GIẢI NOBEL KINH TẾ 2024 NÓI VỚI TA ĐIỀU GÌ?

GIẢI NOBEL KINH TẾ 2024 NÓI VỚI TA ĐIỀU GÌ?

Vào lúc 16g45p chiều 14/10 (giờ VN) giải Nobel Kinh Tế đã được công bố với 3 nhà kinh tế: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson đều đang giảng dạy tại các Đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Ba người nhập cư đến Mỹ đã giành được Giải Nobel kinh tế năm 2024, minh họa cho những đóng góp không ngừng của những người nhập cư vào Hoa Kỳ. (Ảnh: Getty Images)

Daron Acemoglu, Simon Johnson hiện đều làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Trong khi đó, James A. Robinson công tác tại Đại học Chicago (Mỹ). Cả ba đều là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về kinh tế học. Trong đó có "Quyền lực và Tiến bộ" (Power and Progress) và cuốn "Vì sao các quốc gia thất bại" (Why Nations Fail). Cuốn “Vì sao các quốc gia thất bại” đã xuất bản ở Việt Nam còn cuốn “Quyền lực và tiến bộ” mới phát hành tháng 5-2024, hiện chưa phát hành bản tiếng Việt tại Việt Nam.

Tôi xin giới thiệu nội dung 2 cuốn này, trong đó cuốn mới “Quyền lực và tiến bộ”, xin phép được trích lời giáo sư Nguyễn Quang A,

1/ Sách “TẠI SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI” (Why Nations Fail) được xuất bản năm 2012 tại Mỹ, đã tạo nên tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Tiêu đề phụ của cuốn sách là: “Nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng, và nghèo khó”. Đó là kết quả nghiên cứu trên 15 năm của hai nhà khoa học lớn về kinh tế: Daron Acemoglu và Jemes A. Robinson.

Sách được nhiều học giả, nhiều bạn đọc đánh giá rất cao. Nó cung cấp nhiều thông tin, nhiều phân tích và so sánh, làm phong phú nhận thức, làm cho suy nghĩ người đọc thêm sâu sắc và có những chuyển biến tích cực.

Sách “Tại sao các quốc gia thất bại” gồm Lời nói đầu và 15 chương. Tôi tiếp cận được 2 bản tiếng Việt. Đó là bản dịch của GS Nguyễn Quang A và của bà Nguyễn Thị Kim Chi. Sau 2 nguồn trên đã có khá nhiều bài viết và thuyết trình về vấn đề cuốn sách bàn đến. Như vậy ắt đã có nhiều bạn đọc nắm được nội dung cuốn này.

Ở đây, xin giới thiệu về cuốn thứ hai qua bài viết của GS Nguyễn Quang A.

2/Sách “QUYỀN LỰC VÀ TIẾN BỘ”

Hơn một năm qua, báo chí, mạng xã hội Việt Nam tràn ngập tin về AI (trí tuệ nhân tạo), nhất là về ChatGPT. Trong bối cảnh ấy, một cuốn sách rất thời sự và quan trọng là quyền lực và tiến bộ (Power and Progress).

Sách xuất bản vào tháng 5/2003, có tiêu đề phụ khá dài “Cuộc chiến đấu ngàn năm của chúng ta về Công nghệ và sự thịnh vượng”.

Sự phát triển công nghệ là một trong vài động lực chính của sự tiến bộ, sự cải thiện điều kiện sống của quảng đại quần chúng, của những người lao động hay sự thịnh vượng được chia sẻ. Sự phát triển công nghệ mang lại tiến bộ một cách tự động nhưng nó không tự động dẫn đến tiến bộ.

Muốn phát triển công nghệ dẫn đến tiến bộ cũng cần những điều kiện xã hội và thể chế phù hợp. Các tác giả kể câu chuyện rất lý thú về lịch sử phát triển công nghệ từ thời Trung cổ cho đến ngày nay, kể cả khi AI xuất hiện.

Tính dễ uốn của công nghệ là một khái niệm được các tác giả nhấn mạnh với ý rằng chiều của sự phát triển công nghệ có thể uốn theo những hướng khác nhau. Công nghệ có thể được hướng theo chiều TRAO QUYỀN cho con người, tạo ra sự thịnh vượng cho những người lao động hay chỉ cho một số ít người và có thể làm hại cho số đông.

Hướng phát triển công nghệ luôn là sự lựa chọn, không phải định mệnh.

Những gì ảnh hưởng đến hướng của sự phát triển công nghệ? Đó là tầm nhìn, sức thuyết phục, sức mạnh kinh tế, chính trị và xã hội hay nói ngắn gọn là quyền lực.

Cuộc đấu tranh quyền lực này đôi khi làm đổi hướng phát triển công nghệ theo hướng tạo ra sự thịnh vượng cho số đông mà cũng có khi lại cho số ít người trong xã hội. Cuốn sách kể chuyện đấu tranh ngàn năm về công nghệ và sự thịnh vượng một cách rất hấp dẫn và dễ hiểu Công nghệ càng đa năng (general purpose, tức là có thể áp dụng được vào nhiều lĩnh vực) như động cơ (hơi nước rồi động cơ đốt trong), điện, máy tính (số) và Generative AI (AI tạo sinh) (trong đó có các mô hình ngôn ngữ lớn mà ChatGPT của Open AI, Bard của Google là những ví dụ) thì hướng phát triển của công nghệ càng đa dạng và sự lựa chọn hướng công nghệ càng quan trọng đối với con người.

Sự phát triển công nghệ luôn đi cùng với tự động hóa, tức là dùng các công cụ công nghệ để thay thế công việc nào đó của con người. Các tác giả cho rằng, để đạt được “sự thịnh vượng được chia sẻ” thì nên tránh hướng công nghệ dẫn đến tự động hóa thái quá, chỉ nhằm để thay thế con người ngược với hướng là công nghệ tạo ra thêm nhiều công việc mới cho người lao động, bổ sung hay tăng cường năng lưc vả nâng cao năng suất cho họ.

Để làm thay đổi hướng công nghệ, các tác giả đưa ra một số gợi ý cho việc cân nhắc, thảo luận, tìm kiếm các phương pháp thích hợp: thay đổi câu chuyện kể, tăng cường sức mạnh đối trọng (sức mạnh để mặc cả của những người lao động, của các tổ chức công đoàn, xã hội dân sự …) các chính sách và quy định của Nhà nước, thuế dữ liệu, thuế quảng cáo số, các trợ cấp cho nghiên cứu, triển khai…

Cuộc đấu tranh để làm thay đổi hướng công nghệ cần sự tham gia của số đông và xã hội dân sự có vai trò quan trọng trong việc xây dựng sức mạnh đối trọng, thảo luận, xây dựng các định chế tạo thuận lợi cho sự đổi hướng công nghệ và quan trọng nhất trong việc tạo ra và kể một câu chuyện khác về công nghệ, tránh bị rơi vào cái bẫy tầm nhìn làm cho chúng ta mù quáng mà những kẻ hùng mạnh giăng ra; nói ngắn góc trong cuộc đấu tranh để trao quyền cho con người chứ không phải để hướng công nghệ theo hướng giám sát và thay thế con người.