BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (09/12 - 15/12/2024)
15/12/2024 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Mời bạn theo dõi các bài viết của tôi cũng như các bài gửi về từ các chuyên gia trong tuần qua:
NGHĨ VỀ CHIỀU SÂU VĂN HÓA CỦA THƯƠNG HIỆU GẠO QUỐC GIA VÀ HÌNH ẢNH XỨNG ĐÁNG CHO THƯƠNG HIỆU SẦU RIÊNG VIỆT?
Với tư cách là một marketer, tôi rất hào hứng với ý tưởng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, bởi lẽ đơn giản là một quốc gia xuất phát từ nền văn minh lúa nước mà không có chút danh tiếng nào về gạo thì rất đáng tủi.
Nhưng tôi cũng biết rằng muốn làm thì ý tưởng đó phải vượt qua năm bảy cửa ải cao vời vợi.…... Đọc thêm
SƯ MINH TUỆ - BỘ HÀNH VỀ MIỀN ĐẤT PHẬT!
Chiều nay, 15g ngày 12.12.24- thầy Minh Tuệ đã đặt chân vào đất nước Lào- để tiếp tục hành trình tu tập Hạnh đầu đà.
Thầy sẽ đi qua 5 quốc gia để đến đất phật Ấn độ.
Cảm nhận sau đây của nhà thơ (nhà nghiên cứu) Phạm Hiền Mây đã nói giùm mình nhiều điều…... Đọc thêm
24 NĂM ẤY, BIẾT BAO NHIÊU TÌNH
Không thể nhớ hết có bao nhiêu lần mình ngồi họp báo hay hội thảo ở hội trường rộng lớn này. Chiều hôm qua thì ngồi bên một nữ Phó chủ tịch, chị Nguyễn thị Minh Thúy, mới gặp lần đầu.
Khi sắp chia tay về, người ấy nói nhỏ, hôm nay chị nhắc ông Sáu Hội làm em cảm động, đó là ba chồng em. Mình chưng hửng... Đọc thêm
DOANH NHÂN (TỶ PHÚ CÔNG NGHỆ) NHẬN GIẢI THƯỞNG CHÍNH VINFUTURE 2024
Đi dự lễ trao giải Vinfuture, mình tò mò muốn biết nhân vật đang được chú ý nhất lúc ấy, ông áo da CEO Nvidia, có đến dự lễ không vì vào lúc đó, ông vẫn còn ở Hà Nội. Và khi mình được xếp ngồi cạnh 6 ông bà trong bộ sáu lãnh đạo Nvidia thì mình đoán... ông ấy sẽ đến... Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
NÊN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA CHO GẠO VIỆT VÀ TRÁI CÂY VIỆT KHÔNG? NHƯ THẾ NÀO?
Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng việc xây dựng thương hiệu gạo vẫn còn nhiều hạn chế. Các chuyên gia cho rằng thương hiệu mạnh không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế của hạt gạo mà còn khẳng định uy tín quốc gia trên thị trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, như sản phẩm gạo ST25 nổi tiếng, nhưng cần có chiến lược bài bản hơn để phát triển bền vững.
Các vấn đề như thiếu đồng nhất về chất lượng, không có nhãn hiệu quốc gia chính thức, và cách thức quản lý thương hiệu chưa hiệu quả
Thách thức trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt
Trước hết, ngành lúa gạo phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ
Chiến lược tiếp thị và xây dựng hình ảnh kém, chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở các thị trường lớn cũng gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng sản phẩm bị nhái hoặc mất thị phần.
Giải pháp chiến lược phát triển thương hiệu gạo Việt
Việc xây dựng thương hiệu cần có bài bản. Quan trọng nhất là giữ vững chất lượng, kế đó là xây dựng và giữ vững hình ảnh, uy tín. Việc chuẩn hóa chất lượng và minh bạch nguồn gốc xuất xứ sẽ tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng quốc tế.
Thứ hai, các chương trình xúc tiến thương mại cần được thực hiện mạnh mẽ, tận dụng các hội chợ quốc tế và nền tảng truyền thông để quảng bá. Chính phủ cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường trọng điểm, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để gia tăng giá trị thương hiệu.
Cuối cùng, việc xây dựng các liên minh giữa doanh nghiệp và nông dân để phát triển các vùng nguyên liệu chuyên biệt, kết hợp với chỉ dẫn địa lý, sẽ là chìa khóa để gạo Việt đạt được thành công lâu dài.
Với SẦU RIÊNG (SR) và DỪA cũng vậy. Lập luận, hiện ở TQ chỉ có mình SR mà trái mùa nên SR bị sượng, đành chấp nhận là kiểu lập luận rất tệ. Thái cấm đưa ra khỏi nước những trái SR cắt non hay bị oặt ẹo, xấu xí về hình ảnh. Cũng vậy, Philippines cấm xuất khẩu dừa trái để giữ hình ảnh và giữ nguồn nguyên liệu cho SP chế biến. Đó là vấn đề chính sách của nhà nước, phải có chính sách quản lý rõ ràng, kiên quyết.
TÒA ÁN MỸ VẪN MUỐN CẤM TIKTOK
Tòa phúc thẩm Liên bang Đặc khu Columbia ngày 6/12 đã bác đơn kiện của TikTok, khẳng định đạo luật yêu cầu ByteDance bán TikTok hoặc bị cấm không vi phạm chính án thứ nhất. Thẩm phán Douglas Ginsburg nhấn mạnh chính phủ Mỹ hành động để bảo vệ quyền tự do ngôn luận khỏi sự can thiệp của quốc gia đối địch và ngăn chặn thu thập dữ liệu người dùng Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland gọi đây là bước quan trọng trong việc ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng TikTok như một công cụ vũ khí hóa.
Đại sứ quán Trung Quốc phản đối, coi đây là hành động "cướp bóc thương mại". TikTok dự kiến kháng cáo lên Tòa án Tối cao, hy vọng nhận được sự bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Trong khi đó, một số nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp nhỏ lo ngại về tác động kinh tế nếu TikTok bị cấm, dù nhiều thương hiệu vẫn duy trì quảng cáo trên nền tảng này. Nếu TikTok biến mất, Meta và YouTube được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn từ việc thu hút ngân sách quảng cáo. Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và công nghệ.
HỘP QUÀ TẾT HƠN TRĂM NGHÌN ĐỒNG HÚT KHÁCHThị trường quà Tết 2025 khởi động với xu hướng tiết kiệm và tập trung vào các sản phẩm giá cả hợp lý. Hộp quà trong khoảng 150.000-500.000 đồng được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, phản ánh sức mua tăng nhẹ, khoảng 1-3% so với năm trước. Các siêu thị lớn như GO!, Co.opmart, Winmart và các cửa hàng bán lẻ đều tập trung vào phân khúc giá thấp để đáp ứng nhu cầu.
Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh chiến lược, tăng sản lượng các sản phẩm giá rẻ. Orion Vina đẩy mạnh hàng hóa từ 88.000-500.000 đồng, Tường An ra mắt giỏ quà gia vị giá 95.000-120.000 đồng. Tại TP HCM, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá 23.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm ngoái, trong khi Hà Nội tăng nguồn cung từ 7-25% tùy mặt hàng.
Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, chi tiêu FMCG dự kiến tăng 5% dịp Tết nhưng xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn chi phối do tài chính chưa hồi phục sau đại dịch. Với thói quen mua sắm sát Tết, thị trường dự kiến sôi động vào cuối tháng 12.
LẦN ĐẦU TIÊN SAU 14 NĂM, TRUNG QUỐC CAM KẾT NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐỂ HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG
Vào ngày 9/12/2024, Bộ Chính trị Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải" kết hợp với chính sách tài khóa chủ động trong năm 2025 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, với mục tiêu tăng cường tiêu dùng nội địa và ổn định nền kinh tế. Các biện pháp bao gồm cắt giảm lãi suất và mua tài sản, theo nhận định của chuyên gia Xing Zhaopeng từ ngân hàng ANZ.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc đã duy trì chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải" nhưng chuyển sang "thận trọng" vào cuối năm 2010. Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay, bao gồm sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và khủng hoảng bất động sản kéo dài. Tuy nhiên, các biện pháp tài khóa hiện tại tập trung chủ yếu vào hỗ trợ các nhà sản xuất và cơ sở hạ tầng, trong khi các chuyên gia cho rằng cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng để giải quyết sự mất cân bằng cơ cấu trong nền kinh tế.
DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU LÚNG TÚNG XOAY SỞ VÌ NHIỀU ÁP LỰC THỊ TRƯỜNG
Tình hình chính trị bất ổn tại Đức và Pháp – hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu – đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế EU.
Sự trở lại của Donald Trump và căng thẳng thương mại với Trung Quốc, sự sụp đổ của các chính phủ liên minh tại hai quốc gia này cũng ảnh hưởng dự định cải cách KT 2 nước.
Các doanh nghiệp châu Âu, từ nhà sản xuất rượu cognac của Pháp đến nhà sản xuất phụ tùng ô tô Bosch của Đức, đang chịu áp lực lớn. Bosch lo ngại vì thiếu rõ ràng về chính sách công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện, và chỉ hy vọng vào sự định hình sau cuộc bầu cử ở Đức. Tương tự, Lufthansa đang đối mặt với phí sân bay cao nhưng chưa nhận được phản hồi từ chính phủ. Tại Pháp, việc Quốc hội không đồng thuận ngân sách năm 2025 đang làm dấy lên lo ngại về các biện pháp tạm thời không hiệu quả.
Thuế chống bán phá giá từ Trung Quốc đối với rượu mạnh nhập khẩu châu Âu, sau động thái của EU về thuế xe điện, đe dọa ngành cognac Pháp. Thêm vào đó, nguy cơ áp thuế nhập khẩu 10% của Mỹ mà ông Trump đề xuất là một bài kiểm tra sự đoàn kết của EU. Việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và khối Nam Mỹ cũng bị đình trệ do tình hình chính trị tại Đức và Pháp.
TRÀO LƯU "HAUL" ĐANG GÂY TỔN HẠI TỚI CÁC NHÃN HÀNG HƠN BAO GIỜ HẾT
Chính sách đổi trả hàng miễn phí và dễ dàng từng là điểm mạnh của mua sắm trực tuyến, nhưng giờ đây hệ thống này đang bị lạm dụng, đặc biệt bởi các thế hệ trẻ. Những hành vi như “wardrobing” (mua hàng chỉ để sử dụng một lần rồi trả lại), “bracketing” (đặt nhiều kích cỡ hoặc màu sắc để chọn ra mẫu sản phẩm phù hợp nhất) và “staging” (trưng bày, khoe sản phẩm trên mạng xã hội trước khi trả lại) đang khiến ngành bán lẻ đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Hơn hai phần ba thế hệ Gen Z (69%) thừa nhận rằng họ thường đặt mua nhiều hơn nhu cầu thực sự để rồi sau đó trả lại một số món hàng, theo một khảo sát mới với 2.000 hộ gia đình ở Anh do công ty logistics thương mại điện tử ZigZag và tổ chức nghiên cứu Retail Economics thực hiện.
Gen Z quen thuộc với triết lý “thử trước, mua sau” với kiểu bán hàng của TikTok và Instagram đã khiến “văn hóa haul” trở nên phổ biến. Một số thương hiệu đã cố gắng đào tạo người tiêu dùng và thay đổi hành vi của họ bằng cách cung cấp thông tin về tác động môi trường của việc trả hàng. Lý thuyết áp dụng tính phí trả hàng như một biện pháp ngăn chặn. Các nhà bán lẻ thời trang nhanh, bao gồm Zara, H&M và Boohoo, đã triển khai chính sách tính phí trả hàng dao động từ 1,99 bảng Anh đến 3,95 bảng Anh.
CHIẾN LƯỢC "LOCAL TOUCH" – BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA CÁC THƯƠNG HIỆU QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM
Bí quyết "bản địa hóa" (localization) – với chiến lược "Local Touch" để hòa nhập văn hóa và tâm lý địa phương đang có thành công nhất định.
Hiểu người tiêu dùng Việt Nam là yếu tố cốt lõi. Người Việt không chỉ tìm kiếm chất lượng mà còn muốn thương hiệu tôn trọng văn hóa của họ. KFC, chẳng hạn, đã đưa các món như cơm gà hay gà giòn vị tỏi vào thực đơn để phù hợp khẩu vị địa phương.
Hợp tác với đối tác địa phương giúp thương hiệu tận dụng mạng lưới sẵn có và gia tăng giá trị bản địa. Starbucks đã ghi điểm khi sử dụng cà phê Việt Nam, vừa xây dựng lòng tin vừa tạo kết nối sâu sắc với khách hàng.
Ngoài ra, tôn trọng văn hóa qua chiến dịch marketing cũng là chìa khóa. Coca-Cola thành công khi gắn hình ảnh Tết Nguyên Đán và giá trị gia đình vào các quảng cáo, tạo cảm giác gần gũi với người tiêu dùng.
NVIDIA BẮT ĐẦU 'LÀN SÓNG' TUYỂN DỤNG LỚN, THU HÚT NHÂN TÀI TOÀN CẦU TỚI VIỆT NAM
Nvidia mới đây công bố tuyển dụng hàng loạt nhân sự tại Việt Nam, gồm 6 vị trí kỹ sư và nhiều vị trí quản lý cấp cao như kỹ sư kiểm tra, kỹ sư phát triển sản phẩm, quản lý hoạt động sản xuất, và nhà lập kế hoạch nhà máy. Những vị trí này yêu cầu ứng viên có bằng cấp liên quan đến Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Điện, kinh nghiệm từ 3-15 năm tùy vị trí, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quản lý.
Động thái này gắn liền với thỏa thuận giữa Nvidia và Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm R&D và Dữ liệu AI tại Việt Nam. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đây là cơ hội lớn để thu hút nhân tài, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nhân lực cao cấp. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến 2030 đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực trình độ cao, tuy nhiên hiện tốc độ phát triển nhân lực còn hạn chế. Với sự hợp tác từ Nvidia, Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực của một tập đoàn công nghệ lớn để tạo đột phá trong nghiên cứu và đào tạo.
2025 SẼ LÀ NĂM AI TRƯỞNG THÀNH VÀ 'ĐI LÀM'
Ông Marc Benioff, CEO của Salesforce và một trong những người lạc quan nhất về AI, tin rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới mà ông gọi là “Agentic Era”. Trong thời đại này, các AI tự động sẽ mở ra tiềm năng to lớn, thay đổi cách thức làm việc truyền thống và thúc đẩy năng suất vượt trội. Ông trích dẫn một ví dụ điển hình: tổ chức phi lợi nhuận College Possible đã triển khai một cố vấn đại học AI chỉ trong vòng một tuần, hỗ trợ hàng ngàn học sinh trước đây không có điều kiện tiếp cận tư vấn.
Ông Benioff tin rằng các AI agent hay còn được gọi là các “nhân viên kỹ thuật số” sẽ làm việc độc lập bên cạnh con người, đảm nhận các nhiệm vụ như chăm sóc khách hàng, quản lý kho hàng mà không cần sự can thiệp của con người.
AI Agent (tạm dịch: "tác nhân AI" hoặc "nhân viên AI tự động") là một hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng hoạt động tự động và ra quyết định dựa trên các mục tiêu cụ thể được đặt ra.
Theo nghiên cứu của Gartner, khoảng 1/3 các ứng dụng phần mềm doanh nghiệp sẽ tích hợp một dạng AI agent nào đó vào năm 2028, so với mức dưới 1% hiện nay. Ngoài ra, ít nhất 15% các quyết định trong công việc hằng ngày sẽ được thực hiện tự động bởi AI agent, thay vì con người.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều trở ngại trước khi AI agent được triển khai rộng rãi. Ban đầu, các ứng dụng chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như phát triển phần mềm, tự động hóa dịch vụ khách hàng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Nhưng ngay cả trong những lĩnh vực này, việc đảm bảo AI hoạt động ổn định là một thách thức lớn.
