VỀ BA TRI, NGHE NÓI THƠ VÂN TIÊN VÀ…VĂN TẾ NGHĨA SĨ LỤC TỈNH

VỀ BA TRI, NGHE NÓI THƠ VÂN TIÊN VÀ…VĂN TẾ NGHĨA SĨ LỤC TỈNH

Lần đầu tiên, Kịch và Nghệ thực hiện một tập ngoại cảnh, tại Đền thờ cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Trang trọng, bát ngát mà vẫn gần gũi, dung dị là khung cảnh đền thờ một sáng mưa nhẹ ở Ba Tri, Bến Tre.

Nhiều điều mới mình chưa biết khi đến, lại đã diễn ra cũng thật giản dị nhẹ nhàng mà khiến mình xao lòng, xúc động.

Đâu biết rằng ở Bến Tre, quê cụ Đồ Chiểu vẫn đang có những nhóm nói thơ Vân Tiên trong nông dân và lại còn có dạy (ngoại khóa) nói thơ Vân Tiên trong trường học.
Tên gọi của thể loại nói thơ Vân Tiên này thật đẹp: Diễn xướng dân gian. Và người học siêng, cảm mạnh, nói thơ hay lại là các bạn trai thanh gái lịch rất trẻ. Hồn nhiên và không chuẩn bị trước, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được mời “diễn xướng” tức thì trước dàn đèn và âm thanh chuyên nghiệp lần đầu, giọng hơi chênh nghe thiệt…chân thật, dễ thương.
Đâu biết rằng đền thơ cụ Đồ Chiểu mà thực ra là thờ: Lục tỉnh sỹ dân. Kẻ sỹ và nông dân, nam phụ lão ấu khắp sáu tỉnh miền Nam bấy giờ đều được thờ ở đây, và đại diện cho họ là những anh hùng mà thoáng nghe ta đã nức lòng với những câu chuyện khởi nghĩa đẹp, hiển hách: Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Phan văn Trị, Thiên Hộ Dương, Phan Ngọc Tòng, Nguyễn Đình Thắng...
Đâu biết rằng chàng nhạc sĩ tốt nghiệp trường Âm nhạc chuyên nghiệp Hoa Kỳ , từ nhỏ được cha dạy và đánh được nhiều loại đàn dân tộc đã chẳng những viết nhạc ngũ cung cho dàn nhạc Tây rồi cầm đũa điều khiển dàn nhạc lần đầu tiên hoà cùng dàn đồng ca, diễn sống suốt những đêm diễn nhạc kịch Tiên Nga, lại còn chuốt lại những lời nhạc ray rứt thiết tha nồng nàn tình yêu nước của ông thầy giáo mù Đồ Chiểu: “Tôi một người mù, thèm nhìn bầu trời non cao ngát xanh…Tôi một người mù, người mù lòng lành không ham chiến tranh…”.
Cũng đâu biết rằng người thầy giáo thanh bạch đó, khi được thực dân Pháp mời tới trả hết ruộng vườn bị Tây tịch thu đã khẳng khái: chừng nào các ông trả lại hết toàn bộ đất nước này thì tôi mới nhận lại ruộng vườn nhà tôi!
Khi liệt nữ Kim Liên ngã xuống vì thích khách vua Phiên không thành, người thầy giáo mù hát lên những lời gan ruột thương đất nước mình, cứ mỗi câu xuống dòng là một tràng vỗ tay sôi sục của khán giả.

Soạn giả Nguyễn thị Minh Ngọc rưng rưng nói không thành lời, tôi nhiều đêm viết đoạn này, vừa viết vừa khóc vì cảm động nhưng khi công diễn bỗng nghe từng tràng vỗ tay sau mỗi câu văn tế, tôi thực sự mừng vì sự đồng cảm của những khán giả rất trẻ đã chia sẽ tận cùng tấm lòng hi sinh vô bờ bến cho nước nhà của mỗi người dân.

Mỗi người dân là một nghĩa quân dù không vũ khí, họ bỏ hết nhà cửa, ruộng vườn ngay cả thứ quí nhất là tính mạng mình để bảo vệ thôn làng mình, đất nước mình. Thật không có gì mãnh liệt hơn nghệ thuật đã khơi dậy chất men nồng nhiệt bốc cao tình ái quốc.

Câu chuyện mà nghệ sĩ Thành Lộc còn nhớ khi nhận bó hoa sen lớn của một khán giả cao tuổi nói giọng miền Bắc sau một buổi diễn cũng thật xúc động.

Ông cụ chờ Thành Lộc diễn xong ra về, tặng bó hoa và chỉ nói, tôi bó 64 nhánh hoa, chắc anh Lộc hiểu, đó là tôi gửi tới anh, cụ Đồ Chiểu, lòng tưởng nhớ của tôi với ...64 liệt sĩ hi sinh trong thảm sát Gạc Ma.

Non song liền một dãy, sự hi sinh quên mình của từng nghĩa quân lục tỉnh năm xưa đã gợi nhớ khôn nguôi cuộc thảm sát Gạc Ma. Và mấy câu hát cuối vở nhạc kịch: “Đất bằng dậy sóng Biển Đông, mong ngày con Lạc cháu Hồng nạn qua” không chỉ là của ba người tham gia cảnh cuối cuộc trò chuyện ngay trước cửa đền thờ cụ Đồ Chiểu mà có chen tiếng hát hòa ca của đông đảo bạn trẻ đến theo dõi cuộc trò chuyện ngay từ đầu…

Danh sách các bài viết gần nhất: