NGƯỜI "BIẾT" NGHE NÓI THẬT NHIỀU NHẤT

NGƯỜI "BIẾT" NGHE NÓI THẬT NHIỀU NHẤT

Sáng nay, bạn Phạm Tấn Anh Vũ, phụ trách IT của báo Sài Gòn Tiếp Thị cũ đã gửi cho tôi tấm ảnh này (tôi chưa thấy bao giờ, nghe nói bạn MQA đang giữ). Chú Võ văn Kiệt ngồi, vỗ tay cùng hát với mọi người bài Nối vòng tay lớn.

Hôm dự kỷ niệm 49 năm thành lập báo Tuổi Trẻ mới đây, thấy các bạn vẫn nêu slogan thời chú Võ văn Kiệt tặng cho Tuổi Trẻ: "Đỏ, trẻ, Sài gòn" , tôi nhớ lắm hai người có vai trò rất "hệ trọng" tới sự lớn mạnh của Tuổi Trẻ đã qua đời mà không thấy được nhắc là chú Võ văn Kiệt và anh Võ Như Lanh, cựu Tổng Biên Tập.

Hồi anh Lanh làm Tổng Biên Tập Tuổi Trẻ, chú Sáu Dân thường rủ anh Lanh và tôi qua nhà chú ăn trưa, gần như hàng tuần. Gọi như bây giờ là "ăn trưa làm việc" chứ hồi bấy giờ thì đúng là... làm việc vì chú nghe và chặn hỏi "kịch liệt" về dư luận bạn đọc, tình hình đời sống người dân. Có lúc thấy tôi hơi ngập ngừng là chú gõ tay nhẹ xuống bàn nhắc, không cần tìm chữ gia giảm nha. Lại có những bức thư bạn đọc, chú còn mượn để đọc kỹ. Nghe chú và anh Lanh phân tích, đôi khi tranh luận, tôi cũng học được rất nhiều...

Ít ai tưởng tượng chú còn yêu cầu tờ báo tổ chức cho chú "nghe lén" các văn nghệ sĩ nói, để họ thoải mái nói (khi nghĩ là không có lãnh đạo dự nghe) những suy nghĩ và tình hình đời sống, làm nghề của họ.

Lần cuối nói với chú khi chú đã chuyển công tác ra Hà Nội - không biết phải gọi đó là nói dối hay nói thật - là khi tôi vừa trải qua sự cố lớn, phải thay đổi công việc và rời báo Tuổi Trẻ. Đang ngồi không ở nhà, thì nghe tiếng chú gọi bằng điện thoại bàn: "Cho tôi gặp Kim Hạnh", tôi cầm máy, nghĩ nhanh một giây, rồi bình tĩnh, lễ độ trả lời: "Thưa chú, Kim Hạnh không có nhà".

Một thoáng im lặng đầu dây bên kia rồi người gọi dập máy khá mạnh. Vài phút sau, người trợ lý thân thiết nhất của chú, anh Vũ Quốc Tuấn, gọi máy và hỏi, lớn tiếng: "Kim Hạnh phải không ? Đúng là Kim Hạnh vừa nghe máy phải không? Sao lại nói là không có nhà?".

Tôi vẫn tỏ ra bình tĩnh (mà thực ra nước mắt đã vòng quanh): "Dạ vì em không muốn gặp chú".

Anh Tuấn giờ đã hơn 90 tuổi, sống ở Hà Nội.

Từ đó tôi tránh những cuộc họp mặt nào có thể gặp chú thật. Chỉ đơn giản, tôi không muốn bị hiểu nhầm là mình chạy chọt, xin xỏ người mà tôi quá thân trước đó (lúc đó chú đã là Thủ tướng).

Tôi là con nhà thợ may, anh Võ Như Lanh cũng nhà nghèo, chả thân thế gì nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với các vị lãnh đạo chỉ vì chúng tôi làm việc và phụ trách báo Tuổi Trẻ.

Một lần anh Vũ Quốc Tuấn vui vẻ kể với tôi, sau khi "bị" mày trả lời lạ lùng thế thì ông cụ ngẫm nghĩ một lúc và chỉ nói, ôi, nó không muốn gặp thì thôi, nó muốn vậy mà, người này thì quăng đâu, nó cũng chẳng chết. Thôi cứ để nó tự lo...

Sau khi chú Sáu Dân về hưu, quay về thành phố, chú gọi tôi đến ăn cơm thì tôi lại đến. Và sau khi nghe tôi lại hỏi rất nhiều câu hỏi khó, chú cười: Tiếp tục hỏi khó nhỉ, thì cũng để chú nghĩ rồi mới trả lời chứ.

Mà cũng chẳng phải chí có mình chú Sáu Dân luôn lắng nghe nói thật. Chú Mai Chí Thọ, Nguyễn văn Linh, anh Phan văn Khải...cũng sẵn sàng nghe các nhà báo nói thẳng. Có lẽ vì vậy, họ không bị bao vây bởi những lời...không thật.

Chú Sáu Dân chẳng những thích gặp các nhà báo nói thẳng nói thật, chú còn có cả nhóm cố vấn rất xuất sắc là "nhóm thứ sáu". Đó là những trí thức thứ thiệt, chẳng câu nệ, nề hà, chỉ một lòng với đất nước.

Thỉnh thoảng tôi có dự hay nghe kể về cuộc họp của họ hay gặp họ nói chuyện riêng, tôi nghe nhiều câu họ nói thẳng với chú Sáu Dân còn "ghê gớm" hơn tôi và anh Lanh. Tôi thấy người muốn nghe nói thật là người thật lòng vì dân vì nước. Không gần dân, không nghe nói thật thì làm sao hiểu lòng dân mà trị nước?

Danh sách các bài viết gần nhất: