BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (02/12 - 08/12/2024)
08/12/2024 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Mời bạn theo dõi các bài viết của tôi cũng như các bài gửi về từ các chuyên gia trong tuần qua:
CHUYỆN BLACK FRIDAY, NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG MỘT MÙA MUA SẮM ĐẦY THÁCH THỨC
Một người bạn tôi, sống cùng gia đình ở Mỹ nhiều năm, năm nào cũng hỏi thăm nhau dịp cuối năm, chủ yếu kể chuyện Black Friday thế nào vì ảnh vốn mê ngày này, vì nó không chỉ là một nét đặc biệt trong văn hóa tiêu dùng Mỹ mà với Việt Kiều là người lao động bình dân Việt Kiều thì đây luôn là một dịp mua sắm quan trọng trong năm... Đọc thêm
CHÚT NIỀM VUI CUỐI TUẦN
Khi biên tập và dựng tập video trò chuyện với nhạc sĩ Đức Trí, tập áp chót của mùa 2 “Kịch và nghệ”, sếp Maybe group nói với tôi: “Ngồi xem trực tiếp thì thấy mê, quá đã nhưng có hơi…hàn lâm, không biết người xem loạt video này nghĩ sao…”
Tôi lặng lẽ theo dõi. Ngày đầu, 10 ngàn view trong 20 giờ, tới ngày thứ hai, 19 ngàn…Quá bất ngờ... Đọc thêm
NHỮNG ĐỢT SÓNG ỒN ÀO NHẤT HÔM NAY
Chuyện ồn ào nhất ngày hôm nay là tin Nvidia mua lại Vinbrain của Vingroup. Hẳn phải cân nhắc lắm nhưng đây là lời tuyên bố chính thức của Jensen Huang, ông chủ của Nvidia, tại Hà Nội, nhân lễ công bố thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và tập đoàn này: HÔM NAY (5/12/2024) LÀ NGÀY KHAI SINH CỦA NVIDIA CỦA VIỆT NAM... Đọc thêm
HOÀI NAM MÀ KHÔNG NHỚ CẦN THƠ SAO ĐƯỢC?
Buổi chiều, tôi đến Ban Đối ngoại Trung ương Đảng để tìm anh. Hoài Nam hiện là Phó ban đối ngoại TW. Hoài Nam gặp tôi, vẫn sôi nổi thân tình như hồi thường gặp nhau ở Cần Thơ. Chúng tôi ngồi trong phòng tiếp khách thật trang trọng, phía trước, nhìn qua khung cửa sổ là lăng Bác Hồ.
Và anh say sưa kể chuyện... Đọc thêm
NỒI THỊT HEO KHO TÀU THỜI CẠNH TRANH CÔNG NGHỆ
Biết là gặp gỡ một nhân vật bản lĩnh, vừa là chủ tịch một công ty thực phẩm lớn, vừa là thầy giáo đại học, trưởng ngành thương mại điện tử của một đại học chuyên công nghệ, tôi chuẩn bị những câu hỏi khó trong đầu.
Ví dụ những câu hỏi này... Đọc thêm
ĐẠI DƯƠNG ĐEN
Dương Ngọc Thái, kỹ sư tin tặc, bạn tôi, tính bộc trực, nói năng hài hước, thẳng tưng, hay cười và cười…hết ga. Vậy mà hôm nay, trong email vừa gửi, Thái viết: Tôi đọc cuốn sách ấy, thấy thương, thấy lo, thấy rưng rưng.
Mời bạn chia sẻ cùng Thái, bài Thái viết về “đại dương đen” ... Đọc thêm
CÂU CHUYỆN... NỬA THẾ KỶ
Mình nhận được tin nhắn này từ 6g chiều qua. Cảm động bồi hồi, phải nói chỉ có mấy chữ mà mình rất xúc động. Và không có ý định viết về tin nhắn.
Nhưng tối qua tới giờ, mình đọc đi đọc lại, thuộc lòng tin rất ngắn này, rồi đọc lại các bài phỏng vấn, anh nói về mẹ và bố.
Anh là một huyền thoại, một tài năng có một không hai của Việt Nam. Nhưng mình thường nghĩ tới lòng hiếu của anh với má và với bố... Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
KHOẢNG 5 TRIỆU ĐƠN HÀNG GIÁ TRỊ NHỎ NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM MỖI NGÀY, BỘ TÀI CHÍNH ĐỀ XUẤT ĐÁNH VAT
Bộ Tài chính Việt Nam đang tham khảo ý kiến về dự thảo Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ. Chính sách miễn thuế này không còn phù hợp trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ từ Trung Quốc về Việt Nam mỗi ngày.
Trước đây, Quyết định 78/2010/QĐ-TTg được ban hành trong giai đoạn hệ thống hải quan còn thủ công, nhằm giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy thông quan hàng hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, với sự phát triển của thương mại điện tử, việc miễn thuế VAT đối với các đơn hàng nhỏ đã tạo ra sự bất công với hàng hóa sản xuất trong nước, vì các sản phẩm nội địa phải chịu thuế VAT, trong khi các sản phẩm nhập khẩu không phải.
Quyết định bãi bỏ này nhằm đồng bộ với các quy định quốc tế và đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Các quốc gia như EU, Anh, Singapore và Thái Lan đã từng thực hiện và đang triển khai chính sách tương tự, nhằm tăng cường thu thuế và cải thiện cạnh tranh.
Theo Bộ Tài chính, việc bãi bỏ miễn thuế VAT sẽ giúp quản lý thuế tốt hơn và tăng cường tính minh bạch, đồng thời khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước. Các quy định hiện hành về miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị nhỏ vẫn sẽ được duy trì theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Nhưng hôm nay thì Temu đang tạm thời dừng nhận đơn hàng ở VN. Điều gì họ đang tính toán bên cạnh việc tuân thủ quy định xin phép hoạt động?
Nguồn tham khảo: https://vneconomy.vn/khoang-5-trieu-don-hang-gia-tri-nho-nhap-khau-vao-viet-nam-moi-ngay-bo-tai-chinh-de-xuat-danh-vat.htm
MƯỜI XU HƯỚNG MARKETING 2025 THEO KANTAR
TÓM TẮT XU HƯỚNG MARKETING NĂM 2025 TỪ BÁO CÁO CỦA KANTAR
- Video: TV truyền thống và streaming phối hợp để tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo. 55% marketer dự định tăng ngân sách cho streaming vào năm 2025, tận dụng thói quen xem nội dung cá nhân hóa của khán giả.
- Mạng xã hội: Nội dung sáng tạo là yếu tố quyết định để nổi bật, đặc biệt với Gen Z (âm nhạc), Millennials (cảm xúc), và Boomers (hài hước). Quảng cáo cần đổi mới để thu hút sự chú ý đã giảm sút từ người dùng.
- AI tạo sinh: Mở ra cơ hội cá nhân hóa nhưng đòi hỏi minh bạch và kết hợp con người để giữ tính chân thật. 36% marketer cảm thấy thiếu kỹ năng tận dụng công nghệ này.
- Tính bền vững: Là yếu tố bắt buộc và mang lại lợi thế cạnh tranh. Thương hiệu cần tích hợp bền vững vào chiến lược thay vì chỉ tập trung vào thông điệp quảng cáo.
- Cộng đồng sáng tạo: Nền kinh tế sáng tạo dự kiến đạt 480 tỷ USD vào năm 2027. Hợp tác chân thật với nhà sáng tạo giúp xây dựng lòng tin và gắn kết lâu dài.
- Đa dạng và hòa nhập: 80% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi nỗ lực hòa nhập. Thương hiệu cần cam kết chân thật trong sản phẩm và thông điệp để tạo sự khác biệt.
- Thay đổi nhân khẩu học: Sự gia tăng hộ gia đình nhỏ mở ra cơ hội khai thác các phân khúc tiêu dùng cao cấp hoặc ngách, mặc dù tăng trưởng dân số giảm.
- Đổi mới sản phẩm: Các thương hiệu táo bạo khám phá lĩnh vực mới có khả năng tăng trưởng gấp đôi so với chỉ duy trì lĩnh vực truyền thống.
- Retail Media Networks: Công cụ quảng cáo chiến lược, dự báo chiếm 25% chi tiêu quảng cáo tại Mỹ vào 2028. Thương hiệu cần hợp tác chặt chẽ với nhà bán lẻ để tận dụng dữ liệu người dùng.
- Livestreaming: Trở thành chiến lược dài hạn, giúp tăng ý định mua sắm và giá trị thương hiệu. Thương hiệu cần kể chuyện hấp dẫn qua các nền tảng phổ biến
Nguồn tham khảo: https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/344727-10-xu-huong-marketing-2025-theo-kantar
80% DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI SỐ THẤT BẠI DO VỘI VÀNGChuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn xem đây là một khái niệm xa vời hoặc gắn với hình dung phi thực tế như tự động hóa toàn bộ nhà máy. Theo ông Trần Kiên Dũng, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam, 80% doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số do thiếu chiến lược, lộ trình phù hợp và năng lực nội tại như tài chính, công nghệ, và nguồn nhân lực còn hạn chế.
Ông nhấn mạnh, chuyển đổi số không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh ngay từ đầu. Thay vào đó, doanh nghiệp nên tiếp cận từng bước, bắt đầu từ số hóa dữ liệu, các quá trình sản xuất, quản trị, sau đó mới hướng đến thay đổi mô hình kinh doanh. Yếu tố con người được xem là cốt lõi, đòi hỏi đội ngũ nhân sự có năng lực, được đào tạo và tâm huyết với doanh nghiệp.
Ông Dũng cảnh báo, nếu không bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần bắt tay ngay vào việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, định hình bức tranh tổng thể dài hạn, học hỏi từ các doanh nghiệp thành công và thất bại để xây dựng chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn.
Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, vai trò của cơ chế chính sách cũng rất quan trọng, như các chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp của Bộ Công Thương. Ông Dũng đề xuất việc hình thành các hiệp hội hoặc nền tảng chung để doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và phát triển, tạo sức lan tỏa và giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn tham khảo: https://vneconomy.vn/80-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-that-bai-do-voi-vang.htm
NIKKEI ASIA: XIAOMI DỰ ĐỊNH MỞ 20.000 CỬA HÀNG TRẢI KHẮP TRUNG QUỐC VÀO CUỐI NĂM 2025, BÁN ĐA DẠNG TỪ Ô TÔ ĐIỆN ĐẾN TIVI TỦ LẠNH
Xiaomi đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng vật lý lên 20.000 vào cuối năm 2025, tăng 50% so với hiện tại, nhằm mở rộng sự hiện diện tại cả thành phố lớn lẫn khu vực nông thôn. Kế hoạch này được đẩy nhanh để tận dụng sự quan tâm đến các mẫu xe điện mới, với dự kiến 120 cửa hàng trưng bày xe điện sẽ thu hút 5.000 khách mỗi ngày vào cuối năm 2024.
Từ khi thành lập năm 2010, Xiaomi chuyển từ tập trung bán hàng trực tuyến sang phát triển chuỗi cửa hàng "Xiaomi Home" từ năm 2015. Thiết bị gia dụng, chiếm 30% doanh thu quý III/2024, là lĩnh vực lớn thứ hai sau điện thoại thông minh nhưng thị phần tại Trung Quốc vẫn hạn chế, chủ yếu tập trung vào điều hòa, tủ lạnh và máy giặt. Trong lĩnh vực tivi, Xiaomi đứng thứ 5 thế giới nhưng gặp cạnh tranh giá từ Samsung và Hisense.
Xu hướng mở rộng cửa hàng vật lý của Xiaomi trái ngược với ngành, khi doanh thu từ cửa hàng chỉ chiếm 44% doanh thu thiết bị gia dụng năm ngoái, giảm so với 2019. Dù doanh thu quý III/2024 tăng 30% và lượng tiền mặt đạt 20,9 tỷ USD, chiến lược này mang rủi ro trong bối cảnh sức mua phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ để khuyến khích thay thế thiết bị cũ.
CÓ THẬT LÀ DOANH NGHIỆP NGOẠI ĐANG ĐUA NHAU TUNG SẢN PHẨM BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM?
Năm 2022, Coca-Cola bắt đầu sử dụng loại chai làm từ 100% nhựa tái chế rPET (trừ nắp và nhãn) tại Việt Nam. Họ đặt mục tiêu đến 2030 thu gom và tái chế toàn bộ lượng chai, lon bán ra và sử dụng ít nhất một nửa vật liệu tái chế trong bao bì.
Không chỉ trong tiêu dùng, những sản phẩm bền vững phục vụ phân khúc công nghiệp, xây dựng cũng sôi động ra đời. Ba tháng trước, Signify Việt Nam tung ra EcoSet - một giải pháp thông minh và tiết kiệm chi phí phù hợp cho các ứng dụng như nhà kho, cơ sở công nghiệp và văn phòng.
Vài ông lớn nước ngoài còn xem Việt Nam như một cứ điểm để sản xuất sản phẩm bền vững phục vụ xuất khẩu. Đầu tháng này, Lego cho hay nhà máy tỷ USD tại Bình Dương là cơ sở "xanh" nhất của tập đoàn này, dự kiến sản xuất thương mại vào quý đầu 2025. Họ đã lắp đặt 12.400 tấm pin mặt trời áp mái (công suất 7,34 MWp), tương đương nguồn điện cung ứng cho 1.270 hộ gia đình một năm tại nhà máy này.
Hay SCG (Thái Lan) cũng mở rộng sản xuất dòng xi măng carbon thấp (SCG Low Carbon) tại miền Nam. Theo thông tin doanh nghiệp này tự công bố, đây là sản phẩm xi măng giảm 20% lượng phát thải carbon so với loại thông thường nhờ công nghệ sản xuất xanh (sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống thu hồi nhiệt...).
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-ngoai-dua-tung-san-pham-ben-vung-o-viet-nam-4821608.html
LẦN ĐẦU TIÊN VIỆT NAM CÓ HỆ THỐNG THU GOM, TÁI CHẾ DẦU ĂN LÀM NGUYÊN LIỆU THÔ SẢN XUẤT XĂNG SINH HỌC, NHIÊN LIỆU MÁY BAY
Ngày 28/11/2024, lần đầu tiên tại Việt Nam, một quy trình thu gom tiên tiến, tự động được công bố, triển khai vận hành bởi Eco Oil Vietnam từ khu dân cư sinh sống.
Công nghệ Flow Metric và AI tiên tiến từ Hàn Quốc cho phép quản lý chính xác lượng dầu thu gom, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, đồng thời giảm thiểu sự lãng phí và góp phần vào bảo vệ môi trường.
Hệ thống này còn có các tính năng như theo dõi thông qua ứng dụng, bảo mật thông tin, và dễ dàng sử dụng cho cộng đồng. Bằng việc lắp đặt máy, các đơn vị vận hành quản lý tòa nhà, khu dân cư, chuỗi nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp… dễ dàng phân loại dầu ăn đã qua sử dụng, tối ưu chi phí vận hành nhờ nguồn thu từ loại chất thải này trong khi vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường và thể hiện cam kết sâu sắc với phát triển bền vững tuân thủ các tiêu chí ESG.
Nguồn tham khảo: https://vneconomy.vn/lan-dau-tien-viet-nam-co-he-thong-thu-gom-tai-che-dau-an-lam-nguyen-lieu-tho-san-xuat-xang-sinh-hoc-nhien-lieu-may-bay.htm
TOÀN CẦU CHƯA ĐẠT ĐƯỢC THỎA THUẬN VỀ GIẢM SẢN XUẤT NHỰA
Cuộc họp thứ năm Ủy ban Đàm phán liên chính phủ của Liên hợp quốc (INC-5) kết thúc ngày 1/12 tại Busan, Hàn Quốc mà không đưa ra thỏa thuận nào về hiệp ước nhựa toàn cầu. Đây là vòng đàm phán cuối cùng về hiệp ước này, sau các cuộc họp trước đó từ 2022.
Hơn 100 quốc gia muốn hạn chế sản xuất, trong khi số ít các nhà sản xuất dầu, như Arab Saudi, phản đối mạnh mẽ và muốn hướng giải pháp vào rác thải nhựa.
Theo Eunomia, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Arab Saudi là năm quốc gia sản xuất nhựa hàng đầu trong năm 2023.
Các tập đoàn tiêu dùng toàn cầu lớn như Walmart, Unilever và Nestlé nằm trong số hơn 200 công ty ủng hộ các nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhựa dùng một lần và hóa chất độc hại, thay vì bỏ chi phí xử lý.
Do quan điểm còn cách xa nhau, các quốc gia hoãn lại đàm phán và đồng ý nối lại nhưng thời gian chưa xác định được thời gian cụ thể.
Nguồn tham khảo: https://vnexpress.net/toan-cau-chua-dat-duoc-thoa-thuan-ve-giam-san-xuat-nhua-4822639.html
TÁI HỒI PHỤC… ĐIỆN HẠT NHÂN?
Những ngày qua, nghị trường Quốc hội và nhiều diễn đàn sôi nổi bàn câu chuyện dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam cùng việc tái khởi động dự án phát triển điện hạt nhân tại VN. Không phải ngẫu nhiên 2 dự án có tính chất quan trọng lịch sử lại được đặt song song. Báo cáo của Bộ GTVT trình Quốc hội cho biết tàu ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng điện.
Trên cả nước, số liệu từ nhóm nghiên cứu "Phát triển xe điện: Dự báo xu thế và hàm ý cho VN" cũng chỉ ra rằng: Với kịch bản 100% sử dụng xe máy điện và 70% ô tô điện vào năm 2050, thì nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông là rất lớn: Cần tới 71,87 tỉ kWh vào năm 2050, tương đương lượng điện của 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Không chỉ VN, trên thế giới, điện hạt nhân cũng đang nhận được sự chú ý trở lại. Đến nay, đã có 415 lò hạt nhân năng lượng vận hành, 62 lò đang được xây dựng tại 32 quốc gia. Chưa kể 20 quốc gia khác đang xem xét triển khai điện hạt nhân để đáp ứng các mục tiêu về năng lượng và khí hậu. Tháng 4.2023, lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Phần Lan là Olkiluoto 3 hoạt động trở lại, là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu, sau khi bị đình trệ suốt 18 năm qua. Điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân chiếm phần lớn nguồn cung năng lượng tại quốc gia Bắc Âu này.
Tại khu vực châu Á, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã và đang gia tăng tỉ trọng năng lượng hạt nhân trong cơ cấu điện năng của mình.
TRAVELOKA, BOOKING, AGODA ĐANG ÁT VÍA CÁC ĐẠI LÝ DU LỊCH VIỆT
Theo khảo sát Travel Tech 2024 của Outbox, thị trường đại lý du lịch trực tuyến (OTA) tại Việt Nam đang chịu chi phối bởi các "ông lớn" quốc tế như Traveloka, Booking.com và Agoda. Các thương hiệu này đang là lựa chọn hàng đầu của khách Việt.
Mặc dù có sự hiện diện của các OTA nội địa như iVIVU (Tập đoàn Thiên Minh), Gotadi... nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thị phần. Tại Việt Nam có nhiều nền tảng hiện nay là đại lý du lịch (TA) có ứng dụng công nghệ chứ không phải đại lý du lịch điện tử đúng nghĩa (OTA).
Theo các chuyên gia, có ba yếu tố chính giúp OTA nước ngoài chiếm phần lớn thị trường gồm sản phẩm, công nghệ và vốn.
Nguồn tham khảo: https://tuoitre.vn/traveloka-booking-agoda-dang-at-via-cac-dai-ly-du-lich-viet-20241202072839813.htm
DOANH NGHIỆP TRUNG QUỐC ĐUA NHAU RÓT TIỀN LÀM ĐỒ CHƠI
Pop Mart, nhà sản xuất nổi tiếng với các thương hiệu như Labubu, Molly và Dimoo, đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với cổ phiếu tăng 350% từ đầu năm, đưa vốn hóa thị trường đạt 15,2 tỷ USD. Thị trường đồ chơi sưu tầm, đặc biệt là các sản phẩm mang bản quyền sở hữu trí tuệ (IP), đang bùng nổ không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.
Các sản phẩm sưu tầm "guzi" (tên gọi tại Trung Quốc của những sản phẩm sưu tầm liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ từ truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi điện tử), như búp bê, thẻ bài và đồ chơi mang tính nghệ thuật, đã trở thành hiện tượng văn hóa với giá dao động từ dưới 10 nhân dân tệ đến hơn 15.000 nhân dân tệ. Dòng sản phẩm "blind box" của Pop Mart dẫn đầu xu hướng này, với thị trường toàn cầu dự kiến tăng trưởng trung bình 5,5% hàng năm, đạt 3,8 tỷ USD vào năm 2032.
Bên cạnh Pop Mart, các công ty như Alpha Group và Wahlap Technology cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể nhờ khai thác văn hóa anime và các sản phẩm IP. Văn hóa "hai chiều" từ Nhật Bản, với trọng tâm là anime, manga và trò chơi điện tử, đang lan rộng và trở thành động lực chính cho ngành công nghiệp này tại Trung Quốc.
Ngành đồ chơi sưu tầm còn được thúc đẩy bởi ba xu hướng kinh tế nổi bật: kinh tế bất ngờ, tận dụng sự tò mò của người tiêu dùng; kinh tế cô đơn, đáp ứng nhu cầu giao tiếp trong xã hội hiện đại; và kinh tế xã hội, xây dựng cộng đồng trực tuyến gắn bó xung quanh các sản phẩm.
Tại Việt Nam, "blind box" cũng đang là trào lưu, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM. Nhiều người trẻ sẵn sàng chi hàng triệu đồng để sưu tầm hoặc tham gia các buổi livestream "unbox". Xu hướng này không chỉ là một hiện tượng tiêu dùng mà còn thể hiện sức hút mạnh mẽ của ngành công nghiệp đồ chơi sưu tầm với giới trẻ
Nguồn tham khảo: https://znews.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-dua-nhau-rot-tien-lam-do-choi-post1515205.html
MỸ ÁP THUẾ QUAN VỚI TẤM QUANG NĂNG 4 NƯỚC ĐÔNG NAM Á GỒM VIỆT NAM
Vào ngày 29/11, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quyết định sơ bộ về việc áp thuế chống bán phá giá đối với tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan. Mức thuế được áp dụng từ 21,31% đến 271,2% tùy theo công ty sản xuất. Quyết định này được đưa ra sau khi một số nhà sản xuất Mỹ, bao gồm Hanwha Qcells (Hàn Quốc) và First Solar Inc (Mỹ), khiếu nại rằng tấm pin năng lượng mặt trời từ các quốc gia Đông Nam Á này đang gây cạnh tranh không công bằng, làm giảm giá sản phẩm và ảnh hưởng đến thị trường Mỹ.
Thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các sản phẩm của các công ty lớn như Jinko Solar và Trina Solar từ Trung Quốc, với mức thuế cụ thể là 21,31% đối với sản phẩm từ Malaysia và 56,51% từ Việt Nam đối với Jinko Solar, trong khi Trina Solar bị áp mức thuế từ 54,46% đến 77,8% tùy thuộc vào quốc gia sản xuất.
Chính quyền Mỹ đã đặc biệt chú trọng vào dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ngành năng lượng sạch và đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời trong nước thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, nhằm thúc đẩy phát triển ngành này và bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ các quốc gia có thuế thấp.
Nguồn tham khảo: https://vneconomy.vn/my-ap-thue-quan-voi-tam-nang-luong-mat-troi-4-nuoc-dong-nam-a-gom-viet-nam.htm
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Tuần này, mở đầu tôi xin giới thiệu một đề tài nóng hổi: phân tích của Dương Ngọc Thái
NVIDIA MUỐN GÌ Ở VIỆT NAMÔng là kỹ sư an ninh mạng, với những đóng góp trong việc phát hiện và khắc phục các kỹ thuật tấn công SSL như BEAST, CRIME và POODLE. Dương Ngọc Thái đã diễn thuyết tại nhiều hội nghị khác nhau bao gồm Black Hat Europe, Real World Crypto và IEEE S&P. Thái là cựu chuyên gia an ninh và mật mã tại Google trong 12 năm. Hiện tại, ông Thái điều hành Calif, một công ty an ninh mạng đặt tại California.
Để hiểu Nvidia muốn gì ở Việt Nam, tôi nghĩ cần nhìn lại lịch sử.
Cuối thập niên 1990, Cisco là công ty “hot” nhất thế giới. Lúc bấy giờ ai cũng muốn nối mạng. Là nhà cung cấp thiết bị kết nối, Cisco phát triển nhanh chóng. Năm 2002, Cisco trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Nhiều người nghĩ rằng bây giờ các hãng công nghệ lớn mới đến Việt Nam mở văn phòng. Thật ra Cisco đã đến Việt Nam từ năm 1998. Việc đầu tiên họ làm là mở trung tâm đào tạo. Họ còn đến trường cấp ba của tôi cho học bổng.
Rất nhanh chóng, bao thế hệ kỹ sư chạy đua lấy các chứng chỉ Cisco. Những người đã học công nghệ Cisco khi ra trường thường chỉ muốn dùng hàng Cisco. Kết quả là Cisco gần như độc quyền thị trường thiết bị mạng Việt Nam trong suốt nhiều năm tiếp theo.
Một trường hợp khác đáng tìm hiểu là Oracle. Sản phẩm chủ chốt của Oracle là máy chủ dữ liệu Oracle Database.
Một hệ thống phần mềm thường có ba lớp: giao diện, tính toán và lưu trữ. Giao diện là phần người dùng nhìn thấy. Tính toán là nơi triển khai các nghiệp vụ. Lưu trữ là nơi chứa dữ liệu.
Ba lớp này thường độc lập với nhau. Mỗi lớp có thể sử dụng một công nghệ riêng. Oracle muốn cả ba lớp đều phụ thuộc vào Oracle Database. Chiến lược của họ gồm ba bước.
Đầu tiên, Oracle tạo ra ngôn ngữ lập trình PL/SQL, kêu gọi lập trình viên triển khai nghiệp vụ ngay trong Oracle Database.
Tiếp theo, Oracle tạo ra các công nghệ như Oracle Forms, sau này là Oracle ADF hay Oracle APEX, cho phép lập trình viên xây dựng giao diện và triển khai nghiệp vụ trên nền Oracle.
Cuối cùng, Oracle cung cấp miễn phí tất cả công nghệ kể trên. Họ đổ tiền quảng cáo, khuyến khích, đào tạo, hối thúc, thâu tóm những nhà phát triển xây dựng sản phẩm trên nền các công nghệ này. Kết quả là rất nhiều phần mềm quản trị doanh nghiệp (enterprise software) chỉ hỗ trợ Oracle Database và chỉ Oracle Database mà thôi.
Khi ngân hàng tôi đang làm việc lúc đó mua phần mềm quản trị ngân hàng (core banking), chúng tôi buộc phải dùng Oracle Database vì phần mềm core banking sử dụng Oracle Forms kết nối vào Oracle Database. Oracle không cần bán hàng, vẫn ung dung thu tiền bản quyền.
Có thể tóm tắt chiến lược của Oracle và Cisco bằng hai từ: lock-in. Họ bày binh bố trận để buộc khách hàng phải tiếp tục sử dụng sản phẩm của họ. Không riêng gì Cisco hay Oracle, lock-in là chiến lược quen thuộc của các tập đoàn công nghệ, bao gồm Nvidia.
Nvidia đang độc chiếm thị trường chip AI toàn cầu. Khi bạn đang dẫn đầu, tất cả những việc bạn muốn làm là giữ nguyên hiện trạng.
Trước tiên, bạn mở trường đào tạo để có nhiều người biết và chỉ biết công nghệ của bạn mà thôi. Những người này sẽ trở thành đại sứ, đưa công nghệ của bạn đến mọi nơi.
Nvidia đang chuẩn bị mở trường đào tạo AI ở Việt Nam. Họ muốn tạo ra một triệu kỹ sư AI, đương nhiên là tập trung học công nghệ AI của Nvidia.
Tiếp theo, bạn cung cấp miễn phí công nghệ cho các nhà phát triển. Bạn đổ tiền quảng cáo, khuyến khích, hối thúc, thâu tóm các nhà phát triển xây dựng sản phẩm trên nền công nghệ của bạn. Ai mua các sản phẩm này sẽ buộc phải mua luôn công nghệ của bạn.
Nếu Oracle có Oracle Forms thì Nvidia có CUDA. CUDA giúp lập trình viên phát triển các sản phẩm AI trên nền tảng chip Nvidia. Đây là con át chủ bài trong chiến lược lock-in của Nvidia.
Nếu khéo léo, không những bạn sẽ chiếm được thị trường trong nhiều năm, mà còn được tiếng thơm đang đầu tư, giúp đỡ những quốc gia kém phát triển xây dựng “ngôi nhà thứ hai”.
Phải nói Nvidia quá giỏi. FPT thông báo rình rang khi… được mua chip của Nvidia. Lẽ thường, chỉ người bán mừng khi ký được hợp đồng, còn bây giờ Nvidia đã trở thành hàng xa xỉ, người mua cũng thi nhau trưng ra cho thiên hạ biết họ sang như thế nào.
Ông Cao Minh Việt
Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.
NHẬN ĐỊNH VỀ CÂU CHUYỆN TIẾP NHẬN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI1. Giá trị quốc gia nhận được từ đầu tư nước ngoài (FDI):
Nếu doanh nghiệp đầu tư mang lại giá trị thực chất, quốc gia có thể hưởng lợi như sau:
• Chuyển giao công nghệ: Doanh nghiệp nước ngoài có thể mang đến công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
• Đào tạo nhân lực: Lực lượng lao động được tiếp cận với kỹ năng mới, tăng khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực.
• Hạ tầng cải thiện: Các dự án FDI thường thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp khác phát triển.
• Nguồn thu ngân sách: Thuế từ doanh nghiệp và thu nhập từ lao động giúp tăng thu ngân sách.
• Thị trường và mạng lưới cung ứng: Các chuỗi cung ứng mới và thị trường quốc tế được mở rộng.
2. Mặt trái và tổn thất khi FDI không tạo giá trị bền vững:
Khi doanh nghiệp chỉ đến khai thác tài nguyên hoặc tận dụng lao động giá rẻ, quốc gia có thể chịu thiệt hại như:
• Lao động giá rẻ: Công nhân bị bóc lột sức lao động mà không được nâng cao trình độ.
• Cạn kiệt tài nguyên: Các nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt mà không để lại giá trị lâu dài.
• Phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài: Kinh tế trở nên dễ tổn thương nếu các công ty rút đi.
• Ô nhiễm môi trường: Nhiều dự án FDI thải ra chất độc hại, phá hoại môi trường sống.
• Lợi ích cục bộ: Phần lớn lợi nhuận chảy về công ty mẹ, quốc gia chỉ nhận được một phần nhỏ giá trị.
3. Bài học từ khu công nghệ cao Q9 TP.HCM:
• Cái được: Việc làm và thu nhập ngắn hạn.
• Cái mất: Công nhân không được tích lũy tri thức, các doanh nghiệp Việt Nam không tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, và không hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ bền vững.
4. Giải pháp để tích lũy giá trị lâu dài từ FDI:
• Chọn lọc nhà đầu tư: Ưu tiên các dự án có cam kết chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.
• Tạo khung pháp lý rõ ràng: Yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đóng góp vào phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, và bảo vệ môi trường.
• Phát triển nội lực: Song song với thu hút FDI, cần phát triển doanh nghiệp trong nước để không phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.
• Chú trọng tri thức: Xây dựng chính sách để người lao động không chỉ có việc làm mà còn nâng cao trình độ, đảm bảo tương lai bền vững.
Nhà nước hay doanh nghiệp về mặt kinh doanh, sản xuất có thể vẫn là đang làm cùng một việc: mua hàng hóa từ nước ngoài, nhận đầu tư từ nước ngoài, nhưng về tư duy cần phải hiểu rõ mình đang tích lũy được gì cho đất nước, cho doanh nghiệp và cho tri thức của mình.
Ông Hồ Nguyên Thảo
Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.
VIỆC XÂY DỰNG VÀ ĐẦU TƯ CHO VẬT LIỆU XÂY DỰNG XANH Ở VIỆT NAMTổng diện tích sàn tại Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh là gần 11,5 triệu m2 tính đến tháng 6-2024, theo hãng kiến trúc ARDOR Green tại TP.HCM. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) nói đến cuối năm nay, tổng diện tích này sẽ đạt 15 triệu m2, với tỷ lệ gần 30% dành cho khu công nghiệp và hơn 20% dành cho nhà ở.
Nhưng thị trường vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam lại sôi động hơn hẳn so với suy nghĩ thông thường, cả về ứng dụng lẫn sản xuất. Nhiều nhà máy gạch đã chuyển sang gạch không nung. Nhiều nơi sử dụng chất thải công nghiệp như tro, xỉ nhiệt điện hay xỉ lò thép làm nguyên liệu cho xi măng, gạch bê tông lát hè, gạch đất sét nung hay bê tông trộn sẵn, theo ximang.vn.
Nhiều công ty sản xuất xi măng tại Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp FDI và trong nước đã bắt đầu sản xuất xi măng từ nhiều năm trước. Tuy vậy, các công ty này tuân theo loại chứng chỉ nào và có đạt liên tục chứng chỉ cấp mới hay không vẫn chưa rõ.
Nhưng nếu quay lại thời xa xưa, tre, gỗ, rơm rạ và bùn đất đã được sử dụng từ rất lâu trong xây dựng và kiến trúc ở Việt Nam và trên thế giới. Thế giới vật liệu xây dựng xanh ngày nay rất đa dạng, từ những nguyên liệu tự nhiên truyền thống như gỗ, tre, đất sét, rơm rạ cho đến những "siêu vật liệu" hiện đại như bê tông gai dầu, bê tông gỗ, bê tông cỏ, nhựa tái chế, sợi nấm...
Nhiều kiến trúc sư và hãng thiết kế Việt đã giành các giải thưởng kiến trúc quốc tế với các khu nhà bằng tre như Võ Trọng Nghĩa, Đoàn Thanh Hà, Hoàng Minh…
Và thường chúng ta thường quá chú trọng những công ty hay tập đoàn đa quốc gia, mà lại lãng quên những cái rất nhỏ, từ những đóng góp cá nhân rất nhỏ chỉ từ 100 euro (khoảng 2,7 triệu đồng). Ecoligo – sàn gọi vốn cộng đồng của Đức – đã huy động những khoản góp 100 euro đến nhiều nhất là 10.000-25.000 euro để góp vốn cho những dự án điện mặt trời quy mô nhỏ ở Việt Nam và nhiều nước khác. Số vốn góp không đứt gốc mà được trả lãi hàng năm.
Ecoligo có mặt tại Việt Nam từ tháng 2-2020 đến nay. Quy mô các dự án của Ecoligo tại Việt Nam khá đa dạng. Từ dự án chỉ vài chục ngàn euro đến dự án lớn nhất chỉ cỡ gần 1 triệu euro, hoặc thực hiện một lần hoặc thực hiện cuốn chiếu qua nhiều giai đoạn. Điện mặt trời này bán cho các nhà máy, xí nghiệp Việt Nam.
Ông Ngô Đình Dũng
Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.
HIỆN TRẠNG VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG THÀNH CÔNG CHUYỂN ĐỔI SỐChuyển đổi số là câu chuyện nghe rất là hay, nhưng thực tế DN đang thực hiện thì không ít DN thất bại. Ở đây, tôi chỉ xin góp thêm 1 góc nhìn về hiện trạng và điều kiện để áp dụng thành công việc số hóa.
Theo tôi quan sát qua việc chuyển đổi số ở một số doanh nghiệp thì nên bắt đầu việc chuyển đổi số ở quy mô nhỏ, 1, 2 bộ phận ứng dụng chuyển đổi số trước để rút kinh nghiệm khi làm quy mô lớn. Để làm việc này thành công, doanh nghiệp cũng nên xác định rõ, cụ thể các kết quả đầu ra của dự án chuyển đổi số, tránh hô khẩu hiệu chung chung rồi không biết nên bắt đầu từ đâu, và bỏ dở dự án vì không biết nên bắt đầu từ đâu, nghiệm thu cái gì?.
Ví dụ, mục tiêu chuyển đổi số năm 2025 là giúp DN chăm sóc KH tốt hơn thông qua việc hiểu rõ tiến độ bán hàng và chăm sóc khách hàng của đội ngũ sales Công ty. Vậy các việc cần làm là gì, để nắm bắt thông tin khách hàng tốt hơn? Ở khâu nào của quá trình cần trình chuyển đổi số? Nên nhớ, chuyển đổi số sẽ giúp quá trình xử lý thông tin hiệu quả hơn so với việc xử lý thông tin manual, bằng sức người; Chứ chuyển đổi số chưa thể giải quyết mọi thứ thay con người được.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi bắt đầu từ tư duy quản trị của lãnh đạo, đến điều chỉnh mô hình/ quy trình kinh doanh; rồi mới đến dùng hệ thống phần mềm hỗ trợ ra quyết định hiệu quả hơn. Nếu lãnh đạo không thay đổi cách quản lý và quy trình kinh doanh thì dù có mua phần mềm tiên tiến, đắt tiền cỡ nào đi nữa thì công ty cũng chẳng thay đổi được điều gì.
Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.