THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG NGÓC NGÁCH

THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG NGÓC NGÁCH

Tôi vừa nhận tin nhắn này tối qua: “Tôi nhờ bạn mua rượu Mao Đài dùm cho tôi. Nó bấm bấm trên Wechat. 20 phút sau chai rượu được giao đến khách sạn chúng tôi đang ở. Đó, mua hàng ở Trung Quốc diễn ra với tốc độ như vậy. Bán hàng qua mạng ở Trung Quốc đã đạt đến cảnh giới "rẻ - tiện - nhanh". Chai rượu mua trong shop 1400, mua qua Wechat 1126, freeship đến tận nơi, chỉ mất vài phút giao dịch qua Wechat.

Bài học đầu tiên bạn tôi dạy: bán được hàng ở TQ phải rẻ và nhanh. Đắt hơn 1 tệ hay chậm giao 30 phút là mất khách. Và đêm đầu tiên qua thăm Thượng Hải, tôi ngồi nghĩ mãi: họ giao hàng trong 20 phút bằng cách nào giữa đường xá Thượng Hải đông đúc?

Khi đọc tin nhắn này, trên tay tôi cũng đang cầm báo cáo về chuyến đi Thượng Hải cùng đoàn doanh nghiệp dự Hội chợ Sial cuối tháng 5. Doanh nghiệp gặp nhiều nhóm khách hàng là các nhà bán hàng của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Taobao đến tìm hiểu, kết nối. Công ty (CT) bán bột rau đã nhận tín hiệu tích cực từ các công ty đi tìm Sản phẩm healthy tốt cho sức khỏe. Khách hàng sỉ luôn hỏi thêm thông tin về nguồn gốc vùng nguyên liệu, công nghệ sản xuất, lợi ích công dụng sản phẩm. Về mặt hàng gia vị, họ quan tâm nhiều nhất đến tiêu đen, tiêu trắng, quế cây. Một số thích thú với sản phẩm ăn liền Combo Phở.

Các đối tác bán hàng trang Ecomme cho biết họ sẵn sàng giới thiệu bán trên shop của họ nhưng cần phải có hàng nhập khẩu lưu kho sẵn tại kho China. H5 cũng gợi nhiều ý để các loại gia vị của Việt Nam điều chỉnh cho hợp hơn với khẩu vị người người Trung Quốc. Công ty Tây Cát (bánh chuối phồng Tư Bông) qua việc mời khách ăn thử thì đã phần nào nhận ra được một số vị sẽ được ưa chuộng hơn tại thị trường Trung Quốc. Sản phẩm của Tư Bông trước đó đã được bán ở Sam Club’s Trung Quốc, nhưng đối tác chỉ lựa chọn 4 trong số 8 vị mà Tư Bông sản xuất. Đợt này, Tư Bông có cái nhìn rõ hơn về khẩu vị để từ đó hỗ trợ các nhà phân phối tốt hơn.

Nhiều nhà phân phối cho rằng Việt Nam phải chú ý giá sản phẩm một phần vì hàng tiêu dùng Việt Nam chưa quen thuộc với người Trung Quốc, chưa được đánh giá cao trong dải hàng nhập, phần khác thì vì kinh tế Trung Quốc cũng giảm tăng trưởng, mua bán đang chậm lại nên giá cả sẽ càng nổi rõ tính quan trọng. Doanh nghiệp học được nhiều từ doanh nghiệp Trung Quốc về nghệ thuật đóng gói hàng (nhỏ hay vừa để giá bán phù hợp), bao bì bắt mắt, nhiều hàng mới đặc biệt là hàng ăn vặt của trẻ em. Hầu hết đều nhận xét hàng hóa Trung Quốc đang bán ở siêu thị rất đa dạng và áp dụng công nghệ mới, có tính sáng tạo cao.

Tại hội chợ, nhiều sản phẩm mới được giới thiệu, đặc biệt là hàng ăn vặt của trẻ em.

Vấn đề trở ngại chung của doanh nghiệp Việt là các thủ tục giấy phép nhập hàng và nhất là GIÁ CẢ làm sao để phù hợp với người tiêu dùng Trung Quốc. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là một số doanh nghiệp đang có hàng bán chạy ở Việt Nam đã bị người Trung Quốc đăng ký thương hiệu để giữ trước. Lại có thương hiệu sản xuất ở Trung Quốc nhưng cũng mở nhà máy nhỏ ở tỉnh gần biên giới Việt-Trung để đưa hàng trở lại với nhãn là hàng… nhập từ Việt Nam (người Trung Quốc thích hàng nhập).

Sản phẩm cà phê TQ nhưng lại lấy tên là "Cafe Sài Gòn"

Vì vậy, ngay chiều 13/6 tuàn tới, Ban tổ chức đoàn DN Việt đi Sial đã mời ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit có công ty phân phối bên Trung Quốc từ rất lâu sẽ trình bày cho doanh nghiệp về "Bảo vệ thương hiệu sản phẩm & Các vấn đề pháp lý khi tham gia thị trường Trung Quốc". Làm ăn với thị trường Trung Quốc, là thị trường lớn lại ở sát cạnh nước ta nên doanh nghiệp đều thấy rất cần thiết nhưng thị trường có rất nhiều ngóc ngách và người Hoa kinh doanh giỏi, lão luyện, đôi khi có những doanh nghiệp cạnh tranh bất chấp.