Tuần qua tôi có bài “Một kiểu đưa tin nguy hiểm” trên phây. Ông vua (không ngai) Nguyễn Đình Tùng trong lãnh vực xuất khẩu trái cây tươi bày tỏ đồng tình và còn nhiều nhà kinh doanh khác góp lời ủng hộ.

Tôi thấy cách đưa tin VN thắng Thái trong cạnh tranh thị trường Trung Quốc là không hay (dù nguồn tin của Hải Quan TQ là bảo đảm) vì bị thiếu 2 yếu tố quan trọng: thời gian so sánh chỉ là 2 tháng và thời gian đầu năm 2024, sầu riêng Thái Lan đang trái mùa.

Giữa tháng 3, Thái Lan lại vào mùa và như vậy, từ  tháng 4, sầu Thái rộ mùa thì…biết đá biết vàng ngay. Đó là chưa kể Thái bán trái cây cho khắp thế giới trước Việt Nam mấy chục năm, làm truyền thông bảo vệ uy tín sầu riêng rất hay và kết hợp với các nhà nghiên cứu, các đại học luôn đổi mới công nghệ và lắng nghe thị trường thật chặt.

Anh Nguyễn Đình Tùng nói thêm: với một thị trường lớn khác là Hoa Kỳ, chúng ta lại chọn các loại trái cây “yếu” trong cạnh tranh, tức là chọn “bất lợi thế”. Đây là hậu quả của việc đàm phán tay đôi nhiều năm trước, nhiệm kỳ trước. Những vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, vú sữa Lò Rèn, chôm chôm…đều yếu trong canh tranh. Nhất là trái vải Bắc Giang, mùa chỉ có tối đa 3 tháng, bắt đầu từ việc đem chiếu xạ (phải chuyển trái vải từ Bắc Giang về Hà Nội) chiếu xạ xong là vải đã bị hư, nói gì lên tàu đi đến Mỹ. Các loại trái nhãn, vú sữa…cũng vậy.

Các loại trái cây VN vốn có những loại ngon hơn Thái và được thị trường Mỹ ưa thích, nhưng giá trị thật đòi hỏi thêm nhiều thứ kèm theo. Như dừa xiêm Việt Nam có chất lượng vượt trội so với dừa Thái, nhưng cần công nghệ bảo quản tốt hơn thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. Nói chung, công nghệ bảo quản của chúng ta còn yếu khiến trái cây ngon bị mất giá trị.

Nếu nhà xuất khẩu chú ý thì dừa gọt kim cương thì thời gian bảo quản, sử dụng tăng cao đến 70 hay 80 ngày là ưu điểm hơn so với gọt trọc

Đầu tiên, phải chọn lọc giống, nguồn gốc để đảm bảo chất lượng trái cây ngon từ gốc. Ngon rồi làm sao “khua” cho thế giới biết tức phải làm tốt thương hiệu. Quan sát đi, bạn sẽ thấy Thái Lan làm chỉ dẫn địa lý công phu tận tụy lắm, nâng giá thương phẩm trái cây của họ, còn chúng ta cũng có công nhận “Chỉ dẫn địa lý” nhưng Lễ công bố hoành tráng xong rồi là cứ để nguyên vậy, chứ đâu có phát huy gì điểm mạnh này. 

Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Công Thương phải xắn tay áo vào cuộc thật liên tục thì may ra mới cải thiện các điểm yếu trong xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam.

Sầu riêng có thị trường lớn, Việt Nam đang trồng nhiều, đây có thể coi là loại trái cây của niềm hi vọng, dù tên nói vẫn được người trồng gọi là SẦU. Còn các loại trái cây xuất khẩu khác, chuyện đàm phán chọn loại trái “yếu” hơn là chuyện nhiều năm trước đang đòi hỏi ta phải khắc phục dần: từ chọn giống tốt, kiểm tra chất lượng trái, xây dựng thương hiệu xứng đáng với sức bật vốn có đến bảo vệ chất lượng giá trị từng loại nông sản xuất khẩu... đều cần có sự phối hợp giữa các Bộ hiện nay.

ĐÃ “SẦU” CÒN “YẾU”