BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (12/8 - 18/8/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (12/8 - 18/8/2024)

18/8/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về tình cảnh của doanh nghiệp Việt trong cuộc cạnh tranh hiện tại và góc nhìn thực chiến về các dự án AI.

“VÌ SAO CÁC DỰ ÁN AI THẤT BẠI” ?

Tôi xin chia sẻ chuyện này vì làm doanh nghiệp, tôi có tham gia vào chuyện triển khai dự án AI.
AI trên báo chí cũng như ở tầm chiến lược DN thì đúng là lúc nào người ta cũng dành những mỹ từ cho nó. Cũng xứng đáng thôi vì tiềm năng ứng dụng và hiệu quả hứa hẹn của nó thì ai cũng rõ. Tuy nhiên khi đến khâu phát triển & triển khai đến từng DN thì câu chuyện doanh nghiệp gặp thì lại hoàn toàn khác. Cũng giống như mình nhìn một tấm vải lụa, lúc nào cũng thấy đẹp mắt nhưng không chắc là khi may đo thành một chiếc áo cụ thể cho mình thì nó có thể phù hợp.... Đọc thêm

“SẬP NGUỒN” KHI ĐANG TRONG CẢNH “THẬP DIỆN MAI PHỤC"

“THẬP DIỆN MAI PHỤC”. Tôi muốn dùng từ này để mô tả tình hình của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, từ DN chỉ kinh doanh trên thị trường nội địa đến chuyên xuất khẩu. Có thể bài này chưa nói đủ những khó khăn đến mức “thập diện mai phục” nhưng cũng khá tiêu biểu (tôi mong các doanh nghiệp – bạn bè tôi- hãy tranh luận hay bổ sung vào ”tình cảnh” này). Tôi xin nêu một số khó khăn từ bên ngoài dồn dập đến mà trong khi đó lại có một tình hình khác đang xảy ra từ chính nội bộ chúng ta.... Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

NHIỀU THÁCH THỨC MỚI CHO HÀNG VIỆT Ở THỊ TRƯỜNG BẮC MỸ

Trong bối cảnh lợi thế thuế quan từ Hiệp định CPTPP dần mất đi, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả, đồng thời đối mặt với nguy cơ bảo hộ thương mại ngày càng tinh vi hơn.

Canada đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia có cơ cấu hàng hóa tương tự Việt Nam, gây áp lực lớn lên xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến chế tạo như điện tử, dệt may, và nội thất. Ngoài ra, chi phí logistics cao tại Canada và các rào cản kỹ thuật, môi trường như tiêu chuẩn sản xuất xanh và bao bì tái chế, cũng tạo ra trở ngại cho hàng Việt Nam.

Còn Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, với nhiều vụ kiện liên quan đến các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thép, thủy sản, và đồ nội thất. Các lô hàng bị kiểm tra và từ chối nhập khẩu ngày càng tăng, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp.

CHUYỆN “SẬP NGUỒN” HỆ THỐNG ĐIỆN TỬ HẢI QUAN QUA 1HI3 HỬU, CHO THẤY SỰ YẾU KÉM VÀ VÔ TRÁCH NHIỆM

Hiện nay, hệ thống hải quan điện tử Việt Nam đang xảy ra sự cố là bị…sập nguồn. Đến lúc này, chiều ngày 14/8/2024, nhiều doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho biết vẫn chưa thể hoàn tất các thủ tục để xuất hàng đi cũng như nhận hàng về.

Và sau cú sập nguồn thì…các công ty gặp sự cố lớn: có công ty đã xong các thủ tục hải quan trong ngày, nhưng không kết nối được dữ liệu giữa hải quan và cảng. Kết quả, công ty phải tốn tiền chạy điện container hàng tại cảng, ngày, thêm tiền lưu container mỗi ngày là 1,5 triệu đồng. Do lỗi của nền tảng điện tử của Hải quan mà tốn thêm tiền chạy điện và lưu bãi.

Có DN bị vướng lô hàng nhập khẩu thép về để sản xuất. Đến nay, lô hàng đã 10 ngày lưu bãi vẫn chưa nộp được thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa. Lý do, Cổng thông tin một của quốc gia không hoạt động. Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng báo chưa có chỉ thị nhận hồ sơ bằng giấy, nên chưa có hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng để nộp cho hải quan.

Khi mã vạch là kết nối hải quan với cảng; nếu không có mã vạch, cảng không có thông tin để đối chiếu, DN sẽ không lấy được hàng cũng như không chất hàng lên tàu để xuất đi được. Nay mã vạch không lấy được, số container cũng không. Hệ thống trục trặc ngày càng nhiều hơn!                                        

"Thực tế, mạng hải quan thỉnh thoảng quá tải, chập chờn trong nhiều năm gần đây chứ không phải đến hôm nay. Sau dịch, dường như hải quan cũng quên mất nâng cấp hệ thống, hoặc nâng cấp không đạt. mà chúng ta sau đại dịch đến nay cũng đã 3 năm.

Một số chuyên gia xuất nhập khẩu nói thẳng hệ thống công nghệ thông tin hải quan điện tử đã trở nên lạc hậu theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi công nghệ chỉ cần 2 - 3 năm là đã lạc hậu, còn hệ thống đã xài tới 10 năm (năm 2014, Thông tư 22 quy định về khai báo hải quan điện tử ra đời, tính đến nay đã hơn chục năm).

"Vấn đề lạc hậu của công nghệ này thể hiện ở mấy chỗ sau: Hệ thống VNACCS/VCIS được Nhật viện trợ không hoàn lại. Trong quá trình vận hành, phía Nhật cũng hỗ trợ việc xử lý khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên trong thời gian đầu, do lượng dữ liệu không nhiều, nên máy chạy ổn. Hệ thống dùng chương trình cũ từ Win98, Win2000. Chính phủ lại chưa làm data đám mây dữ liệu chính phủ, nên việc lưu dữ liệu ngày càng nặng. Quá tải thì phải chập chờn và có lúc… sập luôn. Cứu rất khó.

DU LỊCH XANH VÀ DU LỊCH NÔNG THÔN “CẤT CÁNH” TỪ KHAI THÁC THIÊN NHIÊN CÁC LÀNG CHÀI 

Theo một khảo sát gần đây của Trip Advisor, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách chấp nhận mức giá cao hơn cho những công ty mang lợi ích tới cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn.

Tại Việt Nam, báo cáo Du lịch Bền vững 2024 của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com cũng cho thấy có tới 75% du khách Việt cảm thấy được khích lệ hơn trong việc thực hành sống xanh mỗi ngày sau khi chứng kiến các hoạt động du lịch bền vững. 94% trong số họ mong muốn các chuyến du lịch của mình sẽ thân thiện với môi trường và văn hóa bản địa hơn.

Từ những làng chài ven biển yên bình đến những hòn đảo hay thị trấn, Việt Nam có vô số các điểm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phù hợp với từng nhóm du khách, giúp họ hòa mình vào nền văn hóa đa dạng.

Với hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, phong phú cùng nhịp sống gần như nguyên bản của làng chài cổ, Việt Hải đang nổi lên như một điểm du lịch cộng đồng lý tưởng của huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng) mùa thấp điểm.

Tương tự, với 125 km đường bờ biển, tỉnh Quảng Nam có gần 20 làng chài với văn hóa vạn chài đậm đà, đặc trưng. Những năm qua, một số làng chài xứ Quảng như Tân Thành, Cửa Khe, Tam Thanh, Tam Tiến... đã và đang xây dựng các loại hình, sản phẩm kết hợp bản sắc làng chài với môi trường biển đảo, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, thu hút đông du khách, mang đến lợi ích cho cư dân bản địa,...

NHÂN BẢN GIỌNG NÓI BẰNG AI - MÔ HÌNH KINH DOANH MỚI Ở HOLLYWOOD

Công ty khởi nghiệp về công nghệ âm thanh ElevenLabs đã ký nhiều thỏa thuận với các diễn viên huyền thoại như Burt Reynolds, Judy Garland, James Dean và Sir Laurence Olivier, và sử dụng công cụ Iconic Voices của mình nhân bản giọng nói của họ, cho phép người dùng chọn nghe giọng đọc AI của những người nổi tiếng trên ứng dụng sách nói.

Ông Sam Sklar, thành viên của nhóm phát triển ElevenLabs, cho biết: “Cần khoảng 30 phút âm thanh chất lượng cao để tạo bản sao giọng nói chuyên nghiệp”. Sau khi được tạo, giọng nói AI có thể được chọn để đọc văn bản (bài viết, PDF, ePub, bản tin hoặc nội dung văn bản khác).

Tuy nhiên, không thể trích xuất giọng nói và nội dung trong một ứng dụng đọc. Ví dụ, người dùng có thể có các bài báo đọc bằng giọng của James Dean trong ứng dụng, nhưng không thể tiếp cận giọng nói này cho bất cứ nội dung nào chưa có trong ứng dụng.

Các thỏa thuận trên giúp thiết lập ranh giới cho tương lai, cho phép kiểm soát, quản lý tốt hơn các nội dung giọng nói do AI tạo ra. Hiện tại nhiều diễn viên, nhất là diễn viên lồng tiếng, vẫn lo ngại về việc sử dụng AI để tạo nội dung giọng nói.

XUẤT KHẨU GỖ GẶP NHIỀU THÁCH THỨC

Ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD trong năm 2024 do tình hình quốc tế biến động phức tạp và khó lường. Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,36 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, với các sản phẩm chủ lực như đồ gỗ nội thất, gỗ xây dựng và dăm gỗ đều có mức tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, tăng trưởng này chủ yếu do giá bán tăng hơn là khối lượng đơn hàng, khiến xu hướng thị trường trở nên thiếu bền vững.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, nhưng có dấu hiệu chững lại trong tháng 7/2024. Chi phí logistics và giá nguyên liệu tăng cao, đặc biệt là gỗ cao su, đang gây áp lực lên ngành gỗ, làm tăng giá thành sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chính như EU đang áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe hơn, chẳng hạn như quy định EUDR về không gây mất rừng, tạo thêm thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

XE Ô TÔ ĐIỆN CÓ TIN VUI: SAMSUNG PHÁT MINH BÌNH ĐIỆN THỂ RẮN

Hiện nay xe điện (EV) chiếm khoảng 8% thị phần xe hơi toàn cầu. Thị phần này sẽ còn tăng nếu bộ bình điện để xe di chuyển xa hơn, ít phải sạc hơn. Và tập đoàn Đại Hàn Samsung đang đạt những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này.

Theo trang mạng xe hơi topspeed.com, tại sự kiện SNE Battery Day diễn ra vào ngày 23/07/2024 tại Seoul, Samsung đã tuyên bố tiến bộ mới nhất của họ sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi.

Bình điện thể rắn như của Samsung không chỉ có khả năng hoạt động tốt hơn loại bình phổ thông hiện nay là lithium-ion mà còn an toàn hơn. Bằng cách thay thế chất điện phân dạng lỏng bằng dạng rắn, Samsung đã tăng mật độ năng lượng lên 500 watt-giờ (Wh) trên một kg, gần gấp đôi so với mức định mức của bình EV thông thường. Công nghệ này an toàn vì giúp giảm nguy cơ quá nhiệt và cháy nổ, vốn luôn là mối quan tâm lớn của bình EV. Thiết kế bình điện của Samsung đặc biệt sử dụng chất điện phân sulfur rắn, được biết đến với độ dẫn ion cao và độ ổn định. Samsung cho biết bình thể rắn còn có thời gian sử dụng cao hơn. Bình của Samsung được tuyên bố có thời gian sử dụng lên đến 20 năm.

Bình cũng cho phép sạc nhanh hơn vì chất điện phân rắn có thể chịu được điện áp và dòng điện cao hơn mà không bị quá nhiệt. Thời gian sạc để bình đạt công suất 80% chỉ vào khoảng chín phút! Để tham khảo, một số xe sạc nhanh nhất trên thị trường hiện nay mất khoảng 15 đến 20 phút để đạt được mức này.

Tất nhiên trở ngại của sản phẩm mới là: chi phí sản xuất cao hơn so với bình lithium-ion truyền thống.  Một mối quan tâm tiềm ẩn khác là khả năng tái chế của bình thể rắn.

KHÁM PHÁ NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA CÁC DỰ ÁN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT (tài liệu do chị Phạm Chi Lan vừa gửi)

Để tìm hiểu lý do tại sao các dự án trí tuệ nhân tạo và học máy (AI/ML) thất bại, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 65 nhà khoa học về dữ liệu và kỹ sư có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình AI/ML trong ngành hoặc học viện.

Theo một số ước tính, hơn 80 phần trăm các dự án AI thất bại — gấp đôi tỷ lệ thất bại của các dự án công nghệ thông tin không liên quan đến AI.

Phát hiện chính: năm nguyên nhân gốc rễ chính dẫn đến thất bại của các dự án AI

  • Đầu tiên, các bên liên quan trong ngành thường hiểu sai — hoặc giao tiếp sai — về vấn đề cần giải quyết bằng AI.
  • Thứ hai, nhiều dự án AI thất bại vì tổ chức thiếu dữ liệu cần thiết để đào tạo đầy đủ một mô hình AI hiệu quả.
  • Thứ ba, trong một số trường hợp, các dự án AI thất bại vì lo tập trung vào việc sử dụng công nghệ mới nhất hơn là tập trung giải quyết các vấn đề thực tế cho người dùng dự kiến của họ.
  • Thứ tư, các tổ chức có thể không có đủ cơ sở hạ tầng để quản lý dữ liệu của họ .
  • Cuối cùng, trong một số trường hợp, các dự án AI thất bại vì công nghệ được áp dụng cho các vấn đề mà AI quá khó để giải quyết.

Khuyến nghị

Các nhà lãnh đạo ngành nên đảm bảo rằng nhân viên kỹ thuật hiểu mục đích của dự án. Sự hiểu lầm và giao tiếp sai về mục đích của dự án là những lý do phổ biến nhất khiến dự án AI thất bại.

Các nhà lãnh đạo ngành nên chọn các vấn đề lâu dài: Các dự án AI cần có thời gian và sự kiên nhẫn để hoàn thành. Trước khi bắt đầu bất kỳ dự án AI nào, các nhà lãnh đạo nên chuẩn bị cam kết mỗi nhóm sản phẩm sẽ giải quyết một vấn đề cụ thể trong ít nhất một năm.

Các nhà lãnh đạo ngành nên tập trung vào vấn đề cần giải quyết, không phải vào công nghệ.

Các nhà lãnh đạo ngành nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Đầu tư ban đầu vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ quản trị dữ liệu và triển khai mô hình có thể giảm thời gian cần thiết để hoàn thành các dự án AI và có thể tăng khối lượng dữ liệu chất lượng cao có sẵn để đào tạo các mô hình AI hiệu quả.

Các nhà lãnh đạo ngành nên chú ý tính khả thi của dự án tức là hiểu những hạn chế của AI.

Các nhà lãnh đạo nên vượt qua các rào cản thu thập dữ liệu thông qua quan hệ đối tác với chính phủ. Nhờ quan hệ đối tác này mà có thể tiếp cận dữ liệu có nguồn gốc cần thiết cho nghiên cứu học thuật.

Các nhà lãnh đạo chương trình khoa học máy tính và khoa học dữ liệu nên học hỏi từ các ngành học khác giúp cung cấp các lộ trình cho các nhà nghiên cứu áp dụng các phát hiện của họ vào các vấn đề cấp bách.

(theo RAND, tổ chức phi lơi nhuận của Hoa Kỳ giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận sự thật và sự an toàn trong nghiên cứu)

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Mời bạn theo dõi các ý kiến bình luận này:

Ông Cao Minh Việt

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.

DU LỊCH XANH CẤT CÁNH TỪ KHAI THÁC THIÊN NHIÊN

Tại Phú Yên, khu vực phường Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa có một khu làng chài với các ngôi nhà được xây dựng từ những năm 1980, 1990 với mái ngói đỏ, nhà 3 gian theo kiểu truyền thống. Ngôi làng với toàn những nếp nhà ngói nhỏ nhắn nằm kề bên biển. Bãi biển dài cát trắng và nước xanh biêng biếc tuyệt đẹp. Một dãy thuyền nằm ngơi nghỉ đợi buổi ra khơi mới. Khung cảnh thanh bình nên thơ mà gần gũi.

Nhiều ngôi nhà cũ ở đây được phục chế và cải tạo lại bên trong thành những khu homestay sạch đẹp, giữ nguyên nét chất phác của một ngôi nhà truyền thống nhưng lại tiện nghi và xinh xắn cho các gia đình đến nghỉ ngơi, du lịch. Nhiều bạn nhỏ được gia đình cho đến nghỉ và tham gia các sinh hoạt nhóm, sinh hoạt cộng đồng trong thời gian 1,2 tuần.

Những hình thức du lịch gần gũi với văn hóa cộng đồng, giữ được bản chất chân chất của cộng đồng địa phương, với mức chi phí rẻ sẽ thu hút được nhiều không chỉ du khách trong nước mà còn khách quốc tế, kể cả cộng đồng những công dân số (digital nomad) ưu thích dịch chuyển, vừa làm việc vừa khám phá những nền văn hóa mới.

Sức mạnh của Việt Nam bây giờ không phải ở công nghệ mới mà là sức mạnh mềm, là văn hóa bản địa giàu tính nguyên sơ, văn hóa làng quê thân thiện và ấm áp tình người.

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn. *

SAMSUNG PHÁT MINH BÌNH ĐIỆN THỂ RẮN

Năm năm trước, lúc pin thể rắn mới được nhắc tới như là “Chén Thánh” của cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì người người bày tỏ sự nghi ngờ

Nhưng chỉ trong năm nay, lần lượt nhiều phòng lab và công ty lần lượt công bố nghiên cứu phát triển thành công, từ trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng John A Paulson thuộc Đại học Havard đến phòng lab Lưu trữ và chuyển đổi năng lượng của Đại học Chicago, rồi công ty TDK và Toyota của Nhật đến dự án pin thể rắn của nhà nước Trung Quốc, và gần đây nhất là Samsung Hàn Quốc với mốc ứng dụng thương mại chỉ trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa.

Chưa bao giờ mà hứa hẹn chuyển đổi năng lượng toàn cầu lại gần như thế.

Đầu tiên là những trạm lưu trữ điện năng bằng pin thể rắn sẽ thay thế vai trò “bù tải” của các nhà máy điện than và điện khí trong mạng lưới năng lượng toàn quốc, cho phép tăng tối đa tỷ lệ năng lượng sạch từ điện mặt trời và điện gió.

Và dĩ nhiên, kế tiếp là ứng dụng vào xe hơi điện và các thiết bị dân dụng khác như máy tính laptop, điện thoại di động, đồng hồ thông minh…

Chỉ có điều, với các quan chức bộ ngành hay các doanh nghiệp Việt Nam, thì tôi tin chắc rằng họ đang bị choáng bởi FOMO — fear of mission out, hay ít nhất tôi hy vọng như thế.

Vinfast bước chân vào sản xuất xe điện với chiến thuật mua công nghệ có sẵn có vẻ như đã không hề đầu tư vào các dự án nghiên cứu phát triển. Và không có một bộ ngành nào của Việt Nam nghĩ đến việc đổi quyền tiếp cận khoáng sản chiến lược lấy một phần hùn trong các dự án của các công ty hay phòng lab có khả năng thành công.

Khả năng cao là đất nước chúng ta lại đang đứng ngoài một cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu nữa, và chỉ may ra được tham gia vào công cuộc ấy ở khâu ít giá trị nhất, ấy là sản xuất gia công.

Và đấy là điều rất đáng tiếc.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

BẢO VỆ BỜ BIỂN PHỤC VỤ CHUNG CHO DU LỊCH

30 năm trước, Bình Thuận đã trở thành thủ phủ resort của cả nước. Rồi đến khi tin sẽ có sân bay Bình Thuận, thành phố Phan Thiết mở rộng thêm 94km2, thủ phủ resort không phải là nơi của người làm du lịch nữa mà trở thành thủ phủ của những nhà kinh doanh địa ốc, bất động sản.

Thông thường, diện tích xây dựng của một resort sẽ khoảng 30%, 70% dành cho không gian xanh và tiện ích công cộng dành cho khách ở resort. Giờ đây, nếu bạn định đi nghỉ dưỡng ở Mũi Né – Phan Thiết, có thể bạn sẽ bước từ không gian chung cư, nhà phố chật chội ở TP.HCM hay Hà Nội để bước vào chung cư thấp tầng đến cao tầng ở phố biển. Ở đó bạn chỉ ngủ, rồi đi bộ khá xa để ra biển hoặc nếu tắm hồ ở “chung cư”, bạn phải trả thêm tiền hồ bơi. Bạn cũng sẽ được nếm mùi kẹt xe, nước ngập, rác thải tràn lan ở các thành phố biển như Phan Thiết hoặc các nơi nghỉ mát khắp Việt Nam. 

Thêm nữa, các resort có bãi biển thì cũng đang chiếm dụng không gian chung của cộng đồng dân cư. Người dân địa phương bị rào chặn, khá khó khăn chật hẹp để ra biển. Bãi biển đẹp cũng đã bị các resort xí chỗ. Trước đó, người dân cũng đã ngậm ngùi chấp nhận bồi thường, nhường đất cho các resort.

Đó không chỉ là chuyện chỉ riêng của Bình Thuận, mà là vấn nạn đang phổ biến khắp nơi, ở Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long – Cát Bà...

Ông Ngô Đình Dũng

Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.

VỀ VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DOANH NGHIỆP

Tôi có vài kinh nghiệm về việc triển khai áp dụng phần mềm/ cái mới ở DN Việt nam. Thực ra kỹ thuật/ công nghệ mới bao giờ cũng cần đòi hỏi 2 yếu tố sẵn sàng để có thể áp dụng thành công là: 

1/ Sự sẵn sàng về nền tảng hoạt động, quy trình, dữ liệu. Ví dụ muốn số hóa hoạt động kinh doanh thì tổ chức phải đang hoạt động theo quy trình rõ ràng và được document rõ ràng. Điều này nếu mời chuyên gia bên ngoài tới thì họ có thể nhanh chóng hiểu được quy trình hoạt động của mình. Dữ liệu sẵn có sẽ giúp giai đoạn thử nghiệm ban đầu của dự án đổi mới có data để chạy thử mô hình và điều chỉnh. Đây là yếu tố ít có sẵn sàng nhất ở các DN việt nam mình (SMEs)
2/ Sự sẵn sàng của con người để cập nhật/ thay đổi với các công cụ, quy trình mới nếu có. Người nhân viên thường ít muốn thay đổi cách làm của mình vì nhiều lí do: quen/ ngại thay đổi; hoặc họ chẳng thấy có lợi ích gì cho cá nhân họ khi áp dụng cái mới (chuyện này cả ở Mỹ cũng có xảy ra); hoặc vì lợi ích cá nhân, họ không muốn áp dụng cái mới vì ảnh hưởng đến công việc, sự thoải mái bản thân (Khi áp dụng software DMS vào nhiều đội sales công ty không muốn làm).

Vì vậy, khi công ty muốn đổi mới thành công, thường đội ngũ lãnh đạo cấp cao phải là người đi đầu, theo sát các dự án thì khả năng thành công mới cao được.

Ông Đồng Phước Vinh

31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.

TỪ VIỆC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ SẬP NGUỒN NGHĨ VỀ “CÁN BỘ IT”

Với cơ chế hiện nay, chuyên viên công nghệ thông tin (IT) loại khá thôi, chưa nói đến loại giỏi rất khó làm việc trong các đơn vị nhà nước. Nguyên nhân chính là chế độ đãi ngộ, lương bổng, cách quản lý, cách ứng xử.

Ngoài lương bổng, thu nhập, dân IT còn cần có chính sách quản lý thoáng, không quá nặng về hành chánh kiểu chấm công. Điều này thường khó được chấp nhận trong cơ quan nhà nước khi các cấp quản lý trực tiếp hay gián tiếp vẫn thích dân IT phải “đi thưa, về trình”.

Trở lại vấn đề hải quan điện tử, hệ thống sập nguồn do đã được đầu tư lâu chỉ là một phần nhỏ lý do. Lý do lớn hơn nằm ở hai chỗ:

Tối ưu hoá cơ sở dữ liệu (database) và Thiết kế hệ thống dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố. 
1/ Tối ưu hóa cơ sở dữ liệu: Thiết kế, quản lý cơ sở dữ liệu là công việc đòi hỏi chuyên môn rất cao và tất nhiên người làm được việc này tốt thì lương cũng phải rất cao mà đây là điều khó có được trong các đơn vị nhà nước. Hệ thống nào được thiết kế và bảo trì (maintenance) cơ sở dữ liệu tốt, hệ thống đó sẽ chạy ổn định, không bị chậm, bị đơ. Với các hệ thống như hải quan điện tử thì việc quản lý, tối ưu hoá cơ sở dữ liệu là việc phải chú trọng và thường xuyên cải tiến, nâng cấp trong bối cảnh hệ thống đã đưa vào hoạt động hàng chục năm.
2/ Tuy nhiên, một cơ sở dữ liệu dù được thiết kế tốt đến đâu thì hệ thống cũng vẫn có thể bị “sập nguồn”. Chính vì vậy, chính sách và kịch bản khôi phục từ thảm hoạ (disaster recovery) luôn phải được ưu tiên đặt ra cho các hệ thống IT quan trọng. Vụ sập hải quan điện tử cho thấy, tính năng hệ thống vẫn chưa đáp ứng đầy đủ sau khi chạy lại, điều này có thể là do thiếu một hệ thống dự phòng tốt và hiệu quả để khôi phục.