BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (15/7 - 21/7/2024)
21/7/2024 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về buổi quay thứ hai của Kịch và Nghệ mùa 2, về một nhà hảo tâm đã kiên trì gom góp sách quý về cho Việt Nam và về hành trình thú vị của thương hiệu Kềm Nghĩa.
“NGHĨA” XANH VẪN ĐANG KHUẤY ĐẢO THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Chiều thứ bảy 20/8, tôi có cuộc trò chuyện với nhân vật mới cho chương trình 5W1H Podcast, ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ tịch CT cổ phần Kềm Nghĩa.
Anh bạn mấy mươi năm của tôi vẫn thường được tôi gọi với biệt danh “Tuấn kềm Nghĩa” nhắc đến đầu tiên là một mãng ký ức rất đậm của anh, đó là khi tôi đến xưởng máy nhỏ của kềm Nghĩa năm 1998 để xem tình hình thực hiện chiếc xe hoa của công ty, chẩn bị khá “hoành tráng” với hình ảnh anh công nhân giơ cánh tay (cử động thật) rèn miếng thép nẹt lửa để tham dự “Festival đường phố...Đọc thêm
NHÀ VÔ ĐỊCH VỀ TÍNH KIÊN TRÌ
Hôm qua, 17/7/2024, anh gửi email về cho nhóm các anh chị chuyên gia bạn anh ở Việt nam, thông tin về 15 tấn sách vừa được chuyển về từ Singapore và hiện đang được lưu trữ tại ĐH Sư phạm TPHCM.
Đây là đợt sách thứ hai trong năm nay, gồm khoảng 100 đầu sách KHKT của NXB World Scientific và hầu hết sẽ được dành tặng cho các trường ĐH tại các tỉnh.
Ông là một nhà vô địch về…sự kiên trì. Ai có thể tưởng tượng, dù sống ở đâu, làm gì, từ năm 1988 đến nay, là 36 năm ròng rã, ông không ngừng đi vận động các nhà xuất bản tặng, bán sách và cũng...Đọc thêm
VỀ BA TRI, NGHE LẠI CÂU HÁT… “TÔI, MỘT NGƯỜI MÙ…”
Vào thăm đền thờ cũ xưa của cụ Đồ Chiểu, tôi thấy trước bàn thờ có treo mấy chữ: Lục tỉnh Sỹ dân.
Có sĩ và có dân của vùng đất Lục tỉnh này. Đúng với cốt cách của phong trào yêu nước Nam Bộ, rùng rùng đất dậy, sấm rền, từ kẻ sĩ cho đến thường dân, những người học trò, nông dân chân đất, chỉ một manh áo vải, tất cả đứng lên không tiếc mạng sống đòi lại đất nước. Trên tường bên trái, có treo chân dung 8 vị anh hùng với câu tuyên ngôn của cụ Trương Định: “Chúng tôi...Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
NHÀ BÁN LẺ ĐÔNG NAM Á 'ĐẶT CƯỢC' LỚN VÀO THƯƠNG MẠI MẠNG XÃ HỘI
Đa số nhà bán lẻ ở Đông Nam Á có kế hoạch tăng đầu tư vào thương mại mạng xã hội (social commerce) trong 12 tháng tới, theo khảo sát mới đây của Shopify Inc, công ty thương mại điện tử ở Canada.
Báo cáo khảo sát này năm 2024 của Shopify cho thấy, 39% nhà bán lẻ ở Đông Nam Á xem mức độ tương tác của khách hàng với sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội là thước đo quan trọng để xác định tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI) cho hạ tầng thương mại điện tử.
Trong khi đó, 68% nhà bán lẻ cho biết sẽ tăng đầu tư thương mại xã hội trong 12 tháng tới. 66% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào một nền tảng thương mại hợp nhất từ nhà bán lẻ nắm toàn diện về mức độ tương tác của khách hàng, hàng tồn kho và tiến trình đơn hàng trên các kênh. 52% người tiêu dùng Đông Nam Á thích mua sắm trực tuyến hơn. Họ cần trải nghiệm mua sắm đa kênh.
VIỆT NAM TRỞ THÀNH THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ LỚN THỨ 3 ASEAN SAU KHI VƯỢT PHILIPPINES
Báo cáo “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024” của Momentum Works vừa mới công bố cho thấy Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất, và Việt Nam nay đã vượt lên hạng 3.
Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trung bình 16 - 30% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng cao vào hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất ASEAN, đóng góp 46,9% vào tổng giá trị hàng bán ra (GMV) của khu vực.
Tại thị trường Đông Nam Á, Shopee đạt tổng doanh thu GMV 55,1 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 48% thị phần. TikTok Shop, hạng 2, sau khi mua lại Tokopedia và cũng thứ 2 tại VN.
3 xu hướng của TMĐT vừa qua là: sử dụng KOL, bắt đầu dùng ứng dụng AI và tìm nguồn cung ứng dịch vụ chuyển phát bưu kiện, thương mại điện tử tại khu vực trong thời gian qua.
NHU CẦU MUA THIẾT BỊ DÒ CAMERA QUAY LÉN TĂNG CAO
Theo báo cáo mới nhất của Metric - nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử, thiết bị dò camera ẩn (thiết bị dò camera quay lén) đang là sản phẩm bán chạy trên các nền tảng thương mại điện tử, với mức giá phổ biến dao động 150.000 - 200.000 đồng.
Các thiết bị dò camera quay lén đã giúp các đơn vị bán hàng online thu về 1.553 tỉ đồng, có tới 5.760 sản phẩm được bán ra từ 91 cửa hàng trên Shopee, Tiki, Lazada và Sendo. Đây là doanh thu chỉ tính trong 3 tháng từ 1-4 tới 30-6.
LÀM SAO ĐỂ CÂN BẰNG GIỮA CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU VÀ TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG?
Trong thời đại số hiện nay, dữ liệu khách hàng là 'vàng' và các doanh nghiệp đều muốn biến các dữ liệu này thành lợi thế cạnh tranh. Lý do là sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng. Nghiên cứu Chỉ số người tiêu dùng tương lai của EY (EY Future Consumer Index) năm 2023 khảo sát 21.000 người tiêu dùng trên toàn cầu cho thấy, phần lớn không sẵn lòng chia sẻ thông tin cá nhân.
55% số người được khảo sát rất lo ngại về hành vi trộm cắp và gian lận giấy tờ tùy thân; 53% rất lo ngại về bảo mật/vi phạm dữ liệu; 53% khác rất lo ngại về việc các công ty bán thông tin cá nhân của họ cho bên thứ ba.
Một nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc thành công nhờ việc khai thác dữ liệu để nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường. Chiến lược thông minh của nền tảng này là tạo ra trải nghiệm mua sắm trực tuyến giống như mua sắm trực tiếp, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dùng, cũng như đề xuất các sản phẩm phù hợp.
Một doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dùng sẽ dễ dàng đánh chiếm thị phần và giữ chân khách hàng.
MICROSOFT ĐƯA RA MODEL MỚI ĐẨY NHANH MỌI CÔNG VIỆC CỦA KẾ TOÁN
Trước đây, tờ Wall Street Journal dẫn một nghiên cứu mới đưa ra: Kế toán là một trong những nghề đối mặt nguy cơ nhiều nhất từ năng lực của trí tuệ nhân tạo (AI) phổ quát.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Đại học Pennsylvania và OpenAI - công ty tạo ra công cụ AI đình đám có tên ChatGPT. Theo nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu, ít nhất một nửa nhiệm vụ kế toán có thể được hoàn thành nhanh hơn nhiều nếu dùng công nghệ này.
Ngoài việc không thể đi tù thay thì AI đã gần như thay thế mọi công việc của kế toán.
Microsoft vừa cho ra model mới là SpreadsheetLLM có thể xử lý speadsheet hay còn gọi là file Excel, với khung nền là LLM.
Điểm mấu chốt của công nghệ này nằm ở thuật toán Sheetcompressor có thể nén file Excel lại với một số lượng token giảm 96 % trước khi đưa vào LLM để prompt.
File Excel lớn thường có nhiều hàng hoặc cột tương tự nhau nên không giúp ta hiểu được bố cục của chúng. Thế nên, tác giả xác định các hàng và cột không đồng nhất để xác định ranh giới bảng. Sau đó loại bỏ các hàng và cột ít thông tin hơn để đơn giản hóa file Excel.
Về ứng dụng thực tế thì hãy tưởng tượng một ngày bạn có thể nhanh chóng hiểu các File Excel rất lớn và ra các quyết định kinh doanh mà không cần có kiến thức chuyên sâu về tài chính
Lúc ấy, vai trò của các kế toán viên sẽ bị giảm sút và rất có thể phải đổi nghề (xe ôm công nghệ chẳng hạn?)
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Tuần này có 3 chuyên gia bình luận xoay quanh những chủ đề mà tôi vừa chia sẻ ở trên:
Ông Phạm Ngọc Hưng
Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.
SỰ LỚN MẠNH CỦA THƯƠNG MẠI MẠNG XÃ HỘI, NHỮNG DOANH NGHIỆP NÀO THỰC SỰ ĐƯỢC HƯỞNG LỢI?
Cốt lõi của kênh thương mại này là shoppertainment — là sự kết hợp của mua sắm và giải trí, nhằm dẫn dắt người tiêu dùng vào "huyền ảo của cảm xúc", khiến người ta có thể ra quyết định mua những thứ mà họ không dự tính mua. Shoppertainment là đang được khuếch trương như là một insight mua sắm mới mẻ có thể giải quyết mọi vấn đề, khiến cho người người nhà nhà học làm TikTok shop, học cách livestream bán hàng.
Tuy nhiên, từ hàng trăm năm trước, phụ nữ đã biết rõ rằng họ mua sắm vì cảm xúc, và thích mua sắm để chiều cảm xúc. Đấy là lý do người ít tiền thì thích đi window shopping (ngắm đồ cửa sổ) để mơ mộng, còn người nhiều tiền thì cứ vào các shop sang đề "thích thì mua, mua vì thích".
Và những thứ có thể gợi nên cảm xúc mạnh nhất chính là thực phẩm mới, quần áo, đồng hồ, đồ trang điểm, thực phẩm ăn kiêng... những thứ hàng hoá đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày hay giúp họ cải thiện, thay đổi vẻ ngoài. Nói một cách khác, những món hàng bán tốt nhất bằng shoppertainment là những thứ gắn liền với một lối sống mà số đông người bình dân mơ ước.
Thế nên, nếu như doanh nghiệp đang kinh doanh một ngành hàng được kể ở trên, thì nên đầu tư vào thương mại MXH, còn nếu doanh nghiệp chỉ bán quạt, đèn, nồi chảo, ốc vít , gia vị... hay những thứ không giúp gợi nên tưởng tượng về lối sống đáng mơ ước của một người phụ nữ, thì nên cân nhắc xem nên bước vào không hay đang tiến hành thì nên xem xét…dừng lại.
Ông Đồng Phước Vinh
31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.
QUẢN LÝ ĐỊNH DANH TRỰC TUYẾN KHÔNG DỄ ?
Hồi cuối năm ngoái, Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đưa qua quy định sử dụng cuộc gọi định danh, tin nhắn định danh (voice, SMS brandname) như biện pháp chống lừa đảo.
Tuy nhiên, biện pháp này vẫn không đẩy lùi được tình trạng mạo danh. Cách đây một tuần, Bộ Công An phát hành “Cẩm nang nhận biết và phòng tránh lừa đảo phát tán SMS brandname giả mạo”, trong đó đề cập đến việc các ngân hàng lớn, thậm chí các bộ như Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông bị mạo danh để gởi tin nhắn SMS brandname qua các trạm phát sóng điện thoại di động (BTS) giả.
Mới đây, một cơ quan chức năng ở TPHCM đưa ra ý tưởng sẽ xác định tài khoản mạng xã hội chính chủ thông qua số điện thoại đăng ký và chỉ tài khoản đã xác thực mới được bình luận.
Vấn đề của biện pháp xác thực đã áp dụng và đang đề xuất để định danh đều chỉ quản lý được dịch vụ do các công ty trong nước cung cấp, còn bọn lừa đảo thì chỉ dùng dịch vụ ở nước ngoài ngoài vùng phủ sóng của pháp luật Việt Nam.
Chỉ cần đăng ký một tài khoản và trả tiền thì bất cứ ai cũng có được số điện thoại ảo để nhận OTP kích hoạt tài khoản hay tổng đài ảo để gọi điện thoại, gởi SMS với bất kỳ brandname nào. Ngay cả khi tắt sóng 2G để chống trạm phát sóng giả vào tháng 9 tới thì SMS brandname giả mạo vẫn có thể được qua các dịch vụ tổng đài ảo.
Ông Cao Minh Việt
Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.
CÁC KÊNH BÁN LẺ SẼ TĂNG QUẢNG CÁO, BÁN HÀNG TRÊN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Các kênh bán lẻ theo nguyên tắc sẽ chạy theo dòng chảy của người mua hàng. Tại Việt Nam dòng chảy của khách hàng chảy sang các nền tảng mới như Tik Tok, Shopee. Vì vậy các kênh bán lẻ cũng tăng cường quảng cáo và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử này. Tuy nhiên, việc phủ sóng các kênh bán lẻ là một cuộc chiến đòi hỏi phải tiêu rất nhiều tiền để quảng cáo, tiếp cận khách hàng. Các nhà sản xuất của Việt Nam với năng lực đổi mới sáng tạo còn yếu, chắc chắn sẽ khó có thể cạnh tranh với các thế lực mạnh đến từ các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc. Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nếu không có gì đặc sắc hoặc chưa thực sự bén rễ trong lòng người mua sẽ khó có thể tồn tại và phát triển.
Câu chuyện về những hàng hóa đặc sắc, có giá trị nguyên bản, có thế mạnh về nguồn nguyên liệu địa phương với mạng lưới tiếp cận nhỏ, vừa phải, đến người dân trong khu vực hoặc khách du lịch sẽ là điều mà các doanh nghiệp tại các địa phương cần cân nhắc khi phát triển sản phẩm của mình.
Tôi xin thử đưa ra một gợi ý: Hình thức phát triển theo Mạng lưới thông minh(Smart grid) sẽ là cách để xây dựng nội lực và từ đó kết nối với các mạng lưới ở vùng, địa phương khác theo kiểu trao đổi đặc sản, giá trị cũng sẽ là một cách để cạnh tranh với hàng đại trà đến từ các doanh nghiệp lớn. Ví dụ như Trà Thái Nguyên với vải thiều, xoài cát Hòa Lộc. Tiếp theo là việc gìn giữ bản sắc, vị ngon đặc trưng của sản phẩm để khác biệt.