MỘT TOUR DU LỊCH LẠ LÙNG Ở SINGAPORE

MỘT TOUR DU LỊCH LẠ LÙNG                  Ở SINGAPORE

Làm việc ở Singapore, bạn trẻ Kelly Phương, làm tư vấn kinh doanh ngành game vừa gửi cho tôi bài viết về một tour du lịch lạ lùng này…


Tôi vừa tham gia tour du lịch này, theo lời giới thiệu của người bạn là founder của Seastainable - một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ môi trường biển ở Singapore và các nước Châu Á - Thái Bình Dương. 

Chuyến đi này làm tôi nhớ tới Phú Quốc, vì nó là một hòn đảo, nếu du lịch phát triển, lượng rác thải tăng, mà không có hệ thống xử lý rác hiệu quả, thì biết đem "giấu" đi đâu?  

Quay lại với Singapore, họ cũng có nỗi lo tương tự, đất chật người đông lại là một đảo quốc nhỏ, càng phát triển kinh tế thì rác thải càng tăng. Thật ra Singapore sử dụng nhiều bao bì nhựa sử dụng một lần cho đồ ăn, thức uống mang đi và giao hàng.

Họ có một vài hòn đảo vệ tinh nhỏ ở phía nam, đảo chính quá hẹp nên họ nghĩ tới việc sử dụng 1 hòn đảo chuyên cho việc lưu trữ rác thải - và gọi nó là Semakau Landfill. Hòn đảo này gồm 2 đảo nhỏ hơn - Pulau Semakau và Pulau Sakeng. Vài chục năm trước đây thì người dân vẫn sống ở đó trên các nhà chòi giống như những xóm chài ở nước mình. Bên cạnh các đảo nhỏ này, họ xây dựng thêm một hệ thống cơ sở hạ tầng lấn biển để đổ tro đốt từ rác mà không gây ảnh hưởng tới môi trường biển chung quanh.  

Sơ lược về hoạt động xử lý rác thải nhựa của Singapore: Hoạt động xử lý rác thải đều do Cơ Quan Môi Trường Quốc Gia (National Environment Agency - gọi tắt là NEA) quản lý và thực thi. Thông thường các bước xử lý sẽ bao gồm:

Thu gom: 

Quá trình thu gom rác sẽ được thực hiện bởi 3 công ty đã được chính phủ đấu thầu công khai thu gom, chia ra theo từng khu vực và phải qua chọn lọc kỹ càng và đạt mọi tiêu chuẩn mới được giao cho các gói thầu này. 

Hình minh hoạ: Việc phân chia thu gom rác theo khu vực giữa các công ty thắng thầu gói thu gom rác tại Singapore 

Phân loại & Xử lý:

- Các loại rác tái chế sẽ được đưa về cho các nhà máy tái sử dụng trong sản xuất công nghiệp

- Các loại rác thải sinh hoạt sẽ được chở đến trạm trung chuyển gọi là Tuas Marine Transfer Station. Tại đây, các loại rác này được chia tiếp tục ra làm hai loại: còn tạm dịch là rác thải không thể đốt (non-incinerable waste) và rác thải có thể đốt (incinerable waste). Các loại rác thải không đốt sẽ được đưa thẳng ra Semakau Landfill, còn các loại rác thải đốt được sẽ được đưa đến nhà máy xử lý đốt kế bên. Trong quá trình đốt, nhà máy sẽ tạo ra được một phần năng lượng lớn để thể được tái sử dụng (waste-to-energy), còn phần tro sẽ được vận chuyển ra cất ở Semakau Landfill. 

Ban đầu khách du lịch tập trung tại bên cảng, sau đó sẽ có 1 chiếc tàu chở khoảng 35 người đi ra Semakau Landfill. 

Bất ngờ đầu tiên

Lúc đầu khi nghe tới việc đi tham quan nơi giữ rác thải, tôi hỏi nhà tổ chức là có cần trang bị gì không, có phải mang khẩu trang hay mặc đồ bảo hộ gì không. Họ trả lời không. Cho tới khi tàu cập bến tôi thấy nó không khác gì một hòn đảo du lịch ở Nha Trang. Nước trong vắt, không khí trong lành, không có một chút mùi hay khói bụi gì, ngoài mùi xăng của những chiếc tàu chở người và chở hàng ra đảo.

