VƯỢT QUA MUÔN TRÙNG KHÓ KHĂN?

VƯỢT QUA MUÔN TRÙNG KHÓ KHĂN?

Theo dõi video cuộc talkshow 5W1H Podcast với chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đang phát trên youtube, nhiều người xem quan tâm cách ông khái quát nhân sinh quan của ông là sống theo Nhân đạo và Thiên đạo: Sống bảo vệ thiên nhiên và sống chăm lo cho con người, cho chính mình - gia đình mình. Gìn giữ sức khỏe cho mình, cũng phải giữ gìn sức khỏe của hành tinh nuôi sống mình.

Sáng nay tôi gặp một số giám đốc thân thiết tại hội thảo về Bảo mật mạng DN và chống mã độc tấn công, thì một doanh nghiệp gặp tôi than với giọng thât trầm, lúc này khó quá, đã nghèo còn gặp cái “eo”, nhiều khó khăn quá mà đối tác EU lại đòi phải thực hiện tiêu chuẩn ESG. Doanh nghiệp Việt Nam cũng từng “nếm trái đắng” khi không có chứng nhận tiêu chuẩn ESG hay làm ngược với chuẩn mực ESG.

Bài viết này sẽ trình bày những câu chuyện cụ thể về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn ESG thông qua hai trường hợp khá thời sự và cụ thể của các doanh nghiệp Việt không được cấp tín dụng và bị loại khỏi danh sách hợp tác do không tuân thủ các tiêu chuẩn ESG.

Hai trường hợp của công ty Việt Nam.
Công ty A (tạm giấu tên) là một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ lớn từ VN đi châu Âu. Khi tìm vốn để mở rộng sản xuất, đã tìm đến một số ngân hàng lớn tại châu Âu. Tuy nhiên, các ngân hàng đã từ chối vì… không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG. Cụ thể, công ty không có hệ thống quản lý chất thải hiệu quả và không có các chương trình hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Công ty B là một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đối tác lớn tại châu Âu đã tiến hành kiểm tra và đánh giá các tiêu chuẩn ESG của Công ty B trước khi ký kết hợp đồng hợp tác. Kết quả cho thấy mặc dù có sản phẩm chất lượng cao, công ty này lại không có chính sách rõ ràng về quản trị CT và về điều kiện làm việc của công nhân và hợp đồng dự kiến đã bị hủy.

Còn với các CT quốc tế ?

Trường hợp công ty ô tô Volkswagen gian dối che giấu hành vi phát thải, tác hại nghiêm trọng môi trường.
Vụ bê bối gian lận khí thải vào năm 2015 của Volkswagen là một ví dụ điển hình. Hãng đã bị Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) phát hiện hành vi vi phạm Đạo luật Không khí sạch khi công ty sử dụng phần mềm gian lận thay đổi kết quả kiểm định hệ thống phát thải của 11 triệu xe ô tô, mức phát thải thực tế cao gấp 10 - 40 lần tiêu chuẩn cho phép.

Volkswagen sau đó đã phải nhận mức phạt lên đến hơn 40 tỷ USD - mức phạt lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô và giá cổ phiếu của Volkswagen đã giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỷ euro chỉ trong 2 ngày và danh tiếng bị thiệt hại nặng nề: dành ra 6,7 tỷ euro để bồi thường.

Trường hợp ngân hàng Nordea và nạn phá rừng.
Câu chuyện của ngân hàng Bắc Âu Nordea, năm 2020, quyết định loại công ty đóng gói thịt JBS của Brazil khỏi danh mục đầu tư của mình. Quyết định này xuất phát từ những lo ngại về nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon và phản ứng không thỏa đáng của JBS đối với những lo ngại về môi trường này.

Quyết định cắt đứt quan hệ với các ngành liên quan hoạt động không bền vững của Nordea đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Các công ty cần hướng tới các hoạt động bền vững để đảm bảo sự hỗ trợ tài chính và duy trì sự phù hợp với thị trường. Việc bỏ qua các tiêu chuẩn ESG có thể dẫn đến những hạn chế tài chính nghiêm trọng và cản trở triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Với ba trụ cột thiết yếu của ESG : Một là hiệu suất môi trường, bao gồm các chính sách và thực tiễn về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp (như giảm lượng khí thải carbon, tiêu thụ năng lượng…); Hai là hiệu suất xã hội, về trách nhiệm xã hội và cách doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng (như chương trình hòa nhập và đa dạng lực lượng lao động, hay các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng) và Ba là quản trị, điều này xem xét trách nhiệm giải trình, đạo đức và các biện pháp minh bạch của công ty.

Điểm mấu chốt của một doanh nghiệp bền vững là coi trọng ba khía cạnh này, tiến hành chiến lược kinh doanh tích cực tìm cách cải thiện môi trường và nâng đỡ cộng đồng địa phương.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn khẳng định vị thế tại thị trường thế giới, việc hiểu và thực hiện các tiêu chuẩn ESG là rất quan trọng. Những hoạt động này không chỉ mở ra cánh cửa cho các lựa chọn tài chính và quan hệ đối tác tốt hơn mà còn mở đường cho sự tăng trưởng bền vững, lâu dài. Thế giới tài chính đang chuyển sang hướng bền vững và các doanh nghiệp không thích ứng sẽ gặp bất lợi đáng kể. Do đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG không chỉ là một yêu cầu tuân thủ; nó là một điều cần thiết mang tính chiến lược đối với bất kỳ doanh nghiệp nào hướng tới thành công toàn cầu.

Danh sách các bài viết gần nhất: