BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (18/11 - 24/11/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (18/11 - 24/11/2024)

24/11/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Mời bạn theo dõi các bài viết trong tuần của tôi xoay quanh các chủ đề như: chút hoải niệm của tôi trước ngày nhà giáo VN, hay chuyện sầu riêng Việt đang "một mình một ngựa" giữa của thị trường Trung Quốc, thêm nữa là bài lược dịch về thần tượng trên sân đất nện của tôi khi anh này vừa tuyên bố giải nghệ, tiếp đến là tin vui về giải thưởng quốc tế Kotler của chương trình "Khởi nghiệp Xanh", rồi là những ghi nhận của tôi về buổi gặp mặt cùng anh Cao Tiến Vị - người sáng lập Quỹ quốc tế ASIF để hỗ trợ cho các DN xã hội tại VN. Sau cùng, tôi xin kể lại cuộc trò chuyện giữa tôi và một nghệ sĩ tài đức hiền lành, để mọi người hiều hơn những người đang âm thầm giữ lửa nghề Cải lương giữa muôn trùng gian khó.

TÌNH YÊU THẦM… 20 NĂM

Nói như vậy không cường điệu chút nào. Vì mình vừa chứng kiến cuộc thổ lộ rất rõ ràng. Chuyện thế này. Và mình bỗng muốn viết bài này vì khuya nay, bỗng mình nhận được tin nhắn rồi sau đó, mình có cuộc trò chuyện kéo dài với một nhân vật đặc biệt: nghệ sĩ cải lương Phương Hồng Thủy.
Xin kể lại cuộc trò chuyện cảm động này.... Đọc thêm

LÀM THIỆN NGUYỆN BỀN VỮNG?

Má tôi sau 1975 làm chủ tịch hội phụ nữ phường. Bà rủ được nhiều các cô dì phụ nữ tham gia Hội, và họ thường xuyên tổ chức phát gạo, bánh mì, tập vở…cho trẻ con. Cứ “vận động” hội viên đóng góp được tới đâu, phát hết tới đó. Thiếu thì…thở dài hẹn đợt sau. Các em tôi, thợ may, cũng nối tiếp má tôi, tổ chức hành hương từ thiện mà còn lớn hơn, đi xa hơn. Đi cực, về tính sổ, có khi, thấy mất tiền, buồn hiu vì tính hoài không ra…
Tôi muốn giúp các em tôi và các “nhà từ thiện bán chuyên nghiệp” trong xóm mà nghĩ chưa ra cách nào.... Đọc thêm

“KHỞI NGHIỆP XANH” ĐẠT GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ KOTLER AWARDS 2024

Tối 22/11, tại lễ trao giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 diễn ra tại TP.HCM, Chương trình Khởi nghiệp Xanh của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã được vinh danh ở hạng mục “Cộng đồng ảnh hưởng xuất sắc”.
Trong hơn 120 đề cử cho giải thưởng năm nay, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn ra 27 ứng viên xuất sắc nhất để vinh danh ở tất cả 9 hạng mục.... Đọc thêm

FEDERER VIẾT VỀ CUỘC NGHỈ HƯU CỦA NADAL

Một núi việc bên cạnh, tôi vẫn quyết dừng hết để đăng bài này.
Đẹp quá, đôi bạn.
Nhiều đêm, chúng tôi chia làm 2 phe, vợ chồng tôi, phe Nadal và thằng con trai, phe Fed, từng nhiều hôm thức trắng nín thở theo dõi hai đấu thủ “không đội trời chung” trên sân đấu, tạo thành cuộc “đối đầu” quyết liệt trong gia đình tôi. Những giây phút mà “hai phe” vui nổ trời thực sự (dù bên nào thắng, đã thắng là hay hơn-mà hôm đó thôi) khiến tôi nhớ mãi. Hôm nào, tôi sẽ kể các bạn nghe vì sao tôi yêu Nadal đến vậy. Và rồi nghe các bạn tranh luận. Nhưng hôm nay hãy nghe Fed... Đọc thêm

TRUNG QUỐC NGHIỆN SẦU RIÊNG

Bắc Kinh hôm nay đã ở 1 độ dưới 0 độ C. Bạn tôi , nhà báo Châu Thái Bình, đang công tác ở đó, Anh viết trên FB hôm qua: ”Trời Bắc Kinh chính thức vào đông”. Và chuyện “hot” nhất, thời sự nhất khi Bắc Kinh đông đá là… nỗi nhớ sầu riêng vì nghiện của dân Trung Quốc.
Anh ghi nhanh: “Trung Quốc nghiện Sầu riêng (SR)”.
Tình hình rất tình hình: “Cuối mùa nên ở Bắc Kinh còn lác đác vài chỗ bán sầu riêng Việt Nam. Sầu Thái với Phi ít thấy. Sầu Việt là loại trái không tròn trịa, nhỏ nhỏ gần 100 tệ/kg... Đọc thêm

DẠY VÀ THƯƠNG

Tối nay chuẩn bị xếp đồ đi công tác xa, tôi chuyển tấm ảnh quí sang ba lô. Tuần trước, khi tôi bị mất tấm căn cước công dân, tôi hơi lo nhưng khi sực nhớ ra, có thể bị mất tấm ảnh này, tôi mới thực sự hốt hoảng. Đây là “vật bất ly thân” của tôi nhiều năm rồi. Tôi cất nó ở một ngăn khó mất nhất trong cái túi đi làm và hễ thay túi là chuyển nó theo. Kể từ khi người ngồi duy nhất trong bức ảnh đi xa, tôi càng sợ nó bị lạc mất... Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

TEMU, SHEIN, 1688... VẪN 'VÔ TƯ' BÁN HÀNG KHI CHƯA XONG THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG 

Sàn thương mại điện tử Temu chỉ cho phép mua dưới 1 triệu đồng/đơn. ẢNH: THU HÀ (Báo Pháp Luật)

Dù được yêu cầu phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... vẫn hoạt động bình thường.

Tuân thủ hay đối phó?

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều ngày 9-11 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết Bộ đã làm việc với đại diện pháp lý của các sàn Temu, Shein. Bộ Công Thương yêu cầu các sàn này khẩn trương đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11. Trong thời gian triển khai đăng ký, các sàn phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký. Đồng thời, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.

Đến nay, mỗi khi truy cập vào website hay ứng dụng của Temu trên di động, người dùng đều nhận được thông báo là họ đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, Temu vẫn cho phép người dùng thực hiện các thao tác đặt hàng và thanh toán bình thường tại Việt Nam.

Thậm chí mới đây, Temu còn tung ra chính sách mới khi nâng giá trị đơn hàng tối thiểu lên 887.000 đồng và giới hạn đơn hàng ở mức 1 triệu đồng. Nếu giá trị đơn hàng vượt quá 1 triệu đồng, sàn sẽ yêu cầu người dùng chia tách thành 2 đơn hàng khác nhau với cùng điều kiện trên.

Động thái này được sàn Temu lý giải là để tiếp tục cung cấp nhiều mặt hàng với giá trị thấp, và việc bổ sung mặt hàng để đáp ứng giá trị tối thiểu nhằm giúp ngăn chặn tình trạng rác thải đóng gói quá mức.

Với Shein, sàn này vẫn đang lẳng lặng hoạt động ở Việt Nam. Shein cung cấp website tiếng Việt cho người Việt Nam và liên tục tung ưu đãi cho ngày Black Friday sắp tới, với mức giảm từ 10% - 30% và miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, sàn này không thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương về việc đăng thông báo với người tiêu dùng.

Còn như 1688, từ đầu tháng 10 đến nay, sàn thương mại điện tử chuyển bán sỉ 1688.com cũng đã mở đường vận chuyển trực tiếp đến Việt Nam, thêm tùy chọn tiếng Việt và cho thanh toán bằng thẻ quốc tế. Nền tảng này còn mở các chương trình tiếp thị liên kết, quảng cáo dịch vụ nhắm đến khách hàng trong nước. Sàn này cũng không thực hiện việc thông báo với người tiêu dùng trên website.

Temu, 1688, Shein, Taobao… muốn gì?

Theo dõi suốt tiến trình sự kiện, thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, giảng viên Trường Đại học Thương mại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng động thái mới khi “ép” người dùng mua đơn hàng dưới 1 triệu đồng của Temu có thể nhằm tận dụng quy định của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ. 

Dù vậy, hồi cuối tháng 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78 về việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử để chống thất thu thuế.

“Nếu xét về luật hiện tại, Temu không vi phạm khi quy định người mua phải mua đơn hàng dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh nền tảng này chưa hoàn tất đăng ký kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn thực hiện giao dịch thì cần phải xem xét và hậu xử lý sau này”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, hiện nay, dù chưa thống kê đầy đủ nhưng ước tính mỗi ngày, trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.

“Do đó, việc quyết liệt bãi bỏ Quyết định 78 về miễn thuế VAT đối với hàng dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử là rất đúng đắn, kịp thời và cần áp dụng ngay”, ông Minh nói.

“Khi tôi thử mua hàng trên shop nước ngoài ở các sàn thương mại điện tử như Shopee và Lazada, khi hàng lỗi nhẹ, tôi thử đề nghị trả hàng thì nhà bán thậm chí tặng luôn sản phẩm lỗi nhẹ đó và gửi miễn phí một sản phẩm mới cho tôi. Họ trả lời rằng đây là chính sách chăm sóc khách hàng, nhưng với những chuyến công tác qua Trung Quốc, tôi cho rằng đó là vì hàng của họ quá nhiều, giá lại rẻ, dù cho luôn người mua cũng chẳng lỗ?”

Hàng hóa mua từ các sàn chưa đăng ký sẽ không được thông quan

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với những tờ khai vận chuyển hàng hóa không khai thông tin về website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng.

Ngoài ra cũng sẽ không thông quan với tờ khai có khai thông tin website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử…nhưng chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công Thương.

Kiểm soát nhưng không nên cực đoan

Dù cho rằng Temu hay 1688, Taobao… đang là cơn “đau đầu” của thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh cho rằng vẫn không nên cực đoan, bế quan tỏa cảng đối với thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Nếu quá cực đoan thì rất có thể họ sẽ cực đoan ngược lại đối với hàng hóa Việt Nam. Thay vào đó, cần điều tiết, tăng cường quản lý về pháp luật về thuế, hải quan, chất lượng hàng hóa để xây dựng thị trường thương mại điện tử ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp trong nước.

Rõ ràng Temu hay Shein… đang không có gì ngoài tiền nên tăng cường chạy khuyến mãi. Nếu hàng có tốt thì tất nhiên có lợi cho người dùng Việt Nam, tuy nhiên nếu giá rẻ, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng sẽ là kênh khiến Temu, Shein bị đào thải nhanh nhất ở thị trường Việt Nam”, ông Minh nói.

“Không chỉ các ngành thương mại điện tử mà ở các ngành nghề khác, khi phát triển thì sẽ phải đối mặt với tình trạng môi trường. Do đó, việc tính toán tới áp dụng thuế môi trường với hàng hóa nhập khẩu cũng là một phương án để giảm thiểu hàng giá rẻ, hàng kém chất lượng tràn lan. Tuy nhiên, cần áp dụng từ từ, có lộ trình để cả doanh nghiệp kịp thời chuyển đổi. Điều này quan trọng nhất là chúng ta hướng tới cam kết về Net Zero trong năm 2050”, ông Minh nói.

CÁC CÔNG TY BÁN LẺ TRÊN THẾ GIỚI CHẠY ĐUA GIAO HÀNG DƯỚI 1 GIỜ

Việc giao hàng nhanh sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những tay chơi trong cuộc đua thương mại nhanh. Ảnh: VnEconomy

Hiểu được tâm lý khách hàng, các nền tảng giao hàng như Baemin (Hàn Quốc) hay Uber Eats và DoorDash (Mỹ) đang mở rộng danh mục phục vụ giao hàng, ngoài thực phẩm.

Chẳng hạn như Baemin, ứng dụng giao hàng hàng đầu Hàn Quốc, đã rời Việt Nam ít lâu, đang hợp tác với Chuỗi siêu thị Emart của Hàn Quốc để cung cấp dịch vụ giao hàng chưa tới 1 giờ cho hơn 3.000 mặt hàng.

Các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc cũng đã “nhảy” vào cuộc đua thương mại nhanh, GS25, CU và 7-Eleven của Hàn Quốc cũng giao hàng chưa đến một giờ cho khách hàng.

Tại Mỹ, Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, hiện cung cấp dịch vụ giao thuốc theo toa trong vòng 30 phút tại sáu tiểu bang của Mỹ và có kế hoạch mở rộng dịch vụ này lên 49 tiểu bang vào tháng 1. Amazon cũng đang phát triển dịch vụ sử dụng máy bay không người lái để giao thuốc theo toa trong vòng 60 phút.

NGHỀ MỚI: KHO TẠI NHÀ CHO TEMU?

Hình ảnh một "kho tại nhà" của Temu và Shein tại nhà một người tiêu dùng Mỹ - Ảnh: CafeF

Không còn thoải mái giao hàng nhanh, giá rẻ, trực tiếp từ Trung Quốc đến các nước khác, người bán từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein đang chuyển sang cái gọi là "kho tại nhà".

Trong căn hộ một phòng ngủ chật chội của Eason Lin tại Sunset Park, Brooklyn, phòng khách ngổn ngang hàng trăm hộp lớn nhỏ. Chúng sẽ sớm được chuyển đến nhà những người tiêu dùng Mỹ đã đặt đơn trên Temu và TikTok Shop.

“Đó là một công việc thoải mái”, Lin, người thức dậy mỗi sáng để kiểm tra đơn hàng, in nhãn vận chuyển và đóng gói, cho biết. Anh vận chuyển bằng cách đi bộ, đựng trong ba lô hoặc xe đẩy đến một bưu điện, sau đó tính phí người bán Trung Quốc khoảng 1 USD.

Nhiều người bán vận chuyển đơn hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ đang gặp khó khăn trước động thái mới của chính phủ nhằm trấn áp các bưu kiện thương mại điện tử giá rẻ đến từ đại lục. Thay vì dựa vào vận chuyển đường dài, họ tận dụng các công ty hậu cần thương mại hoặc kho hàng nhỏ như Lin..

CHAT GPT CHUẨN BỊ RA MẮT TÍNH NĂNG GỌI VIDEO CÙNG AI

Tính năng giọng nói nâng cao của ChatGPT sẽ có khả năng tương tác với người dùng bằng cuộc gọi video trong tương lai gần - Ảnh: OpenAi

Theo TechRadar, OpenAI đang phát triển tính năng mới mang tên “Live Camera”, được cho là sẽ tích hợp vào chế độ giọng nói nâng cao của Chat GPT. Tính năng này sẽ giúp AI (trí tuệ nhân tạo) không chỉ trò chuyện bằng âm thanh mà còn có khả năng nhận diện và phản hồi về hình ảnh.

Chế độ giọng nói nâng cao của ChatGPT đã được thử nghiệm ở giai đoạn Alpha, nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Một người thử nghiệm so sánh trải nghiệm với việc gọi FaceTime cùng một “người bạn siêu thông minh”, cho biết tính năng này rất hữu ích khi trả lời câu hỏi theo thời gian thực.

Việc tích hợp khả năng nhận diện hình ảnh và gọi video hứa hẹn giúp ChatGPT vượt xa vai trò của một chatbot thông thường. Đây có thể là công cụ hữu ích cho người khiếm thị, hoặc giúp người dùng xử lý các tình huống yêu cầu nhận diện trực quan.

ẤN ĐỘ TÌM CÁCH TÁI CHẾ HÀNG TRIỆU TẤN RÁC THẢI NGÀNH ĐIỆN TÁI TẠO

Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, đang đẩy mạnh tiêu thụ xe điện và năng lượng tái tạo nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, quá trình này đối diện bài toán xử lý hàng triệu tấn pin và thiết bị qua sử dụng, như pin xe điện và các tấm pin mặt trời.

Một số doanh nghiệp đã đi đầu trong việc tái chế pin xe điện. Công ty Nunam, tại Bengaluru, tái sử dụng pin để tạo ra các bộ trữ điện cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Họ đặt mục tiêu tái chế một GWh điện, đủ cung cấp cho một triệu ngôi nhà mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Các kỹ sư của Nunam nhận định pin xe điện, sau khi không còn hoạt động hiệu quả cho động cơ, vẫn có thể phục vụ tốt các nhu cầu tiêu thụ điện nhỏ.

Các bộ trữ điện tái chế từ pin xe điện cũ của Nunam. Ảnh: AP

Ấn Độ hiện nhập khẩu hơn 95% pin lithium-ion và các khoáng sản cần thiết cho năng lượng sạch. Chuyên gia Akansha Tyagi nhấn mạnh rằng gần 90% vật liệu trong pin và thiết bị năng lượng tái tạo có thể tái chế, mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, hạn chế hiện tại bao gồm thiếu doanh nghiệp tham gia, nhân lực tay nghề cao, và các quy định tái chế chi tiết.

Hiện nay, nhiều thiết bị như pin mặt trời và xe điện hết hạn sử dụng vẫn bị đưa vào bãi rác hoặc được xử lý bởi các nhà tái chế không được cấp phép. Một số startup như Nunam đã triển khai các giải pháp tái chế sáng tạo, nhưng quy mô còn nhỏ. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành quy định yêu cầu tái chế các thiết bị năng lượng tái tạo, nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể.

Các chuyên gia khẳng định rằng cần lên kế hoạch tái chế rõ ràng và chi tiết, không chỉ để giảm thiểu rác thải mà còn tạo lợi nhuận và việc làm. Nếu không, Ấn Độ có nguy cơ trở thành một trong những quốc gia tạo ra lượng rác thải năng lượng tái tạo lớn nhất.

CÁ TRA VIỆT NAM BỊ CẠNH TRANH GAY GẮT

Một nhà máy chế biến cá tra tại Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài (VnExpress)

Tại hội nghị tổng kết cá tra năm 2024 tại Đồng Tháp ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sản lượng cá tra năm 2024 đạt khoảng 1,6 triệu tấn, không thay đổi so với năm trước. Tính đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, cá tra Việt Nam đang đối mặt sự cạnh tranh mạnh từ các quốc gia khác và các loại cá thịt trắng.

Theo Cục Thủy sản, Việt Nam chiếm 42% sản lượng cá tra toàn cầu, nhưng các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh cũng gia tăng sản lượng. Trung Quốc sản xuất 1,4 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu phục vụ nội địa, giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Indonesia dù sản lượng thấp nhưng đang xây dựng uy tín tại Trung Đông với các nhãn hàng riêng. Ngoài ra, cá tra còn phải cạnh tranh với cá rô phi (chiếm 20% thị phần cá thịt trắng toàn cầu) và cá tuyết.

Cục Thủy sản khuyến cáo doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện tỷ lệ mạ băng, xây dựng thương hiệu để đảm bảo giá bán phù hợp. Thái Lan là ví dụ điển hình khi giá cá tra xuất khẩu tăng mạnh nhờ chiến lược tiếp thị hiệu quả, dù không nằm trong bản đồ nuôi cá tra.

Ngoài áp lực từ thị trường, cá tra Việt Nam còn đối mặt khó khăn nội tại như chất lượng giống chưa đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, và chi phí sản xuất tăng do giá vật tư đầu vào cao.

Thị phần xuất khẩu cá tra đang thay đổi, với Trung Quốc chiếm 29% (giảm 2%) và Mỹ tăng lên 18%. Các thị trường nhỏ như Brazil, Nhật Bản, Colombia, Nga tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, Nhật Bản, thị trường khó tính với cá da trơn, lại ghi nhận tiềm năng lớn cho sản phẩm sasimi từ cá tra Việt Nam.

SẦU RIÊNG VIỆT “MỘT MÌNH MỘT CHỢ”, GIÁ CAO NGẤT NGƯỞNG

Việt Nam đang "một mình một chợ" nên giá thu mua sầu riêng đang cao ngất ngưởng - Ảnh: Báo NLD

Giá sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện cao kỷ lục, với Monthong loại A đạt 180.000-190.000 đồng/kg và Ri 6 loại A ở mức 135.000-140.000 đồng/kg, gấp đôi so với chính vụ. Loại B và C có giá thấp hơn lần lượt 20.000 và 40.000 đồng/kg. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Việt Nam đang chiếm lợi thế độc quyền trong thời điểm nghịch vụ khi sản lượng thấp và nhu cầu cao, khiến giá sầu riêng tăng vọt, thậm chí có lúc đạt 200.000 đồng/kg.

Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ sầu riêng Việt Nam, và Việt Nam có tiềm năng vượt Thái Lan trong xuất khẩu sầu riêng trong 1-2 năm tới. Năm 2024, Thái Lan đạt giá trị xuất khẩu sầu riêng 3,7 tỉ USD, giảm so với năm trước, trong khi Việt Nam ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng mạnh 60%.

Đến hết tháng 10, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 6,16 tỉ USD, trong đó 4,1 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc. Sầu riêng dẫn đầu với giá trị 2,9 tỉ USD, nhờ nhu cầu lớn từ Trung Quốc do việc trồng thử nghiệm tại đảo Hải Nam chưa thành công, khiến nước này phụ thuộc vào nhập khẩu từ Đông Nam Á.

CUỘC ĐUA MỚI CỦA HIGHLANDS COFFEE, STARBUCKS VÀ KATINAT

Cửa hàng Katinat ở thành phố Huế. Ảnh: Katinat.

Thị trường F&B tại các thành phố du lịch Việt Nam đang trở thành tâm điểm cạnh tranh của các chuỗi trà - cà phê lớn như Highlands Coffee, Starbucks và Katinat. Gần đây, Starbucks và Highlands mở cửa hàng mới tại những vị trí đắc địa ở Đà Lạt, trong khi Katinat ra mắt chi nhánh đầu tiên tại Huế.

Xu hướng này phản ánh chiến lược mở rộng vào các thị trường du lịch tiềm năng như Hội An, Huế, Đà Lạt và Phú Quốc, đặc biệt khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã bão hòa. Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Việt Nam, các địa điểm này hứa hẹn tiềm năng kinh doanh nhờ lượng khách nội địa tăng và triển vọng du lịch quốc tế phục hồi. Giá thuê mặt bằng hợp lý cùng với chiến dịch tiếp thị tốt có thể tạo hiệu ứng lan tỏa, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Ông Đỗ Duy Thanh, chuyên gia tư vấn F&B, nhận định chuỗi cà phê dễ mở rộng hơn các chuỗi nhà hàng nhờ tính linh hoạt trong vận hành. Các cửa hàng tại điểm du lịch không chỉ thu hút khách nội địa và quốc tế mà còn nâng cao uy tín thương hiệu. Đối với thương hiệu ngoại như Starbucks, đây là cơ hội địa phương hóa, trong khi Highlands và Katinat có thể sử dụng làm bàn đạp để vươn ra quốc tế.

Tuy nhiên, các thương hiệu cũng đối mặt thách thức từ tính chu kỳ của lượng khách du lịch và phải tối ưu chi phí vận hành. Ví dụ, The Coffee House từng đóng cửa chi nhánh Michelin gợi ý những món cà phê nhất định phải thử khi đến Việt Nam

Theo bài viết của Michelin Guide, cà phê Việt Nam không chỉ là một phần của di sản ẩm thực quốc gia mà còn được quốc tế đánh giá cao. Các món cà phê nổi bật mà du khách nên thử gồm cà phê sữa đá, bạc xỉu, cà phê dừa, cà phê muối, cà phê trứng và cà phê trái cây, được chế biến từ cà phê Arabica kết hợp với trái cây nhiệt đới như cam, vải, mơ. Michelin gợi ý địa điểm thưởng thức cà phê muối ở Huế, cà phê trứng tại Hà Nội, và cà phê sữa đá, bạc xỉu tại TP.HCM.

Cà phê sữa đá, được ví như "viên ngọc" trong các món cà phê Việt, nổi tiếng với cách pha phin độc đáo, hòa quyện giữa vị đắng của cà phê, ngọt của sữa đặc và mát lạnh từ đá viên. Thức uống này xuất hiện ở mọi nơi, từ quán ven đường đến nhà hàng sang trọng trong nước và quốc tế.

NHÀ XƯỞNG XÂY SẴN ĐƯỢC LÒNG KHÁCH THUÊ
Một góc khu nhà xưởng cho thuê của Tập đoàn KCN Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5. Ảnh: V.Gia

Thị trường nhà kho và nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam đang phát triển mạnh nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng và gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lấp đầy tăng cao, đặc biệt tại miền Bắc, nơi các "ong chúa" như Samsung, LG, Foxconn và chuỗi cung ứng điện tử mở rộng hoạt động. Trong quý III/2024, diện tích hấp thụ thuần nhà xưởng xây sẵn đạt hơn 245.000 m², tăng 43% theo quý, trong khi miền Nam dẫn đầu về cho thuê nhờ nhu cầu từ các ngành công nghệ cao, logistics và thương mại điện tử.

Tỷ lệ hấp thụ tốt khiến nhiều dự án chuyển đổi từ nhà kho sang nhà xưởng xây sẵn để đáp ứng nhu cầu. Giá thuê trung bình cũng tăng nhẹ, đạt 4,8 USD/m²/tháng. Dự báo, giá thuê phân khúc này sẽ tăng 1-4%/năm trong 3 năm tới, với động lực từ các ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn và ô tô.

Ngoài vị trí thuận tiện và chất lượng sản phẩm, yếu tố “nhà kho xanh” với các tiêu chuẩn bền vững ngày càng được quan tâm. Xu hướng này phản ánh nhu cầu ngày càng cao về hiệu quả vận hành và phát triển bền vững trong thị trường bất động sản công nghiệp.

ẤN ĐỘ LO NGẠI HÀNG HÓA TRUNG QUỐC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA QUA NGÕ ASEAN

Hàng hóa ở cảng Kolkata, bang Đông Bengal. Cán cân thương mại song phương đang nghiêng về ASEAN, khi xuất khẩu của Ấn Độ đạt 41,2 tỉ đô la, nhập khẩu đạt 80 tỉ đô la trong năm tài chính kết thúc hồi tháng 3. Ảnh: Getty Images

Ấn Độ và ASEAN đang xem xét lại thỏa thuận thương mại song phương ký kết 15 năm trước nhân cuộc gặp cấp cao giữa hai bên từ ngày 18 đến 22-11 tại thủ đô New Delhi.

Đây là nỗ lực mới nhất của New Delhi nhằm tìm cách tiếp cận với thị trường hàng hóa ASEAN, cập nhật các quy định xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trong bối cảnh Ấn Độ đang nhập siêu hơn 38 tỉ đô la từ ASEAN. Và Ấn Độ ngày càng lo ngại rằng hàng hóa Trung Quốc đang thâm nhập thị trường nội địa Ấn Độ thông qua cửa ngõ các nước ASEAN.

“Nền kinh tế Trung Quốc không thể mở rộng tiêu dùng trong nước. Chính vì thế, nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn rất mạnh mẽ. Bản chất không công bằng của các điều khoản được cấp theo hiệp định thương mại giữa Trung Quốc – ASEAN và giữa Ấn Độ – ASEAN đương nhiên làm dấy lên mối lo ngại về việc hàng hóa Trung Quốc trên thực tế sẽ tràn vào Ấn Độ thông qua ASEAN. Tuy nhiên, Ấn Độ hiểu rằng các thỏa thuận FTA, mặc dù mang tính kinh tế, nhưng có tác động khu vực và song phương. Do đó, việc nâng cấp kịp thời là thực tế nhất”, bà Gandhi, cộng sự tại tổ chức nghiên cứu Vivekananda International Foundation của Ấn Độ nói.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này có 5 chuyên gia gửi bình luận cho bản tin. Mời bạn đọc các lời bình.

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG PHÂN PHỐI TRONG THỜI KỲ THAY ĐỔI
Trong thời gian vừa qua, tôi có cơ hội được tham gia “khám bệnh” cho Everon — một doanh nghiệp chăn ga gối nệm gốc Hàn Quốc đang bị trì trệ doanh thu trong 3 năm nay. Trong những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, thì có một nội dung là hệ thống phân phối “truyền thống” không bắt kịp với những thay đổi của thời đại.

Hệ thống phân phối “truyền thống” của doanh nghiệp chính là mạng lưới các cửa hàng mặt tiền phố khắp đất nước. Ở các thành phố lớn, do quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ xe máy sang xe hơi, nên sức bán của cửa hàng mặt tiền phố đã giảm đang kể, nhất là các mặt hàng giá trị tương đối cao bán cho khách hàng trung lưu. Đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong vài năm nữa khi các tuyến tàu điện đi vào hoạt động, vài người dân hạn chế di chuyển bằng xe gắn máy, thì hiệu quả bán hàng của các cửa hàng mặt phố sẽ rất thấp.

Hiện tượng này cũng có thể quan sát thấy ở Bangkok, Manila hay các thành phố lớn khác trong khu vực, là việc mua sắm của người dân sẽ dần chuyển về các siêu thị — đại siêu thị có bãi đỗ xe rộng rãi. Các cửa hàng mặt phố chỉ giữ được sức bán ở vùng ven, và với các món hàng nhỏ, dễ mang vác, hoặc các khu vực gần các ga tàu điện.

Nói rộng ra, thì kênh MT sẽ lấn dần kênh mặt tiền phố. Điều này không chỉ đang xảy ra với chăn ga gối nệm, mà đang xảy ra với các hệ thống cửa hàng bán sữa, quần áo thời trang và cả thực phẩm.

Một “thay đổi thời đại” khác là nhóm người tiêu dùng trẻ (Millennials — Zoomers) đã có thói quen mua sắm online. Ngay cả những mặt hàng mà họ cần đến điểm bán để kiểm tra hàng trước khi mua (như đồ thời trang, nước hoa và đồ nội thất cần thử), thì họ cũng tìm hiểu về mặt hàng từ trên môi trường online. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng đã và đang đòi hỏi một trải nghiệm mua sắm khác, trải nghiệm physical — digital, hay phygital.

Để có thể thích ứng với phygital, các doanh nghiệp cần tích hợp bộ phận marketing và bán hàng trong một cấu trúc kinh doanh chung. Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng hạ tầng marketing — bán hàng dựa trên hạ tầng số gồm dữ liệu khách hàng tiềm năng CDP (Customer data platform) và CRM (Customer relationship management). Hạ tầng số này là cơ sở để tổ chức một hành trình khách hàng trọn vẹn từ giới thiệu sản phẩm online, từng bước thuyết phục về tính năng sản phẩm và chốt đơn tại điểm bán, hoặc chốt đơn online nhưng các điểm bán nhận nhiệm vụ điểm giao hàng cuối.

Những thay đổi này đang diễn ra trên diện rộng. Ý thức về chúng để nắm bắt và thích ứng là một thử thách lớn với tất cả chủ doanh nghiệp. Nhưng chúng cũng là cơ hội để tạo ra sức mạnh cạnh tranh cho những doanh nghiệp dám thay đổi và có quyết tâm thay đổi.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

ẤN ĐỘ LO NGẠI HÀNG HÓA TRUNG QUỐC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA QUA NGÕ ASEAN
Ấn Độ đang nổi lên cạnh tranh với Trung Quốc, trở thành trụ cột thứ hai của cái gọi là “công xưởng sản xuất của thế giới”. Có thể thấy rõ là Ấn Độ đã không tập trung vào những ngành hàng tiêu dùng thông thường, mà ưu tiên cho các ngành lắp ráp và sản xuất smartphone, linh kiện điện tử, xe hơi, và đặc biệt là dược phẩm.

Năm 2021, Ấn Độ đã trở thành nhà sản xuất smartphone thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Dự kiến, họ sẽ qua mặt Trung Quốc vào năm 2025. Nhà thầu Foxconn đã cắt bớt công suất lắp ráp iPhone ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của Tế Nam ở Trung Quốc và chuyển dần sang Ấn Độ. Trịnh Châu giờ không còn được xem là “thành phố iPhone” nữa, và biệt danh này có thể chuyển cho Bengaluru hay Chennai hay Sriperumbudur… của Ấn Độ.

Đó là chính sách thu hút đầu tư của Ấn Độ với rất nhiều ưu đãi. Dĩ nhiên, đó cũng là sự thay đổi trong chính sách Trung Quốc khi Trịnh Châu có thể trở thành thành phố xe điện.

Nói đến điều này, người Việt phải dũng cảm để nhận ra thực tế rằng Samsung cũng có động thái tương tự khi giảm bớt công suất lắp ráp các dòng Galaxy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh và chuyển bớt công suất sang Ấn Độ. Từ hơn 60% trong những năm trước 2022 xuống còn 50% trong năm 2023 và sắp tới chỉ còn 46% (Thái Nguyên 32% và Bắc Ninh 14%), theo Korea IT News.

Ngành chip Ấn Độ cần thời gian rất dài để so kè về sản lượng và chất lượng với ngành chip Trung Quốc. Ngành xe hơi thì nhanh hơn với mục tiêu trở thành một trong ba nước sản xuất xe hàng đầu thế giới năm 2031…

Ấn Độ vẫn còn nhiều còn khoảng cách khá xa và rất xa so với trình độ phát triển kinh tế và công nghệ với Trung Quốc. Nhưng họ đang tăng tốc và rút ngắn khoảng cách, đặc biệt là R&D.

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hôm 21-11 rằng số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế trên toàn thế giới đã tăng 2,7% lên mức kỷ lục 3,55 triệu vào năm 2023, một phần nhờ hoạt động mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Các nước trong Top 5 của WIPO chỉ đạt tốc độ tăng trưởng hơn 2%. Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí hàng đầu với 1,64 triệu đơn, tiếp theo là Mỹ (518.000 đơn), Nhật Bản (414.000), Hàn Quốc (288.000) và Đức (133.000). Ấn Độ đứng thứ sáu với hơn 64.000 đơn, là quốc gia duy nhất trong Top 10 có tốc độ tăng trưởng hai chữ số. 

Ông Đồng Phước Vinh

31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.

CUỘC ĐUA HẠ TẦNG GIAO THÔNG CHUNG QUANH TPHCM NGÀY CÀNG NÓNG
Có một xu hướng đang diễn ra từ 1-2 năm gần đây ở hai tỉnh láng giềng của TPHCM là Long An và Bình Dương: tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông. Hàng loạt dự án đường giao thông đã và đang được đầu tư với mục tiêu chung là để kết nối vào hệ thống giao thông của TPHCM.

Có thể kể ra những dự án ngàn tỉ này như Long An với dự án xây mới quốc lộ 50B (tức đường tỉnh 827 E hiện hữu) kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang; đường tỉnh 838 dài 13 km tại huyện biên giới Đức Huệ đi TP HCM; dự án nâng cấp 830C nối từ huyện Bến Lức đến Bình Chánh dài 9km với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Bình Dương cũng đổ hàng ngàn tỉ đồng vào hạ tầng “tiến về Sài Gòn” như dự án đường trục chính Đông Tây có điểm đầu nối với quốc lộ 1A và điểm cuối nối với quốc lộ 1K đã hoàn thành, chỉ còn đoạn cuối dài 50m kết nối vào Bến xe Miền Đông mới (thuộc địa phận TPHCM) thì vẫn còn vướng mặt bằng.

Ngoài ra các dự án chung khu vực như đường vành đai 3, vành đai 4 cũng được hai tỉnh Long An, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ.

Với việc phân quyền hiện nay cho phép đầu tư các dự án quốc lộ và cả cao tốc, nhất là khi Luật Đường bộ có hiệu lực từ đầu năm 2025, các tỉnh chung quanh ngày càng rộng cửa chủ động làm đường kết nối về TPHCM.

Ngoài lưu thông hàng hoá, thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông các tỉnh tốt còn kích thích thị trường địa ốc. Mới đây, theo thông tin từ DKRA Consulting, đã có xu hướng người mua căn hộ TPHCM đang dần chuyển dịch sang khu vực lân cận như Bình Dương nhờ giá cả dễ chịu hơn, chấp nhận đi xa hơn nhưng khi đường giao thông tốt thì đây là điều chấp nhập được. Một số khách hàng trẻ cũng đang tìm nhà ở khu vực Long An giáp ranh TPHCM với mục đích tương tự.

Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.

💡
Nếu cảm thấy bản tin hay và hữu ích, nhờ bạn chia sẻ giúp tôi đến bạn bè, đồng nghiệp,người thân... qua đường link bên dưới để lan tỏa bản tin đến nhiều người đọc hơn.