Hoạt động đầu tiên là vào thăm một bảo tàng/ thư viện nhỏ, và được nghe một buổi thuyết trình của các "hướng dẫn viên du lịch" về mọi vấn đề về rác ở Singapore, những vấn đề gặp phải, đã giải quyết cũng như những tồn đọng và thách thức.  

Singapore công khai nhận rằng họ chưa làm đủ tốt việc thực hiện chủ trương 3R do NEA khởi xướng (Reduce - Recycle - Reuse). Kết quả thống kê về rác thải năm 2022 cho thấy dù họ đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu trong các vấn đề giảm thiểu rác thải. 

Năm 2022 là một trong những năm có lượng rác thải lớn nhất ở Singapore. Chỉ có 5.7% trên hơn 1 triệu tấn rác thải nhựa được tái chế. Theo thống kê của NEA, rác thải nhựa trên đầu người đã tăng gần 20% trong 15 năm trở lại đây. 

Singapore tự nhận mình là một đất nước của nhựa (A nation of plastic) với những con số đáng lo ngại. Nghe ra thì thật khủng khiếp, nhưng cái đáng sợ hơn là: ngoài Singapore, có nhiều nước quan tâm làm những thống kê như vậy để có thể tự nhìn nhận và có chiều hướng xử lý không?

Bất ngờ thứ hai

Sau khi được nghe "lý thuyết" thì đoàn được chia làm 2 xe để đi tham quan đảo Semakau. Hòn đảo rất yên bình, sạch sẽ, nhiều cây cối. NEA đã cho trồng và bảo tồn rất nhiều cây đước ở trên khu vực đảo này. Cây đước là cây ngập mặn sinh trưởng rất mạnh trong môi trường ẩm ướt, rất thích hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng ở Singapore. Đước và một số loài thực vật khác đã tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt gọi là hệ sinh thái rừng ngập mặn nhiệt đới, từ đó lớp bùn nhão ngày một được bồi đắp, nâng cao dần và mở rộng đất thêm ra phía biển - quá trình này được coi là hình ảnh ban đầu của diễn thế nguyên sinh để tạo ra các thảm thực vật nhiệt đới bền vững mới trong tương lai. Bên cạnh đó rừng ngập mặn còn là nơi cư trú của nhiều loài động vật như tôm, cua, cá, bò sát, chim và thú. Thực tế tôi đã gặp nhiều con bò sát lớn trên đường đi tham quan.

Một đôi lời nhắc lại về nạn rác thải nhựa ở Việt Nam châu Á và toàn cầu.

Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa biển nhiều nhất. Sông Mê Kông là một trong những con đường chính đưa rác thải nhựa ra đại dương.

Ở châu Á, các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nằm trong số những quốc gia sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Châu Á, sông Dương Tử và Mê Kông là những đường dẫn quan trọng cho rác thải nhựa chảy vào đại dương. Khoảng 80% nhựa biển toàn cầu đến từ các con sông châu Á. Do cơ sở hạ tầng quản lý chất thải không đầy đủ, có phần do phụ thuộc nặng nề vào các lĩnh vực tái chế không chính thức.

Việc xử lý rác thải không đúng cách thường dẫn đến việc đổ và đốt nhựa lộ thiên, gây ô nhiễm không khí và đất.

Sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng vọt từ 2 triệu tấn năm 1950 lên hơn 350 triệu tấn năm 2015 và tiếp tục tăng.

Một phần đáng kể lượng nhựa này trở thành rác thải, chỉ có khoảng 9% được tái chế, 12% được đốt và phần còn lại được chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

Người ta ước tính có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm, gây hại cho sinh vật biển và hệ sinh thái.

Nhựa phân hủy thành microplastic, hiện được tìm thấy trong nguồn nước, đất và thậm chí trong không khí, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và động vật hoang dã.

 

Danh sách các bài viết gần nhất: