BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (07/10 - 13/10/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (07/10 - 13/10/2024)

13/10/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, do lịch trình bận rộn nên tôi chỉ có 2 bài viết: một về những con người đang say mê và chú tâm với công việc của mình bất kể tuổi tác thế hệ và hai là về một nỗi lo khi thị trường Thương mại điện tử chuẩn bị đón thêm một tay chơi lớn đang làm mưa làm gió tại Mĩ và Châu Âu.

VỀ NỖI ÁM ẢNH VÀ LO ÂU, TỪ TEMU

Chiều 12/10/2024, tại Đại học Fulbright VN đã diễn ra cuộc thảo luận về Tương quan giữa “Hành vi người tiêu dùng” với kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là cuộc thảo luận giữa các cựu học viên thạc sĩ của Fulbright nên các ý kiến sôi nổi bám sát thực tế kinh doanh, như cuộc trò chuyện về thực hành kinh doanh giữa các doanh nghiệp.... Đọc thêm

TÌNH BẠN 3 THẾ HỆ

Sáng nay dậy sớm, tôi đọc thấy một lời bình của "người quen" về một bức ảnh mà người quen ấy mới chọn làm avatar: "Tình bạn giữa 2 thế hệ". Cô bạn ấy có biết bao điều làm tôi nhớ và xúc động từ một chuyện xưa của cuộc sống riêng đến sự đồng cảm và quí phục hiện nay ở tấm lòng yêu con người và đam mê "sự nghiệp" phụng sự đến vô cùng vô tận... Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TEMU CỦA TRUNG QUỐC SẮP RA MẮT TẠI VIỆT NAM?
Temu - đế chế TMĐT tỷ USD mới vào Việt Nam là một Startup mới 2 năm tuổi làm khuynh đảo nước Mỹ, khiến Amazon lao đao

Temu, sàn thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc, đang chuẩn bị ra mắt tại Việt Nam và Brunei, sau khi đã mở rộng tại các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Malaysia. Temu hiện có mặt ở 5 quốc gia Đông Nam Á và nhiều thị trường quốc tế khác. Tại Việt Nam, trang web và ứng dụng Temu đang thực hiện các chương trình khuyến mãi lên đến 90% để thu hút khách hàng, nhưng chỉ hỗ trợ tiếng Anh và chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Các đơn vị logistics liên kết với Temu gồm Ninja Van và Best Express để vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.

Thông tin bên lề còn cho thấy Temu đang đàm phán để mua lại một sàn thương mại điện tử hoạt động kém hiệu quả tại Việt Nam.

Thương mại điện tử tại Việt Nam hiện bị chi phối bởi các sàn nước ngoài, với Shopee chiếm 71,4% thị phần, TikTok Shop chiếm 22%, trong khi Lazada và Tiki lần lượt chiếm 5,9% và 0,7%. Sàn Sendo không có mặt trong bảng xếp hạng do thị phần quá nhỏ.

Theo website Temu tại Việt Nam, thời gian vận chuyển hàng hóa sẽ tốn 4-7 ngày, nhanh hơn nhiều so với 5-20 ngày đến Malaysia và Philippines (vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện qua đường bộ).

Các chuyên gia từ Momentum Works dự báo Temu sẽ bổ sung các tùy chọn ngôn ngữ, thanh toán và logistics nếu ứng dụng này dành nhiều sự đầu tư vào thị trường Việt Nam.

DOANH NGHIỆP VIỆT NÀO HƯỞNG LỢI KHI TRUNG QUỐC THÊM GÓI KÍCH CẦU KINH TẾ?

Thông tin về các mặt hàng nhập khẩu chủ đạo của Trungh Quốc (Nguồn: VnExpress)

Trung Quốc vừa công bố gói kích cầu kinh tế lớn nhất từ sau đại dịch COVID-19, với hàng loạt chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay và chi phí vay mua nhà. Điều này được dự báo sẽ giúp nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam, như thủy sản, cao su và thép, hưởng lợi.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 38 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024.

Ngành nào sẽ hưởng lợi? Ngành thủy sản và cao su được hưởng lợi nhiều nhất. Các sản phẩm cá tra, tôm và cao su Việt Nam đang có mức tăng trưởng xuất khẩu tích cực nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc.

Đối với ngành thép, mặc dù giá thép giảm mạnh trong nửa đầu năm do nhu cầu thấp từ bất động sản Trung Quốc, các chính sách hỗ trợ bất động sản và tín dụng có thể làm tăng tiêu thụ thép tại Trung Quốc, giảm bớt áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thép Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt có thể nhập khẩu nguyên liệu với chi phí thấp hơn từ Trung Quốc khi nền kinh tế nước này phục hồi. Điều này sẽ giúp các ngành như dệt may và da giày giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

'CUỘC ĐUA' CHUỖI PHARMACY CHƯA NGÃ NGŨ
Thị trường chuỗi nhà thuốc Việt Nam gần đây chứng kiến cuộc đua cạnh tranh giữa Long Châu, Pharmacity, và An Khang (Nguồn: CafeF)

Thị trường chuỗi nhà thuốc Việt Nam gần đây chứng kiến cuộc đua cạnh tranh giữa Long Châu, Pharmacity, và An Khang. Trong khi Long Châu đã bứt phá với gần 2.000 cửa hàng trên cả nước, Pharmacity và An Khang đang phải thu hẹp hoạt động để tái cấu trúc chuỗi.

Long Châu, thuộc FPT Retail, dẫn đầu thị trường với doanh thu trung bình 1,6 tỷ đồng mỗi tháng tại mỗi cửa hàng, và đã mở hơn 600 cửa hàng mới trong năm qua. Ngược lại, An Khang, dưới sự hậu thuẫn của Thế Giới Di Động, đã phải đóng cửa hơn 200 nhà thuốc kể từ đầu năm, còn lại 326 điểm bán. Dự kiến, số lượng cửa hàng của An Khang sẽ giảm xuống còn 300 vào cuối năm nay, với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng/tháng.

Pharmacity, từng dẫn đầu cuộc đua mở rộng với hơn 1.100 nhà thuốc vào tháng 9/2022, nay đã giảm xuống còn 909 điểm bán. Chuỗi này đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung và giữ giá cả cạnh tranh. Pharmacity tập trung vào mô hình nhà thuốc tiện lợi, bán thêm mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, nhưng gặp vấn đề về thiếu nguồn thuốc kê đơn.

Các chuyên gia cho rằng vấn đề của Pharmacity và An Khang nằm ở chiến lược giá cả kém cạnh tranh và thiếu nguồn cung thuốc.

CÁI CHẾT CỦA LÀNG LIVESTREAM Ở TRUNG QUỐC
Biển quảng cáo các khóa livestream bán hàng vẫn còn treo kín trên các bức tường ở làng Beixiazhu, nhưng thương nhân đã rời đi.

Beixiazhu, ngôi làng nổi tiếng tại Nghĩa Ô (Chiết Giang, Trung Quốc) từng là "làng đại gia" nhờ livestream bán hàng, nay đang biến thành "thị trấn ma" do cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá cả. Bắt đầu từ năm 2019, livestream bùng nổ trên các nền tảng như Kuaishou và Douyin, giúp nhiều người làm giàu nhanh chóng. Tuy nhiên, áp lực giảm giá không ngừng đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, buộc phải đóng cửa.

Khái niệm "juan", mô tả cuộc cạnh tranh suy thoái khi các thương nhân liên tục giảm giá để vượt đối thủ, đã trở thành phổ biến. Dù Nghĩa Ô, trung tâm bán buôn lớn nhất thế giới, vẫn sôi động, nhưng nhiều thương nhân nhỏ tại đây đang gặp khó khăn khi lợi nhuận ngày càng giảm, sức mua yếu và chi phí sản xuất tăng cao.

Chính phủ Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề này và cố gắng điều chỉnh chính sách kinh tế để tránh sự cạnh tranh thoái hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại Beixiazhu đã rời đi hoặc chuẩn bị rời bỏ ngôi làng. Điều này cho thấy sự suy tàn của ngành thương mại điện tử, vốn từng phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc sau đại dịch.

AI, CÔNG NGHỆ 3D ĐANG ĐỊNH HÌNH LẠI NGÀNH DỆT MAY, THỜI TRANG

AI đang tạo nên cuộc cách mạng trong ngành dệt may, thời trang (Nguồn: ISTOCKPHOTO)

Công nghệ 3D và trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại ngành thời trang và dệt may toàn cầu nhờ khả năng tối ưu quy trình sản xuất và dự đoán nhu cầu.

Tại Trung Quốc, thương hiệu Eifini đã áp dụng AI vào mọi khâu từ sản xuất đến bán lẻ, giúp doanh thu tăng trưởng 20-30% mỗi năm. Nhờ vào việc sử dụng AI để theo dõi hành vi khách hàng tại các cửa hàng thử nghiệm, Eifini có thể xác định sản phẩm tiềm năng và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm hàng tồn kho xuống chỉ còn 2%.

Tại Việt Nam, ngành dệt may cũng đang nỗ lực ứng dụng công nghệ 3D và AI để cải thiện hiệu quả sản xuất. Ông Võ Thành Phước từ Faslink cho biết, công nghệ 3D đã giúp giảm 50% số lần sản xuất hàng mẫu, tiết kiệm chi phí và thời gian. AI cũng được sử dụng để dự đoán xu hướng thời trang và hỗ trợ sáng tạo thiết kế. Ngoài ra, robot hóa được áp dụng trong nhiều công đoạn sản xuất như vận chuyển và kéo sợi, giúp tăng tính ổn định và hiệu quả. Công nghệ hiện đại giúp ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.

VIỆT NAM SẼ ÁP DỤNG HỆ THỐNG TÍNH TOÁN VÀ BÁO CÁO KHÍ PHÁT THẢI CỦA NHẬT BẢN

Các nhà lãnh đạo ASEAN, Nhật Bản và Úc tại cuộc họp thượng đỉnh AZEC đầu tiên tại Tokyo tháng 12-2023. Ảnh: VGP

Việt Nam, nhiều nước ASEAN và Úc sẽ áp dụng hệ thống tính toán và báo cáo phát thải khí nhà kính của Nhật Bản nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào từ ngày 8 đến 11-10. Thỏa thuận áp dụng tiêu chuẩn này sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Cộng đồng châu Á không phát thải (AZEC) sẽ họp bên lề hội nghị thượng đỉnh Vientiane.

Nikkei Asia nói sự quen thuộc của các doanh nghiệp Nhật Bản với hệ thống quy chuẩn này sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại châu Á.

Việt Nam là đối tác đầu tiên mà Nhật Bản hỗ trợ trong sáng kiến AZEC nhân hội nghị thượng đỉnh AZEC. Theo khuôn khổ này, tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và đối tác chiến lược là tập đoàn BRG của Việt Nam sẽ hợp tác phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội và Khu công nghiệp Thăng Long trở thành khu đô thị trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới.

EU TĂNG TẦN SUẤT KIỂM TRA VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM
Thanh long xuất khẩu sang EU vẫn trong diện kiểm soát tần xuất 30%. (Ảnh: Dân trí)

Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường cảnh báo về kiểm dịch động, thực vật, khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu như thanh long, ớt, đậu bắp, sầu riêng phải chịu kiểm tra biên giới nghiêm ngặt hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận 57 cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm từ EU, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện việc giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn chưa đạt yêu cầu, ví dụ sầu riêng chỉ đạt 52% ở vùng trồng và 47% ở cơ sở đóng gói. Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản Việt có nguy cơ bị EU cấm nhập.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết dù xuất khẩu đạt kỷ lục, nhưng đây là hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm. EU là thị trường tiêu thụ lớn, nhưng sản phẩm Việt Nam vẫn chiếm thị phần khiêm tốn, và nhiều mặt hàng thiếu tính đồng nhất, dễ vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

MỘT TIN VUI NHỎ: HỒNG ĐÀ LẠT LẤN ÁT HÀNG TRUNG QUỐC

Biểu đồ theo dõi sản lượng hồng về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Nguồn: VnExpress)

Những năm trước, hồng Đà Lạt thường "lép vế" trước hàng Trung Quốc do thua kém mẫu mã, nhưng nay được ưa chuộng hơn nhờ đa dạng chủng loại, chất lượng cải thiện.

Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12, hồng Đà Lạt vào vụ thu hoạch rộ, trùng với thời điểm hàng Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam.

Khảo sát tại các chợ truyền thống và cửa hàng TP HCM cho thấy, hồng Đà Lạt đang được bày bán trên khắp các kệ với nhiều loại như hồng trứng, vuông, giòn quế hương và hồng Fuji giống Nhật. Giá bán dao động 40.000 đồng đến 120.000 đồng một kg, tăng khoảng 3-5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài cải thiện mẫu mã, giới buôn còn cho rằng hồng Đà Lạt được dán tem nhãn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn.

Báo cáo từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho thấy từ ngày 1/8 đến 30/9, lượng hồng Đà Lạt về chợ đạt 880 tấn, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, hàng Trung Quốc chỉ đạt 2.316 tấn, giảm gần 60%. Hiện giá sỉ của hồng Việt là 25.000-30.000 đồng một kg, chỉ nhỉnh hơn một ít so với hàng Trung Quốc (23.000-26.000 đồng một kg), nhưng lại tươi ngon hơn.

BẢNG XẾP HẠNG 10 KỲ LÂN KHỞI NGHIỆP CÓ GIÁ TRỊ NHẤT NĂM 2024

Tổng giá trị của các kỳ lân trên thế giới đã vượt qua mức 3,8 nghìn tỷ USD, con số này thậm chí cao hơn cả GDP của Ấn Độ.

“Kỳ lân” là thuật ngữ dùng để chỉ một công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD. Thuật ngữ này được ông Aileen Lee, người sáng lập quỹ Cowboy Ventures, đặt ra vào năm 2013. Một số kỳ lân nổi tiếng trước đây có thể kể đến như Airbnb, Uber, Robinhood và Instacart.

Dưới đây là bảng xếp hạng Top 10 kỳ lân có giá trị nhất trên thế giới tính đến tháng 9 năm 2024, theo Carbon Finance, CB Insights và Bloomberg.

6 trong số 10 kỳ lân có giá trị nhất đều có trụ sở tại Mỹ

OPENAI MUỐN 'ĐỘC QUYỀN' PHÁT TRIỂN VỀ AI, YÊU CẦU NHÀ ĐẦU TƯ KHÔNG ỦNG HỘ CHO ĐỐI THỦ KHÁC

CEO OpenAI (trái) tại buổi huy động vốn trước các nhà đầu tư. (Nguồn: Vneconomy)

OpenAI đã yêu cầu các nhà đầu tư tránh hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đối thủ như Anthropic và xAI của tỷ phú Elon Musk. Gần đây, OpenAI thông báo kêu gọi được 6,6 tỷ USD tiền tài trợ mới và tìm cách ngăn chặn những đối thủ cạnh tranh với vị trí dẫn đầu của mình trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Động thái của nhà sản xuất ChatGPT có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng hiện có với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là tỷ phú Elon Musk, người đang kiện OpenAI vì độc quyền. Elon Musk cũng là người đồng sáng lập và là người tài trợ rất nhiều cho OpenAI vào năm 2015, tuy nhiên chỉ ba năm sau đó, ông đã từ chức.

Tuy nhiên, OpenAI không phải công ty đầu tiên có ý định “độc quyền” đầu tư, trước đó, ứng dụng gọi xe Uber cũng có chính sách tương tự khi họ đang ở thời kỳ đỉnh cao.

DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU QUAN NGẠI QUY TRÌNH THUẾ VÀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TẠI VIỆT NAM

67% doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định. (Ảnh: Stockbiz.vn)

Trong báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý III/2024, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết 67% doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.

Tương tự các quý trước, khảo sát cho thấy ba trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.

