BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (21/10 - 27/10/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (21/10 - 27/10/2024)

27/10/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Tuần này, tôi xin chia sẻ các bài viết về các chủ đề đa dạng như chuyện khoe thành công của các doanh nhân trẻ, sẵn dịp tôi khoe luôn kĩ thuật xây nhà mới cho bà con vùng lũ của bạn kiến trúc sư Vương Hoàng Lê, rồi sẵn trớn tôi xin khoe luôn câu chuyện về một "giang hồ nhí" qua lời kể của một người bạn thiếu thời, và sau cùng tôi rất vui khi chia sẻ về một sự gắn bó suốt 30 năm giữa chuyên gia Richard Moore và hành trình xây dựng các thương hiệu Việt.

Bên cạnh đó, tôi cũng phải viết thêm về một đề tài đang nóng hổi những ngày qua: sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam và cách để doanh nghiệp thích ứng và sống sót trước "cơn bão" lớn này. Mời các bạn theo dõi ngay bên dưới.

TEMU - NHỮNG CHUYỆN ÍT ĐƯỢC NÓI TỚI

Temu đang quá hot trên báo và mạng xã hội.

Temu đang quá hot trên báo và mạng xã hội. Làm “nghề thị trường”, bút ký này tôi không thể không nói tới Temu, tôi xin  “ký” ở đây những câu chuyện còn ít hay chưa được nói tới hầu bạn đọc.... Đọc thêm

30 NĂM GẮN BÓ VỚI VIETNAM BRANDS

Tôi và chuyên gia Richard Moore tại cuộc hẹn cafe vào sáng 25/10

3 lần mỗi năm, mỗi khi ông đến Việt nam là chúng tôi có cử cà phê hội ngộ. Ông lớn hơn tôi 10 tuổi, bằng tuổi ông xã tôi nên tôi nhớ tuổi của ông rõ. Từ sau Covid, số lần ông đến Việt Nam giảm lại, còn 2. Nhà ông ở New York và tôi đã có lần ghé thăm tổ ấm này, nơi ông sống hạnh phúc với bà vợ Nhật.
Lần này ông về Việt Nam và vẫn hẹn cà phê. Hẹn trước một tháng, như kiểu làm việc chuyên nghiệp của ông.... Đọc thêm

PHẢI THẤY LÀ TEMU ĐÃ HIỆN DIỆN VÀ KINH DOANH Ở VIỆT NAM RỒI

Temu đã hiện diện và kinh doanh ở Việt Nam rồi... dù giấy phép thì vẫn chưa

Lại Temu nữa? Tôi đọc một còm của cô chủ CT trái cây cuộn Tư Bông: cô nhắc Temu hoài đến nỗi con tìm hiểu và cũng tải app của nó rồi, thì tôi hơi giật mình. Mình thúc giục cô ấy mua hàng Temu sao? Nhưng gần đây, tin nhắn của doanh nghiệp (DN và người tiêu dùng (NTD) dồn dập tới, và tuần qua, có 5 đơn vị báo chí (một báo điện tử, một đài truyền hình và 3 tờ báo lớn) liên tiếp yêu cầu tôi nêu ý kiến về tình hình “càn quét” của hàng giá rẻ TQ. Huống chi hãy xem thực tế. Chuyện tôi kể trên Tiktok: “Shein, Temu và người bán hàng thời trang ở Quãng Châu" mới 4 ngày đã có hơn 600.000 người xem.... Đọc thêm

KHI “GIANG HỒ NHÍ” GẶP LẠI BẠN THUỞ THIẾU THỜI

Tôi và một người bạn thuở thiếu thời tại lễ kỷ niệm 60 năm trường đại học Vạn Hạnh

Gặp lại bạn sau 50 năm, khi trường Đại học đã không còn, đây thực sự là dịp hội ngộ ấm áp. Gặp các bạn cùng khoa đã vui mà tôi còn gặp được anh bạn hồi mẫu giáo, cũng học Vạn Hạnh. Chỉ khác khoa, anh bạn Lê văn Hòa học phân khoa Giáo dục còn tôi học Khoa học Xã Hội.... Đọc thêm

MÓNG RỂ CÂY & PHIÊN BẢN THI CÔNG NHÀ Ở LÀNG NỦ

Thi công móng rễ cây tại thực địa

Hôm giữa tháng 8/2024, kiến trúc sư Vương Hoàng Lê có rủ tôi cùng bạn bè đi thăm một nhà máy ở Cần Thơ sản xuất cồn thực phẩm và phụ phẩm của nhà máy đang làm một số sản phẩm khác theo kinh tế tuần hoàn. Tôi đi thăm dù nhà máy ở hơi xa, vì thấy các “sản phẩm khác” này khá sáng tạo và tôi còn có thể giới thiệu một anh bạn khác có cách làm hiệu quả hơn. Cuối chuyến đi, Lê có giới thiệu cho tôi một công trình anh gọi là làm “bê tông đất biến tính” đã ứng dụng làm đường và làm cầu ở nông thôn (làm đan bê tông bằng đất (không cát, không cốt thép). Vốn “hay thắc mắc và đòi hỏi”, tôi gợi ý, Lê ơi, sao Lê không nghĩ tiếp chuyện làm.... Đọc thêm

KHOE MỘT XÍU ! ... MỸ VÀ TRUNG QUỐC CHỨ THƯỜNG ĐÂU!

Trái cây Việt Nam trên đường ra biển lớn

Nguyên văn của Ánh Ngọc là thế này : Khoe một xíu!
Còn câu kế là của tôi, Mỹ và Trung Quốc, đó là 2 nơi mà hàng của 2 cô gái khởi nghiệp “xứt xắc” này đã chốt được để chuyển hàng đến. Dây sớm như mọi ngày, 4 giờ sáng tôi nhận liên tiếp trong 8 tin nhắn từ 10 giờ tối qua, 2 tin nhắn của 2 cô gái mà tôi thực sự quí trọng. Ánh Ngọc và Các Thủy.... Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM Ở THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM HALAL TRUNG ĐÔNG - BẮC PHI

Gian hàng của Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Malaysia tham gia Triển lãm Halal quốc tế 2024. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo Thị trường Thực phẩm Halal Toàn cầu năm 2024 của Cognitive Market Research cho thấy giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt gần 2.548,5 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng lên 4.934,73 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 9,9% từ 2024-2031. Đặc biệt, khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) là một thị trường tiềm năng lớn nhờ vào dân số Hồi giáo tăng trưởng và nhu cầu về thực phẩm Halal ngày càng cao.

Thị trường Halal của MENA được dự báo tăng trưởng 9,15% mỗi năm từ nay đến 2030, với quy mô dự kiến tăng từ 192,6 tỷ USD năm 2022 lên hơn 228 tỷ USD năm 2024. Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số Hồi giáo, ước tính vượt 600 triệu người vào năm 2030, và nhu cầu cao từ thế hệ trẻ đối với các sản phẩm tiện lợi.

Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường Halal MENA, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chứng nhận Halal, tuân thủ các quy định khắt khe về sản xuất và chế biến theo luật Hồi giáo. Ngoài ra, việc thiếu sự đồng nhất trong quy trình chứng nhận Halal giữa các quốc gia Hồi giáo và chi phí cao cho dây chuyền sản xuất cũng là một thách thức lớn.

Tại thị trường Ai Cập và Saudi Arabia, hai trong những thị trường lớn của MENA, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều loại thực phẩm Halal như thịt bò, cừu, thủy sản chế biến, mỳ gói, và mỹ phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Mỹ, cũng như khó khăn trong việc đạt chứng nhận Halal và xây dựng niềm tin khách hàng. 

JOLLIBEE VƯỢT MẶT MCDONALD’S, KFC VÀ BURGER KING, DẪN ĐẦU BẢNG XẾP HẠNG THƯƠNG HIỆU THỰC PHẨM ĐÔNG NAM Á 2024

Bảng xếp hạng thương hiệu thực phẩm Đông Nam Á (Ảnh: CafeF)

Theo báo cáo mới nhất từ Campaign Asia và Milieu Insight, Jollibee - thương hiệu gà rán nổi tiếng của Philippines - đã vươn lên dẫn đầu danh sách các thương hiệu thực phẩm hàng đầu tại Đông Nam Á năm 2024. Với điểm số 67,35%, Jollibee đã vượt qua các tên tuổi lớn như McDonald's, KFC và Burger King. Bảng xếp hạng này được xây dựng dựa trên các yếu tố như nhận thức, chất lượng, trải nghiệm mua hàng và dịch vụ khách hàng tại các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Singapore.

Jollibee đã trở thành niềm tự hào của Philippines, không chỉ thành công tại quê nhà mà còn mở rộng ra các thị trường quốc tế. Các chuỗi thức ăn nhanh khác như Lotteria (Hàn Quốc), The Pizza Company (Thái Lan) và Haidilao (Trung Quốc) cũng được đánh giá cao trong khu vực, nhờ sự ủng hộ từ người tiêu dùng bản địa và cộng đồng người di cư. Tại Singapore, Haidilao đứng đầu bảng xếp hạng nhờ sự phổ biến của lẩu Trung Quốc trong cộng đồng người Hoa.

Ngoài ra, KFC và McDonald's vẫn giữ vị trí cao tại nhiều quốc gia trong khu vực. KFC dẫn đầu ở Thái Lan và Indonesia, trong khi McDonald's thống trị tại Malaysia. Tại Việt Nam, KFC đứng đầu, theo sau là Lotteria, Jollibee, McDonald's và Pizza Hut.

Jollibee hiện có hơn 175 cửa hàng tại Việt Nam và được xem là một trong những thị trường "cực kỳ sinh lời" của tập đoàn Jollibee Foods Corp.

SỰ TRỖI DẬY CỦA THỊ TRƯỜNG HÀNG HIỆU "SECOND-HAND"

Thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi đang ngày càng bị thu hút bởi việc mua đồ “second-hand”. (Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam)

Thế hệ Millennial và Gen Z đang ngày càng ưa chuộng việc mua sắm đồ "second-hand" (đã qua sử dụng) không chỉ để tiết kiệm mà còn nhằm giảm tác động môi trường. Xu hướng này góp phần vào sự suy giảm của ngành thời trang xa xỉ, khi người tiêu dùng trẻ từ bỏ việc chi tiền cho các sản phẩm đắt đỏ. Các tập đoàn lớn như Kering (sở hữu Gucci, Balenciaga) và LVMH đã chứng kiến doanh thu sụt giảm mạnh. Trong khi đó, những thương hiệu phục vụ nhóm siêu giàu như Hermes vẫn tăng trưởng tốt.

Các nền tảng bán đồ cũ như Vestiaire Collective và Sellier đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể khi người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm thời trang cao cấp đã qua sử dụng. Vestiaire tăng 7% doanh số trong khi Sellier tăng 25% trong năm ngoái, với các sản phẩm có giá thấp hơn đến 80% so với giá bán lẻ.

Mua sắm đồ cũ đang dần trở thành một lựa chọn mang tính bền vững, giúp kéo dài tuổi thọ sản phẩm và giảm khí thải carbon. Theo nghiên cứu, nếu mỗi người mua một món đồ cũ thay vì mới, lượng khí thải CO2 sẽ giảm tương đương với việc loại bỏ hàng triệu xe ô tô mỗi ngày. Dự báo đến năm 2026, thị trường đồ "second-hand" sẽ tăng trưởng 127%.

"CHIẾN THẦN" LIVESTREAM CŨNG BÁN HÀNG GIẢ

Lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok Phan Thủy Tiên (Ảnh do Tổng cục QLTT cung cấp)

Gần đây, nhiều vụ livestream bán hàng giả của người nổi tiếng bị phát hiện, gây lo ngại trong cộng đồng. Đầu tháng 10, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc từ TikTok Phan Thủy Tiên – một tài khoản có gần 5 triệu lượt theo dõi. Tương tự, nhiều vụ khác liên quan đến bán hàng giả qua livestream cũng bị phát hiện, như TikTok Shop Hương Anh ở Quảng Ninh bán hàng không có chứng từ hay Nguyễn Mai Store tại Cà Mau bán quần áo, túi xách, mỹ phẩm nhập lậu.

TS Đào Cẩm Thủy từ Đại học Kinh tế Quốc gia đánh giá, những người nổi tiếng biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân để bán sản phẩm, nhưng việc sử dụng danh tiếng cho hàng giả, kém chất lượng sẽ phá hủy thương hiệu và gây rủi ro cho người tiêu dùng. Bà Thủy đề xuất cần xử phạt mạnh hơn, kể cả hình sự, để ngăn chặn hành vi này.

TIKTOK TUNG CHIÊU MỚI: KẾT NỐI NHÀ SÁNG TẠO VỚI NHÀ SẢN XUẤT, GIÚP KOL BÁN SẢN PHẨM RIÊNG
Mua sắm là trọng tâm chính của TikTok trong giai đoạn tới (Ảnh: Business Insider)

TikTok đang mở rộng vai trò của mình từ nền tảng chia sẻ video sang một trung tâm thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ người sáng tạo nội dung bán các sản phẩm cá nhân hóa trực tiếp cho người hâm mộ thông qua TikTok Shop. Việc cá nhân hóa sản phẩm đã trở thành một xu hướng nổi bật trong giới người nổi tiếng và người sáng tạo, giúp họ tạo ra nguồn thu nhập ổn định và lâu dài từ sản phẩm mang thương hiệu riêng thay vì chỉ dựa vào quảng cáo với các thương hiệu bên ngoài.

TikTok không chỉ cung cấp nền tảng bán hàng mà còn kết nối các nhà sản xuất với người sáng tạo nội dung để phát triển các sản phẩm độc quyền. Điều này giúp những người có sức ảnh hưởng, dù có quy mô khán giả lớn hay nhỏ, có cơ hội tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu cá nhân. TikTok đồng thời quản lý toàn bộ quy trình, từ sản xuất đến tiếp thị và hậu cần, nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và giữ lại phần lớn doanh thu.

Ngoài ra, TikTok triển khai chiến lược phân phối sản phẩm mẫu miễn phí cho người sáng tạo để họ quảng bá sản phẩm qua video, và người sáng tạo có thể kiếm hoa hồng từ doanh số bán hàng. Tuy nhiên, tham vọng thương mại điện tử của TikTok có thể gặp thách thức nếu công ty phải rút lui khỏi thị trường Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm vào đầu năm sau, nhưng TikTok vẫn tiếp tục hoạt động trong khi chờ kết quả pháp lý.

DENTSU: 10 XU HƯỚNG TRUYỀN THÔNG CHỦ CHỐT NĂM 2025

Theo nghiên cứu mới từ Carat, dentsu X và iProspect với tựa đề “2025 Media Trends: The Year of Impact”, 10 xu hướng truyền thông cần chú ý vào năm 2025 là:

1.    AI thay đổi cách tiêu thụ nội dung và tương tác với thương hiệu.

2.    AI nâng cao chuỗi giá trị truyền thông.

3.    Tận dụng các khoảnh khắc nhỏ để chiếm lòng tin người tiêu dùng.

4.    Sức mạnh từ tệp khán giả ngách.

5.    Nắm bắt cơ hội từ TV kết nối (Connected TV).

6.    Sáng tạo giúp tăng khả năng tiếp cận.

7.    Thương mại bán lẻ tái định hình thị trường truyền thông.

8.    Đồng hành là chìa khóa tăng trưởng.

9.    Đầu tư vào quy trình phân phối quảng cáo số chất lượng.

10. AI mở rộng khoảng cách công nghệ.

Theo báo cáo, các tính năng AI mới nhất đang tạo ra những thay đổi lớn, vì chúng có sức mạnh tính toán cao mà chỉ các vi mạch của thiết bị cao cấp mới có thể đáp ứng. Không chỉ vậy, các tiến bộ công nghệ khác cũng có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách kỹ thuật số giữa những người có điều kiện tài chính và những người không có. Nhiều nội dung miễn phí trước đây giờ đang bị giới hạn sau các bức tường thanh toán, khi các nhà xuất bản tìm cách kiếm tiền từ khán giả của họ. Vì thế, truyền thông trong tương lai có thể sẽ trở nên phân mảnh hơn trên toàn cầu, khi công nghệ ngày càng trở thành vấn đề mang tính chính trị.

CEO BAIDU: BONG BÓNG AI SẼ PHÁ HỦY 99% NGƯỜI CHƠI

CEO Baidu Robin Li dự đoán chỉ 1% doanh nghiệp AI sống sót và phát triển thành "gã khổng lồ". Ảnh: Baidu

CEO Baidu Robin Li so sánh ‘cơn sốt’ AI hiện nay với bong bóng dotcom cuối thập niên 90 và dự đoán chỉ 1% doanh nghiệp sống sót.

Phát biểu tại hội thảo Future of Business của Tạp chí Harvard Business Review, CEO Baidu Robin Li nhận định: “Bong bóng là điều không thể tránh khỏi khi giai đoạn phấn khích ban đầu qua đi. Nó cũng lành mạnh thôi vì sẽ rũ sạch tất cả đổi mới giả tạo hay sản phẩm không phù hợp với thị trường”.

Ông dự đoán “chỉ có 1%” doanh nghiệp AI sống sót và lớn mạnh, tạo ra nhiều giá trị cho mọi người, xã hội. Ông còn cho rằng còn khoảng 10 đến 30 năm nữa trước khi công nghệ làm thay công việc cho con người.

“Các doanh nghiệp, tổ chức và người bình thường cần chuẩn bị cho sự thay đổi mô hình này”, ông nói.

Vẫn theo CEO Baidu, “ảo giác” do các mô hình ngôn ngữ lớn tạo ra không còn là một vấn đề. “Thay đổi đáng kể nhất trong 18 – 20 tháng qua là mức độ chính xác của những câu trả lời đến từ các mô hình ngôn ngữ lớn. Tôi nghĩ 18 tháng qua, vấn đề đó đã được giải quyết khá nhiều, tức là khi nói chuyện với chatbot, về cơ bản bạn có thể tin tưởng nó”.

Tại Trung Quốc, quê hương của Robin Li, Baidu và các “ông lớn” công nghệ khác cũng như hàng chục startup đều đã phát hành các mô hình AI riêng vào năm ngoái.

Một số startup huy động được nguồn vốn lớn từ những tên tuổi như Alibaba, Tencent. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra năm nay là các startup có thể tiếp tục dựa vào tiền của nhà đầu tư đến bao giờ, xét đến việc kiếm ra doanh thu từ thị trường nội địa “chật chội” như vậy rất khó khăn.

HUAWEI RA MẮT CHUỖI GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ THÔNG MINH CHO 10 NGÀNH CÔNG NGHIỆP

Huawei mang đến các ứng dụng tích hợp công nghệ thông minh vào các ngành công nghiệp khác nhau tại triển lãm công nghệ hàng đầu thế giới GITEX Global 2024 (Ảnh: Tạp chí thương gia)

Huawei đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Chuyển đổi số thông minh Công nghiệp tại GITEX Global 2024, đồng thời ra mắt loạt giải pháp chuyển đổi số dành cho 10 ngành công nghiệp, bao gồm dịch vụ công, vận tải, tài chính, điện lực, dầu khí, khai khoáng, bán lẻ, giáo dục, và y tế. Mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông minh. Ông Li Peng, Phó Chủ tịch Cấp cao của Huawei, nhấn mạnh việc kết hợp giữa mạng, lưu trữ, điện toán đám mây và năng lượng nhằm xây dựng hạ tầng số tiên tiến.

Huawei đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số từ năm 2023 và đã tổng kết hơn 100 trường hợp điển hình, thể hiện khả năng ứng dụng rộng rãi vào đa ngành. Công ty cũng thiết lập 14 OpenLabs toàn cầu để thúc đẩy đổi mới và hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp địa phương.

Ông Leo Chen, Phó Chủ tịch Cấp cao của Huawei, nhấn mạnh tầm quan trọng của AI và 5.5G trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mặc dù lộ trình này gặp nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái nhân tài. Huawei cam kết xây dựng hạ tầng ICT dựa trên AI, đồng thời ra mắt Sách trắng về Thực tiễn Chuyển đổi số Thông minh Công nghiệp, nhằm hỗ trợ đối tác và khách hàng trong kỷ nguyên thông minh.

TP HCM VỪA CÓ THÊM MỘT ĐẠI SIÊU THỊ, ĐƯA ROBOT AI VÀO PHỤC VỤ KHÁCH HÀNG

Robot AI phục vụ khách tại Co.opXtra Long Bình (Ảnh: Báo NLD)

Vào ngày 18-10, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã chính thức khai trương đại siêu thị Co.opXtra Long Bình tại tầng 2 của Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall, thuộc khu đô thị Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức, TP HCM. Đây là siêu thị thứ 5 thuộc hệ thống Co.opXtra, với mô hình tinh gọn, hiện đại.

Một điểm nổi bật tại Co.opXtra Long Bình là sự xuất hiện của robot AI mang tên Xtrabot, thu hút sự chú ý và thích thú của khách hàng. Xtrabot được thiết kế với giao diện thân thiện, giống như một nhân viên tiếp thị chuyên nghiệp. Robot này không chỉ giới thiệu các chương trình khuyến mãi mà còn trực tiếp phục vụ khách hàng bằng cách mang đến những sản phẩm dùng thử như trà, cà phê, bánh kẹo.

Ngoài Xtrabot, Co.opXtra Long Bình còn tích hợp nhiều tiện ích hiện đại như tủ giữ đồ thông minh sử dụng mã vạch, quầy tự thanh toán và máy nấu mì tự động, mang lại trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho khách hàng.

Co.opXtra Long Bình là sự kết hợp giữa Saigon Co.op và NTUC Fairprice (HTX hàng đầu của Singapore), tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ tại Việt Nam.

BI HÀI CHUYỆN THỊ TRƯỜNG CAU: GIÁ 'LÊN ĐỈNH' RỒI BẤT NGỜ 'LAO DỐC'

Sau khi tăng kỷ lục, giá cau tươi bắt đầu lao dốc do Trung Quốc ngừng mua. Ảnh: Hà Nam

Nhiều ngày nay, mặt hàng cau bỗng nóng. Giá cau lập kỷ lục rồi bất ngờ thương lái biến mất và giá lao dốc.

Bài học TQ mua móng trâu, lá điều tươi, giun đất, đỉa, ốc bươu vàng… giá từng cao ngất ngưởng trước khi giá cả lao dốc không phanh đã từng là lời cảnh báo đắt giá cho việc quá phụ thuộc vào một thị trường. Phải chăng, bài toán xuất khẩu chính ngạch vẫn là bài toán vững chắc hơn?

Và lại một kiểu mua bán kiểu TQ nữa: Trung Quốc mua cau làm kẹo, đưa ngược sang chợ Việt bán 3,3 triệu/kg.

Ở quốc gia tỷ dân này, cau được sử dụng như một vị thuốc quý. Trong Đông y, cau là vị thuốc để chữa một số bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá, ngăn ngừa thiếu máu, chữa dị ứng ngoài da...

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử, kẹo cau Trung Quốc được rao bán la liệt với giá phổ biến từ 60.000-200.000 đồng/gói, tùy trọng lượng và thương hiệu. Nếu tính theo cân, 1kg kẹo cau có giá khoảng 3-3,3 triệu đồng tuỳ loại.

STARTUP ASEAN GỌI VỐN KÉM NHẤT TRONG SÁU NĂM QUA
Các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã huy động được tổng cộng 979 triệu USD trong quý III. Ảnh: Nikkei Asia Review

Các startup ASEAN chỉ gọi được 979 triệu đô la cho 134 thương vụ trong quí 3. Đây là mức thấp kỷ lục trong sáu năm qua và là lần đầu tiên từ 2019 số vốn gọi được trong quí dưới mức 1 tỉ đô la.

Bên cạnh con số gọi vốn thấp kỷ lục nói trên do DealStreetAsia ghi nhận, theo dữ liệu của Crunchase, trong quí 3 nguồn vốn mạo hiểm đổ vào các startup châu Á cũng giảm xuống còn 13,2 tỉ đô la, giảm 44% so với con số 23,8 tỉ đô la của cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ mốc 13 tỉ đô la của quí 1-2015.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 4 chuyên gia gửi bình luận cho bản tin. Mời bạn đọc các lời bình.

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

THÍCH ỨNG VỚI THAY ĐỔI
Sáng nay tôi trò chuyện với một người bạn làm giám đốc một quỹ đầu tư. Anh kể về một khách hàng của quỹ anh, Bút bi Thiên Long đã từng tái cấu trúc sản phẩm và lật ngược con đường xuống dốc như thế nào.

Bút Bi Thiên Long là tên cũ, nay Thiên Long không chỉ sản xuất bút bi mà còn rất nhiều loại văn phòng phẩm, từ giấy vở, sổ lò xo đến hồ dán đến kẹp hồ sơ… Và khi công cuộc số hoá lan rộng trên toàn quốc, từ công sở cho đến công ty, trường học, thì Thiên Long trở thành nạn nhân số 1 và doanh số dần dần đi xuống. Trước một thị trường thoái triển với tốc độ cao, Thiên Long đã mạnh dạn phát triển dãy sản phẩm mới cho trẻ em, trong đó thành công nhất là giấy và các loại bút vẽ. Và chỉ sau 2 năm, mặt hàng mới đã bù đắp được thất thu doanh số của những mặt hàng cũ.

Tôi cho rằng Thiên Long xứng đáng là một tấm gương về thích ứng trong thời đại thay đổi, mà rất đáng tiếc, là rất nhiều doanh nghiệp không nhận ra.

Một ví dụ là gần đây tôi được mời “khám bệnh” cho một doanh nghiệp chăn ga gối nệm. Sau khi thăm viếng vài đại lý trong hệ thống bán hàng của họ, tôi rất ngạc nhiên khi họ đổ hết nguyên nhân khiến doanh thu xuống dốc là do “thương mại điện tử” và “cạnh tranh giá rẻ” mà không thấy rằng hệ thống cửa hàng mặt tiền đường không tiện đậu xe hơi, trong khi đó, những khách hàng đi xe hơi đang chuyển qua mua sắm tại các trung tâm thương mại, và nếu họ không thay đổi, thì công cuộc chuyển đổi từ xe máy sang xe hơi của cả xã hội sẽ khiến kênh bán hàng của họ ngày càng thu nhỏ.

Một ví dụ khác nữa là gần đây tôi viếng thăm một cửa hàng đồng giá 15,000 mới mở, chuyên bán hàng Trung Quốc. Ở cửa hàng đó tôi rất ngạc nhiên thấy cáp sạc Lightning dài 1 mét, là món hàng mà tôi vừa mua với giá 150,000 đồng ở Thế giới Di động cách đây không lâu. Tôi thấy ngay rằng với làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc, từ các loại đồ sứ, thuỷ tinh, văn phòng phẩm, đồ điện, điện tử… chắc chắn sẽ tràn ngập Việt Nam, mà nếu các doanh nghiệp không có biện pháp thay đổi thích ứng, thì sẽ hết sức khó khăn.

Và để sống sót trong làn sóng hàng Trung Quốc, thì dĩ nhiên là không thể cạnh tranh giá, vì không thể làm hàng giá rẻ hơn Trung Quốc… mà biện pháp tối ưu, đã được thử thách là phải làm hàng chất lượng tốt hơn và giữ giá.

Một ví dụ khác nữa là gần đây tôi có cơ hội nói chuyện với một doanh nghiệp sản xuất bếp gas. Doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi quá trình chuyển đổi bếp gas sang điện đã bắt đầu từ nhiều năm trước, và đã vượt qua phần nào khó khăn ấy khi đầu tư vào các loại bếp dã ngoại. Tuy nhiên, với nhận thức của số đông người tiêu dùng về sự nguy hiểm của bình gas, tôi cho rằng thị trường bếp gas dã ngoại rồi cũng rơi vào thoái triển, và nếu không mạnh dạn tìm kiếm thị trường mới và mở rộng ra ngoài bếp, thì doanh nghiệp tất yếu sẽ gặp khó khăn.

Chúng ta đang sống trong thời đại thay đổi. Chưa kể những thay đổi to lớn mà AI đang đem đến, thì những thay đổi ở người tiêu dùng cũng đang diễn ra chóng mặt.

Phong trào thuận nhiên, bắt đầu với vài bài viết trên facebook, giờ đã lan rộng thành một lựa chọn giá trị sống cho nhóm Millenials, và họ đang chuyển qua mua sắm những sản phẩm gần với thiên nhiên hơn. Giới trung lưu Việt Nam đang có tốc độ nở nhanh nhất thế giới, chắc chắn sẽ kéo theo sự mở rộng của phân khúc cao cấp trong các nhu cầu ở, nội thất, trang trí  và thời trang. Và nữa, người Việt Nam cũng đang già đi, nhóm người cao tuổi sẽ lớn dần lên, kéo theo đó là những nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ và nhất là thực phẩm chức năng cho các vấn đề của người cao tuổi.

Những thay đổi đó tạo cơ hội cho những startup mới, và cũng là đe doạ diệt vong cho nhiều doanh nghiệp hiện đang mạnh khoẻ. Trước đe doạ đó, chỉ có những doanh nghiệp dám thay đổi để thích ứng rồi mới có thể tồn tại.

Quy luật chọn lọc ấy sẽ không chừa ai cả.

Ông Cao Minh Việt

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.

SO SÁNH LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA TIKTOK SHOP QUA HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG MỚI VỚI CÁC CT THƯƠNG MẠI TRUYỀN THỐNG
TikTok Shop đang mở rộng hợp tác với các KOLs và các công ty sản xuất.

- Sức mạnh của KOLs và KOCs:
Người sáng tạo nội dung trên TikTok có khả năng tiếp cận lượng người theo dõi khổng lồ và khi họ bán sản phẩm mang thương hiệu cá nhân, sự tín nhiệm của người hâm mộ được chuyển hóa thành quyết định mua hàng nhanh hơn.

- Quy trình từ A-Z:
TikTok còn quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất, tiếp thị, bán hàng đến logistics. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí .

- Cá nhân hóa sản phẩm và mô hình DTC (Direct-to-Consumer):
Việc cá nhân hóa sản phẩm tạo ra cảm giác độc quyền cho người mua, đồng thời giúp KOL/KOC xây dựng thương hiệu bền vững và không phụ thuộc vào quảng cáo thuê ngoài. Đây là một cách tiếp cận mới so với các công ty thương mại truyền thống vốn thường dựa vào phân phối hàng loạt.

Tuy vậy, việc TikTok có thể thay thế hoàn toàn các công ty thương mại truyền thống còn phụ thuộc vào một số yếu tố:

- Chiến lược của công ty truyền thống:
Nhiều công ty đã dần chuyển hướng sang các mô hình D2C và tích hợp bán hàng qua nền tảng số. Các doanh nghiệp lớn cũng có thể tận dụng TikTok như một kênh phân phối bổ sung chứ không hoàn toàn bị loại bỏ.

- Hạn chế về phân khúc sản phẩm:
Mô hình của TikTok phù hợp hơn với các sản phẩm có tính cá nhân hóa cao (thời trang, mỹ phẩm, sản phẩm nghệ thuật) còn với những ngành hàng như điện tử, đồ gia dụng hay dịch vụ tài chính vẫn cần hệ thống thương mại truyền thống với sự quản lý nghiêm ngặt và chính sách hậu mãi rõ ràng.

- Vấn đề tin cậy và pháp lý:
Các công ty thương mại truyền thống xây dựng lòng tin qua thương hiệu lâu năm, hệ thống quản lý chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Trong khi đó, một số sản phẩm trên TikTok Shop có thể gặp phải vấn đề về chất lượng và quy định pháp lý, đặc biệt nếu các nhà sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

VỀ TÌNH HÌNH GỌI VỐN SÚT GIẢM CỦA CÁC START-UP ASEAN
Mức gọi vốn của các start up ASEAN sẽ tiếp tục giảm trong quí tới và cả năm 2025 do kinh tế toàn cầu trì trệ và căng thẳng địa chính trị leo thang. Việt Nam thường được xem là một đỉnh trong “tam giác vàng” khởi nghiệp ở khu vực, với hai đỉnh còn lại là Singapore và Indonesia. Quí 2 vừa rồi, Philippines đã vượt Việt Nam để lập nên một tam giác vàng mới.

Các startup Việt vốn được xem là “mình đồng da sắt”, trường thọ theo thời gian với số lượng không đổi (3.800 startup trong nhiều năm qua), từ hồi trước dịch Covid-19. Bốn startup kỳ lân với định giá trên 1 tỉ đô la của Việt Nam nay cũng chỉ còn ba, gồm MoMo, VNLife và Sky Mavis.

Thực tế khắc nghiệt là tình hình chung của hoạt động khởi nghiệp trên thế giới, đến 95% startup thất bại, và ngay cả kỳ lân trên 10 tỉ và cả 100 tỉ đô la cũng vậy. Cho nên, nếu tư duy cứng đờ thì sẽ khó có thể nhận ra tiềm lực mới và cơ hội mới mà có sách lược đúng đắn. Trong khi ta dửng dưng "há miệng chờ sung" thì sàn chứng khoán nước ngoài lại đi tìm startup Việt Nam để tư vấn chiến lược về kế hoạch quản trị, gọi vốn, kết nối với nhà đầu tư để startup Việt sớm lên sàn để trở thành kỳ lân mới.

 Những startup sắp trở thành kỳ lân này thường được gọi là soonicorn.

Tình hình đang khác một chút so với trước đây. Không phải startup Việt cậy cục, mò mẫm sang Mỹ để lên sàn New York hay Nasdaq. Lần này Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo lâu đời nhất của Nhật Bản đi tìm soonicorn ở Việt Nam.

Từ đỉnh thứ ba, Việt Nam đã tụt xuống hạng 4 về tổng thể, rồi 5 hay 6 ở các ngành mũi nhọn và định hình tương lai của thế giới. Chẳng hạn như AI. Vốn đầu tư của Việt Nam cho AI hiện đứng chót trong sáu nền kinh tế chính của ASEAN, sau Singapore (chiếm hơn 75% đầu tư cho khu vực), Indonesia (chiếm hơn 11%), Malaysia, Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, các số liệu và khảo sát cho thấy Việt Nam đứng thứ hai về số lượng các startup AI ở ASEAN sau Singapore, và đứng đầu khu vực và có thứ hạng cao trên thế giới về sử dụng các công cụ và giải pháp AI trong công việc.

Ông Đồng Phước Vinh

31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.

SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ DÙNG TỐC ĐỘ GIAO HÀNG NHANH LÀM VŨ KHÍ CẠNH TRANH
Cuộc chạy đua giữa các sàn thương mại điện tử hiện đang hoạt động tại Việt Nam đang ngày càng gay cấn trong bối cảnh thấp thoáng ngoài khơi là bóng các “chiến hạm” như 1688 và Taobao đều của Alibaba hay đã vào sát bờ như Temu, Shein.

Một điểm đáng chú ý : ở một sàn đang chiếm thị phần hàng đầu ở Việt Nam thì hiện nay tốc độ giao hàng trong một số trường hợp đã được đẩy nhanh đến mức như giao hàng hoả tốc. Cách đây vài ngày, một khách hàng ở quận 8 cho biết đặt mua một món hàng khá cồng kềnh là sào treo quần áo từ một shop ở TPHCM. Đơn hàng được đặt lúc 16g ngày 23/10 và được giao đến lúc 10g ngày 24/10. Phí giao hàng là 23.000 nhưng được miễn phí còn 0 đồng, ngoài ra giá sản phẩm này còn được sàn giảm thêm 28.000 đồng.

Có thể thấy qua đơn hàng này là xu hướng các shop trên sàn thương mại điện tử đang thay đổi theo hướng tập trung lưu kho một số sản phẩm thường được đặt mua và tổ chức giao hàng rất nhanh, thời gian tính bằng buổi thay vì bằng ngày hay tuần như trước đây. Có lẽ đằng sau sự thay đổi này là các chính sách tác động từ phía sàn để vừa thúc đẩy nâng chất lượng dịch vụ, vừa đào thải những nhà bán hàng yếu sức.

Tuy nhiên, vẫn có điều hơi buồn là cạnh tranh giao hàng nhanh vậy, lại cũng chủ yếu đẩy nhanh việc bán hàng Trung Quốc: khi nhận đơn hàng nhanh này, thì thấy đây là một sản phẩm nguyên đai nguyên kiện của Trung Quốc, từ thùng đựng tới giấy hướng dẫn sử dụng đều là tiếng Trung. Yếu tố nội địa duy nhất là … shop này có địa chỉ ở TPHCM.

Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.