BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (30/12/2024 - 05/01/2025)
05/01/2025 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Mời bạn theo dõi các bài viết của tôi cũng như các bài gửi về từ các chuyên gia trong tuần qua:
GIAI ĐOẠN MỚI CHO KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM
Sau khi tiến hành cải cách, mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, tăng trưởng trung bình 10% suốt thời gian dài khoảng 30 năm, cho đến năm 2011. Từ năm 2012-2018, tăng trưởng kinh tế giảm tốc nhưng duy trì mức 7-8%. Đây cũng là thời kỳ lãnh đạo Trung Quốc tự tin vào sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao của mình, và có kế hoạch thực hiện giấc mơ Trung Hoa là xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại và có ảnh hưởng lớn trên vũ đài quốc tế. Để cụ thể hóa tham vọng này, năm 2013 Trung Quốc bắt đầu Sáng kiến Một vành đai... Đọc thêm
MỘT CÔNG TRÌNH TẠC VÀO THIÊN THU
Hai câu mà anh Lý Ngọc Minh thường nói hay viết - như tuyên ngôn - của Minh Long, sáng qua được treo cao "Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người" và "Hồn Việt trong mỗi nếp nhà" để chào đón khách đến dự "Lễ khai trương bảo tàng gốm sứ Minh Long và nhà máy Minh Long".... Đọc thêm
NHỚ ƠN MÁ TÔI
Tôi tự nhiên muốn viết bài này vì vừa nhận được một câu hỏi nhiều nỗi niềm của cô em gái út: "Rồi bây giờ có cần em may áo mới nữa không?". Bé Thảo, người thừa kế thương hiệu may Vũ Khánh của bố tôi, vốn là học trò chân truyền của ông cụ... Đọc thêm
LẦN ĐẦU LÀM CHUYỆN ẤY
Đi xe đạp trên mặt hồ, mà hồ Tuyền Lâm thơ mộng nữa. Chưa tưởng tượng được bỗng một sáng cuối năm được tham gia chuyến đạp xe "ngộ" vậy.
Anh Nguyễn Lâm Viên viết:
"...Chuyến đạp xe ngắn quanh Hồ Tuyền Lâm với 2 người chị thân thương chẳng kéo dài bao lâu, nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận cái se lạnh của Đà Lạt ngày cuối năm... Đọc thêm
CHÀNG TRAI TRẺ ƠI, ĐỪNG BUỒN...
Tối nay tôi về nhà hơi muộn. Lật đật xỏ giày đi bộ một vòng bờ kè, xong tôi chọn một chỗ hơi tối, ngồi nghỉ và nghĩ. Trong túi chỉ đem đúng 5.000đ để uống một ly trà đá, tôi muốn ngồi một mình., một lát.
Bỗng một bạn trẻ sà xuống ngồi cạnh tôi. Cô ơi, con bán bao lì xì để phụ đóng tiền học phí. Con học đại học Nông Lâm, cô mua cho con một bao. Tôi lắc đầu. Cô không mang theo tiền cháu ơi. Dạ cô chuyển khoản cho con cũng được... Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG MỚI: THỊ TRƯỜNG HALAL
Thị trường Halal, với chi tiêu dự kiến đạt 10.000 tỉ USD vào năm 2028, mang lại cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam. Các nước Hồi giáo đông dân như Indonesia, Malaysia, Pakistan, và Bangladesh đang tăng cường nhập khẩu các mặt hàng đạt tiêu chuẩn Halal. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu đã ghi dấu ấn. Công ty Ba Huân mở rộng sản xuất, nâng sản lượng trứng gà đạt chuẩn Halal lên 2 triệu quả/ngày, hướng đến các thị trường như Malaysia và Trung Đông. Công ty GC Food, với hơn 10 năm xuất khẩu nha đam và thạch dừa đạt chuẩn Halal, đã phát triển tệp khách hàng ổn định và mở rộng sang Philippines, Malaysia. Các doanh nghiệp hạt điều ở Đồng Nai cũng đầu tư công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho các hợp đồng lớn vào năm 2025.
Tuy nhiên, việc đáp ứng tiêu chuẩn Halal mới chỉ là điều kiện cần. Chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quyết định trong cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất, khiến quy trình chứng nhận phức tạp và không đồng nhất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh rằng nhu cầu nhập khẩu thực phẩm tại Trung Đông chiếm 80%, tương đương 40 tỉ USD mỗi năm, với cơ cấu nhập khẩu phù hợp thế mạnh Việt Nam. Ngoài ưu đãi thuế từ 0–5%, Việt Nam cần xây dựng chiến lược bài bản để khai thác tiềm năng, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn Halal mà còn đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm để cạnh tranh bền vững.
NHÌN LẠI THỊ TRƯỜNG LIVESTREAM BÁN HÀNG NĂM 2024 TẠI VIỆT NAM: THƯƠNG HIỆU LỚN, ĐỒ TƯƠI, NÔNG SẢN VIỆT 'DẮT NHAU LÊN SÀN'. THỨC ĂN NHANH CŨNG LIVESTREAM NHƯ THẾ NÀO?
Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Doanh số của 5 sàn giao dịch phổ biến đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.
Theo thống kê từ Metric, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trong nửa đầu năm 2024 cho thấy, khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream, với thời gian trung bình dành cho các phiên livestream bán hàng lên đến 13 giờ/tuần (theo báo cáo của NIQ).
Khi gà rán, pizza, lẩu băng chuyền "tiếp cận bàn ăn" khách hàng qua sóng livestream
Livestream đang trở thành xu hướng quan trọng trong thương mại điện tử tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thời trang hay điện tử mà còn mở rộng sang ngành F&B, đặc biệt là đồ ăn nhanh. Trước đây, các buổi livestream thường gắn liền với đồ ăn vặt hoặc đặc sản đóng gói, nhưng hiện nay các thương hiệu lớn như KFC, McDonald’s, và The Pizza Company đã tận dụng hình thức này để cung cấp trải nghiệm mua sắm độc đáo.
Các phiên livestream không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn cam kết giao đồ ăn nhanh, nóng hổi trong vòng một giờ, đáp ứng nhu cầu tiện lợi và thời gian nhanh chóng của khách hàng. TikTok Shop, nền tảng thương mại điện tử dẫn đầu, ghi nhận mức tăng trưởng doanh số ấn tượng, với sự tham gia tích cực từ các thương hiệu F&B lớn. KFC, chẳng hạn, đã đạt doanh số hơn 15.000 suất gà rán trong một buổi livestream kéo dài 2 giờ, tăng 40% doanh thu so với các kênh truyền thống.
Bên cạnh các ưu đãi hấp dẫn như chiết khấu, combo giảm giá, và giao hàng miễn phí, livestream còn kết hợp giải trí và tương tác trực tiếp, tạo cảm giác mới mẻ cho khách hàng. McDonald’s và The Pizza Company cũng triển khai các chiến dịch độc quyền, như giới thiệu sản phẩm mới và tham gia các trào lưu hot, để tăng sức hút.
Xu hướng livestream đồ ăn nhanh ở Việt Nam học hỏi từ sự thành công của Trung Quốc, nơi hình thức này đã bùng nổ trên Douyin. Các thương hiệu F&B tại Việt Nam đang tận dụng cơ hội này để quảng bá và gia tăng doanh số, mở ra tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
MARKETING: MỘT NĂM THÀNH CÔNG CỦA “TRẢI NGHIỆM NHẬP VAI”
Tiếp thị trải nghiệm (Experiential Marketing) đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với dự báo tổng đầu tư đạt 128,35 tỷ USD vào năm 2024, tăng 10,5% so với năm trước. Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhu cầu kết nối ý nghĩa trong một thế giới số hóa, khi 80% doanh nghiệp toàn cầu đã tăng ngân sách cho lĩnh vực này. Nhiều chiến dịch nổi bật đã ghi dấu ấn trong năm 2024, như Airbnb tái hiện ngôi nhà Polly Pocket, McDonald's giới thiệu Chicken Big Mac qua nhà hàng pop-up “McDonnell’s,” Mountain Dew hợp tác với Borderlands tạo nên trải nghiệm nhập vai, và P&G hỗ trợ vận động viên tại Làng Olympic Paris.
Trong tương lai, tiếp thị trải nghiệm được dự đoán sẽ bùng nổ nhờ khả năng kết nối sâu sắc với người tiêu dùng qua các hoạt động thực tế, gia tăng hiệu quả tại điểm bán lẻ, kết hợp nghệ thuật với thương mại, và ứng dụng công nghệ hiện đại như AI. Đây sẽ là chìa khóa để các thương hiệu xây dựng sự trung thành và tạo nên những ấn tượng khó quên.
QUÀ TẶNG TẾT "ĐỘC" NHỜ CÔNG NGHỆ
Các món quà tích hợp công nghệ NFC (Near Field Communication) ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam nhờ sự độc đáo, tiện lợi và khả năng cá nhân hóa. Công nghệ này cho phép người dùng lưu trữ và chia sẻ nội dung qua các thiết bị như sticker, móc khóa hoặc thẻ NFC. Ví dụ, một học sinh nhận sticker từ cha mẹ có thể xem lại video chúc mừng sinh nhật, hay giáo viên sử dụng sticker để kể chuyện cổ tích cho học sinh. Những món quà này không chỉ tạo niềm vui mà còn tăng tính kết nối và sáng tạo.
Ngoài quà tặng cá nhân, NFC đang được doanh nghiệp ứng dụng để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Quán cà phê tích hợp NFC vào thẻ khách hàng quen để cung cấp thông tin menu, ưu đãi. Các công ty như HPT kết hợp NFC vào lịch Tết, mang lại trải nghiệm tương tác độc đáo. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai dự án "Đế đô khảo cổ ký," kết hợp đồ chơi và chip NFC, giúp người dùng khám phá di sản văn hóa qua thiết bị số.
Các chuyên gia nhận định NFC có tiềm năng lớn nhờ tính bảo mật và khả năng tương tác cao, vượt trội so với QR code. Dự báo, thị trường quà tặng NFC sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt trong việc xây dựng thương hiệu sáng tạo và bền vững, đồng thời đáp ứng xu hướng quà tặng hiện đại, kết hợp công nghệ và cảm xúc.
CUỘC CHIẾN CÔNG NGHỆ 2024: TRUNG QUỐC BẮT KỊP CUỘC ĐUA AI, DÙ VƯỚNG LỆNH HẠN CHẾ CHIP CỦA HOA KỲ
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống do các “ông lớn” AI toàn cầu như OpenAI hay Google để lại, khi các dịch vụ GenAI của họ vẫn bị chặn tại quốc gia có số lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới.
Ban đầu, các công ty Trung Quốc có phần chậm hơn trong cuộc đua AI bắt đầu từ cuối năm 2022 với sự ra mắt của ChatGPT. Tuy nhiên, chỉ trong năm nay, họ đã bắt kịp một cách thần tốc.
Sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm AI tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố.
AI đã trở thành ưu tiên quốc gia, dẫn đến những khoản đầu tư khổng lồ từ cả khu vực công và tư. Theo nhà phân tích Ray Wang tại Washington, điều này kết hợp với nguồn nhân lực dồi dào trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đã tạo điều kiện để các công ty AI lớn nhỏ tại Trung Quốc phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh các công cụ video, các công ty Trung Quốc cũng tung ra loạt mô hình AI suy luận, thậm chí tuyên bố có thể vượt qua những sản phẩm mới nhất của OpenAI trong một số lĩnh vực.
NGÀNH NÔNG NGHIỆP 2024: “BỨC TRANH NHIỀU GAM MÀU SÁNG”
Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 (bão Yagi) vào đầu tháng 9/2024, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết thúc năm 2024, ngành nông nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng bứt phá, góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn nền kinh tế…
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 3,3% so với năm 2023, trong đó: trồng trọt tăng 1,7 - 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 - 5,5%; thủy sản tăng 5,0 - 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 - 4,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5%; xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm 2023.
Đánh giá kết quả của ngành nông nghiệp năm 2024, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; đồng thời là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.
NĂM YẾU TỐ CÓ THỂ ĐỊNH HÌNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THẾ GIỚI NĂM 2025
Năm 2025 được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang đến những khởi sắc cho thị trường chứng khoán sau một năm 2024 đầy kỷ lục. Tuy nhiên, có bốn yếu tố chính dự kiến tác động đến tâm lý thị trường.
Thứ nhất, vấn đề nợ công gia tăng là một nguy cơ lớn. Các nước lớn như Anh, Pháp và Mỹ đang đối mặt với tỷ lệ nợ trên GDP cao, đặc biệt Mỹ có thể tăng từ mức 123% hiện tại. Chi phí lãi suất của Mỹ đã vượt 1.000 tỷ USD/năm, đòi hỏi cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thu để tránh những rủi ro như lợi suất trái phiếu tăng hoặc Fed giữ lãi suất cao.
Thứ hai, các diễn biến trong thương mại toàn cầu cũng là yếu tố quan trọng. Chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể đẩy Trung Quốc và Eurozone, đặc biệt là Đức, tụt hậu. Đồng thời, thuế quan sẽ làm gia tăng lạm phát ở Mỹ, khả năng buộc Fed thay đổi chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các nhà phân tích lạc quan rằng chính quyền Trump sẽ áp thuế có giới hạn và tránh một cuộc chiến thương mại lớn.
Thứ ba, ảnh hưởng của đồng USD cũng đáng lưu ý. Việc giảm thâm hụt thương mại có thể khiến đồng USD ra nước ngoài giảm, làm thanh khoản toàn cầu suy giảm, gây áp lực lên các nước mới nổi. Đồng USD mạnh lên sẽ làm tăng chi phí trả nợ của các quốc gia này.
Thứ tư, nhóm "Magnificent Seven" đối mặt thách thức duy trì tăng trưởng mạnh mẽ do định giá quá cao và kỳ vọng lớn. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa có thể trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư.
Cuối cùng, hoạt động M&A và IPO dự báo sẽ bùng nổ, nhờ các điều kiện thuận lợi từ quy định chính phủ và thị trường tín dụng, đánh dấu một chu kỳ sôi động nhất trong hơn một thập kỷ.
5 DỰ BÁO KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2025
Kinh tế toàn cầu nhìn chung ổn định năm sau với tăng trưởng xấp xỉ 3%, lạm phát hạ nhiệt, sa thải bớt nóng nhưng còn rủi ro thương chiến.
"Nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi. Lạm phát giảm theo mục tiêu của ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn ổn định", Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận định.
Năm 2024, OECD dự báo tăng trưởng GDP thế giới đạt 3,2%, tương đồng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Tổ chức này đánh giá, lãi suất cao để chống lại lạm phát đã không gây ra sự suy thoái mạnh mà hầu hết các nhà dự báo lo ngại. Trong khi, chi tiêu cho dịch vụ và nhu cầu lao động vẫn mạnh.
Giai đoạn cuối năm, các ngân hàng trung ương tiến hành cắt giảm lãi suất và một cuộc hạ cánh mềm - tức hạ nhiệt nền kinh tế mà không gây suy thoái - "đang trong tầm tay". Những hiện trạng này giúp kinh tế toàn cầu bước sang năm 2025 ở vị thế tương đối tốt, theo S&P Global (Mỹ). Sau đây là một số dự báo chủ chốt:
GDP toàn cầu tăng khoảng 3%, 'biến số' ở Mỹ
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2025, OECD lạc quan hàng đầu với mức 3,3%, tiếp đến là IMF với 3,2%. Thận trọng hơn, Morgan Stanley và Goldman Sachs đưa ra dự báo lần lượt là 3% và 2,7%. Triển vọng khác nhau đáng kể giữa các khu vực.
Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới mở rộng nhanh hơn các nước phát triển khác trong năm thứ 3 liên tiếp, đạt 2,5%. OECD cho rằng con số này có thể đạt đến 2,4%. Kinh tế Châu Âu dự báo chỉ tăng 1,3%, Nhật Bản 1,5%, Trung Quốc 4,7%, theo OECD. Tuy nhiên, "biến số" còn phụ thuộc vào Mỹ.
"Kết quả cuộc bầu cử Mỹ mở ra những thay đổi về chính sách, với tác động sẽ lan tỏa khắp nền kinh tế toàn cầu", Seth Carpenter, Kinh tế trưởng Morgan Stanley nói. Ông cho rằng nhà đầu tư sẽ đối mặt với bất ổn tăng.
Theo Goldman Sachs, GDP eurozone có thể chỉ tăng 0,8% năm sau, do chính sách thuế quan và quy định mới của Mỹ - đặc biệt mạnh nếu có chiến tranh thương mại. Trung Quốc cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi thuế quan của ông Trump, nên GDP năm sau chỉ tăng 4,1%, theo S&P Global.
"Trong khi các biện pháp kích thích của Trung Quốc sẽ hỗ trợ tăng trưởng, chúng tôi dự kiến nền kinh tế này vẫn bị ảnh hưởng bởi thuế quan thương mại của Mỹ đối với hàng xuất khẩu", phân tích của S&P nhận định.
Rủi ro thương chiến ở mức trung bình
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc sẽ định hình các thị trường hàng hóa toàn cầu vào năm 2025, theo Reuters. Không có mô hình nào có thể dự đoán kết quả rõ ràng. Giá dầu thô, khí hóa lỏng, quặng sắt, than và kim loại sẽ khó đoán hơn bao giờ hết.
Ông Trump áp thuế lên tới 60% đối với hàng Trung Quốc và 20% đối với tất cả các quốc gia khác, có thể nắn lại dòng chảy thương mại, thúc đẩy lạm phát và dẫn đến chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.
