BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/7 - 04/8/2024)
04/8/2024 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về tình hình cạnh tranh bán lẻ đang diễn ra khốc liệt tại TQ và Mĩ, đồng thời là động thái của các nước Đông Nam Á trước làn sóng hàng giá rẻ từ TQ sắp tới, bên cạnh đó là những tin vui về trại hè mà BSA đang chuẩn bị cho các bạn nhỏ năm nay, cùng niềm vui khi những buổi kết nối gần đây đã có những kết quả tích cực, và sau cùng tôi xin viết về một câu hỏi mà chắc hẳn cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Việt đều đang rất quan tâm.
TRƯỚC CÂU HỎI KHÓ: TẠI SAO TÔI PHẢI MUA HÀNG VIỆT ?
Cháu tôi, một bạn trẻ Gen Z, xưa giờ rất hay mua hàng online, hôm qua sau khi đọc stt báo động “Sóng thần hàng Trung Quốc giá rẻ” của tôi, đã gửi cho tôi một tin nhắn. Dì Hạnh ơi, dì nói đi, vì sao cháu phải mua hàng Việt. Cháu vừa mua một cái tấm che camera điện thoại ở sàn X. Cháu thấy quá ổn, giá có 28 ngàn, tiền VN đồng nha dì, hàng từ Thẩm Quyến chuyển về chỉ trong 1 tuần. Cho đổi trả trong 15 ngày. Cũng món đồ đó, cháu so rồi, hay ở một sàn VN, mua ở cửa hàng VN, 58 ngàn đồng. Vậy Dì H nói đi, tại sao cháu phải mua hàng Việt?... Đọc thêm
ĐƯỢC TẶNG TỚI 3 CÁI ĐẦU HEO (ẢO) ?
Tôi trở về Sài Gòn sau một buổi sáng dang nắng thật chát chúa giữa vườn mênh mông chưa có bóng cây nào. Lúc trò chuyện thì không cảm thấy gì, nhưng khi bước vô mát, vắt cái nón ướt nhèm, đầu tóc sũng mồ hôi, tôi mới thấy đi theo ông thầy hướng dẫn kỹ thuật Huỳnh Quới với 10 kỹ sư nông nghiệp trẻ của anh Nguyễn Lâm Viên thật không nhàn nhã chút nào... Đọc thêm
“SÓNG THẦN” HÀNG GIÁ RẺ TRUNG QUỐC: CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á TẬP TRUNG ĐỐI PHÓ
Báo Nikkei Asia của Nhật mới đây đã đăng một hình ảnh rất ấn tượng. Mối quan ngại về hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đang như sóng thần tràn ngập các nước Đông Nam Á đang lớn dần. Các nước lo hàng giá rẻ của TQ có thể làm suy yếu các ngành công nghiệp địa phương. Những mặt hàng này thường được hưởng trợ cấp và ưu đãi do chính phủ Trung Quốc cung cấp, khiến chúng cạnh tranh hơn với các sản phẩm trong nước... Đọc thêm
BỊ CẤM MÀ TÔI “LÉN” KỂ, Ở ĐÂY
Khi trao cho tôi bức tranh, họa sĩ Hứa Thanh Bình dặn: Buổi tối họp mặt tụi nhỏ (6/8) ngày đầu tiên, tôi sẽ đến, mà chị không được giới thiệu, không được tặng giấy khen gì hết.
Tôi hỏi về bức tranh, tên chủ đề, thể loại, ý tưởng gửi gắm của anh…loanh quanh, rồi cũng phải tới câu khó nhất, ngập ngừng tôi hỏi nhỏ, và anh trả lời cũng ngập ngừng, nhỏ vừa đủ nghe: Việt Nam làm gì có thị trường tranh mà chị hỏi giá tranh. Tôi chỉ nói mức giá... Đọc thêm
TRẠI HÈ “ĐẠI SỨ HÀNG VIỆT TÍ HON”, NHỮNG TIN VUI BẤT NGỜ GIỜ CHÓT
Chiều qua, tôi nghe một tin vui, có doanh nghiệp vừa tình nguyện dạy các em trại sinh “Làm giàu không khó”. Ủa, sao có dạy làm giàu cho trẻ dưới 13 tuổi? Mà tôi vừa nghe có “ông thầy” chuyên dạy làm giàu vừa nợ đầm đìa và phá sản? Hỏi lại, thì ra do phát ngôn giọng Cần Thơ, dược sĩ Hồng Thắm sẽ dạy “Làm dầu-tinh dầu đó- không khó”... Đọc thêm
CUỘC CHIẾN BÁN LẺ KHẮP NƠI KHỐC LIỆT, NHƯNG CHIẾN THUẬT MỖI NƠI MỖI KHÁC
Hôm qua, Nikkei Asia có một bài lạ về các qui định mới của nhà nước TQ đang thay đổi gần như 180 độ, và đó là điều mà người kinh doanh Việt Nam cần nắm rõ.
QUI ĐỊNH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC ÁP DỤNG TỪ 1/9/2024: NGĂN CẤM BÁN HÀNG GIẢM GIÁ VÔ TẬN
Thương mại điện tử trong nội địa của Trung Quốc đang thay đổi chiến lược lớn, thể hiện qua việc một số nền tảng đang chuyển từ ưu tiên bán giá siêu rẻ sang tìm cách tăng trưởng doanh số một cách bền vững... Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á 'LOAY HOAY' ỨNG PHÓ HÀNG NHẬP KHẨU GIÁ RẺ TỪ TRUNG QUỐC
Các quốc gia Đông Nam Á đang có động thái nâng cao rào cản đối với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng nhập khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Khoảng 49.000 công nhân Indonesia trong ngành dệt may và giày dép đã bị sa thải trong năm nay vì các nhà máy ở các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java đóng cửa.
Để đáp lại lời kêu gọi của các nhà sản xuất hàng dệt may, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan vào tháng 6 cho biết chính phủ sẽ xem xét áp thuế lên tới 200% đối với vải nhập khẩu. Ông chỉ ra rằng các loại thuế mới cũng đang được xem xét để giải quyết tình trạng nhập khẩu gốm sứ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử tăng mạnh.
Vào tháng 1, Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (108 USD). Những mặt hàng như vậy trước đây được miễn thuế bán hàng, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thái Lan trong tháng này cũng đã mở rộng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các giao dịch mua hàng có giá trị dưới 1.500 baht (42 USD).
Tuy nhiên, các quan chức Đông Nam Á khẳng định rằng việc giám sát hàng nhập khẩu của họ không chỉ dành riêng cho hàng hóa Trung Quốc.
OPENAI DẤN BƯỚC VÀO THỊ TRƯỜNG TÌM KIẾM DO GOOGLE THỐNG TRỊ VỚI SEARCHGPT
Doanh nghiệp công nghệ OpenAI đang mạo hiểm tiến vào một lĩnh vực mà Google thống trị từ lâu với việc ra mắt có chọn lọc SearchGPT, một công cụ tìm kiếm hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng truy cập thông tin theo thời gian thực từ internet.
Công ty khởi nghiệp đằng sau ChatGPT đã thông báo rằng họ đang thử nghiệm nguyên mẫu SearchGPT, được thiết kế để kết hợp sức mạnh của các mô hình AI do họ phát triển với thông tin từ Internet.
Công cụ này có thẻ trả lời các truy vấn trực tuyến một cách nhanh chóng và cung cấp các nguồn thông tin có liên quan.
OpenAI cho biết SearchGPT đang được cung cấp cho một nhóm nhỏ người dùng và nhà xuất bản tin tức để thu thập phản hồi.
Công ty sẽ cung cấp cho các nhà xuất bản quyền truy cập vào những công cụ để quản lý cách nội dung của họ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của SearchGPT.
Theo OpenAI, các tính năng tìm kiếm được tinh chỉnh trong nguyên mẫu sẽ được đưa vào ChatGPT trong tương lai.
OpenAI cho biết người dùng sẽ có thể tương tác với SearchGPT thông qua những truy vấn hội thoại và có thể đặt các câu hỏi tiếp theo như khi họ nói chuyện với một con người.
DỪA TƯƠI VIỆT SẮP XUẤT SANG TRUNG QUỐC, NGƯỜI THÁI LO LẶP LẠI KỊCH BẢN SẦU RIÊNG
Việt Nam sắp xuất khẩu chính ngạch quả dừa tươi sang Trung Quốc sau khi hai bên đã ký kết, kết thúc đàm phán nghị định thư về kiểm dịch thực vật. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành dừa Việt Nam, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dừa lớn với 1,4 tỷ dân và khoảng cách địa lý gần, giúp giảm chi phí vận chuyển. Năm ngoái, xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt gần 243 triệu USD, và với việc thâm nhập thị trường Trung Quốc, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 triệu USD. Việt Nam hiện có khoảng 200.000ha đất trồng dừa, sản lượng 2 triệu tấn, đứng thứ 7 thế giới. Trung Quốc là thị trường tiềm năng với nhu cầu sử dụng khoảng 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa chế biến mỗi năm, trong khi sản lượng trong nước chỉ đáp ứng 10%. Lợi thế về địa lý giúp sản phẩm dừa Việt Nam cạnh tranh mạnh mẽ.
LÀM SAO KHƠI THÔNG HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ việc tiếp cận nguồn lực tài chính đến quy định pháp lý. Ông Lê Văn Tuấn từ Agribank chỉ ra rằng các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, như khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp và thiếu tiêu chí cụ thể cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc xác định tiêu chuẩn cho vay do thiếu các quy định rõ ràng.
Việc tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập, cản trở quá trình sản xuất quy mô lớn.
Năng lực khoa học công nghệ nội sinh trong nông nghiệp Việt Nam còn thấp, thiếu công nghệ chế biến sâu và phụ thuộc vào chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng còn hạn hẹp và không ổn định, với nhiều nông sản xuất khẩu chỉ ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, và chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, với đa số lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Phạm Đình Nam đề xuất cần nhanh chóng ban hành các khung pháp lý, hỗ trợ chi phí cơ sở hạ tầng, và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, thu hút lao động trẻ và có trình độ.
TRUNG QUỐC VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ MỚI TẠI VIỆT NAM
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu về số dự án đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, vượt qua các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian này. Trung Quốc chiếm 29,7% số dự án, đánh dấu mức tăng hơn 7 lần so với trước đây. Chính phủ Việt Nam đã khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, và công nghiệp chế tạo chất lượng cao.
Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Sự gia tăng đầu tư này bắt đầu từ năm 2019, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang và kinh tế Trung Quốc chậm lại. Ngoài ra, chính sách Zero Covid của Trung Quốc bị bãi bỏ cũng thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả các tập đoàn lớn trong các ngành công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, và năng lượng tái tạo, đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Điển hình là Tập đoàn BOE với dự án nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại Bà Rịa-Vũng Tàu và các dự án lớn khác ở Bắc Ninh, Bắc Giang, và Thái Bình. Sự tăng tốc đầu tư của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng liệu có nên suy nghĩ tới sự phụ thuộc của kinh tế VN vào người Trung Quốc hơn nữa?
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Tuần này các chuyện gia góp ý thật xôm. Chúng ta có 7 anh chị, thì ngoại trừ chị Nguyễn Phi Vân đang bận tham dự Hội chợ quốc tế nhượng quyền ở Thượng Hải thì 6 anh còn lại đều có góp ý. Và tôi bị “ngắc ngứ” lâu nhất là làm sao xử lý thật khéo 5 bài trong số bài của 6 anh đều viết về hàng Trung Quốc xuyên biên giới. Cuối cùng tôi xin phép các tác giả đưa ý kiến chuyên gia Phạm Trong Chinh và Cao Minh Việt vào chung bài tôi đang viết: “Vì sao tôi phải mua hàng Việt?” (mà xương sống là các ý kiến của anh Phạm Trọng Chinh) còn lại các ý kiến của các anh Phạm Ngọc Hưng, Ngô Đình Dũng, Hồ Nguyên Thảo và Đồng Phước Vinh thì giữ ở phần Bình luận của chuyên gia.
Mời bạn theo dõi các ý kiến bình luận này:
Ông Phạm Ngọc Hưng
Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn. *
Ý NGHĨA CỦA MẤY CHỮ CÔNG NGHỆ CAO TRONG NÔNG NGHIỆP
Mười năm trước, một người bạn của tôi đã thuê lại cơ sở của Trung tâm giống thuỷ sản An Giang rồi nhập tôm bố mẹ từ Israel về để sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực, và đấy có thể coi là cơ sở nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
Do tôm càng xanh đực trưởng thành có kích thước lớn hơn hẳn con cái, đồng thời có giá bán cao hơn, nên sản xuất tôm giống toàn đực có hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, tại giai đoạn đó, cơ sở giống của bạn tôi phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác Israel, là phía nắm bí quyết công nghệ gây bất hoạt gen bằng iRNA để chuyển giới tôm đực thành tôm cái giả (sau đó cho phối với tôm đực thật). Sự phụ thuộc hoàn toàn đó dẫn tới cơ sở của bạn tôi phá sản sau một tai nạn nhập tôm giống về bị chết hàng loạt.
Câu chuyện đó là một điển hình cho thấy cần nông nghiệp công nghệ cao, không thể phát triển nếu không có vai trò tích cực của các viện trường đại học trong nước, một mặt, các doanh nghiệp cần phát hiện đề tài để đặt hàng cho các viện trường, một mặt khác, các viện trường cần tích cực trao đổi hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển của mình.
Đáng tiếc là hiện tại, chưa hình thành mối quan hệ cộng tác chặt chẽ giữa người nghiên cứu và người kinh doanh, nên Việt Nam vẫn chưa có giống sầu riêng của mình mà vẫn dùng giống Monthong của Thái, khiến cho việc quảng bá "sầu riêng Việt Nam" tại nước ngoài chưa thuận lợi, hay doanh nghiệp trồng dứa để xuất sang Nhật vẫn phải mua giống từ nước ngoài.
Thế nên, chừng nào các viện trường đại học còn chưa thể hiện vai trò tích cực của mình, thì "nông nghiệp công nghệ cao" vẫn chưa thể cất cánh.
Ông Hồ Nguyên Thảo
Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.
TRUNG QUỐC GIỎI CẢ SẢN XUẤT CÔNG NGHỆ CAO LẪN ĐẠI TRÀ
Trung Quốc đang chiếm lĩnh cả hai thái cực của nền sản xuất toàn cầu, công nghệ cao lẫn nền sản xuất đại trà với công nghệ thấp hơn. Các hãng xưởng sản xuất của phương Tây và Trung Quốc đang di dời ra khỏi đại lục khi giá nhân công đại lục ngày càng đắt hơn và giữa bối cảnh các cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Thế nhưng các nhà phân tích nói, cho dù có di dời sản xuất, trong bốn năm nữa và có thế là cả hai, ba hay nhiều kỳ Thế vận hội, Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ khó thay thế vai trò công xưởng sản xuất của thế giới của Trung Quốc. Bởi lý do Trung Quốc đã xây dựng thành công hệ sinh thái chuỗi cung ứng phủ khắp mọi ngành sản xuất, từ thâm dụng nhân công đến công nghệ tiên tiến.
Hôm Thứ sáu 2-8, tôi có dịp trò chuyện với đại diện một hãng công nghệ Trung Quốc và công ty đại diện của họ tại thị trường Việt Nam. Công ty này bán các phần mềm đo đạc, phân tích, thực tế ảo… cho các công ty dệt may Việt Nam. Anh chàng đại diện khoảng 36 tuổi nói với phía Việt Nam rằng: “Các bạn nên có mặt tại hội chợ Canton Fair ở Quảng Châu vào tháng 10 tới. Hầu hết các công ty dệt may Việt Nam đều có mặt tại hội chợ này. Họ đông thứ hai vềsố khách tham quan và công ty triển lãm, chỉ xếp sau Bangladesh. Họ không thạo tiếng Anh lẫn tiếng Trung”…
Vị đại diện đó chỉ đúng “tim đen” của các nhà sản xuất Việt Nam rồi chứ gì…
Còn hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ hay ưu đãi các ngành nghề sản xuất nội địa vẫn còn chờ và không biết bao giờ.
Ông Ngô Đình Dũng
Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.
PIN TỪ MUỐI NATRI – NGÔI SAO ĐANG LÊN CHO NGUỒN NĂNG LƯỢNG BỀN VỮNG
Đó là Pin Natri-ion, một công nghệ cách mạng làm thay đổi cách chúng ta sử dụng năng lượng tái tạo.
Thế giới tương lai có thể là thế giới của nguồn năng lượng từ công nghệ pin sodium thay vì các nguồn pin litium như hiện nay. Giáo sư Peter Newman AO, chuyên gia về Phát triển Bền vững tại Đại học Curtin, đã nêu một số ưu và nhược điểm của pin natri-ion trong bài báo của mình, với các điểm tích cực bao gồm công nghệ sản xuất pin lithium-ion rất giống với pin natri-ion nên có thể chuyển đổi dễ dàng, natri dồi dào hơn nhiều so với lithium và pin natri-ion giữ được năng lượng lâu hơn và sẽ giảm các vấn đề môi trường trong khai thác, tái chế và xử lý lithium. Giám đốc điều hành của Faradion James Quinn cho biết natri có mặt khắp thế giới và chi phí khai thác rẻ hơn. Ngoài ra, việc chiết xuất một tấn lithium tốn nước gấp 682 lần so với chiết xuất một tấn natri.
Tuy nhiên, điểm hạn chế hiện nay của pin sodium so với lithium là pin natri đòi hỏi nhiều không gian và năng lượng hơn để giữ cùng dung lượng năng lượng, nhưng điều này cũng đang được cải thiện.
Giáo sư Newman cho biết ông luôn nghĩ rằng đột phá trong năng lượng tái tạo sẽ là ở việc lưu trữ và giờ đây pin natri-ion đang ngày càng tốt hơn trong việc lưu trữ dài hạn.
Tuy nhiên, ưu thế vượt trội của “Pin natri-ion so với pin lithium là ở thời gian trữ điện của nó lâu hơn vì nguyên tử natri lớn hơn nguyên tử lithium, do đó nó nặng hơn, nhưng nó cũng có thể tồn tại lâu hơn và giờ đây thời gian dự phòng cho lưới điện có thể lên đến một tuần, trong khi Pin lithium-ion chỉ tồn tại được vài giờ đối với lưới điện, và do đó chúng không phải là nguồn đủ tốt cho việc tạo ra hệ thống năng lượng ổn định,” ông nói.
“Đến năm 2027, pin natri-ion trên khắp thế giới sẽ được thương mại hóa và sẽ rẻ hơn gas nên chúng ta có thể gặp tình huống là không chỉ chúng ta có thể tạo ra 100% năng lượng tái tạo cho tiêu dùng, mà còn không cần phải trợ cấp cho nó. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ ước tính vào tháng 9 năm 2023 rằng pin natri-ion “dự kiến sẽ chiếm một thị phần đáng kể vào năm 2030.”
(Lược dịch từ Nguồn Sodium-ion batteries a potential sustainability superstar - and the Yarra Valley got on board early | Mountain Views Star Mail (mailcommunity.com.au)
Ông Đồng Phước Vinh
31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRUNG QUỐC NHÌN TỪ "LÁT CẮT" PHỤ KIỆN XE HƠI
Sức mạnh của thương mại điện tử của người Trung Quốc không chỉ có hệ thống bán hàng - giao nhận mà nằm ở chỗ nguồn hàng cực kỳ đa dạng.
Đơn cử như thị trường phụ kiện, đồ chơi xe hơi, người Trung Quốc cung cấp từ những món nhỏ xíu như nắp nhựa che ốc trên cửa xe, vít nhựa nở đến những món hàng điện tử như màn hình xe hơi, camera hành trình, kiếng chiếu hậu điện tử có kèm các phụ kiện như sưởi mặt kiếng, đèn soi chân, chống chói, gập tự động....
Một chiếc xe hơi có hàng ngàn món phụ kiện nhỏ xíu mà ngay cả đại lý bán xe chính hãng có khi cũng không còn hàng để bán, nhất là với loại xe có tuổi trên 10 năm hay các dòng xe không phổ biến ở thị trường Việt Nam.
Thế nhưng đây là chuyện nhỏ đối với các "pháp sư Trung Hoa". Không rõ hệ thống sản xuất được tổ chức ra sao mà họ có thể cung cấp bất cứ phụ kiện nào dù nhỏ, ít quan trọng và của xe đời cũ, có kể cả loại xe đã sản xuất từ 20 năm trước.
Ngoài khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng, phụ kiện xe hơi còn được bán kèm theo hướng dẫn rất chi tiết để người mua tránh mua lầm phụ kiện của kiểu xe khác. Với các loại phụ kiện điện tử, nhà sản xuất luôn kèm theo bản sơ đồ đi dây, hướng dẫn đấu nối rất dễ hiểu, dễ làm.
Sức mạnh này của nền sản xuất của nước láng giềng thật sự là mối lo rất lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ non trẻ của Việt Nam.