Theo thống kê từ khảo sát, 66% doanh nghiệp hiện đang sử dụng từ 1% đến 9% nhân viên là người nước ngoài, trong khi 6% doanh nghiệp có trên 20% nhân sự là người nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp thể hiện mong muốn khai thác tối đa tiềm năng từ nguồn lao động trong nước và quốc tế, họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam, bao gồm: thiếu hụt các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, tỷ lệ nghỉ việc cao, và hạn chế trong việc cung cấp nguồn lực đào tạo.

Có tới 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã trải qua những trải nghiệm không tích cực với hệ thống visa tại Việt Nam, khiến nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại trong việc gia nhập thị trường lao động Việt Nam.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng ghi nhận những khó khăn liên quan đến các quy trình thuế và việc tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy”, báo cáo EuroCham nhấn mạnh.

LỖ NGÀY CÀNG NẶNG, THỢ MÁY ĐÌNH CÔNG, BOEING SA THẢI 10% NHÂN VIÊN

Công nhân nhà máy Boeing ở thành phố Renton, bang Washington (Mỹ) đình công hôm 13-9 - Ảnh: REUTERS

ARLINGTON, Virginia (NV) – Boeing loan báo sẽ sa thải 10% nhân viên, tương đương 17,000 người, giữa lúc hãng này lỗ ngày càng nặng trong bối cảnh thợ máy đình công khiến nhà máy ngưng hoạt động mấy tuần nay. Boeing cũng sẽ hoãn tung ra kiểu phi cơ thân rộng mới của họ, theo CNBC và AP hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười.

Trong số nhân viên sẽ bị sa thải, có cả cấp giám đốc và quản lý, ông Kelly Ortberg, tân tổng giám đốc Boeing, cho hay trong email gửi nhân viên chiều Thứ Sáu.

Boeing có khoảng 170,000 nhân viên khắp thế giới, nhiều người làm việc tại nhà máy sản xuất ở tiểu bang Washington và South Carolina.

Boeing sẽ hoãn giao phi cơ 777X thân rộng tới năm 2026, trễ khoảng sáu năm so với kế hoạch, và sẽ ngưng sản xuất phi cơ chở hàng thương mại 767 vào năm 2027 sau khi hoàn tất những đơn hàng hiện tại, theo ông Ortberg.

Theo dự trù, Boeing sẽ công bố lỗ $9.97 một cổ phần trong quý 3, hãng này bất ngờ ra thông cáo báo chí cho biết hôm Thứ Sáu. Boeing dự trù lỗ $3 tỷ trong lĩnh vực sản xuất phi cơ thương mại và $2 tỷ trong lĩnh vực sản xuất thiết bị quốc phòng. Hãng này cho biết đã tiêu hết $1.3 tỷ trong quý 3.

Từ đầu năm 2019 tới nay, Boeing lỗ hơn $25 tỷ.

Khoảng 33,000 thợ máy Boeing đình công từ hôm 14 Tháng Chín tới nay. Trong tuần này, sau hai ngày thương lượng, hai bên không đạt được thỏa thuận nào, và Boeing nộp đơn kiện Hiệp Hội Thợ Máy và Công Nhân Hàng Không Vũ Trụ Quốc Tế.   

NGƯỜI LAO ĐỘNG HOA KỲ: GEN Z BỎ XỨ RA ĐI VÌ LƯƠNG THẤP, CHI PHÍ CAO (SAIGONHONEWS.COM)

Chỉ có 13% người lao động thuộc Gen Z tin rằng họ được trả lương công bằng. (Ảnh: Unsplash)

Một cuộc khảo sát mới phát hiện ra 87% người lao động thuộc Gen Z cảm thấy họ bị trả lương thấp, ngay cả những người có mức lương trăm ngàn đô la.

Cuộc khảo sát do ResumeTemplates.com thực hiện vào Tháng Chín năm 2024 thu thập ý kiến từ 1,750 nhân viên toàn thời gian trong độ tuổi từ 17 đến 27, đưa họ vào nhóm tuổi Gen Z.

Theo báo cáo, chỉ có 13% người lao động thuộc Gen Z tin rằng họ được trả lương công bằng. Trong số những người cảm thấy bị trả lương thấp, gần một phần ba cho rằng họ phải kiếm được từ $70,000 đến $100,000 mỗi năm và 20% cảm thấy mức lương của họ phải được hơn $100,000.

Tuy nhiên, phần lớn người trả lời báo cáo rằng họ kiếm được dưới $60,000, với 33% kiếm được dưới $30,000 và 46% kiếm được từ $30,000 đến $60,000, trong khi 6% kiếm được hơn $100,000.

Quan trọng hơn, hầu hết những người lao động thuộc Gen Z đi làm chưa đầy 4 năm, với 7% người trả lời báo cáo rằng họ làm việc toàn thời gian chưa đầy 1 năm. 

Căng thẳng về tài chính là một chủ đề phổ biến, với 40% người trả lời thừa nhận rằng họ phải vật lộn để trang trải cuộc sống với mức lương hiện tại. Trong nhóm này, 14% cho biết họ sẽ cần từ $80,000 đến $100,000 để sống dư dả, trong khi 19% ước tính rằng họ sẽ cần hơn $100,000.

Mối quan tâm về kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều người Mỹ, đặc biệt là khi bước vào cuộc bầu cử năm nay. Một cuộc thăm dò của YouGov/Economist được tiến hành từ ngày 17 đến ngày 20 Tháng Tám trong số 1,565 công dân trưởng thành của Hoa Kỳ cho thấy lạm phát và giá cả thuộc những vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri ở mức 26%, tiếp theo, việc làm và nền kinh tế ở mức 12%. Mặc dù lạm phát giảm bớt, giá thực phẩm vẫn cao hơn 21% so với 3 năm trước.

Báo cáo Expat năm nay nhận thấy Gen Z đang rời Hoa Kỳ do chi phí sinh hoạt tăng cao. Đầu Tháng Chín, báo cáo phát hiện ra rằng 45% người thuộc Gen Z rời khỏi đất nước vì họ muốn chi phí sinh hoạt thấp hơn.

Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra rằng một số người thuộc Gen Z nhận ra rằng những khó khăn về tài chính của họ có khả năng được giảm bớt bằng cách điều chỉnh thói quen chi tiêu. Khoảng 33% số người thuộc Gen Z nghĩ họ có thể tìm được nơi ở rẻ hơn, trong khi 20% số người trẻ thì đang chi hơn $500/tháng cho các mặt hàng không thiết yếu.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 4 chuyên gia tham gia bình luận. Riêng anh Phạm Trọng Chinh có 2 lời bình về 2 trường hợp khác nhau. Ý kiến của chuyên gia Hồ Nguyên Thảo là về hoạt động của Temu tại Việt Nam được chuyển vào bài chung về TEMU tôi đã đưa ở phần trên của bản tin này.

Mời bạn đọc các lời bình.

Ông Phạm Trọng Chinh

Trưởng nhóm chuyên gia thị trường của Hội HVNCLC và BSA, với chuyên môn là Quản trị Hệ thống phân phối, Quản lý bán hàng và Trade Marketing.

VỀ CÁI CHẾT CỦA NGÔI LÀNG LIVESTREAM CỦA TRUNG QUỐC
Dạo gần đây đúng là người ta nói nhiều về chuyện hơi giảm nhiệt của cơn sóng thương mại điện tử thông qua livestream, dẫn đến hiểu nhầm là thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc đang u ám, khủng hoảng.

Điều này không đúng, cụ thể là thông qua số liệu nửa năm đầu 2024, sản lượng hàng hoá TMĐT của Trung Quốc vẫn tăng trưởng 10%, con số rất ấn tượng về mặt sản lượng, chứng tỏ dù kinh tế Trung Quốc vẫn xám, hàng hóa dự thừa tràn lan và sức mua lại sút giảm rõ rệt nhưng nhìn chung sự tăng trưởng sản lượng 2 con số là rất ấn tượng. Nhắc lại là sản lượng thì được 10%, còn giá trị thì chỉ có 1%, rất thấp. Vì hiện nay tại Trung Quốc diễn ra cuộc cạnh tranh về giá vô cùng khủng khiếp để tồn tại. Các nhà sản xuất Trung Quốc đồng loạt bỏ tiền giảm giá với mục đích chấp nhận hi sinh lợi nhuận để bảo vệ năng lực sản xuất. Nói khác đi là chấp nhận không lời để tồn tại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ với sức ép của các nền tảng thương mại điện tử đã phải hạ giá đến mức thấp nhất họ có thể chịu đựng được, ai không chịu đựng nổi thì rời khỏi thị trường.

Sau 4 năm phát triển nóng từ 2018, 2019 khi thị trường bùng nổ, có thể nói 2023, 2024 là cuộc thanh lọc vô cùng khắc nghiệt của thị trường thương mại điện tử trung quốc. Trong đó mảng livestream bán hàng là bị nặng nhất.

Vì sao? Với mô hình livestream, đặc biệt với các sản phẩm thông dụng, thì nếu không có khuyến mãi sâu thì không thể bán được. Người Trung Quốc mua hàng thông qua livestream đã quen với khuyến mãi, đến khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không thể mãi bơm tiền cho kênh này thì ngay lập tức thị trường dịch vụ livestream bị ảnh hưởng. Đó là lí do dẫn đến cái chết của những ngôi làng livestream như ở trên.

Và như vậy, không có nghĩa là hình thức livestream bán hàng bị chết.
VỀ CUỘC ĐUA MỞ NHÀ THUỐC TÂY Ở VIỆT NAM
Số lượng store, thì “người trong ngành” (bán lẻ) chúng tôi thường nói với nhau là “Long Châu có model xịn rồi, mở đến đâu thì sẽ thắng đến đó (tất cả thì hơi quá nhưng mà đa số), cho nên không ngạc nhiên nếu 1 – 2 năm tới chuỗi này sẽ tiến đến con số 3,000. Một chuyên gia am hiểu mảng kinh doanh này từng nói với tôi: với những gì Long Châu đã và đang làm được thì khi mở store mới, họ chỉ cần nhìn đến tiềm năng tiêu thụ khu vực đó chứ chẳng cần quan tâm đến đối thủ hiện có là ai. Vì mở ngay một store bên cạnh một nhà thuốc khác có mặt lâu này rồi thì Long Châu vẫn thắng.  Trên cả nước có khoảng 50,000 nhà thuốc, nếu so với con số 2,000 store Long Châu hiện có thì vẫn còn… khiêm tốn. Chắc chắn họ sẽ tiếp tục mở rộng, song song với đảm bảo hoạt động tại store hiện có để nhanh chóng đạt được điểm hoà vốn. Nếu nhìn vào lượng khách (traffic) hiện có thì có thể khẳng định Long Châu vượt trội các đối thủ về thời gian đạt điểm hoà vốn. Sẽ không ngạc nhiên khi Long Châu vừa có thể mở rộng điểm bán nhanh vừa thu ngắn được thời gian hoà vốn. Hai mục tiêu cực khó nếu muốn làm song song.

Về chất lượng hoạt động của hệ sinh thái các giải pháp khách hàng, Long Châu cũng vượt trội, khi sở hữu một cơ sở dữ liệu người dùng khổng lồ, độ chính xác cao, chi phí thu thập thấp. Cùng với đó là hệ sinh thái các giải pháp O2O khá xịn nhờ nền tảng công nghệ tốt của công ty mẹ, kết hợp với sự chịu khó tìm tòi các giải pháp marketing.

Bên cạnh cũng có ý kiến của chuyên gia Cao Minh Việt về phát triển số lượng Chuỗi nhà thuốc tây.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để tăng doanh thu cũng sẽ dẫn đến tìm cách bán hàng bằng mọi cách, mọi giá dù cho đó có thể là món hàng mà khách hàng thực sự chưa cần, không cần ở thời điểm hiện tại. Cuộc cạnh tranh của các chuỗi nhà thuốc để tăng doanh thu nếu không nhằm mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng thì khi đó người tiêu dùng sẽ chỉ là những con cừu được vỗ béo để cạo lông khi đến kỳ thu hoạch.

Ông Ngô Đình Dũng

Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.

EU TĂNG KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG HÀNG NHẬP TỪ VN
Người tiêu dùng Châu Âu đang tạo áp lực buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nhập khẩu vào thị trường EU phải Thực thi Trách nhiệm Xã hội (Responsible Business Conduct – RBC) mà trong đó, hàng hóa nông sản không chỉ phải đạt các tiêu chí về ATVSTP (dư lượng thuốc BVTV) mà nhà XK còn phải chứng minh được các nông sản này được canh tác bền vững với sự tuân thủ về lao động (không sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng chế), môi trường lao động an toàn, …. Khuynh hướng này sẽ dần dần trở thành những rào cản kỹ thuật mới cho nông sản từ các nước có nền nông nghiệp truyền thống như Việt nam, Phillippine, Indonesia, … . Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho Việt nam ta nếu như chính phủ và các tổ chức thu mua, chế biến nông sản cùng ngồi lại với nhau để thực thị một lộ trình thay đổi cụ thể và những nhà cung ứng nào chứng minh được sự minh bạch thông tin (dù là thông tin truy xuất nguồn gốc ở mức đơn giản nhất) trong chuỗi cung ứng của mình thì nhà cung cấp đó sẽ được ưu tiên cho xuất khẩu vào EU.

Ông Cao Minh Việt

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.

SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TEMU CỦA TRUNG QUỐC SẮP RA MẮT TẠI VIỆT NAM?
CỐT LÕI VẪN LÀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA. NHƯNG HIỆN NAY, TRUYỀN THÔNG CŨNG ĐANG DẪN DẮT…

Giá bán của các loại hàng hóa tiêu dùng được quyết định chủ yếu bởi chi phí nguyên liệu, chi phí sản xuất/chi phí nhân công, và chi phí bán hàng. Trong thời đại của bán hàng online, các nhãn hàng đều muốn triển khai bán hàng trên mọi nền tảng, đặc biệt trong vài năm vừa qua, với sự thúc đẩy của cách ly xã hội do Covid-19, các nền tảng livestream, bán hàng online được dịp nở rộ và đem lại nguồn doanh thu lớn cho các cửa hàng, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người, doanh nghiệp tham gia vào kênh online thì sự cạnh tranh cũng sẽ thúc đẩy quá trình thải loại các doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh về giá, có nguồn lực tài chính yếu, không đủ hỗ trợ cho quá trình giảm giá bán để thu hút khách hàng. ..

Từ góc độ của người mua hàng, ngày càng có nhiều chọn lựa hơn cả về giá và chất lượng, thương hiệu. Tuy nhiên, thông tin đến từ nhiều nguồn có thể gây nhiễu trong quá trình quyết định mua hàng, cũng như vòng đời của các sản phẩm tiêu dùng ngày càng ngắn hơn có thể sẽ tạo ra nhiều rác thải hơn. Cuối cùng, điều đem lại doanh thu lớn nhất cho các doanh nghiệp không phải là chất lượng của hàng hóa, hoặc công nghệ tạo ra món hàng đó mà lại là “công nghệ marketing”, tức là những công nghệ để quảng bá món hàng để tiếp cận đến nhiều khách hàng nhất có thể.

Chào các bạn,

Tuần qua tôi đã nhận được các câu hỏi và góp ý từ các bạn có email:

  • Sapaherbs@gmail.com
  • tranannam2008@gmail.com
  • tntthanhtruc@gmail.com
  • baisauvabaitruoc@gmail.com

Tôi rất vui vì các bạn đã quan tâm và đóng góp ý kiến cùng tôi. Trong tuần tới, tôi sẽ cố gắng phản hồi các câu hỏi qua mail riêng, đồng thời sắp xếp gửi quà cho các bạn.

Tôi mong thời gian tới sẽ có nhiều bạn tham gia chương trình vui này. Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.