Goldman Sachs cho rằng nếu bất ổn thương mại tăng lên mức cao như giai đoạn 2018-2019, GDP của Mỹ có thể giảm 0,3%, trong khi eurozone và Trung Quốc giảm đến 0,9% và 0,7%. "Chúng tôi có thể hạ dự báo nhiều hơn nếu thương chiến leo thang hơn", Kinh tế trưởng Goldman Sachs Research Jan Hatzius nói.
Nếu ông Trump tăng thuế, rủi ro thương chiến ở mức trung bình, do các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác sẽ được thiết kế để tránh leo thang căng thẳng với Washington, theo tổ chức nghiên cứu Capital Economics (Anh).
Họ cho rằng biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác sẽ được thiết kế để tránh leo thang căng thẳng với Washington. Điều này phù hợp với kinh nghiệm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và đồng nghĩa là thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng - dù khiêm tốn - trong năm tới.
Kịch bản xấu hơn là Liên minh châu Âu và Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ, chẳng hạn như nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ. Ngoài ra, việc để đồng tiền của họ yếu đi so với USD cũng có thể bị Washington coi là hành động "tránh" thuế quan và là lý do để Mỹ áp đặt các biện pháp bảo vệ thêm. Khi ấy, cuộc chiến thương mại bùng nổ thật sự và nghiêm trọng có thể làm giảm 2-3% GDP thế giới.
Nhưng cũng có khả năng ông Trump chỉ đe dọa như một chiến thuật đàm phán. Trong kịch bản này, ông Trump có thể không tăng thuế nếu tin rằng đã "chiến thắng" trong giao dịch với các nước khác.
Lạm phát giảm, lãi suất khó hạ sâu
Lạm phát, vốn khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư lo ngại trong vài năm qua, tiếp tục bình thường hóa năm tới, theo Morgan Stanley. Tuy nhiên, tiến độ có thể chậm lại và tình hình cụ thể sẽ khác nhau từng quốc gia.
Lạm phát ở các quốc gia OECD dự kiến sẽ giảm thêm, từ 5,4% trong năm 2024 xuống 3,8% trong năm 2025 nhờ vào chính sách tiền tệ vẫn duy trì tính thắt chặt. Tại Mỹ, lạm phát có thể phục hồi vào cuối 2025 do giá cả và chi phí lao động tăng cao bởi chính sách thuế quan và nhập cư mới của ông Trump. Tại khu vực đồng euro và Anh, lạm phát sẽ giảm dần đều.
Ở châu Á, Nhật Bản - nơi giảm phát là vấn đề kinh tế trong nhiều thập kỷ, Ngân hàng Trung ương (BOJ) đã điều chỉnh dự báo lạm phát cho năm tài chính 2025 từ 2,1% xuống 1,9%. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến chống giảm phát. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán lạm phát ở nước này khó phục hồi lên mức dương khi nguồn cung dư thừa tái xuất hiện do gián đoạn thương mại.
Theo Kinh tế trưởng Goldman Sachs Research Jan Hatzius, một lý do chính khiến mọi người lạc quan về tăng trưởng toàn cầu là lạm phát giảm nhiều hai năm qua, gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương có thể thực hiện các hành động khác nhau do tình hình đặc thù. Việc nới lỏng của Fed sẽ bị trì hoãn vào giữa năm 2025, trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh có thể tiếp tục cắt giảm. Ngân hàng Nhật Bản sẽ tăng lãi suất hai lần vào 2025, theo Morgan Stanley.
Tuyển dụng ổn định, ảnh hưởng bởi AI
Dù có nhiều kế hoạch sa thải lớn công bố năm nay, OECD cho rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp theo lịch sử. Kinh tế trưởng Goldman Sachs Research Jan Hatzius nói thị trường việc làm đang dần cân bằng lại.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành ManpowerGroup đánh giá sau những biến động nhân sự trong các quý gần đây, các công ty đã dần thích nghi với tình hình kinh tế bất ổn và duy trì lực lượng lao động hiện có.
Khảo sát triển vọng việc làm mới nhất của ManpowerGroup thu thập dữ liệu từ hơn 40.000 nhà tuyển dụng tại 42 quốc gia cho biết kế hoạch tuyển dụng vào quý I/2025 tương đối ổn định so với quý cuối 2024 và chỉ giảm 1% so với cùng kỳ.
"Bước sang năm 2025, chúng tôi thấy xu hướng tuyển dụng ổn định, với các nhà tuyển dụng giữ chân nhân tài đang có và lên kế hoạch tuyển dụng một ít trong quý tới", Jonas Prising, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành ManpowerGroup nói,
Trong khi, LinkedIn lạc quan hoạt động tuyển dụng sẽ phục hồi mạnh, với 52% công ty được hỏi dự định thuê thêm người, so với chỉ 24% trong năm trước.
Doanh nghiệp nhỏ lạc quan hơn so với tổ chức lớn về việc mở rộng đội ngũ. Một xu hướng là nhiều nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên kỹ năng thực tế hơn bằng cấp.
Mạng xã hội nghề nghiệp này cũng đánh giá thị trường việc làm toàn cầu tiếp tục trải qua những thay đổi lớn do xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sự thay đổi kỳ vọng của lực lượng lao động và các diễn biến kinh tế.
Niềm tin tiêu dùng chưa cất cánh
Niềm tin tiêu dùng là chỉ báo phản ánh cảm nhận của người dân về nền kinh tế và tình hình tài chính cá nhân, cũng như khả năng họ sẽ chi tiêu. Tâm trạng của họ về 2025 hé lộ triển vọng xuất nhập khẩu, bán lẻ - dịch vụ, thị trường chứng khoán.
The Conversation dự báo nền kinh tế Mỹ vẫn kiên cường năm 2025, với tăng trưởng liên tục về thu nhập thực tế, giúp thúc đẩy sức mua. Tuy nhiên, một số người Mỹ đang chịu áp lực tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp về cuối năm nhích lên dù vẫn ở mức thấp. Do đó, sức mua vẫn tăng trong "lạc quan thận trọng".
Tại châu Âu, chỉ số niềm tin tiêu dùng eurozone tháng 12 do Ủy ban châu Âu (EC) khảo sát đạt -14.5 điểm, tiếp tục giảm so với mức -13,7 điểm hồi tháng trước. Sang năm sau, dự báo chỉ số sẽ cải thiện, dao động quanh -2. Tại eurzone, chỉ số này nằm trong mức từ -100 đến 100. Trong đó, mốc 0 thể hiện tính trung lập tâm lý.
Ở châu Á, IMF dự báo tăng trưởng đạt 1,9% vào 2025, với niềm tin tiêu dùng các nền kinh tế lớn biến động và thách thức khác nhau do chính sách kinh tế và biến động thị trường toàn cầu.
Với Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP lên 4,5% cho năm 2025, tăng 0,4 điểm phần trăm so với trước đó. Nhưng họ cảnh báo rằng niềm tin chưa mạnh của hộ gia đình và doanh nghiệp, cùng với những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, sẽ tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng.
Tại Hàn Quốc, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 12 do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc khảo sát đã giảm mạnh còn 88,4 điểm từ 100,7 điểm trong tháng 11, thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Hơn 50% người dân được hỏi dự kiến sẽ giảm chi tiêu năm sau, đặc biệt trong du lịch, ăn uống và giải trí, do lo ngại về tình hình kinh tế.
Tình hình tích cực hơn ở Nhật Bản, với niềm tin tiêu dùng tháng 11 tăng so với tháng 10. Ngân hàng trung ương nước này định tiếp tục tăng lãi suất do dự báo lạm phát nhích lên, có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.
Còn nhiều bất ổn dai dẳng
OECD cho rằng xung đột địa chính trị có thể làm gián đoạn thị trường năng lượng, tác động tiêu cực đến niềm tin và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, căng thẳng thương mại leo thang cũng nguy cơ kìm hãm phát triển thương mại quốc tế. "Căng thẳng địa chính trị gây ra những rủi ro ngắn hạn, tỷ lệ nợ công cao và triển vọng tăng trưởng trung hạn yếu", Tổng thư ký OECD Mathias Cormann tóm lược.
Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô, các nước cần nới lỏng chính sách tiền tệ thận trọng đảm bảo áp lực lạm phát được kiềm chế lâu dài; tái thiết không gian tài khóa nhằm tạo dư địa chi tiêu công. Giới chức và doanh nghiệp cũng phải lưu ý đến tình trạng thiếu hụt lao động đang là thách thức đối ở nhiều quốc gia và càng trầm trọng thêm bởi già hóa dân số, theo Kinh tế trưởng OECD Alvaro Pereira.
Vì vậy, ông cho rằng cần tập trung thúc đẩy giáo dục và phát triển kỹ năng, giảm các rào cản gia nhập thị trường, tạo thêm cơ hội đầu tư và nâng cao tính linh hoạt của lực lượng lao động. "Cải cách cơ cấu là điều kiện thiết yếu để xây dựng nền tảng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn", ông nói.
CHÂU Á - CHÂU PHI TIẾP TỤC LÀ THỊ TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC TRONG HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 66,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực thị trường châu Á, châu Phi đạt 519 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023.
Trong đó, xuất nhập khẩu với khu vực châu Á ước cả năm 2024 đạt gần 497,3 USD, cụ thể xuất khẩu đạt 187,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 310,3 tỷ USD.
Với khu vực châu Phi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6,9 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,8 tỷ USD.
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Tuần này, có ba chuyên gia gửi lời bình về bản tin, mời các bạn theo dõi ở bên dưới:
Ông Phạm Ngọc Hưng
Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.
EXPERIMENTIAL MARKETING HAY PHIGITAL?Tôi đọc thử xem các chuyên gia viết gì về marketing trải nghiệm để có thể hiểu tại sao năm qua là thời của môn này. Nhưng quả thật, tôi bị lạc lối bởi những cách giải thích hơi rối rắm so với những gì tôi biết. Vì thế, tôi nghĩ cần viết lại vài dòng cho tường minh.
Marketing trải nghiệm, về bản chất là bày các trò để kéo khách hàng cùng tương tác với thương hiệu, cho dù hình thức là dùng thử, hoạt động ngoài trời hay bất kỳ hình thức gì, kể cả một post trên mạng xã hội. Vì thế, có thể gọi marketing trải nghiệm đơn giản là tương tác với khách hàng.
Thời xưa, cách marketing truyền thống là chạy quảng cáo TV hay quảng cáo báo, là những hình thức tương tác một chiều. Để có thể tương tác 2 chiều, các thương hiệu cần tổ chức hoạt động để khách hàng cùng tham gia, vì thế mới có tài trợ, có dùng thử ở siêu thị, có showroom để trải nghiệm sản phẩm. Và vì thế, trước nay marketing trải nghiệm chỉ được coi là một hình thức bổ sung, chủ yếu để xây dựng lòng trung thành với thương hiệu (vì thế nên có cách gọi khác là loyalty marketing).
Ngày nay, mạng xã hội về cơ bản đã thay thế các phương tiện truyền thống. Thương hiệu bây giờ chây quảng cáo trên facebook cũng phải trả lời còm của khách. Quảng cáo TV cũng kèm địa chỉ web, hay poster thang máy cũng có mã QR, đều là những cách tạo tương tác. Và dễ thấy nhất là livestream đang là “mốt”, nên dễ hiểu tại sao marketing trải nghiệm lên ngôi.
Tuy nhiên, thời của marketing 360 độ đã qua, nhưng concept của nó thì vẫn y nguyên giá trị. Nghĩa là marketing tương tác muốn có hiệu quả cũng phải đa kênh, ở mọi điểm chạm. Nói cho dễ hiệu, thì việc dựa vào một hình thức tương tác nhất định, ví dụ như livestream, không phải là cách làm đúng. Một chiến dịch marketing trải nghiệm tốt cần phải thiết kế tương tác kết hợp giữa online — offline. Hay nói cách khác, là trải nghiệm phygital, tức physical — digital.
Phygital là một từ còn mới với nhiều chủ doanh nghiệp. Nhưng nó trọn vẹn và đa nghĩa hơn từ “marketing trải nghiệm”, và tôi cho rằng doanh nghiệp cần làm quen và học cách chuyển đổi marketing truyền thống sang phygital — tích hợp quảng cáo facebook, Google, Tiktok, Youtube, e-com, livestream vào trong một hệ thống dữ liệu CRM/CDP. Có như thế mới có thể tiếp cận khách hàng, biết họ viết gì trên facebook, biết họ có dùng thử sản phẩm hay không, lưu được lịch sử mua hàng của họ, và nếu như họ không tiếp tục mua thì có số điện thoại để gọi điện chăm sóc.
Thế nên, thay vì nói “đây đang là thời của marketing trải nghiệm”, tôi muốn nói rằng “trải nghiệm phygital là bắt buộc cho thời đang đến”, và những doanh nghiệp “lỡ tàu” sẽ mất ưu thế cạnh tranh, có hàng tốt nhưng cũng khó bán được.
Ông Hồ Nguyên Thảo
Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.
LIVESTREAM ĐỂ BÁN CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ, AITôi nhận được một yêu cầu của một hãng công nghệ nước ngoài thông qua đối tác và đại lý của họ tại TP.HCM, cũng là một hãng công nghệ Việt Nam. Họ có yêu cầu rất đơn giản, họ nói vậy nhưng tôi thấy không đơn giản. Đó là kết nối với một digital agency (hãng tiếp thị công nghệ số) và KOL công nghệ số để đưa công nghệ mới vào thị trường Việt Nam.
Đó là công nghệ mới (với Việt Nam) là kết hợp công nghệ 3D và AI để tạo các thiết kế mẫu thời trang, rồi làm hàng mẫu và làm luôn cả khâu hoàn thiện sản phẩm. Công nghệ này giúp các hãng dệt may, thời trang của Việt Nam tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu và các loại chi phí cho các công đoạn trên.
Tức là nhân vật đó, công ty đó phải nằm trong ngành thời trang nhưng cũng phải thoát ra khỏi phạm vi của thời trang, và rất rành công nghệ. Và ngược lại đó, cũng công ty công nghệ nhưng phải thoát ra khỏi công nghệ và rất am hiểu thời trang và cả trong khái niệm thời trang bền vững với các yếu tố ESG.
Đề bài khó trong suy nghĩ và tìm kiếm đúng công ty, đúng người.
Nhưng rồi tôi lại chợt nhớ đến các bạn chuyên nhận xét và đánh giá trò chơi điện tử (game reviewer) và các bạn game thủ (gamer). Thậm chí là những bạn “thượng thặng” như vừa chơi trò chơi điện tử vừa phát trực tuyến trò chơi của mình (streamer) hay các bạn thi đấu chuyên nghiệp ở các giải đấu chuyên nghiệp kiểu Liên Minh Huyền Thoại hay các giải đấu quốc tế khác với giải thưởng rất lớn.
Vậy là livestream đã mở rộng đến lĩnh vực sản phẩm khác mà doanh nghiệp Việt phải chú ý. Bây giờ thì nước ngoài đã hướng đến thị trường B2B, không còn B2C hay D2C mà chúng ta hay làm. Vậy là livestream bán hàng đã không còn đơn giản nữa.
Tuần rồi, các chuyên gia thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ từ Mỹ lại nói rằng làm quảng cáo hay tiếp thị cho hàng Việt Nam đi nước ngoài, Mỹ chẳng hạn, thì các hãng digital agency ở Việt Nam chỉ làm được một công đoạn. Đó là nói doanh nghiệp đốt tiền để chạy quảng cáo trên Google hay Facebook và các nền tảng mạng xã hội.
Đó còn là xây dựng nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, sử dụng các công cụ AI để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, “canh me” đối thủ… Ngẫm lại đó cũng là chuyện ở Việt Nam.
Năm 2025 vậy là khó hơn và đòi hỏi cái “trình” công nghệ và AI hơn trước rồi.
Ông Đồng Phước Vinh
31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.
TÀI CHÍNH XANH CÓ THỂ BỊ TÁC ĐỘNG DÂY CHUYỀNTheo báo The Wall Street Journal, trong tuần này lại có thêm ba ngân hàng lớn của Mỹ gồm Morgan Stanley, Citigroup và Bank of America (BofA) thông báo rút lui khỏi Liên minh ngân hàng Net-Zero (NZBA). Trước đó, hai ngân hàng Wells Fargo và Goldman Sachs cũng đã rút hồi tháng trước. Như vậy đến hiện tại, chỉ còn JPMorgan Chase ở lại với NZBA, tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho biết ông lớn này cũng đang cân nhắc nối gót 5 ngân hàng kia.
Liên minh ngân hàng Net-Zero (NZBA) là một sáng kiến toàn cầu được Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm khuyến khích ngành ngân hàng tăng cam kết tài chính xanh, giảm khí thải carbon. Với cam kết này, các ngân hàng trong liên minh có thể sẽ hạn chế cho vay và đầu tư vào các dự án phát thải nhiều carbon, thay vào đó sẽ dành nhiều nguồn lực tài chính hơn để rót vào các dự án xanh như năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa và tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng, việc tham gia NZBA chẳng khác nào hành động tẩy chay ngành công nghiệp dầu khí và có thể vi phạm luật chống độc quyền. Chỉ trích này khiến các ngân hàng e dè và nhanh chóng quay xe trước viễn cảnh rõ ràng Net-Zero không được chính quyền ông Trump chào đón nồng nhiệt như dưới thời Tổng thống Biden tiền nhiệm.
Nhìn rộng hơn, khi Net Zero bị rơi vào cảnh giống như bị rút củi đáy nồi, các hoạt động liên quan đến dự án xanh, tài chính xanh, năng lượng tái tạo, tiêu chuẩn xanh ESG…có thể bị ảnh hưởng. Điều này thật đáng ngại khi nhiều dự án đã hình thành dang dở được làn sóng xanh hóa trong những năm gần đây đưa lên cao, giờ có phải phân vân gì không trong thời kỳ nước rút ?
Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.