BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (16/12 - 22/12/2024)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (16/12 - 22/12/2024)

22/12/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

💡
Nếu cảm thấy bản tin hay và hữu ích, nhờ bạn chia sẻ giúp tôi đến bạn bè, đồng nghiệp,người thân... qua đường link bên dưới để lan tỏa bản tin đến nhiều người đọc hơn.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG

Mời bạn theo dõi các bài viết của tôi cũng như các bài gửi về từ các chuyên gia trong tuần qua:

CHIẾN TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ 2025

Cứ mỗi cuối năm dương lịch thì anh em trong ngành bán hàng của chúng tôi lại có dịp ngồi lại để bàn tùm lum chuyện. Trong đó tất nhiên là có chủ đề đâu là điểm sáng tăng trưởng của thị trường 2025, nhìn từ góc độ phân phối và bán hàng. Tôi thử “recap”lại đây vài ý để quý anh chị cùng bàn, cùng góp ý (xét cho cùng thì dự đoán cũng chỉ là dự đoán, không dễ trong bối cảnh mọi thứ đều biến động khó lường):... Đọc thêm

VỤ GIẢ GIẤY TỜ CỦA CT VINA T&T: BỌN PHẠM PHÁP CHỈ VỤ LỢI HAY MUỐN PHÁ HOẠI ?

Bài kêu cứu, có đăng ảnh của văn bản giả, như sau:”Một con dấu không tồn tại, một giấy tờ giả mạo, các hợp đồng mua bán Mã số nhà máy đóng gói không hợp pháp mà vẫn qua mặt được các cơ quan quản lý xuất hàng trăm container Sầu Riêng qua Trung Quốc . Ai là người sẽ bảo vệ các doanh nghiệp làm đúng , ai là người bảo vệ thương hiệu Sầu Riêng Việt Nam ???... Đọc thêm

TẠI MEKONG CONNECT 2024, CỐ VẤN HOÀNG GIA THÁI NÓI GÌ VỀ OTOP?

Bạn thân mến. Bạn xem hình dưới đây, sẽ thấy đây là một panel lý thú. 2 diễn giả, 2 host. Diễn giả là chuyên gia cao cấp của Hoàng gia Thái. Ông Thapana Boonlar là Chủ tịch Hội đồng cố vấn về chiến lược phát triển OTP của Hội đồng cố vấn phát triển kinh tế của Hoàng gia Thái. Còn ông Watcharapong là chủ tịch HH OTOP toàn Thái Lan. Chị Mai Liên, giảng viên đại học RMIT giúp chuyển ngữ tiếng Thái còn chị Nguyễn Phi Vân là host chính... Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU

Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới. 

SÀN TMĐT ĐẦU TIÊN CHUYÊN BIỆT VỀ NÔNG SẢN CHẤT LƯỢNG CAO

Sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn- nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam.

Chiều 12/12, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post đã công bố ra mắt nongsan.buudien.vn - sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam, do Vietnam Post làm chủ về công nghệ và vận hành.

Theo Vietnam Post, sàn nongsan.buudien.vn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày mà còn mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè, đối tác. Sàn được định hướng từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác.

Quy trình lựa chọn, kiểm định chất lượng sản phẩm đưa lên nongsan.buudien.vn đã được xây dựng theo các quy định và tiêu chuẩn chất lượng quốc gia.

Các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm. Ngoài ra, Vietnam Post sẽ đảm bảo để sản phẩm luôn giữ được sự ổn định về chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn cho rằng: Việc xây dựng và vận hành một sàn thương mại điện tử dành riêng cho nông sản là giải pháp thiết thực để giải quyết 3 vấn đề trọng yếu gồm tiêu thụ nông sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hỗ trợ người nông dân. Sàn này sẽ gắn kết các công cụ số, đặc biệt là bán hàng trực tuyến – livestream với hơn 14.000 điểm phục vụ của Vietnam Post trên toàn quốc để tạo thành hệ thống ‘cửa hàng’ giao dịch nông sản lớn, nhanh và gần người dân nhất.

Để thực hiện mục tiêu này, Vietnam Post và TikTok đã ký kết thỏa thuận hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Vietnam Post và TikTok Việt Nam sẽ cùng các đối tác quản lý mạng lưới nhà sáng tạo nội dung lan tỏa giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể từ các vùng miền đến người dùng trong nước và thế giới.

LẠI THÊM MỘT SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NỮA RA MẮT, CAM KẾT KHÔNG THU PHÍ NHÀ BÁN

Hi1, nằm trong hệ sinh thái thông minh eVIPcare System, là nền tảng thương mại điện tử tiên phong ứng dụng công nghệ AI nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người dùng.

Ngày 11/12, Công ty cổ phần Hi1 Việt Nam chính thức ra mắt sàn thương mại điện tử Hi1 – nền tảng F2C (Factory to Consumer) đầu tiên tại Việt Nam. Mô hình sẽ giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng cuối mà không qua trung gian.

Hi1, nằm trong hệ sinh thái thông minh eVIPcare System, là nền tảng thương mại điện tử tiên phong ứng dụng công nghệ AI nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người dùng. Công nghệ AI hỗ trợ tư vấn dựa trên sở thích, nhu cầu của từng cá nhân, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp. AI tự động hỗ trợ chăm sóc khách hàng 24/7, giúp giải đáp thắc mắc nhanh chóng và hỗ trợ người dùng trong quá trình mua sắm và sau bán hàng.

Một trong những điểm khác biệt của Hi1 là không thu phí nhà bán, thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ dành cho các nhà sản xuất Việt Nam. Việc này giúp các nhà sản xuất tăng cường khả năng cạnh tranh, tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm và mang đến giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng. Sàn cũng sẽ cung cấp dữ liệu về hành vi mua sắm, giúp nhà cung cấp hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường và cải thiện sản phẩm, chiến lược bán hàng.

GIỎ QUÀ TẾT GIÁ MỀM, GỒM HÀNH TỎI ĐỘC LẠ LẦN ĐẦU LÊN KỆ CO.OPMART VÀ CO.OPXTRA

Theo các chuyên gia, xu hướng sắm Tết 2025 tiếp tục là tiết kiệm và thiết thực; nhiều cửa hàng, siêu thị đã nhanh chóng tung ra các giỏ quà Tết bình dân, dễ mua, đáp ứng sự thay đổi như giỏ quà nông sản, rau củ hay trái cây từ các nhà cung cấp uy tín đang trở thành xu hướng, được ưa chuộng nhờ sự mới lạ và mức giá phải chăng.

Nắm bắt nhu cầu đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) ra mắt nhiều mẫu giỏ quà Tết Ất Tỵ rau củ độc đáo, kết hợp các loại rau củ với gia vị Á - Âu như tỏi Hải Dương, hành tím Vĩnh Châu, hành tây New Zealand. Giá của những giỏ quà này chỉ từ 31.500 đồng.

Giỏ quà Tết rau củ tại Co.opmart, Co.opxtra - Ảnh: SAIGON CO.OP

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng tung hơn 100 mẫu giỏ quà Tết với đa dạng mẫu mã và chủng loại. Các sản phẩm trong giỏ quà bao gồm hạt các loại, mứt, trà, bánh kẹo, cà phê, rượu, với giá dao động từ 99.000 đồng đến 1,4 triệu đồng. Siêu thị cũng áp dụng mức chiết khấu lên đến 8% so với giá gốc khi khách hàng đặt số lượng lớn.

Đại diện Saigon Co.op cho hay các mẫu giỏ quà năm nay là sự kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại, phù hợp phục vụ mọi nhu cầu, từ trưng bày đến biếu tặng cho cá nhân hoặc đoàn thể.

HONDA VÀ NISSAN ĐANG ĐÀM PHÁN SÁP NHẬP, CÓ THỂ TẠO RA HÃNG Ô TÔ LỚN THỨ 3 THẾ GIỚI
Hai hãng ôtô Nhật Bản Nissan Motor và Honda Motor đang trao đổi về việc sáp nhập. Ảnh: AFP

Hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda và Nissan cho biết đang tìm hiểu về việc sáp nhập, sau loạt khó khăn kinh doanh của Nissan tại thị trường Mỹ và Trung Quốc. Theo Nikkei Asia, quá trình đàm phán sáp nhập hoặc hợp tác đang diễn ra, song chưa đi đến quyết định cuối cùng.

