB và Techcombank đã chọn đồng hành cùng các chương trình này để kết nối với các đối tượng khách hàng mục tiêu.

Năm nay, các sản phẩm dành cho trẻ em như Capybara và Labubu đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ người lớn, giúp các thương hiệu nhanh chóng bắt kịp xu hướng. Cũng trong năm 2024, các sàn thương mại điện tử giá rẻ như Temu đã tạo nên cơn sốt, dù sau đó quyết định tạm dừng hoạt động tại Việt Nam.

Cuối cùng, các ví điện tử như Zalopay và MoMo đã tái định vị thương hiệu, với Zalopay nhấn mạnh vào sự sáng tạo và MoMo hướng đến việc trở thành trợ thủ tài chính nhờ ứng dụng AI, cho thấy tầm quan trọng của việc thích ứng nhanh chóng với xu hướng công nghệ để tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững.

50% CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP VIỆT NAM BỊ TẤN CÔNG MẠNG TRONG NĂM 2024

Gần 50% tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công mạng trong năm 2024

Báo cáo an ninh mạng Việt Nam 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia ghi nhận sự gia tăng nghiêm trọng về số lượng và quy mô các vụ tấn công mạng, với hơn 659.000 vụ tấn công trong năm. Các cuộc tấn công có chủ đích (APT) chiếm 26,14%, mã độc tống tiền ransomware gây ảnh hưởng tới 14,59% tổ chức, đe dọa dữ liệu và uy tín doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực ứng phó còn hạn chế khi 20,06% đơn vị thiếu nhân sự chuyên trách, 35,56% chỉ có dưới 5 người phụ trách an ninh mạng. Các tổ chức cũng phụ thuộc lớn vào công nghệ nước ngoài, với chỉ 24,77% sản phẩm “Make in Vietnam” được sử dụng.

Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân vẫn phổ biến do thiếu biện pháp bảo vệ và tuân thủ quy định. Dù vậy, nhận thức về an ninh mạng đã cải thiện, với 85,11% tổ chức trang bị phần mềm diệt virus, 64,13% có giải pháp sao lưu dữ liệu, và nhiều đơn vị triển khai tiêu chuẩn ISO, PCI DSS. Năm 2025, Việt Nam đối mặt nguy cơ tấn công tinh vi hơn, sử dụng AI và nhắm vào hệ thống công nghiệp, tiền số. Đầu tư công nghệ và giám sát chặt chẽ là giải pháp cấp thiết.

BIẾN ESG THÀNH CÔNG CỤ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
ESG đang trở thành xu hướng, khiến nhiều doanh nghiệp muốn triển khai ngay nhưng nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá vội. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần biết nội lực của công ty như thế nào để thực hành ESG. (Ảnh: TL)

Tầm quan trọng của ESG trong xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững, đặc biệt khi nhận thức xã hội về môi trường và trách nhiệm doanh nghiệp ngày càng tăng. Một nghiên cứu của Accenture cho thấy 60% nhà đầu tư khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ưu tiên các doanh nghiệp có tầm nhìn ESG mạnh mẽ, tạo lợi thế cạnh tranh lớn.

Theo chuyên gia Richard Moore, ESG không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu từ người tiêu dùng, đặc biệt ở các thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, tuy khái niệm này đã xuất hiện, nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa triển khai hiệu quả, ngoại trừ một số đơn vị như FPT.

ESG mang lại nhiều lợi ích như tối ưu hóa hoạt động, thu hút nguồn tài chính ưu tiên, và tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thương hiệu vững chắc, xác định giá trị cốt lõi để chọn các hoạt động ESG phù hợp. Việc truyền thông ESG cần bắt đầu từ nội bộ doanh nghiệp, đảm bảo sự chân thực và tránh sử dụng ngôn ngữ tiếp thị quá mức.

Patagonia, một thương hiệu thời trang và thiết bị dã ngoại, đã thành công trong việc gắn ESG vào chiến lược thương hiệu. Nhờ chiến lược ESG rõ ràng và sáng tạo, Patagonia trở thành biểu tượng thương hiệu bền vững với doanh thu năm 2022 đạt 1,5 tỷ USD, dù không đầu tư mạnh vào quảng cáo. Thành công này là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp trên thế giới bắt đầu hành trình ESG.

CẢNH BÁO TÌNH TRẠNG GIẢ MẠO MÃ SỐ ĐÓNG GÓI XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG

Tình trạng giả mạo mã số đóng gói xuất khẩu sầu riêng đang gây ra những tác hại nguy hiểm cho sầu riêng Việt (Ảnh: Phước Tuấn)

Công ty Vina T&T vừa phát thông báo khẩn về việc mã số cơ sở đóng gói VN-BTPH-036 bị làm giả và sử dụng trái phép để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Một cá nhân chưa xác định đã giả mạo con dấu và chữ ký của lãnh đạo chi nhánh Vina T&T Bến Tre để ký kết hợp đồng và phát hành văn bản trái pháp luật, cho phép Công ty TNHH EM sử dụng mã số đóng gói này. Công ty EM sau đó đã ký tiếp các hợp đồng ủy quyền xuất khẩu với nhiều doanh nghiệp khác, dẫn đến nhiều lô hàng mang mã số giả bị phát hiện.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, bày tỏ lo ngại về tình trạng rao bán mã số đóng gói trên thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động xuất khẩu của công ty. Vina T&T khẳng định chưa từng ủy quyền hoặc sử dụng con dấu giả mạo, đồng thời đã báo cáo cơ quan chức năng những vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Tình trạng giả mạo mã số không chỉ gây nguy hại cho doanh nghiệp bị hại mà còn đe dọa an ninh của toàn ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Các lô hàng vi phạm nếu bị phát hiện có thể bị trả về hoặc dẫn đến việc đóng mã số xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến toàn ngành. Hiệp hội Trái cây Việt Nam đang kiến nghị các cơ quan chức năng siết chặt quản lý để ngăn chặn kẽ hở này.

THỊ TRƯỜNG THỤY ĐIỂN MỞ RA CƠ HỘI CHO XUẤT KHẨU RAU QUẢ TƯƠI TỪ VIỆT NAM

Thị phần nhập khẩu rau quả từ các nước đang phát triển tại Thuỵ Điển tăng lên 24%

Thụy Điển là thị trường tiềm năng cho rau quả Việt Nam nhờ nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt trong giai đoạn "trống mùa" từ tháng 10 đến tháng 5. Thị phần rau quả từ các nước đang phát triển tại đây tăng lên 24% trong năm 2023, đạt 215.000 tấn. Đây là cơ hội lớn để các loại trái cây như thanh long, xoài, chanh leo và các sản phẩm khác của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này.

Các chuỗi siêu thị lớn như ICA, Coop và Axfood, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm và chế biến công nghiệp, là những kênh phân phối chính. Tuy nhiên, để cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như GLOBAL G.A.P, Fairtrade và yêu cầu về nhãn mác, an toàn thực phẩm, cũng như đẩy mạnh sản xuất sản phẩm hữu cơ để nắm bắt xu hướng tiêu dùng bền vững.

Hơn nữa, Việt Nam sở hữu khí hậu đa dạng, phù hợp để sản xuất rau quả quanh năm. Với lợi thế từ các FTA như EVFTA, CPTPP, sản phẩm Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao nhờ giảm thuế quan. Đồng thời, sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến, đóng gói và bảo quản sau thu hoạch giúp nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á.

Bằng cách tập trung vào chất lượng, chứng nhận quốc tế và chiến lược tiếp cận hiệu quả, rau quả Việt Nam có thể gia tăng thị phần và khẳng định vị thế tại Thụy Điển cũng như các thị trường quốc tế tiềm năng khác.

