MỞ CỬA KHO BÁU.

MỞ CỬA KHO BÁU.

Anh trao cho tôi một tập tài liệu mỏng. Tôi ngạc nhiên: anh nói, dự án “mở cửa kho báu”, sao có chừng ấy trang mỏng tang vậy? Ậy, kho báu ở đây mà, anh chỉ vào cái đầu , vào ngực trái và cười cười. Hãy từ từ, đâu còn có đó. Kho báu này càng mở ra càng kỳ bí, hấp dẫn, đã nói là vô tận mà.  Bỗng một trang báo rơi ra từ tập hồ sơ. Tiếng Anh, tôi đọc, nghĩa như vầy: “Đem ủ rượu vang dưới biển sâu”. Anh lượm trang giấy, không chỉ có tụi mình, người ta mới có sáng kiến này, cũng mở cửa kho báu rất hay nhé.

Thợ lặn đi thăm các chai rượu vang chôn dưới đáy biển sau

TỪ VIỆC ĐEM Ủ RƯỢU VANG DƯỚI BIỂN SÂU

Trang báo đăng một bài ngắn, có ảnh (mà ảnh chụp hơi tối, không đẹp). Một nông dân Úc đang cung cấp một sản phẩm mới độc đáo để thu hút những người đam mê rượu vang: đem rượu ủ dưới đáy đại dương xanh trong vắt như pha lê trên bờ biển phía tây nam Úc. Rượu vang hiệu Ocean Signature do Rare Foods Australia (RFA) sản xuất, được ủ nguyên chai trong một năm ở độ sâu 15 đến 20 mét dưới biển.

Rượu được tiếp xúc với áp suất và dòng chảy dưới đáy đại dương tối tăm trong 12 tháng và nhiệt độ nước luôn ở mức thấp chỉ từ 16 độ C đến 20 độ C.

Sóng biển và áp suất khiến men tác động lên rượu khác với ở hầm rượu, tạo ra hương vị phức tạp và êm dịu hơn. Nhiệt độ lại tự nhiên, không cần dùng điện để kiểm soát nhiệt độ.

Theo thời gian, bên ngoài các chai lại được bao phủ bởi hàu và các sinh vật biển khác, càng độc đáo. Nhiều nhà sưu tập và những người đam mê - đã chọn mua đến 2.300 chai, khởi điểm là 96 USD/chai. Công ty phải trang bị đủ 10 thợ lặn và tàu thuyền cần thiết xuống biển kiểm tra rượu mỗi ngày.

ĐẾN KHÁM PHÁ VÙNG ĐẤT MẶN PHÈN

Tôi chỉ biết nói một câu với người bạn thân: nhìn, nghe và hiểu như được thụ hưởng một đại tiệc về lịch sử tự nhiên Nam Bộ  vì được xem nông dân hóa rác thành vàng.

Lâu rồi, thầy Dương văn Ni, chuyên gia về đất ngập nước và đa dạng sinh học của đồng bằng rủ tôi, phải đi coi tận mắt, chị mới tin chuyện người ta thu hoạch cỏ hoang: hái, phơi, se sợi từng “cành, nhánh cỏ năn tượng” thành những món đồ tiểu thủ công xuất khẩu đi Mỹ, Úc  và châu Âu. Tôi từng biết cói, lát, lục bình cũng làm được đồ thủ công mỹ nghệ thiệt đẹp. Nhưng chưa nghe tới tên “cỏ năn tượng” bao giờ.

Đường từ Cần Thơ về Bạc Liêu, Cà Mau xa mị mị.  Chỉ thấy nối nhau những cánh đồng xơ xác đất nứt nẻ, cây cối trơ cành khô khốc. Đến đoạn có các dãy ao xuất hiện, chung quanh cỏ hoang um tùm như lau sậy thì chúng tôi xuống xe. Thầy Ni nói, ao này nuôi tôm, cỏ hoang mọc chung quanh bạt ngàn là năn tượng đó. Lâu nay là cỏ hoang. Chúng tôi gom về nghiên cứu, thấy có thể xài như nguyên liệu thay các nguyên liệu cũ đã cạn kiệt. Nhưng tôi đưa đến các nơi sản xuất đều bị từ chối, cho đến 2015, 2016, vài nơi bắt đầu “ngó ngàng” đến năn tượng . Nhưng rồi nó bị chê vì thân bị nhiều đốm đen như “sâu bệnh” trên thân. Tôi nghiên cứu kỹ rồi, biết không phải bệnh. Và tôi phải đem công trình nghiên cứu thuyết phục những doanh nhân chuyên đi thu mua nguyên liệu. Vì nể tôi mà họ chịu lội ruộng xuống tận nơi xem xét, nghe tôi giải thích về cơ chế cô lập muối  trong mô tế bào, nhốt muối lại, tích tụ thành những vết sẹo đen vô hại. Chứng minh khoa học của tôi được chấp nhận. Tưởng nhầm là thân cây bị bịnh, bị nấm mà không phải…Tôi chứng minh thêm về tính bền vững của cây nguyên liệu mới (Scirpus littorlis schrad) này: cỏ hoang tự sinh, không cần phân bón, chăm sóc, không có “đối thủ cạnh tranh” vì không có cây nào chịu được mặn như thế.

Anh Nguyễn văn Hai là người dạy nông dân sản xuất các sản phẩm thủ công từ năn tượng

Thầy Ni tự tìm người có nghiệp vụ xuất khẩu, tìm được doanh nhân biết làm nghề sản xuất thủ công này rồi cùng nhau tìm người chịu đứng ra tổ chức Hợp tác xã. Đến nay, đã có 3 hợp tác xã ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…được tổ chức, qui tụ gần 2.000 hộ nông dân nghề nuôi tôm, cá nước lợ, vừa nhận hàng đan năn tượng vừa trông coi ao tôm tại nhà. Hàng đưa về Bình Dương, nhờ kết nối 14.000 lao động nông thôn với Công ty chuyên kinh doanh xuất khẩu theo dự án của thầy Ni (Mekong Conservancy Foundation - MCF)- dây chuyền này, năm qua đã có doanh số gần 2 triệu USD.

TRước tổng kho chứa các sản phẩm lên pa lết, chuẩn bị chuyển lên container về Bình Dương

Các doanh nhân tìm thợ giỏi dạy nông dân đan nhiều mẫu thật khéo léo, tỉ mỉ và duyên dáng. Những chiếc ghế phòng ăn vững chắc, những tấm đệm lót sofa phòng khách hay tấm lót ghế của tài xế ô tô, nhất là các vật trang trí trên bàn bằng năn tượng, xen với thủy trúc, lát, bồn bồn…

Chủ nhiệm HTX giới thiệu các loại nguyên liệu phụ trợ cho đa dạng hình thức sản phẩm, bên cạnh cây năn tượng
Mẫu hàng xuất sang Hoa Kỳ cho mùa Halloween

Câu chuyện phát hiện cỏ làm nguyên liệu đan lát có vẻ không có gì mới lạ cao siêu, nhưng tôi phục ông thầy vì đau đáu đi tìm sinh kế cho nông dân mà theo tới cùng, chứng minh cho bằng được loại cỏ này là nguyên liệu chịu được biến đổi khí hậu, lành mạnh và có ích. Rồi cũng chính nhà khoa học đó kết nối với dân nhà nghề số 1 thu mua nguyên liệu, chứng minh mần ăn chuyên nghiệp từ việc trồng năn tượng trên ruộng lúa, vuông tôm có lợi nhiều thứ chứ không chỉ có thêm đồng vô đồng ra; và từ đó tổ chức từng thành tố trên chuỗi giá trị đến người cuối cùng lên container xuất hàng ra thế giới.

TÍNH TOÁN CỦA NHÀ KHOA HỌC TRƯỚC NGUYÊN LIỆU "HOANG DÃ MÀ RẤT QUÍ" NĂN TƯỢNG.

Tôi chăm chú ghi nhận phân tích cặn kẽ của nhà khoa học nông nghiệp Dương văn Ni ngay trên "hiện trường". Cỏ năn tượng là cây chịu được mặn, có khả năng lọc sinh học: Tự nó lấy Oxy trong tự nhiên đưa xuống bộ rễ; nắng gắt chừng nào thì nó làm việc hăng chừng nấy. TS Ni kể là ông từng điều hành Trung tâm Nghiên cứu đất phèn Hòa An, đã làm công trình giải mã giá trị năn tượng và phát hiện một phương cách "Trời cho" mà lâu nay mình không biết. Từ năm 2003 tới 2006, ông thí nghiệm trên thực địa tại Cà Mau, Kiên Giang, cho kết quả là có đủ bằng chứng thuyết phục rằng cây năn tượng có khả năng làm sạch nguồn nước.

Trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, năn tượng (Scirpus littoralis Schrad) là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão, giúp giữ lại lớp phù sa. Còn trong hệ sinh thái ao nuôi tôm, năn tượng giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra.

Nhà khoa học giải thích vì sao những đốm đen trên thân cây năn tượng chỉ là sẹo chứ không phải dấu hiệu bệnh

Thuận thiên là một quá trình rất dài, chúng ta nói nhiều về xung đột, mâu thuẫn. Tạm gác chuyện đó để tìm cho được giải pháp. Chưa dám nói năn tượng sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cỡ nào, nhưng có vẻ loại cây này đưa vào sản xuất là thuận ông Trời và thuận lòng người. TS Dương Văn Ni, Chủ tịch kiêm Giám đốc MCF, nói tiếp: "Hôm nay mình đi chỗ này là chỗ đất không đủ ngọt nữa, nên mới khuyến khích dân chuyển qua phát triển cây năn tượng vì cây này nó chịu được mặn. Nhưng thực tế là vùng này không đủ ngọt mà cũng không đủ mặn nên phải lựa chọn mô hình gì cho nó phù hợp. Ðó là mô hình trồng năn tượng gắn với nuôi tôm càng xanh. Khi mình làm mô hình nào thì định hình thị trường - các sản phẩm tham gia cái rổ hàng hóa, lao động, việc làm. Sản phẩm làm ra từ năn tượng nghĩ cho cùng là được khách hàng nước ngoài ưa chuộng nên chỉ nghĩ bán trong nội địa thì không ổn, phải tính việc sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu, còn con tôm càng thì tiêu dùng nội địa là được rồi.

Chủ nhiệm các HTX giới thiệu bản đồ vận hành nguyên liệu đếncác HTX

Qua câu chuyện làm mới rượu vang bằng công nghệ mới và tìm ra nguyên liệu năn tượng cho một công năng cũ, tôi thấy thiên nhiên thật kỳ diệu. Chỉ cần ta lắng nghe nó, yêu quí nó, hiểu sâu mọi điều nó thiết tha “dâng hiến” cho đời là nó sẽ cung cấp cho chúng ta biết bao trái quí hoa đẹp.

Nghe chừng vùng ven biển có tới 180.000 ha thích hợp với năn tượng, thủy trúc, lát, bồn bồn… khai thác nông sản trên vùng phèn mặn còn dư địa mênh mông lắm… 

TẠM KẾT CHUYẾN ĐI.

Ông thầy đưa tôi đi khám phá những cánh đồng “năn tượng” thực ra việc chính của ông (mà ông say mê) là xây dựng “Bảo tàng lịch sử tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long” . Trên đường đi, ông khám phá kho nguyên liệu giúp nông dân kiếm sống thêm những lúc nông nhàn. Bằng kho tàng kiến thức khoa học, ông chứng minh với nhà kinh doanh tính mạnh lành và hữu ích của cỏ năn tượng, và bằng trái tim ông theo đuổi việc xây dựng các hợp tác xã , dạy nghề cho nông dân nghèo. Tôi nhớ tới anh bạn tôi và dự án “Mở cửa kho báu vô tận” của anh. Và thật vui khi miên man nghĩ về hàng trăm bạn trẻ doanh nông đang cùng nhau khai thác kho báu thiên nhiên với mô hình “Tài nguyên bản địa và công nghệ mới” của chương trình “Khởi nghiệp xanh” làm ra bao sản phẩm mới nuôi sống bao gia đình, bao làng quê, góp sức cho việc làm sống lại, nền kinh tế ở đồng bằng. ..