Theo cuộc đàm phán, Honda và Nissan cũng muốn đưa Mitsubishi Motors gia nhập công ty mẹ. Tổng doanh số 3 nhà sản xuất sẽ vượt 8 triệu xe, thách thức ông lớn Toyota tại thị trường nội địa cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh tại Trung Quốc hay quốc tế.

Sự kiện này đã khiến nhiều chuyên gia không thể tin nổi bởi ngay từ những ngày đầu thành lập, hai hãng Honda và Nissan đã đi theo những con đường phát triển rất khác nhau.

Nissan được thành lập vào năm 1934 bởi Yoshisuke Aikawa, một nhà sáng lập ít tên tuổi đã biến công ty thành một tập đoàn lớn trước Thế chiến II thông qua hàng loạt thương vụ sáp nhập và niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Trái lại Soichiro Honda, nhà sáng lập Honda vào năm 1948 thì lại ưa thích phát triển ô tô một mình, căm ghét những liên minh hay liên doanh, coi việc thu mua sáp nhập (M&A) những doanh nghiệp khác chỉ khiến hoạt động sản xuất chậm lại.

Dù mỗi hãng bán khoảng 4 triệu chiếc ô tô trên toàn cầu mỗi năm nhưng cả Nissan và Honda đều ngạc nhiên trước sự vươn lên của các tập đoàn xe điện nội địa Trung Quốc. Ban đầu phía Nhật Bản chỉ cho rằng đây là bong bóng nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và tiền từ ngân sách, nhưng khi ngay cả Elon Musk và Tesla cũng phải dè chừng thì Honda và Nissan mới nhận ra họ đã quá trễ.

Trong khi Honda và Nissan bất lực trước dòng lũ xe điện giá rẻ Trung Quốc thì tờ Fortune lại cho rằng sự sáp nhập này là một biện pháp phòng vệ trước Toyota, hãng xe lớn nhất Nhật Bản và đứng đầu thế giới.

Do dần yếu hơn trước Toyota nên 2 hãng xe Nhật Bản đang phải bắt tay để hợp tác cùng sống sót. Tổng doanh số 6 tháng đầu năm trên toàn cầu của cả Honda và Nissan chỉ vào khoảng 4 triệu xe, thấp hơn so với 5,2 triệu chiếc của Toyota.

Hiện Toyota đang nắm giữ cổ phần tại Subaru Corp, Suzuki Motor Corp và Mazda Motor Corp, nhờ đó tạo ra một liên minh thế lực hùng mạnh của các thương hiệu có xếp hạng tín dụng cao.

HƯỚNG NỘI DUNG “THẤP CẤP” TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Nội dung “brain rot” đang tạo sức hút mạnh mẽ như một phản ứng trước làn sóng nội dung kỹ thuật số ngày càng bóng bẩy và được trau chuốt quá mức.

Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của "Brain rot" - nội dung trực tuyến được xem là “thấp cấp” hoặc mang tính giải trí vô nghĩa. Trào lưu này lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, thậm chí từ vựng “brain rot” đã được Nhà xuất bản Đại học Oxford chọn làm từ của năm, với định nghĩa chính thức: “Sự suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt do tiêu thụ quá mức nội dung (hiện nay chủ yếu là nội dung trực tuyến) được xem là tầm thường hoặc thiếu thách thức.”

Nội dung “brain rot” đang tạo sức hút mạnh mẽ như một phản ứng trước làn sóng nội dung kỹ thuật số ngày càng bóng bẩy và được trau chuốt quá mức. Giữa những video được dựng công phu và các câu chuyện kể cầu kỳ, người dùng dường như chỉ muốn tạm dừng, tìm kiếm sự nhẹ nhàng và đơn giản. Xu hướng này minh họa sự thay đổi trong sở thích của người xem, ưu tiên những nội dung có khả năng xoa dịu tinh thần, giảm bớt sự căng thẳng do thông tin tràn ngập. Nếu như văn hóa meme trước đây gây ấn tượng nhờ sự mỉa mai và hài hước sâu sắc, thì nội dung "brain Rot" lại đi xa hơn khi loại bỏ hoàn toàn sự châm biếm, thay vào đó là niềm vui giản đơn, không cần suy nghĩ nhiều. Đây chính là sự "giải trí nguyên sơ" - thỏa mãn và dễ tiếp cận, mang lại sự cân bằng giữa một thế giới số vốn dĩ đầy phức tạp.

Theo Maggie Walsh, giám đốc chiến lược tại Glow, việc sử dụng ngôn ngữ "brain rot" phải được cân nhắc kỹ. Theo dữ liệu từ Oxford, lượt tìm kiếm cụm từ “brain rot meaning” đã tăng hơn 2,073% trong năm qua, cho thấy sự tò mò lớn của công chúng. Tuy nhiên, sử dụng ngôn ngữ thịnh hành một cách thiếu kiểm soát có thể khiến thương hiệu trở nên sáo rỗng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến hình ảnh. Nếu chỉ tập trung vào xu hướng này, thương hiệu dễ bị cuốn vào “vòng lặp cuộn vô tận” của mạng xã hội, trở nên nhạt nhòa giữa những nội dung do người dùng tạo ra.

Đối với những thương hiệu tập trung vào số lượng hơn chất lượng, nội dung "brain rot" có thể giúp tăng tương tác và chiều lòng thuật toán mạng xã hội. Ví dụ, đội bóng Buffalo Bills đã khéo léo kết hợp các meme với nội dung liên quan đến cầu thủ và hoạt động đội bóng, tạo điểm nhấn độc đáo trên TikTok. Tuy nhiên, chiến lược bền vững đòi hỏi sự cân bằng cũng như cần có nội dung vừa hòa nhập với xu hướng vừa thể hiện sự khác biệt để nổi bật.

GOOGLE SEARCH 2024: THỂ THAO LÊN NGÔI TRONG XU HƯỚNG TÌM KIẾM CỦA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM, XU HƯỚNG VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ

Mới đây, Google đã công bố bảng xếp hạng các tìm kiếm nổi bật nhất của người dùng trên toàn thế giới trong năm 2024. Có 7 chủ đề chính gồm: "Xu hướng tìm kiếm chung nổi bật", "Công cụ AI", "Phim", "Du lịch", "Concert", "Kỹ năng" và "Cách làm".

Những xu hướng tìm kiếm nổi bật tại Việt Nam năm 2024

Thể thao. Những giải đấu định kỳ 4 năm như Euro, Asian Cup, Copa và Olympics liên tục xuất hiện trong danh sách xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất tại Việt Nam.

Môi trường. Những từ khóa như “tiến trình biến đổi khí hậu” và “bão Yagi” xuất hiện nổi bật.

Năm 2024, các công cụ AI như ChatGPT, Gemini, và Character AI trở thành tâm điểm tìm kiếm trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Những ứng dụng như PixVerse và Luma – chuyên tạo nội dung 3D và video – ghi nhận mức độ quan tâm tăng cao, thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ sang việc sử dụng AI trong ngành sáng tạo số. Tại Việt Nam, Gemini nổi lên vượt qua ChatGPT, trở thành công cụ AI được tìm kiếm nhiều nhất, cùng với sự quan tâm đáng kể dành cho các ứng dụng như Viggle và Luma.

Các từ khóa tìm kiếm về "công cụ AI" tại Việt Nam

Năm 2024, du lịch nội địa trở thành lựa chọn hàng đầu của người Việt với 8/10 điểm đến nổi bật. 3 điểm được chú ý nhất: Vịnh Vĩnh Hy, phố cổ Hội An, và làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Cần Thơ).

Âm nhạc và phim ảnh là hai lĩnh vực giải trí ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ từ công chúng tại Việt Nam. Các concert lớn như Taylor Swift, Baekhyun hay các sự kiện trong nước như "Anh Trai Say Hi" và "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" đều thu hút lượng lớn người tìm

Đặc biệt, Google Year In Search 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể về lượt tìm kiếm liên quan đến kỹ năng mềm, với các từ khóa như “kỹ năng lãnh đạo” hay “kỹ năng đàm phán trong kinh doanh” được tìm kiếm phổ biến.

ANH CHÍNH THỨC GIA NHẬP CPTPP, MẶT HÀNG XUẤT KHẨU NÀO CỦA VIỆT NAM CÓ LỢI?

Ngày 15/12/2024, Anh đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nước Anh chính thức trở thành thành viên thứ 12 của khối thương mại này.

Được thành lập vào năm 2018 và đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu, CPTPP hiện quy tụ 2 thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) là Canada và Nhật Bản, cùng với Anh, Australia, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Anh cam kết mở cửa đối với 6 lĩnh vực, trong đó có: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm của chính phủ, dịch vụ tài chính.

Đặc biệt, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (trong khi các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Do đó, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.

Xuất khẩu gạo sang Anh sẽ được tăng dần hạn ngạch, với mức thuế ưu đãi 0%.

Với gạo, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước thuộc CPTPP khác.
Với mặt hàng thủy sản, hiện thuế nhập ưu đãi của các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam vào Anh hầu hết về 0%.

CHUỐI VIỆT CHIẾM THỊ PHẦN ÁP ĐẢO Ở TRUNG QUỐC

Chuối mang thương hiệu Pleiku Sweet của Hoàng Anh Gia Lai xuất bán vào các siêu thị lớn ở Trung Quốc. Ảnh: Thi Hà

Từ vị trí thứ 3, chuối Việt Nam vượt Philippines, chiếm gần 41% thị phần nhập khẩu của Trung Quốc, dẫn đầu sau 10 năm.

Những năm gần đây, chuối của Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc đại lục. Đầu năm nay, chuối tươi từ Việt Nam đánh dấu bước tiến lớn khi độc chiếm kệ hàng tại hệ thống siêu thị AEON ở Trung Quốc, thay thế hoàn toàn chuối từ Philippines và Đài Loan, vốn trước đây chiếm ưu thế. Điều này không chỉ diễn ra ở AEON mà còn lan rộng sang nhiều hệ thống siêu thị khác và các chợ đầu mối lớn tại nước này.

Hiện chuối Pleiku Sweet của Hoàng Anh Gia Lai, là một trong những thương hiệu nổi bật tại Trung Quốc, được đóng gói theo tiêu chuẩn Nhật Bản với số lượng nhỏ từ 3-4 trái mỗi túi. Mỗi tuần, thương hiệu này xuất khẩu vài chục container, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc.

Số liệu mới nhất từ Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 8 tháng đầu năm, quốc gia này nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn chuối với trị giá 592,1 triệu USD, trong đó Việt Nam đạt 459.946 tấn, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu. Thị phần sản phẩm của chuối Việt tăng từ 31,3% trong năm 2023 lên 40,7% năm nay.

Theo các doanh nghiệp, những yếu tố thúc đẩy sự thành công của chuối Việt tại Trung Quốc bao gồm chất lượng sản phẩm, sự ổn định trong sản lượng và chiến lược giá linh hoạt. Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế về địa lý, với chi phí logistics thấp hơn.

Dẫu vậy, xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc vẫn có những thách thức. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, giá cả tại đây biến động mạnh, phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và nhu cầu nội địa. Nguồn cung nội địa của TQ cũng đang gia tăng.

HẤP DẪN THỊ TRƯỜNG HALAL

Đây là ghi chép nóng hổi của tôi, chiều hôm qua khi dự “Innovation days” ở Bến Tre. Phó chủ tịch thường trực tỉnh BT Nguyễn Trúc Sơn cho biết tỉnh này đang nhắm vào TT Halal.

Theo ông Trúc Sơn, thị trường này lớn. Dung lượng tới 10.000 tỷ USD trong khi thị trường công nghệ số chỉ có 2.000 tỷ USD. Phủ trên 3 KV: Trung Đông và châu Phi.

Cơm dừa sấy giòn - sản phẩm được thị trường Halal ưa chuộng

Bến Tre (BT) thì xuất khẩu dừa và thủy sản qua đây rất ngon. Mùa Ramadan vừa rồi, họ đặc biệt thích cơm dừa sấy của BT. Kim ngạch xuất qua TT này nay BT đạt 500 triệu USD, đang nhắm tăng lên 1 tỷ USD. Nhu cầu của họ lớn, ta có khả năng đáp ứng nhưng có một số thủ tục mình cần vượt qua. Đã có DN BT lọt vào đại siêu thị của Dubai, sẽ dẫn dắt được các DN khác. Bộ KH và CN hiện có một cơ quan cung cấp chứng chỉ Halal.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA

Tuần này, có ba chuyên gia gửi lời bình về bản tin, mời các bạn theo dõi ở bên dưới:

Ông Phạm Ngọc Hưng

Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

GIẢI PHÁP BỀN VỮNG CHO NGHỀ SẢN XUẤT NƯỚC MẮM
Mùa cá cơm hàng năm bắt đầu từ tháng 9 kết thúc vào cuối tháng 10 Âm lịch. Năm nay, thời tiết thay đổi, mùa cá cơm về sớm hơn mọi năm, nhưng ít cá hơn. Tại ngư trường cá cơm chính Côn Đảo, một doanh nghiệp sản xuất nước mắm lớn đã đưa tàu chờ sẵn, trả giá cao hơn đón mua từng mẻ, khiến nhiều nhà thùng và cơ sở nước mắm nhỏ đành phải về không.

Chưa bao giờ mà nguồn cá cơm cạn kiệt thành vấn đề gay gắt như năm nay.

Từ 10 năm trước, Viện Nghiên cứu Hải sản cảnh báo rằng “Cường lực khai thác cá cơm hiện nay đã vượt cường lực khai thác bền vững tối đa”. Ở ngư trường biển Tây (tức ngư trường Phú Quốc), giai đoạn 2005 trở về trước, sản lượng cá cơm đánh bắt được là 120’000 tấn/năm, thì đến năm 2015, con số chỉ còn 80’000 tấn. Từ đó đến nay, sản lượng liên tục suy giảm, và nhiều nhà thùng ở Phú Quốc phải giải thể, các nhà thùng còn lại phải thu hẹp công suất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Câu chuyện nguồn cá cơm cạn kiệt không chỉ xảy ra ở biển Tây, bởi lẽ việc đánh bắt bằng lưới vây cực nhỏ, sử dụng nguồn sáng cường độ cao và đánh bắt vào mùa sinh sản xảy ra ở mọi ngư trường. Báo Tuổi Trẻ từng có một loạt bài về “tận diệt hải sản” hồi năm 2018, trong đó dẫn lời ông Huỳnh Quang Huy, chi cục trưởng Chi cục Hải sản Bình Thuận nói rằng “mùa cá cơm bây giờ khai thác vài ngày đã không còn”, và “cá càng ngày càng nhỏ”.

Phú Quốc và Bình Thuận vốn là 2 ngư trường cá cơm truyền thống, cũng là 2 cái nôi của nghề nước mắm. Mấy năm nay, cả hai ngư trường đều cạn cá, và tàu đánh bắt dồn cả về ngư trường Côn Đảo. Nhưng giá cá cơm cao ở mùa này báo hiệu rồi ngư trường Côn Đảo rồi không lâu nữa sẽ rơi vào cảnh cạn kiệt như Phú Quốc và Bình Thuận.

Vậy đâu là giải pháp?

Một mặt, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát đánh giá trữ lượng và quy định sản lượng khai thác không quá 55% trữ lượng để nguồn lợi có thể phục hồi, đồng thời kiểm soát chặt các tàu cá, không để tiếp diễn các phương pháp đánh bắt tận diệt như lưới vây mắt nhỏ, đèn cường độ cao làm nổ mắt cá đồng loạt và phải cấm đánh bắt trong mùa cá sinh sản.

Một mặt khác, các doanh nghiệp cần đầu tư vào R&D để làm nước mắm plant-based. Trên thị trường hiện đã có sản phẩm nước mắm chay mà mùi và vị rất gần giống với nước mắm cá, thì tại sao không nghĩ đến đưa các axit amin từ nguồn gốc thực vật vào thay thế các axit amin trong nước mắm cá?

Nước mắm plant-based là khả thi, và nếu có giá thành không quá cao, thì có khả năng thay thế một phần trong tổng nhu cầu tiêu dùng gần 400 triệu lít nước mắm mỗi năm hiện tại. Chỉ cần thay thế được 15—20% trong con số sản lượng đó thôi cũng đủ giảm áp lực lên nghề đánh bắt cá cơm, qua đó tạo cơ hội cho các ngư trường phục hồi.

