ĐẠI TIỆC SEN ĐANG CHỜ BẠN!

ĐẠI TIỆC SEN ĐANG CHỜ BẠN!

Trong chập chùng những câu chuyện mà nhà nghiên cứu về lịch sử tự nhiên ĐBSCL và đa dạng sinh học Dương văn Ni nói với tôi trong chuyến đi tìm hiểu về “cỏ năn tượng" vùng này, tôi ghi nhớ: Hạt sen của huyện Tháp Mười là ngon nhất xứ, theo ông.. Vậy là bên cạnh Sen Huế (nấu chè ngon nổi tiếng) của Hồ Tịnh Tâm thì đất Đồng Tháp sản sinh ra loại sen ngon số 1 này. sản vật này rơi vào tay Đồng Tháp  (ĐT) thì...tôi thoáng tự hỏi, họ có biết không?

Thì ngay sau đó, tôi nhận được một lời mời ngọt ngào, ĐT muốn mời BSA tham dự và phát biểu trong Lễ hội Sen lần này.

Sen ở hồ Tịnh Tâm

Được lời như cởi tấm lòng, nhóm chuyên gia thị trường của cơ quan BSA của tôi họp bàn về thị trường mới trong, ngoài nước cho Đồng Tháp. Anh Ngô Đình Dũng được mời làm nghiên cứu chính. Tôi cũng góp tư liệu lần thực hiện chủ đề “Các đặc sản Nam Bộ” trong Mekong Connect 2019.

“Định kiến” cùng nhiều thiện cảm của tôi qua quan sát, tham dự trên thực tế với ĐT là từ nhiều năm nay, tỉnh Đồng Tháp có truyền thống năng động, luôn tìm cách tổ chức các Lễ Hội lớn đi kèm các ngày lễ lớn, huy động và phục vụ người dân tham gia mời được nhiều nguồn nhân tài khắp nôi làm nện những sự kiện lớn để tạo “cơ hội thị trường” cho dân hiểu sâu về đặc sản quê nhà, bán hàng, quảng cáo sản phẩm hay làm du lịch nông nghiệp. Ngoài 4 lễ hội truyền thống, họ tổ chức nhiều ngày hội từ các món bánh trái đặc sắc, họ tổ chức Lễ Hội  hoa Sa Đéc, ngày hội quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, du lịch Tràm Chim Tam Nông và Lễ Hội Sen...

Tỉnh ĐT tự giới thiệu là Lễ hội Sen sắp diễn ra có nhiều hoạt động nhất trước nay (30 hoạt động). Họ quảng bá cũng thật hay. Các cô em tôi rủ, Chị Ba đi coi 5.500 chị phụ nữ Đồng Tháp diễu hành áo dài Sen không? Tôi đùa coi “mấy bả” có hạ nhiệt sự háo hức: phải là 5.000 ông mặc áo sen mới lạ, mới nên đi coi chứ, thì mấy bả “tấn công” tới tấp, có 66.000 chậu sen với 57 giống sen triển lãm đẹp phải biết... Đồng Tháp “định vị” BSA là chuyên nghiên cứu thị trường cũng trúng khi nhờ BSA tham luận tại hội thảo sáng 18/5 với đề tài: “Sen - giải pháp mở rộng và tiếp cận khách hàng mới.  Cơ hội hợp tác quốc tế và xuất khẩu”.

Mấy cuộc họp sau hai tuần chia nhau làm nghiên cứu về các khía cạnh đã cho chúng tôi nhiều thông tin mới thú vị về Sen. Hình ảnh những búp sen xanh tinh khiết nay thường được các khách sạn 5 sao TPHCM cắm bình thành những "tác phẩm mỹ thuật" trang trí rất đẹp, hiện đại, cũng gây ấn tượng mới mẻ. Nhưng xem phân tích từ các quốc gia và thị trường khác nhau, ta mới thấy là cây sen là một loại cây độc đáo (có phần giống như cây lúa, cây dừa, cấy chuối của Việt Nam) mà tất cả thành phần từ rễ tới ngọn, 6 món,  đều đắc dụng cho đời sống và thương mại: củ sen, cành sen, lá sen, hoa sen, hạt sen và cả nhụy sen.  

Sen trăm cánh ở Đồng Tháp

CÔNG NĂNG ĐA DẠNG PHONG PHÚ CỦA CÂY SEN

  • Củ sen là món quan trọng trong ẩm thực Trung Quốc, Nhật Bản (gọi là renkon-dùng trong món tempura và món mừng năm mới) và món “sâm bổ lượng” thông dụng ở VN cũng có củ sen. Củ sen nấu canh, chiên, nghiền thành bột, làm đồ chua, đóng hộp...
  • Thân sen: thân non dùng làm món salad, nấu súp hay xào và làm dưa.
  • Lá sen: sấy khô dùng bọc thực phẩm, sấy trà và chiết xuất dùng trong thực phẩm và mỹ phẩm.
  • Hoa sen. Sấy khô làm đồ trang trí hay pha trà. Tinh dầu sen tạo mùi hương và nước hoa đặc sắc.
  • Hạt sen. Món quan trọng trong ẩm thực Trung Quốc.  Đặc biệt, hạt sen có thể được rang nổ, như bắp rang, phổ biến như món ăn nhẹ ở Ấn (makhana). Lại có thể nghiền thành bột nhão sau khi ngâm, dùng làm bánh tráng miệng của người châu Á. Hạt nẩy mầm từ hạt sen được chế biến thành một loại trà tốt cho sức khỏe.
  • Nhụy sen: vô địch về trà để ngủ ngon (tương truyền).

Trong 5 công dụng : thực phẩm và đồ uống, dược phẩm , mỹ phẩm chăm sóc da, sản phẩm trang trí và mỹ nghệ, sản phẩm dùng cho tôn giáo và nghi lễ (với hoa và lá sen), còn có một công dụng mới nữa, tôi sẽ đề cập cuối bài.

Đồng Tháp có nhiều công ty dược manh, khai thác Sen làm dược phẩm.

Như vậy, về ý nghĩa kinh tế, thương mại và văn hóa, sen là một cây quí. Tìm hiểu sâu hơn về các thị trường, có thể nói: dư địa để Việt Nam chúng ta khai thác là rất rộng. Và không nên chỉ nói để “đề bạt” cây sen, từ 4 câu ca dao “trong đầm...chẳng hôi tanh mùi bùn” mà cần tính toán căn cơ như một ngành kinh tế.

Có một tấm gương cho chúng ta về mấy từ “ngành kinh tế”. Tôi thấy, Thái Lan đối xử với sầu riêng đúng như một ngành kinh tế. Đầu tư sâu, ăn dày và ăn bền. Thái Lan xây dựng ngành này từ mấy chục năm rồi: Có luật, có chiến lược quốc gia, phân công các cấp các địa phương, các ngành nhiệm vụ rõ ràng (từ Thủ Tướng, Bộ Trưởng Bộ Thương Mại, cơ quan xúc tiến thương mại cấp quốc gia, các Viện, trường, cả quân đội và công an cũng làm đúng chức năng bảo vệ, giám sát kiểm tra và thực thi chế tài... Ngoài nước thì lập Hiệp Hội doanh nghiệp Thái-Trung hoạt động thực chất, mở mạng lưới các văn phòng, chi nhánh xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh thánh Trung Quốc... Ta thì muốn “ăn” nhanh, “ăn” nhiều nhưng chịu khó lên chiến lược quốc gia, đầu tư chất xám đúng mức để tổ chức có hệ thống, kiên trì, nghiêm túc thì...chưa làm được. Chỉ vài thắng lợi nhất thời là đã tung hô lên là... đẩy lùi Thái Lan xuống hạng nhì xuất khẩu sầu riêng ở Trung Quốc.

Chính câu chuyện chiến lược phát triển kinh doanh cho cây Sen cũng là một đề tài lớn, thử thách những ai thực lòng muốn đẩy mạnh kinh doanh thứ cây rất quí này.

VÀI DÒNG CẬP NHẬT XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU CHO NGÀNH SEN.

Mấy năm nay, nhất là sau đại dịch Covid 19, xu hướng “sức khỏe và sức khỏe”  đang chi phối thị trường toàn cầu. Ăn ngon là nhu cầu muôn thuở nhưng nhu cầu tăng cường thể chất, sức khỏe lại được xếp ở hàng đầu. Nên thị trường này đang tiếp tục phát triển, với số lượng người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm tự nhiên và có nguồn gốc thực vật ngày càng tăng. Riêng thị trường thực phẩm, yêu cầu đổi mới rất rõ: xu hướng kết hợp các nguyên liệu truyền thống với các nguyên liệu khác, sử dụng các công nghệ chế biến mới đưa vào các dạng đồ ăn nhẹ, chế biến hiện đại đang rất thu hút người tiêu dùng. Chúng ta có thể tìm hiểu những cách làm khác nhau ở các quốc gia thượng thừa về ẩm thực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc xem cách họ đổi mới và tận dụng sen truyền thống để mở rộng các thị trường mới. Nhìn kỹ, SEN có một sức hấp dẫn toàn cầu: sản phẩm gắn liền với thẩm mỹ , ý nghĩa văn hóa, tâm linh, lại có lợi cho sức khỏe ắt mang lại và thúc đẩy tăng trưởng trên các thị trường. Rất cần nghiên cứu những bài học này ở các quốc gia trên.

Trong khuôn khổ bài nhỏ này, tôi chỉ xin giới thiệu lướt qua vài suy nghĩ:

  • Cần quan tâm đến xây dựng chiến lược kinh doanh cấp quốc gia. Hiểu biết về vật lý nguyên liệu sen, về văn hóa, cộng với trình độ chuyên nghiệp về tiếp thị, có thể giúp ta điều chỉnh sản phẩm và tập trung chiến lược tiếp thị để đáp ứng thị hiếu và sở thích từng quốc gia (khách hàng xuất khẩu mới).
  • Vẫn tập trung luôn luôn và cao độ cho chất lượng và tiêu chuẩn (việc đạt các chứng nhận hữu cơ, không biến đổi gen...) có thể nâng cao gía trị sản phẩm và cả nâng cao khả năng tiếp thị thành công ở các thị trường đặc biệt quan tâm đến sức khỏe và thẩm mỹ.
  • Đổi mới công nghệ. Kết hợp chiết xuất hoa sen vào thực phẩm chức năng, hay phát triển các giải pháp chăm sóc da mới là các phân khúc thị trường còn rộng dư địa để VN khám phá.
  • Chú ý yêu cầu “bền vững”. Quan tâm các phương pháp canh tác và sản xuất bền vững và truyền thông khéo léo cho nỗ lực này có thể tạo thiện cảm, tin cậy nơi người tiêu dùng đang rất quan tâm bảo vệ môi trường và giúp tạo sự khác biệt trên các thị trường cạnh tranh. 

VÀI LỜI KẾT VỀ SEN

Gần đây theo dõi các hoạt động của kinh tế tuần hoàn, xây dựng “Thời trang chậm” và đẩy mạnh ngành tái chế, tôi thấy có sự tham gia tích cực của...SEN. Chúng ta ít chú ý đến triển vọng rất thời sự này. Thân cây sen đang được dùng sản xuất loại vải, khăn choàng sang trọng và thân thiện với môi trường. Cách này còn ít phổ biến vì tốn nhiều công và vốn lớn.

Tôi có nghe thông tin là các công ty châu Âu có đặt ngành may Campuchia làm các sản phẩm chiết xuất từ cành sen (?). Ở Việt Nam , tôi rất thích sơ mi sợi sen, làm từ bột lá sen và một ít hạt nhựa của CT Faslink. Sơ mi này đã được bán, vải nhẹ hơn vải bằng polyester, giá hợp lý, chừng 300.000 đồng một sơ mi đàn ông, mặc nhẹ và có nhiều tính năng hiện đại (khử khuẩn, chống ẩm, chống tia UV, không nhăn...). Nhiều nỗ lực của Faslink rất đáng ghi nhận trong cố gắng đưa ra các nguyên liệu thời trang từ bã cà phê, vỏ con hàu, bột sen, bạc hà...

Công nghệ mới, yêu cầu mới đang thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp tiến nhanh. Đó cũng là cơ hội lớn và thách thức không nhỏ cho Lễ Hội Sen vậy.