Biết là gặp gỡ một nhân vật bản lĩnh, vừa là chủ tịch một công ty thực phẩm lớn, vừa là thầy giáo đại học, trưởng ngành thương mại điện tử của một đại học chuyên công nghệ, tôi chuẩn bị những câu hỏi khó trong đầu.

Ví dụ những câu hỏi này đủ khó không:

- Ai cũng nói là kiểm soát chất lượng là quy trình “từ trang trại đến bàn ăn”, vậy câu khẳng định “từ trang trại đến ăn của công ty anh có gì khác biệt và dĩ nhiên, đặc sắc hơn các nơi cùng cách nói này?

- 7 năm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm TE-FOOD và người tiêu dùng có thể quét mã QR in trên bao bì để tìm hiểu quá trình sản xuất và thông tin về từng sản phẩm. Hiện nay, công ty có còn kiên trì đặt mình dưới sự kiểm soát của người tiêu dùng? Các bà nội trợ nói gì về món “thịt heo thảo mộc” của công ty anh?

- Một công ty được công nhận là “Doanh nghiệp Xanh TPHCM”, phải cạnh tranh không ngừng về cả 3 lĩnh vực: công nghệ, sản phẩm mới và hệ thống phân phối, vậy công ty đã sống xanh, thực hành XANH như thế nào?

- Mỗi tuần, mỗi tháng, công ty anh đưa ra thị trường bao nhiêu sản phẩm mới, và tỷ lệ thành công, thất bại là bao nhiêu?

- Với 130 ngàn điểm bán trên toàn quốc, anh vận hành bằng công nghệ nào?

- Công ty anh vừa kỷ niệm 54 năm thành lập, là cũng hơi…có tuổi rồi, anh thường xuyên đưa ra sản phẩm được giới trẻ, nhất là những bạn gái trẻ ăn kiêng ưa thí, anh bắt mạch họ bằng bí quyết gì?

- Và vì sao là một công ty kinh doanh sản phẩm đạm động vật, hai năm nay lại nghiên cứu khá tập trung về đạm thực vật?

Điều tôi lý thú là các câu hỏi (không hề được biết trước vì cuộc trò chuyện 5W1H Podcast luôn luôn không có kịch bản) đều được trả lời nhanh, gãy gọn dù anh là Chủ tịch công ty, chứ không phải CEO hay giám đốc vận hành.

Thật căn kẻ khi anh kể vanh vách về quy trình làm thịt heo thảo mộc. Thức ăn toàn là thảo mộc để thịt heo ngon, có chất tự đề kháng để không phải dùng kháng sinh. Nồi luộc dùng toàn nhiên liệu xanh. Dây chuyền, thiết bị đúng yêu cầu công nghệ. Ghi nhận điện tử từng chặng trên quy trình có người trách nhiệm rõ…cho đến bếp ăn thật...

Cuối cùng, mọi người trong phòng thu lại lý thú vì một điều khác, trời ạ. Anh nói công ty đã đưa ra một sản phẩm được các nhà hàng và các bà nội trợ hài lòng, ưa thích: nước hầm xương thơm ngon bán với giá thật mềm. Với nguyên liệu là các bộ xương heo, bò, gà…sau cắt lọc, chế biến còn lưu, công ty đưa vào quy trình mới, hầm kỹ và bán với giá (theo tôi là) mềm oặt luôn. Vệ sinh, đảm bảo an toàn thì công nghệ của CT anh đáng tin rồi, chỉ là có hợp, có ngon.

Các bạn quay phim gật gù, chiều nay nói bà xã ra siêu thị ngay, về làm nồi lẩu rau, còn các bạn nữ biên tập và sản xuất thì đã kịp nháy nhau.

Còn tôi, tôi thấy vui vì bắt gặp một kiểu làm đúng trend: kinh tế tuần hoàn!
Tôi vội trách, trời, sản phẩm hay vậy mà sao không la rầm trời cho mọi nhà đều biết?

Anh nói tỉnh rụi, thì đó là cái yếu của chúng tôi. Mà không phải đó cũng chính là chuyện truyền thông, nghề ruột của Hội và BSA nữa chứ ?
Ừ nhỉ?

Anh về rồi mà quý bà trong phòng thu còn miên man bàn về nồi nước hầm xương và nồi thịt kho thơm lừng ngày Tết.

Anh là Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch công ty Vissan (có cái tên khá dài: công ty cổ phần kỹ nghệ súc sản Việt Nam) với 4000 công nhân viên và 130.000 điểm bán. Tên dài, vậy mình gọi Vissan 3 bông mai cho dễ nhớ.

NỒI THỊT HEO KHO TÀU THỜI CẠNH TRANH CÔNG NGHỆ