Đấy mới là con đường để nghề làm nước mắm phát triển trong giới hạn bền vững.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

NHỮNG AI SẼ RỜI SÀN?
Thương mại điện tử tại Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2014-2023. Nhưng mọi việc đã chậm lại trong năm 2024 và dự kiến là thời gian tới khi người bán trong nước và các sàn nội địa bị quản lý chặt hơn, đương đầu với các chính sách thuế, phí và cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc và các sàn như Shein và Temu.

Cũng xin nhắc lại là Temu sẽ xuất hiện trở lại và “lợi hại hơn xưa” như cách mọi người thường nói.

Số liệu của hãng Metric cho thấy tổng số shop trên năm sàn thương mại điện tử chính, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop trong chín tháng đầu năm 2024 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong quý 3-2024, tỷ lệ “bốc hơi” lên đến 17,8%.

Với Shopee đang đứng đầu về thị phần, có đến 91.459 nhà bán hàng không phải chủ thương hiệu hoặc được ủy quyền phân phối chính hãng rời sàn. TikTok Shop cũng tăng trưởng chậm lại. Lượng nhà bán hàng phát live trên nền tảng này tăng 286% trong năm 2023, nhưng chỉ tăng 24% trong năm 2024.

Số người rời bỏ công việc văn phòng hay hãng xưởng để đi bán hàng trên sàn điện tử hay trở thành KOL/KOC tăng nhanh trong hai năm 2023-2024. Nhưng các chuyên gia tiếp thị bán hàng dự báo rằng lượng KOL/KOC này và những người rời sàn sẽ quay trở lại nộp đơn tìm việc từ giữa năm 2025.

Thương mại đang được định hình trở lại theo nhu cầu của thị trường và các điều chỉnh chính sách. Không gian trên các sàn được nhường lại cho những người bán, những đơn vị giữ vững chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, và bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và chính sách mới.

Đó chính là cơ hội mới trong không gian kinh doanh quy củ và tuân thủ luật định.

Ông Cao Minh Việt

Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.

KHI HONDA VÀ NISSAN HỢP NHẤT
Hai công ty Honda và Nissan hiện đang đàm phán để hợp nhất hoạt động kinh doanh của họ bằng cách thành lập một công ty cổ phần và đưa các công ty tương ứng của họ nằm dưới sự quản lý của công ty đó.
Hai công ty bắt đầu xem xét hợp tác toàn diện vào tháng 3 năm nay, và vào tháng 8, họ đã công bố kế hoạch phát triển các phần mềm như hệ điều hành trên xe, vốn rất cần thiết cho ô tô thế hệ tiếp theo và quảng cáo các bộ phận chung cho xe điện.

Năm ngoái, Honda bán được 3,98 triệu chiếc, đứng thứ 7 thế giới, trong khi Nissan bán được 3,37 triệu chiếc, đứng thứ 8 thế giới, tổng doanh số của cả hai công ty sẽ đạt 7,35 triệu chiếc, và nếu việc sáp nhập thành hiện thực, nó sẽ đứng thứ 3 trên thế giới, vượt qua Hyundai của Hàn Quốc, chỉ còn xếp sau Toyota và Volkswagen.

Với sự phát triển mạnh mẽ của xe điện EV, và phần mềm trên xe ô tô. Giá trị của xe ô tô không còn nằm phần lớn ở phần cứng nữa, chính vì vậy mà việc thống nhất các tiêu chuẩn của xe để đáp ứng được các phần mềm được lập trình bởi các công ty chuyên về sản xuất phần mềm đã mở ra cơ hội cho nhiều công ty cùng tham gia lĩnh vực sản xuất xe hơi. Việc bắt tay của Honda và Nissan cũng sẽ giúp hai công ty chia sẻ nguồn lực và thống nhất được các tiêu chuẩn riêng của mình, giải quyết bài toán thiếu nhân sự để phát triển các sản phẩm mới.

Tuy nhiên, do sự khác biệt nhiều về văn hóa doanh nghiệp, cách thức thiết kế xe nên việc sáp nhập này chắc chắn sẽ cần rất nhiều sự nỗ lực và hợp tác của các bên. Và đây có thể là rào cản để mang đến một sự hợp tác thành công.

Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.