CỔ PHIẾU TSMC 'LẬP ĐỈNH'

Cổ phiếu của TSMC vừa chạm mốc cao chưa từng có trong lịch sử và đánh dấu năm thăng hoa nhất trong vòng 25 năm qua.

Cổ phiếu của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đạt mức cao kỷ lục và dự kiến sẽ khép lại năm có hiệu suất tốt nhất trong 25 năm qua. Trong phiên giao dịch ngày 24/12, giá cổ phiếu tăng 1,4% tại Đài Bắc, nhờ sự lạc quan của nhà đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động tích cực từ đà tăng của cổ phiếu chip Mỹ, bao gồm Nvidia, một khách hàng quan trọng của TSMC. Từ đầu năm, cổ phiếu TSMC đã tăng 84%, phản ánh sự bùng nổ chi tiêu cho AI, với danh sách khách hàng lớn như Apple và AMD.

Doanh thu quý IV/2024 của TSMC dự kiến tăng 36%, đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 58,3%, mức cao nhất kể từ năm 2022. Ông Kevin Net từ Financiere de L’Echiquier nhận định TSMC là lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực AI, nhờ mức định giá hợp lý và không phụ thuộc vào một công nghệ cụ thể. Các sự kiện quan trọng sắp tới, như bài thuyết trình của Nvidia tại CES 2025, cũng được dự báo sẽ tác động đến giá cổ phiếu.

Ngoài ra, Mỹ đã cam kết khoản tài trợ 6,6 tỷ USD để TSMC xây dựng ba nhà máy tại Arizona, với cơ sở đầu tiên hoạt động vào năm 2025, nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn nội địa trước sự chỉ trích từ cựu Tổng thống Donald Trump đối với Đạo luật CHIPS.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này, có bốn chuyên gia gửi lời bình về bản tin, mời các bạn theo dõi ở bên dưới:

Ông Ngô Đình Dũng

Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.

THỬ HÌNH DUNG CÁCH MÀ DN VIỆT NAM TUÂN THỦ QUY ĐỊNH ESG CỦA EU
ESG là một dạng rào cản kỹ thuật mới? Trên thực tế, EU là thị trường quan tâm nhiều nhất đến các yếu tố môi trường trên sản phẩm tiêu dùng, còn thị trường Mỹ thì hên xui. Từ những năm 2012, Thị trường EU đã bắt đầu đề cao hoạt động kinh doanh bền vững thông qua yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội trong cơ chế quản trị doanh nghiệp và dần dần Cơ quan Thương mại Quốc tế ITC đã dần thể chế hóa các yếu tố này thành các tiêu chuẩn cho hàng hóa lưu hành ở thị trường EU. Đây cũng là lí do mà các cty xuất khẩu, bán hàng vào thị trường EU buộc phải đi theo ESG để tiếp thị và bán hàng.

Tuy nhiên, việc các cty hoạt động, bán hàng ở Việt nam tuân thủ ESG có lẽ còn là một câu chuyện dài, và bước đầu của các DN có lẽ là tuân thủ theo các yêu cầu EPR của Bộ TNMT vừa ban hành. Do cam kết net zero của chính phủ VN, Bộ quy chế này buộc phải ra đời sớm 1 chút và có nhiều điều khoản còn chưa rõ ràng, tạo cơ hội cho các DN chuyển đổi dần dần. Ta có thể hình dung phong trào ESG ở VN sẽ đi theo 2 -3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 (3-5 năm tới) – Các DN FDI, DN gia công, xuất khẩu hàng vào EU sẽ đi đầu trong việc tuân thủ EPR của Bộ TNMT, tiếp đến là tuân thủ (compliance) theo các quy chuẩn về Lao động (nói khác đi là tạo ra môi trường làm việc, và quyền lợi tốt hơn cho người lao động – Human Rights) và tuân thủ các quy chuẩn giảm thải KHí nhà kính (Green House Gas – GHG), giảm phát thải ra môi trường về khí và rác thải, đặc biệt là rác nhựa. Hoạt động này cũng là một thách thức lớn với DN vì chi phí hoạt động ở VN sẽ không còn rẻ nữa (do các loại thuế, phí môi trường sẽ dần tăng lên), việc theo dõi, đánh giá/ audit cho hoạt động của DN về ESG, net zero, thực hành kinh doanh có trách nhiệm (Responsible Business Conduct – RBC) sẽ tăng lên, nhưng bù lại hàng hóa sản xuất từ các DN này ở VN sẽ dễ dàng lưu thông hơn trên thị trường EU. Đây là giai đoạn các nhà tư vấn ESG sẽ trăm hoa đua nở, mỗi ông sẽ nói một góc nhìn khác nhau vì … họ cũng chưa biết gì nhiều về ESG (chắc là sẽ có nhiều ông tư vấn rủa thầm là cha này biết gì mà nói)