Các doanh nghiệp cần xây dựng nhiều lớp bảo mật, bao gồm cả “guardian agents” (AI giám sát) để theo dõi và kiểm soát các hành động của AI agent nhằm tránh sai sót hoặc hành vi không mong muốn. Khi các tổ chức triển khai hàng ngàn AI agent, việc quản lý và giám sát chúng trở thành một vấn đề phức tạp, đòi hỏi các nền tảng mới chỉ để giám sát.
Ngoài ra, những hạn chế nội tại của công nghệ AI cũng là rào cản lớn. Các vấn đề phổ biến như “ảo giác” (hallucinations) hoặc đầu ra không nhất quán của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) càng trở nên nghiêm trọng hơn khi AI được trao quyền hành động độc lập.
CÓ THỂ XỬ PHẠT NGƯỜI KHÔNG PHÂN LOẠI RÁC TỪ ĐẦU NĂM 2025?Từ ngày 1/1/2025, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu phân loại rác tại nguồn trên toàn quốc, nhằm giảm áp lực môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn như hạ tầng thu gom thiếu đồng bộ, thiếu hướng dẫn cụ thể và sự lúng túng từ cả người dân lẫn các đơn vị thu gom.
Hiện nay, Việt Nam phát sinh khoảng 67.877 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp (76,1%), nhưng nhiều bãi rác không hợp vệ sinh. Các thách thức bao gồm thiếu nhân lực, tài chính, và đầu tư từ xã hội. Đặc biệt, nhiều nơi dù đã phân loại rác nhưng quá trình vận chuyển lại trộn lẫn, gây lãng phí nỗ lực.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh, phân loại rác giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm và hỗ trợ sản xuất phân vi sinh. Nhưng để hiệu quả, cần liên kết từ hộ gia đình đến thu gom và xử lý. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng đề xuất đấu thầu công khai để doanh nghiệp đủ năng lực tham gia, đồng thời áp dụng nguyên tắc “thải nhiều, đóng phí nhiều”.
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Tuần này, có ba chuyên gia gửi lời bình về bản tin, mời các bạn theo dõi ở bên dưới:
Ông Hồ Nguyên Thảo
Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.
QUÀ TẾTTuần rồi, tôi có dịp đi dạo một vòng đại siêu thị Mega Market ở Thủ Đức, với sự hướng dẫn của chuyên viên tiếp thị và truyền thông của họ.
Chuẩn bị cho mùa Tết Ất Tỵ 2025, đại siêu thị này nói họ đã đổi chiến thuật, tập trung vào phân khúc giỏ quà giá rẻ, khoảng 300.000-500.000 đồng, thay vì phân khúc tầm trung trên 500.000 đến dưới 1 triệu đồng như mọi năm. Vẫn có giỏ quà cao cấp hơn, giá đến 2,5 triệu đồng. Nhưng có một giỏ quà của một nhà cung ứng Hà Nội, chỉ 285.000 đồng, gồm năm hũ mứt khô, hạt dưa và các loại hạt...
Mega Market nói năm nay doanh nghiệp đã chuẩn bị giỏ quà Tết từ sớm, nhà cung ứng lẫn các doanh nghiệp đều nói muốn tầm giá rẻ hơn năm ngoái.
Kết quả kinh doanh dịp Tết năm nay chắc cũng phải chờ những ngày sát Tết như mọi năm, khi người lao động đã nhận đầy đủ lương thưởng, mới dám “phóng tay” chi tiêu cho những ngày Xuân. Hãng nghiên cứu thị trường Kantar dự báo chi tiêu cho hàng tiêu dùng nhanh năm nay sẽ tăng khoảng 5% và thời gian chộn rộn mua sắm sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12.
Giỏ quà rẻ nhất thường là hàng nhãn riêng của Mega Market. Đại siêu thị này tự tin rằng những mặt hàng nhãn riêng của họ dự kiến sẽ bán chạy trong điều kiện thị trường hiện nay, với giá thấp hơn thị trường 5-10%, có mặt hàng cao hơn 20% và thậm chí 30-40%. Đặc biệt là với các công ty suất ăn, bếp ăn, nhà hàng, khách sạn… mua sắm “dạng sỉ”.
Ở 1-2 tuần cuối sát Tết, Mega Market mở những gian hàng riêng cho các sản phẩm OCOP 3-5 sao, và hàng thường bán được bởi “đây là những sản phẩm khéo, chủ yếu phục vụ ngày Tết” dù là giá nhỉnh hơn. Tùy năm và sự kiện, sẽ có gian hàng riêng cho các sản phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nhiều thương hiệu khác cũng đẩy mạnh nhóm mặt hàng ở phân khúc giá thấp. Chẳng hạn, hãng bánh kẹo Orion Vina đẩy mạnh hàng hóa từ 88.000-500.000 đồng, Tường An ra mắt giỏ quà gia vị giá 95.000-120.000 đồng… Sức mua của mùa Tết năm nay, đến giờ này, vẫn là ẩn số. Có lẽ doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn tâm lý “ba mươi chưa phải là Tết”...
CHUYỆN RÁC. Tuần này có 2 chuyên gia cũng hứng thú bàn chuyện rác.
Ông Đồng Phước Vinh
31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.
ĐẦU VÀO “PHÂN LOẠI RÁC” SẼ GẶP KHÓ NẾU THIẾU ĐẦU RA “ĐỐT RÁC”Quan sát các điểm thu gom rác hiện nay ai cũng thấy, dù có phân loại từ đầu nguồn thì rác vẫn bị trộn lẫn sau quá trình thu gom. Tất cả các bao rác thường được người thu gom xé ra, lựa những thứ có thể bán ve chai (phế liệu) cất riêng. Sau đó, các bao rác với phần còn lại sẽ được đổ chung vào xe rác chở đến bãi đổ.
“Quy trình” này sẽ khó thay đổi trong thời gian tới vì mang lại nguồn thu nhập cho người thu gom rác. Sau khi đã được thu thập hết "ve chai", rác đến nhà máy còn hai thành phần chính: chất thải hữu cơ và chất thải rắn khác trộn lẫn vào nhau. Với thực tế này thì việc sớm xây dựng các nhà máy có mức độ tự động hóa cao trong việc phân loại phần còn lại của rác là yếu tố quyết định. Nếu thiếu các nhà máy rác hiện đại như thế, việc phân loại rác đầu nguồn khó mang lại kết quả như kỳ vọng.
Trong khi đó, mục tiêu xử lý, tái chế rác thải kết hợp thu hồi năng lượng đạt 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 mà TPHCM đặt ra đã gần kề nhưng các dự án thì khởi động khá chậm. Gần đây nhất, nhà máy xử lý, đốt rác của công ty Tâm Sinh Nghĩa nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi khởi công cuối năm 2019 rồi “nằm yên” cho đến tháng 7 năm nay mới… khởi công lại. Trong giai đoạn 1 từ năm 2024 đến năm 2025, nhà máy này công suất đốt 2.000-2.600 tấn rác/ngày để phát điện.
Nhìn sang láng giềng, đầu năm 2024 tỉnh Bình Dương đã đưa nhà máy đốt rác phát điện có công suất phân loại, tái chế, xử lý rác hơn 2.500 tấn/ngày đi vào hoạt động sau 2 năm thi công. Trong khi đó TPHCM dù đã đặt ra nhiều kế hoạch cho việc đốt rác phát điện từ khoảng 10 năm trước thì đến nay vẫn chưa có nhà máy nào vận hành.
Ông Cao Minh Việt
Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.
NGƯỜI NHẬT LÀM GÌ VỚI RÁC?Nói chuyện rác, người ta thường nghĩ tới một đất nước nổi tiếng là sạch: Nhật Bản. Nhật Bản được biết đến với hệ thống phân loại và thu gom rác thải đô thị hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Quy trình này bao gồm việc truyền thông, hướng dẫn người dân, phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý tại nhà máy và quản lý chi phí liên quan.
