KHI MÁY ĐƯỢC DẠY PHA RƯỢU VÀ NẤU ĂN.
Hôm qua, nền tảng maybe.vn đã phát video trò chuyện với doanh nhân Võ Quang Huệ. Câu chuyện rất phong phú, tuy nhiên tôi tâm đắc nhất là đoạn chia sẻ với anh nỗi bức xúc về đào tạo nguồn nhân lực cho VN. Không chuẩn bị trước mà khi nói tới khả năng rất tốt của lực lượng lao động trẻ Việt Nam (mà lại chưa được phát huy tốt) là tôi nói dễ dàng như “tuồng bụng” về cả 3 trường hợp hiện đến trong đầu tôi khi ấy. Chuyện anh Huệ đào tạo được một đội ngũ hơn 4.000 kỹ sư giỏi cho công ty (CT) Bosh. Chuyện tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đào tạo 731 kỹ sư và nhân viên kỹ thuật từ đại học Trà Vinh và đại học Cần Thơ và thứ 3 là chuyện tiến sĩ Lương Việt Quốc với drone HERA được cấp patent phát minh toàn cầu, qui tụ hơn 50 kỹ sư giỏi hầu hết là sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM.
Anh Huệ nói về những bức xúc hữu lý để thay đổi tình hình nguồn nhân lục còn chưa phát huy tốt là: học đi đôi với hành, coi trọng dạy nghề cho thanh niên.
HÀN QUỐC THIẾU LAO ĐỘNG TRẦM TRỌNG
Cũng trong những ngày này, tôi đọc một bài trên Nikkei Asia về tình hình khan hiếm lao động ở Hàn Quốc. ngay cả thiếu nhân viên barista (pha cà phê và cocktail) chúng tôi đùa, nhân viện phục vụ quầy bar (từ cách gọi barista) nay thiếu người phải dùng cả người máy robot. Tôi nghĩ tới tên gọi “gái bán bar” xưa kia, nay đã thành “Máy bán bar” tức barista. Vâng, Hàn Quốc đang vật lộn với khiếm hụt lực lượng lao động và họ đang coi robot là chìa khóa để giải quyết thách thức này. Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm kể từ khi đạt đỉnh 37,62 triệu vào năm 2019 và được dự đoán sẽ giảm tới 29 triệu vào năm 2040 do tỷ lệ sinh cực thấp của đất nước.
Chính phủ đang coi robot là chìa khóa để giải quyết thách thức này. đã kêu gọi thành lập một "nền kinh tế K-robot", thúc đẩy việc sử dụng robot không chỉ trong sản xuất mà còn trong các lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ và dịch vụ.
ROBOT PHỤC VỤ RƯỢU, PHA CÀ PHÊ VÀ NẤU ĂN.
Tại triển lãm robot tháng 3/2024 ở Seoul, đơn vị Hanwha Robotics của Tập đoàn Hanwha đã trưng bày một cánh tay robot được lập trình như một cánh tay của một người phục vụ rượu bằng cách sử dụng các điều khiển chính xác về lực, vị trí và tốc độ.
Kim Dong-seon, phó chủ tịch Hanwha Robotics, cho biết: “Chúng tôi có thể dẫn đầu về robot trong lĩnh vực dịch vụ”, đồng thời vạch ra kế hoạch nhắm vào các ngành công nghiệp từ thực phẩm và đồ uống đến làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.
Công ty khác, Doosan Robotics, công ty kiểm soát khoảng 40% thị trường Hàn Quốc, cũng đang nỗ lực thương mại hóa robot cho ngành thực phẩm và đồ uống. Tháng 4/2024, họ đã bắt đầu thử nghiệm robot pha cà phê có thể rót 80 tách cà phê mỗi giờ qua hợp tác với các chuỗi quán cà phê địa phương, tạo ra nghệ thuật pha cà phê với sự hợp tác của một chuỗi quán cà phê địa phương. Họ cũng thử nghiệm một robot nấu ăn có thể chạy sáu chảo chiên cùng lúc tại một trường trung học, phục vụ 500 người trong hai giờ.
Hàn Quốc hiện dẫn đầu thế giới về mật độ robot, với 1.012 robot trên mỗi 10.000 công nhân tính đến năm 2022, Liên đoàn Robot Quốc tế báo cáo. Con số này cao hơn nhiều so với 730 của nước xếp thứ hai là Singapore và gấp đôi hoặc gấp ba con số ở Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.
Nhiều công ty Hàn Quốc hiện cũng đang tập trung vào các robot được thiết kế để làm việc cùng với con người, khác với các robot công nghiệp quy mô lớn thường được sử dụng trong các nhà máy. Còn được gọi là cobot, những robot này đang trở nên phổ biến trong lĩnh vực dịch vụ của Hàn Quốc.
Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc dự đoán doanh số bán robot dịch vụ của Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi lên 1 tỷ USD vào năm 2026 so với mức của năm 2023.
LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ NGHỀ …THÔNG DỤNG.
Tháng trước có một “ứng dụng gọi xe” đề nghị tôi cùng họ làm một chương trình kêu gọi thanh niên, tuổi từ 18 đến 25 nên “đầu quân” mạnh mẽ cho nghề chạy xe công nghệ, thay vì làm một nghề part-time nào đó với ưu thế sẽ có thu nhập ổn định, dễ kiếm việc hơn và giờ giấc khá tự do.
Tôi từ chối vì thấy cổ vũ ngành nghề này cũng không cần thiết mà lòng cũng ngổn ngang. Chúng ta đang cổ vũ nhân lực theo ngành sản xuất sản phẩm bán dẫn và các dịch vụ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, cao tốc đô thị…
Cũng mới đây, tôi có dịp trò chuyện với một nhóm thanh niên Singapore đang qua Việt Nam dự phỏng vấn tuyển dụng của một CT. Các bạn tâm sự với tôi về thanh niên nước này đang bàn tập trung cho “tái tạo Singapore”. Dù Singapore là nước giàu và có nền công nghệ tiên tiến, họ biết phải giữ vững vị thế của một trung tâm tài chính châu Á và cạnh tranh như là một hub công nghệ cao so với các thung lũng silicon khác của châu Á như Ấn Độ, Thâm Quyến…
LO ÂU VỀ NẠN THẤT NGHIỆP TRONG TƯƠNG LAI.
Giữ vững mức phát triển và phồn thịnh, điều này thôi thúc họ phải “tái tạo” mạnh mẽ hơn để luôn trở thành điểm đến hàng đầu châu Á cho các ngành công nghệ và dịch vụ mới. Giới trẻ Singapore hiện giờ đang bàn nhiều về cái gọi là tình trạng thất nghiệp trong tương lai. Nghĩa là sao? Đó là cũng xuất phát từ thực tế họ nhận thấy những thách thức của đất nước và thời cuộc, dự báo được rằng những cái gì họ sẽ không thể hoặc không nên tiếp tục làm, cái gì họ cần chuyển sang kịp thời và là nguồn việc làm mới trong tương lai. Biết trước sẽ tránh được thất nghiệp để tạo tương lai.
Hàn Quốc thì mệt mỏi với thiếu lao động nặng nề trong khi Việt Nam thì đang rất cần lao động các lãnh vực công nghệ mới như ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và đồng thời, cũng thừa lao động đang …chờ việc hay đi làm shipper.
Câu hỏi vì sao, làm sao thay đổi đang xoáy mạnh trí não chúng ta. Nhìn quanh, nghĩ về tương lai và nhìn sâu bài toán của Việt Nam mình, chính ta phải giải quyết bài toán của mình, không ai giúp chúng ta được.
Chào các bạn, tôi có chuẩn bị một bản khảo sát nhỏ với mục đích ghi nhận những ý kiến, phản hồi về bản tin tổng hợp mà tôi đang gửi đến các bạn vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, để từ đó cải thiện nội dung và mang tới nhiều giá trị hơn cho các bạn. Mong các bạn sẽ dành chút thời gian để giúp tôi thực hiện khảo sát này.