VỀ NỖI ÁM ẢNH VÀ LO ÂU, TỪ TEMU

VỀ NỖI ÁM ẢNH VÀ LO ÂU, TỪ TEMU

Chiều 12/10/2024, tại Đại học Fulbright VN đã diễn ra cuộc thảo luận về Tương quan giữa “Hành vi người tiêu dùng” với kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là cuộc thảo luận giữa các cựu học viên thạc sĩ của Fulbright nên các ý kiến sôi nổi bám sát thực tế kinh doanh, như cuộc trò chuyện về thực hành kinh doanh giữa các doanh nghiệp..

Một góc cuộc thảo luận

Ông Nguyễn Hải Triều, CEO Prime Data phân tích về tình hình có nhiều diễn biến sôi động của thị trường, và trước ý kiến cho rằng khi có sự tham gia của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thì nhà nước nên chú ý đến thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng. Theo ông, việc tăng 10% thuế không thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Ban tổ chức workshop

NỖI ÁM ẢNH CỦA NGƯỜI BÁN VÀ NHÂN VIÊN TEMU

Bà Vũ Kim Hạnh, một trong hai diễn giả được gọi với cái tên trìu mến là “người kể chuyện” nói về thực tế có một số người tiêu dùng đã thử mua hàng của Temu gần đây, và họ nghĩ rằng, Temu bán hàng theo cách nâng giá lên rồi đưa ra mức giảm giá đến 70, 80%,  thực ra vẫn không rẻ và 10% thuế cũng không là vấn đề gì.

Bà Kim Hạnh cũng thông tin về một bài báo mới đây của The New York Times về thực tại đáng sợ của TMĐT Trung Quốc là bào mòn lợi nhuận người bán của họ đến cùng cực, khiến nền kinh tế giảm phát vì hàng giá rẻ online.

Một số thương nhân Trung Quốc cho biết mô hình của TEMU thuận tiện cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc thương nhân cá thể, nhưng nó cũng đặt ra rào cản cao hơn cho họ trong việc kiếm được lợi nhuận. (Reuters)

Nỗi ám ảnh thường xuyên của người bán tham gia sàn này là bị ép hạ thấp lợi nhuận đến cùng cực để theo đuổi chiến lược giá rẻ. Còn với công nhân của họ thì phải cạnh tranh theo nhóm nội bộ để loại bỏ nhau khi hiệu quả và cường độ không đáp ứng, mức gia tăng cường độ lao động là cực cao và mức đòi hỏi số đơn hàng khổng lồ phải giành được cứ tăng dần.

Theo tờ New York Times (NYT), những nền tảng như PDD đang khiến tình hình giảm phát tại Trung Quốc thêm trầm trọng khi người mua đổ xô mua sắm do hưởng lợi từ nỗ lực ép giá bán không ngừng nghỉ của nền tảng với người bán.

Theo HSBC, khoảng 60% số người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua TMĐT, chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu của ngành bán lẻ.

Và ngày càng rõ, tại sao các nền tảng TMĐT của Trung Quốc phải sống chết đẩy hàng ra nước ngoài.

Một đại diện của công ty logistic chuyên cho thuê kho bãi trong khu công nghiệp, bà TTTH (CT BW Industrial) cho biết: hiện nay họ có 3,7 triệu mét vuông cho thuê, với 400 công ty đang thuê đều là FDI mà 60% là các công ty đến từ Trung Quốc. Họ xin cấp giấy phép lao động và đưa công nhân từ Trung Quốc sang…

VÀ NỖI ÂU LO CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Một thực tế cũng được phân tích là hiện nay, Temu tổ chức các công ty đại lý ráo riết tuyển dụng và huấn luyện cho người Việt Nam làm livestreamer cho họ. Như vậy, sự chuẩn bị của họ thật là quyết liệt và đồng bộ: xây hàng hoạt tổng kho dọc biên giới, tổ chức kho trung tâm từ Quảng Đông, Quảng Châu với đường dây vận chuyển tối ưu về thời gian, chi phí, lượng hàng cung cấp giá rẻ nhiều “vô biên” và cả hệ thống hỗ trợ lao động, logistic ngay nội địa Việt Nam.

Ứng dụng thương mại điện tử Temu đang hoạt động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, và đã có thể tài về và sử dụng tại Việt Nam. Ảnh: Forbes.

Và phân tích về tình hình, chuyên gia Phạm Trọng Chinh cũng đưa ra phân tích và gửi lời bình cho bản tin như sau:

Temu vào Việt Nam là điều chắc chắn. Hiện nay, Temu & Shein sắp đối mặt các hành động từ chính phủ Mỹ & EU chống lại cơn sóng hàng giá rẻ từ 2 nền tảng này (sẽ ảnh hưởng đến doanh thu) và tình hình cạnh tranh quá khủng khiếp của thị trường đại lục. Temu buộc phải mở rộng tại quốc gia Châu Á chưa có mặt cũng như họ đang có các chương trình mạnh mẽ để tăng doanh số tại các quốc gia châu Á mà họ đang hiện diện.

Ở một khía cạnh khác, Temu cũng hiểu rằng thị trường Châu Á, Đông Nam Á rõ ràng sẽ “an toàn” hơn khi mà chính phủ các nước này sẽ không quá mạnh tay áp dụng các biện pháp “ngăn cản” sự bành trướng của mình. Rõ ràng vai trò địa chính trị của Trung Quốc ở đây khiến cho Temu đỡ hứng chịu các biện pháp như vậy so với Châu Âu, Mỹ.

Vấn đề quan tâm lúc này là thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ diễn biến ra sao với sự có mặt của Temu? Cần nói thêm là trước khi Temu đến, thị trường  TMĐT Việt Nam chiếm khoảng 9% tổng giá trị thị trường bán lẻ, hơn 90% thị phần đã thuộc về các nền tảng nước ngoài (Shopee, Tiktok, Lazada), các công ty trong nước hầu như còn quá nhỏ. Kết quả này chủ yếu đến từ cuộc cạnh tranh giá diễn ra trong suốt 5 năm qua, dù dưới hình thức đầu tư khác nhau từ các sàn. Với tiềm lực mạnh mẽ hơn, các sàn nước ngoại “gồng lỗ” liên tục để loại bỏ các sàn trong nước và lấy thị phần lẫn nhau.

Với mô hình kinh doanh hiện có, không khó để dự đoán Temu có mặt sẽ tiếp tục làm cho cuộc chiến giá rẻ sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Temu sẽ vẫn dùng lợi thế cung cấp hàng giá rẻ nhất thị trường để nhanh chóng lấy thị phần từ 3 đối thủ chính này đồng thời là cả mảng social commerce nữa. Nên nhớ là với mảng bán lẻ online ngành hàng dệt may, thời trang thì social commerce là mảng chiếm tỷ trọng lớn. Lâu nay tại Việt Nam social commerce sở dĩ hoạt động tốt và cạnh tranh sòng phẳng với các sàn pure play vì họ có lợi thế về giá cũng như thời gian giao hàng nhanh. Với sự xuất hiện của Temu, kinh doanh qua social commerce hàng dệt may trong thời gian mới là người đáng lo cũng như các hãng thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhỏ khó bề cạnh tranh với “đế chế” này”.

Còn Chuyên gia thị trường của bản tin chúng tôi, nhà báo Hồ Nguyên Thảo cũng tham gia bình luận cho bản tin tuần này như sau:

“Thật ra Temu đã bán hàng tại Việt Nam ít nhất hai tuần rồi. Tôi cũng đã tò mò về download app của Temu về và được tặng thêm một ưu đãi khác là giảm giá 66%, bên cạnh các ưu đãi giảm giá đến 90%, miễn phí vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, miễn phí trả hàng trong vòng 90 ngày...

Mẫu mã đẹp và đa dạng, giá rẻ, thời gian giao hàng thần tốc 4-7 ngày, thì còn gì phải chê. Nhưng trong đầu tôi luôn nhảy ra cái ý “hàng rẻ nhưng chất lượng đảm bảo không?”...

Tuần trước, tôi đã mua một vài sản phẩm thời trang của một thương hiệu Việt tầm trung, trên mức giá bình dân, nếu so với giá của sản phẩm cùng loại - chỉ xem hình - trên Temu thì gấp rưỡi.

Có hai điều rất không hài lòng về sản phẩm trong nước. Đầu tiên là cái bóp, nhìn thì có vẻ đẹp, nhưng dù rất cố gắng và dùng sức, tôi chỉ có thể nhét vào đó một chiếc thẻ tín dụng, không thể hơn, trong khi cái bóp mới có đến 5 ngăn đựng thẻ. Cái bóp có in logo thương hiệu đó, nhưng liệu rằng đã là hàng “made-in-Vietnam”? Kế đến là chiếc quần tây. Size tôi muốn không có, cửa hàng nói để họ nới lưng và hai ngày sẽ có. Đến nay, ngày thứ 10 mà vẫn im lìm…

Những lần mua vội, tiện đường các sản phẩm thời trang Việt ở các siêu thị như Emart hay Coop Mart thì vẫn gặp hàng có lỗi cẩu thả, bung chỉ hay mất nút chỉ ở lần mặc hay lần sử dụng thứ hai, dù rằng giá vẫn không hề rẻ.

Câu hỏi lớn kế tiếp là, tại sao tôi nên nghe lời kêu gọi dùng hàng Việt khi mà tôi đã sẵn sàng trả tiền cao hơn để mua một sản phẩm Việt Nam mà nhà sản xuất không hề quan tâm đến chất lượng và tiện lợi của sản phẩm cho người dùng. 

Sản phẩm trên Temu rẻ mà chất lượng không tệ thì có lẽ lần này dường như là cơ hội cuối cùng để nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt thay đổi?” 

Cuộc thảo luận kéo dài đến 6 giờ tối, bên ngoài thành phố đã lên đèn.

Những ý kiến mong chờ ở chính phủ tập trung mổ xẻ, xử lý tình hình này và đưa ra các quyết sách kịp thời.

Tôi sắp xếp lại các ý kiến như sau:

  • Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện để quản lý các hoạt động thương mại điện tử, đảm bảo tất cả các nền tảng tuân thủ luật pháp địa phương về thuế, bảo vệ người tiêu dùng và quyền riêng tư dữ liệu.
  • Thiết lập các cơ chế giám sát để đảm bảo Temu và các nền tảng tương tự tuân thủ luật pháp và tiêu chuẩn địa phương, đặc biệt là xung quanh vấn đề an toàn sản phẩm và đóng góp kinh tế địa phương.
  • Điều được quan tâm nhất là đến lúc cần có sự tập trung hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp địa phương. Nhất thiết các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm mọi cách nâng cao khả năng cạnh tranh của họ so với các nền tảng lớn nước ngoài. Tình hình doanh nghiệp có sự cấp bách vì họ “chịu hết nổi” các áp lực ngày càng lớn, không bán được hàng, có thể đình trệ hay sụp đổ kinh doanh.
  • Rất cần thông tin cho người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc mua hàng từ các nguồn đáng tin cậy, hiểu rõ chất lượng sản phẩm.
  • Và dĩ nhiên cũng cần hợp tác với Temu, đối thoại với Temu thường xuyên đảm bảo họ tuân thủ các quy định của địa phương và hỗ trợ các nhà cung cấp địa phương. 

Thực ra, lời than phiền của anh Hồ Nguyên Thảo về chất lượng sản phẩm dịch vụ của Việt Nam không phải là điều gì xa lạ hay mới mẻ.

Nếu chúng ta không có một cuộc tổng phân tích, tổng huy động tổng lực cho cuộc cạnh tranh lần này để giữ vững nền sản xuất của mình, cẩn trọng tránh sự sụp đổ, rời bỏ thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam thì tình hình sẽ đi đến đâu?