1. Truyền thông và hướng dẫn người dân
Chính quyền địa phương tại Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chi tiết về quy định phân loại rác.Họ phát hành sổ tay hướng dẫn, tờ rơi và tổ chức các buổi hội thảo để giải thích cách phân loại và lịch thu gom rác. Thông tin này thường được cung cấp bằng nhiều ngôn ngữ để hỗ trợ cộng đồng người nước ngoài. Ví dụ, tại nhiều khu vực, các bảng hướng dẫn phân loại rác được đặt ở nơi công cộng và cung cấp bằng nhiều ngôn ngữ để người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện đúng quy định.
2. Phân loại rác tại nguồn
Người dân Nhật Bản được yêu cầu phân loại rác thải thành các nhóm chính:
• Rác cháy được (燃えるゴミ): Bao gồm rác thực phẩm, giấy vụn, vải và các vật liệu hữu cơ khác.
• Rác không cháy được (燃えないゴミ): Gồm kim loại, thủy tinh, gốm sứ và các vật liệu không cháy khác.
• Rác tái chế (資源ごみ): Chai nhựa PET, lon nhôm, giấy báo, tạp chí và các vật liệu có thể tái chế.
• Rác cỡ lớn (粗大ごみ): Đồ gia dụng lớn như tủ lạnh, máy giặt, đồ nội thất. Việc vứt bỏ loại rác này thường yêu cầu đăng ký và trả phí riêng.
Việc phân loại chi tiết giúp tối ưu hóa quá trình tái chế và xử lý rác thải. Người dân được hướng dẫn sử dụng túi rác đúng màu sắc và chất liệu theo quy định của từng loại rác, đảm bảo việc thu gom và xử lý diễn ra hiệu quả.
3. Thu gom và xử lý rác tại nhà máy
Rác thải sau khi được phân loại sẽ được thu gom theo lịch trình cụ thể do chính quyền địa phương quy định. Mỗi loại rác có ngày thu gom riêng, và người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình này. Tại các nhà máy xử lý rác, quy trình xử lý bao gồm:
• Rác cháy được: Được đốt trong lò đốt hiện đại, nhiệt lượng sinh ra được sử dụng để phát điện hoặc cung cấp nhiệt.
• Rác không cháy được: Được xử lý và chôn lấp an toàn tại các bãi chôn lấp được quản lý chặt chẽ.
• Rác tái chế: Được phân loại chi tiết hơn và chuyển đến các cơ sở tái chế chuyên dụng để tái sử dụng nguyên liệu.
• Rác cỡ lớn: Sau khi thu gom, được tháo rời và phân loại các thành phần để tái chế hoặc xử lý phù hợp.
Chi phí cho quá trình quản lý rác thải
Chi phí quản lý rác thải tại Nhật Bản khá cao, phản ánh cam kết của quốc gia trong việc bảo vệ môi trường. Bộ Môi trường Nhật Bản ước tính chi phí quản lý rác thải vào khoảng 15.300 yên (tương đương 138 USD) mỗi người mỗi năm. Con số này cao hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác; chẳng hạn, Thái Lan chỉ chi khoảng 2 USD mỗi người mỗi năm cho hoạt động quản lý rác thải ở các thành phố.
Tuy nhiên, chi phí cao này được xem là đầu tư cần thiết để duy trì hệ thống quản lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Người dân cũng đóng góp thông qua việc mua túi rác đặc biệt và trả phí khi vứt bỏ rác cỡ lớn, giúp chia sẻ gánh nặng chi phí với chính quyền.
5. Bài học cho Việt Nam
Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng hệ thống phân loại và thu gom rác thải hiệu quả. Điều này bao gồm việc tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của phân loại rác, đầu tư vào hạ tầng thu gom và xử lý rác hiện đại, cũng như thiết lập cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ hoạt động quản lý rác thải bền vững.
Việc áp dụng các biện pháp này sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.
Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.