LẠI NÓI VỀ GIÁ VÉ MÁY BAY: THÔNG LỆ KHÔNG ĐƯỢC THÔNG CẢM !

LẠI NÓI VỀ GIÁ VÉ MÁY BAY: THÔNG LỆ KHÔNG ĐƯỢC THÔNG CẢM !

Chuyện đã thành thông lệ nhiều chục năm nay.  Cơ quan quản lý ra đề bài, hãng hàng không trả bài và…giá vé máy bay cứ tăng.

Cứ khoảng một tháng trước các dịp lễ Tết, Cục Hàng không lại gửi văn bản yêu cầu các hãng bay báo cáo về định giá vé, nhắc nhở không được tăng, rồi yêu cầu các hãng báo cáo việc họ giám sát chuyện định giá và bán vé…

Các hãng thường có 5-7 ngày để nộp “bài”  cho Cục.

Rồi chỉ vài ngày sau kỳ nghỉ lễ Tết, dù người tiêu dùng phản ứng chán chê, mệt mỏi và vẫn phải đau lòng móc túi mua vé giá cao trên trời.

Cục lại ra văn bản yêu cầu các hãng kiểm tra ngay công tác bán vé, thông tin minh bạch về giá bán, niêm yết giá…

Thời hạn để nộp “bài” lần này cũng 5-7 ngày sau đó.

Kiểu cách này làm hoài mà không thể nào kiểm soát được giá vé tăng, cơn ác mộng giá vé mắc hết hồn cứ tồn tại hàng chục năm qua tại Việt Nam.

Liệu có cơ chế nào đó có thể thay đổi ?

CÓ GIẢI PHÁP NÀO KHÔNG?

Đồng phục của hãng hàng không Úc

ACCC – Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và cạnh tranh của Úc – có thể là một giải pháp thích hợp. Bởi cơ quan này có thể tiếp nhận ý kiến của khách hàng, tiến hành hòa giải các xung đột lợi ích giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân và doanh nghiệp và giữa các công ty. ACCC cũng tiến hành  điều tra và giám sát các chính sách hay hành vi lạm quyền, độc quyền vi phạm lợi ích người tiêu và làm làm yếu đi sự cạnh tranh của nền kinh tế.

Các quyết định của ACCC như là phán quyết chính thức của tòa, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ. 

Đó còn là cơ chế cạnh tranh sòng phẳng giữa nhiều hãng bay nội địa. Thị trường trải qua các đợt nhiễu động thường xuyên hơn và dữ dội hơn trước khi Bamboo Airways và Pacific Airlines thu hẹp hoạt động, nhường đất cho thế “độc quyền đôi” của Vietnam Airlines (VNA) và VietJet Air.

Khi hoạt động trong một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quốc tế, các hãng bay Việt dường như lại làm tốt hơn chuyện ở nhà.

Tháng 8-2023, tuyến bay nối TP.HCM – Melbourne là tuyến bay quốc tế có giá vé mềm (rẻ) thứ năm ở châu Á – Thái Bình Dương, với giá vé một chiều từ 4,62 triệu đồng (195 USD thời điểm đó) – theo khảo sát của Agoda đối với các booking từ ngày 1 đến 14-8-2023 cho chuyến bay thực hiện trong tháng 9 và tháng 10-2023. Lúc đó, trên các đường bay Việt – Úc, có đến ba hãng bay Việt Nam thể hiện rõ ưu thế của thương hiệu. Đó là VietJet Air, Vietnam Airlines và cả Bamboo Airways.

Đồng phục có tính dân tộc của Singapore Airlines có tên là Sarong Kebaya, được nhà thiết kế người Pháp Pierre Balmain thiết kế năm 1968 đến nay, Hãng này không thay đổi.

THÌNH LÌNH VNA BÁO CÓ LÃI.

Cú sốc 18 triệu đồng cho chiếc vé khứ hồi TP.HCM – Hà Nội như vết thương bị xát muối của người tiêu dùng khi quá bực mà họ vẫn phải cắn răng mà móc túi. Nó lại càng đau và xót hơn giữa lúc Vietnam Airlines báo tin “bỗng nhiên có lãi” hơn 4.000 tỷ đồng trong quý 1-2024 sau khi được xóa nợ (của hãng con Pacific Airlines).

Nhiều tờ báo đồng loạt lý giải rằng nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh các hãng thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Hãng cũng mạnh dạn báo lãi lớn nhờ vào tái cơ cấu và đẩy mạnh các đường bay quốc tế.

Và rõ ràng, hành khách đã không được “tri ân” trong các báo cáo tài chính tuyệt đẹp thế này!

Ngoài kia, thị trường vẫn đang rất cạnh tranh và giá vé của người ta đẹp như mơ.

Bay châu Âu với hãng Turkmenistan Airlines chỉ khoảng 540 USD (hơn 13,7 triệu đồng).

Bay đến Toronto, Canada với Philippine Airlines với 570 USD (hơn 14,4 triệu đồng).

Đồng phục VNA thay xoành xạch mà mức lỗ của kinh doanh cũng ngất ngưỡng.

Các hãng hàng không đẳng cấp ở Trung Đông như Emirates, Qatar Airlines, Etihad Airways hay Turkish Airlines… cũng nhập cuộc với giá nhỉnh hơn chút, một chút mà thôi.

Nói thật, đã đến lúc khẳng định: thông lệ không thể được thông cảm nữa rồi!

PS. Bài này nhà báo Hồ Nguyên Thảo, tức Ricky Hồ, chuyên gia phân tích thị trường thế giới gửi (để trả lời một câu hỏi của bạn đọc) cho “Bản tin cuối tuần”  của tôi. Anh gửi giờ chót và chuyên mục “Bình luận của chuyên gia” của bản tin tuần này giới thiệu 2 gương mặt mới của chuyên gia: chị Nguyễn Phi Vân và Nguyễn Cẩm Chi.

Bài trả lời khá đầy đủ của chuyên gia tài chính Nguyễn Cẩm Chi về vụ “Tiếp thị liên kết của Shopee bị truy thu thuế 5 tỷ đồng, cùng với bài của chuyên gia Nguyễn Phi Vân về ứng dụng GenAI, nên phần bình luận đành chuyển bài qua phần đầu “Theo nhịp thị trường”. Vậy xin phép nói rõ, đây là bài của Nhà báo Hồ Nguyên Thảo.