Giai đoạn 2 (5-10 năm kế tiếp) – Các DN lớn của VN sẽ áp dụng các tiêu chuẩn đã định hình ở giai đoạn I do bộ luật môi trường EPR của VN cũng đã rõ ràng hơn và siết chặt hơn. Yêu cầu của thị trường trong nước cũng sẽ hướng dần đến ESG. Các chi phí thực hiện ESG cũng sẽ thấp dần đi nhờ vào việc ở VN sẽ dần hình thành cơ chế tự đánh giá hoạt động tuân thủ Kinh doanh có trách nhiệm (RBC) và các DN khi áp dụng hệ thống phần mềm sẽ theo dõi, khai báo, và tự điều chỉnh các hoạt động RBC của mình. Tư vấn đánh giá/ audit cũng sẽ giảm tải và giảm chi phí cho hoạt động RBC, ESG của doanh nghiệp cũng sẽ minh bạch hơn, tạo niềm tin cho các khách hàng ở EU và thị trường quốc tế.

Giai đoạn 3 – EU sẽ có những chuẩn mới và không thấy ai nói tới ESG nữa.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

AMAZON LO ÂU THẾ NÀO TRƯỚC HÀNG GIÁ RẺ TRUNG QUỐC?
Amazon Haul
Thị trường Bắc Mỹ rộng thênh thang cho hàng Việt. Chỉ riêng Mỹ, lượng hàng Việt Nam xuất qua mỗi năm đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Canada thì khiêm tốn hơn với 6 tỷ USD, nhưng chính phủ Canada đưa ra con số gần 10 tỷ USD bởi họ thống kê luôn số hàng “quá cảnh” qua Mỹ. Mexico thì cũng gây bất ngờ với con số gần 10 tỷ USD, và ông đại sứ Mexico tại Hà Nội "rất sốt ruột" khi mô tả lượng hàng Việt đang chiếm đến 97% kim ngạch xuất khẩu song phương giữa hai nước.

Tuần rồi, tôi có dự một hội thảo về hàng Việt thâm nhập thị trường Bắc Mỹ, thông qua các sàn thương mại điện tử. Các diễn giả đã bỏ qua Mexico, lướt nhanh Canada và tập trung vào Mỹ. Những gì họ trình bày cho thấy bức tranh khác mà báo chí Việt Nam chưa đề cập hoặc tô sai màu.

Các diễn giả dẫn số liệu của Analyzify về thị trường thương mại điện tử Mỹ trong năm 2023 như sau: Amazon đang thống trị thị trường 37,6%, Walmart giữ vị trí thứ hai với 6,4%, Apple 3,6%. 5%. Các nền tảng khác như eBay 3%, Target và The Home Depot mỗi công chiếm 1,9%, Cost 1,5%, Best Buy và Karvana mỗi công ty chiếm 1,4%, Kroger 1,3%... Temu và Shein mỗi công ty cũng chỉ 1%, nhưng phát triển với tốc độ vũ bão. Chưa có số liệu của TikTok Shop bởi nền tảng chỉ ra mắt từ tháng 9-2023.

Như vậy, vị trí của Amazon áp đảo khó có xoay chuyển trong một thời gian ngắn. Tuy vậy, với việc ra mắt nền tảng con Amazon Haul chuyên hàng giá rẻ từ Trung Quốc cho thấy sự lo lắng của gã khổng lồ trước làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là trước ngày 20-1-2025 khi Tổng thống tái đắc cử Donal Trump quay lại nắm quyền.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, số tiền vận động hành lang của các hãng công nghệ Mỹ tăng vọt. Chẳng hạn, số tiền chi cho vận động hành lang của ByteDance – hãng mẹ của TikTok - tăng 70% trong năm 2023 – đây là năm ông Biden ký sắc lệnh buộc ByteDance bán TikTok cho một thực thể Mỹ. Shein mới vào thị trường Mỹ, nhưng số tiền lobby của năm 2023 tăng gần 8 lần số đã chi trong năm 2022.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 27-12 ông Trump đã thúc giục Tòa án Tối cao Mỹ tạm dừng thực hiện luật cấm TikTok hoặc buộc phải bán ứng dụng này, với lý do ông nên có thời gian sau khi nhậm chức để theo đuổi "giải pháp chính trị" cho vấn đề này. Tòa sẽ nghe các bên tranh biện vào ngày 10-1-2025 sắp tới.

Quay trở lại câu chuyện của Amazon. Họ đã không âm thầm cạnh tranh bằng Amazon Haul, bởi họ đã có thể đoán rằng mọi chuyện trở nên khó đoán dưới thời Trump 2.0, dù rằng ông có vẻ đã giương cao lá cờ “Nước Mỹ trên hết” trong nhiệm kỳ đầu tiên. Chuyện Temu, Shein hay TikTok Shop lớn mạnh trên thị trường thương mại điện tử Mỹ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Ông Cao Minh Việt

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.

NHẬT BẢN ĐANG TRIỂN KHAI NHIỀU BIỆN PHÁP NHẰM TĂNG TỶ LỆ SINH VÀ HỖ TRỢ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI & CƠ HỘI CHO LAO ĐỘNG VIỆT
1) Tăng trợ cấp cho trẻ em: Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật mở rộng phạm vi trợ cấp hàng tháng cho trẻ em trong độ tuổi đi học trung học, nhằm giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình và khuyến khích sinh thêm con.

2) Cải thiện chế độ nghỉ phép cho cha mẹ: Nhật Bản đang thúc đẩy việc tăng tỷ lệ nam giới nghỉ phép chăm sóc con cái, nhằm chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp tục tham gia lực lượng lao động sau khi sinh.

3) Hỗ trợ tài chính cho gia đình có nhiều con: Chính phủ xem xét tăng trợ cấp lên 30.000 yen cho con thứ hai và 60.000 yen cho con thứ ba, mở rộng phạm vi trợ cấp đến trẻ em dưới 18 tuổi, nhằm khuyến khích các gia đình sinh thêm con.

4) Mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em: Nhật Bản đang cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến chăm sóc trẻ em, mở rộng cơ sở chăm sóc trẻ và đảm bảo tất cả trẻ em đều được đi nhà trẻ, kể cả con của các bà nội trợ toàn thời gian.

5) Khuyến khích chuyển đến các khu vực ngoài Tokyo: Chính phủ Nhật Bản khuyến khích người dân chuyển về sống ở các khu vực ngoài thủ đô Tokyo nhằm hồi sinh các cộng đồng địa phương và giảm áp lực dân số ở đô thị.

6) Cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài: Nhật Bản đang xem xét cải cách chương trình thực tập sinh nước ngoài, cho phép họ thay đổi chỗ làm trong cùng một lĩnh vực và tạo điều kiện để họ có thể đăng ký cư trú lâu dài, nhằm thu hút lao động nước ngoài.

7) Tăng hạn mức tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề cao: Nhật Bản có kế hoạch tăng hơn gấp đôi số người nước ngoài đủ điều kiện cấp thị thực lao động có tay nghề trong giai đoạn 5 năm, bắt đầu từ năm tài chính 2024, lên hơn 800.000 người, nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động.

8) Hỗ trợ sinh viên nước ngoài tìm việc làm: Chính phủ Nhật Bản cho phép sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú được lưu trú thêm hai năm để tìm việc làm, nhằm thu hút nhân tài quốc tế và bổ sung lực lượng lao động.

9) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hẹn hò: Chính quyền Tokyo đang thử nghiệm ứng dụng hẹn hò áp dụng AI để thúc đẩy người trẻ kết hôn, nhằm tăng tỷ lệ sinh trong tương lai.

10) Hỗ trợ tài chính cho người dân: Chính phủ Nhật Bản đã triển khai các chính sách hỗ trợ tiền mặt và cho vay để duy trì sinh hoạt cho người có thu nhập thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bao gồm cả người nước ngoài đang cư trú tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, do đồng yên yếu và chính sách tăng lương chậm, đánh đồng các nhân viên mới với mức lương được cao bằng khiến một bộ phận người Nhật đi tìm việc làm trong các công ty nước ngoài hoặc ra nước ngoài với mức lương có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi trong nước. Đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin. Điều này làm cho sự thiếu hụt lao động trong các ngành công nghệ mới trở nên trầm trọng hơn. Đây là cơ hội lớn cho các công ty công nghệ thông tin của Việt Nam tham gia vào thị trường Nhật, tuy nhiên do kiến thức chuyên môn ngành chuyên sâu của các công ty IT Việt Nam yếu nên sản phẩm làm ra chỉ là những sản phẩm đơn giản hoặc không đảm bảo chất lượng mà doanh nghiệp Nhật yêu cầu. Như vậy tuy thị trường lớn và nhiều doanh nghiệp IT của Việt Nam nhưng vẫn còn dư địa cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực và hiểu sâu về chuyên môn ngành.

Ông Đồng Phước Vinh

31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.

CHÍNH NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA SẢN PHẨM VĂN HÓA VIỆT
Năm 2024, thị trường sản phẩm văn hóa Việt Nam đã có những cú đột phá khá ngoạn mục như các chương trình như “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” thu hút lượng người xem đông đảo.

Một tin vui khác là theo thống kê từ nền tảng quan sát phòng vé độc lập Box Office Vietnam, tổng doanh thu rạp chiếu năm 2024 đã đạt con số hơn 4.400 tỉ đồng. Trong số này có hơn 1.700 tỉ đồng doanh thu từ phim nội địa.

Điểm đáng ghi nhận là điện ảnh Việt đã giúp cho thị trường trở nên sôi động từ đầu năm đến giờ. Năm nay phim bom tấn của Hollywood ít được đón nhận hơn mọi năm, có nhiều phim doanh thu thấp ngoài mong đợi. Những kỷ lục mới về doanh thu thể hiện điện ảnh Việt đang là món ăn tinh thần hấp dẫn, thay vì nằm ở vị trí lép vế trước phim ngoại như trước đây.

Xu hướng xem phim gần đây cho thấy khán giả không chỉ giải trí mà còn muốn trải nghiệm. Điều họ tìm đến là những câu chuyện phản ánh văn hóa, con người và những giá trị bản sắc Việt Nam. Đây là điều các nhà làm phim đã khai thác tốt trong thời gian qua, tạo ra những tác phẩm vừa chân thực, vừa đủ sức hút thương mại.

Doanh thu phòng vé trong nước tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là với sự thành công của nhiều phim nội địa như “Mai” (556 tỉ đồng), “Lật Mặt 7” (482 tỉ đồng)... Với xu hướng này, thị trường phim Việt có thể kỳ vọng một bộ phim Việt sẽ đạt mốc doanh thu 1.000 tỉ đồng trong tương lai không xa.

Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.