“VÀNG CÓ GAI”- CHUYỆN LY KỲ Ở ĐỨC, TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM

“VÀNG CÓ GAI”- CHUYỆN LY KỲ Ở ĐỨC, TRUNG QUỐC VÀ VIỆT   NAM

Người Việt bật cười khi thấy Bảo tàng “Những món ăn kinh dị” ở Đức xuất hiện trái sầu riêng. Ông vua của các loại trái cây Đông Nam Á đang thực sự khuấy đảo thị trường Trung Quốc, được người EU coi là “món ăn quái đản, trộn giữa hành tây, phô mai và dầu cao su". Và lần đầu tiếp xúc, mùi thơm khiến người Đông Nam Á ngất ngây bị họ coi là …ghê tởm. Hôm nay, tôi sẽ tháp tùng một số bạn chuyên kinh doanh trái cây đi thăm một vườn sầu riêng hữu cơ để xem họ cắt quả và nghe họ kể chuyện - suốt đêm về thứ trái cây kỳ bí và hấp dẫn này. Trước khi lên xe đi, tôi cập nhật những thông tin mới về ông Vua nhiều gai này.

CẠNH TRANH Ở KHÂU QUẢNG BÁ VÀ BÁN HÀNG


Nhà báo Châu Thái Bình kể lại: anh lướt một vòng Facebook, YouTube, Xiaohongshu, Taobao từ Trung Quốc thì thấy rằng: các show Livestream bán sầu riêng Thái vẫn áp đảo khắp các nền tảng, song song, người bán còn có dán mã QR code tại các chung cư để người dân chỉ cần quẹt mã là hàng giao tận cửa. Vì thế SR Thái có mặt khắp nơi. Tuy nhiên, Livestream Sầu riêng của Malaysia vẫn là ngon nhất, gây thèm nhất và khác biệt so với Thái Lan, Việt Nam vì các clip giới thiệu các vườn sầu cổ thụ 3-40 năm cao chót vót, trái ra tự nhiên, rụng tự nhiên và hữu cơ. Ôi, ai mà không mơ có trong tay một trái sầu rụng tự nhiên thơm lừng đó? Các clip quảng cáo sầu riêng Việt Nam nhìn hoành tráng về số lượng, phong cách sông nước nhìn thấy thích. Nhưng quảng bá trên mạng còn rất ít so với các nước còn lại. Và lại chưa có tiếng Hoa. Giờ quảng bá thì ngoài tiếng Anh còn phải tiếng Trung. Có vẻ VN chưa khai thác thế mạnh tham quan vườn sầu riêng như cách người Malaysia và Thái Lan làm. Vì thế trên thị trường TQ, Sầu Riêng Việt chỉ mới tăng mạnh thị phần mà thương hiệu chưa lấn mạnh.

HẬU PHƯƠNG LÀM NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG CHO SẦU RIÊNG

Nhóm chuyên gia thị trường của Trung tâm BSA đã trao đổi cùng một số thương lái, thợ gõ sầu thân quen cùng đọc các tài liệu thị trường, đã tổng hợp tình hình Tình hình xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào quý 1/2024 như sau: Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng (Hs Code 08106000) trong quý 1 năm nay đạt gần 244 triệu USD, tăng 59.48% so với cùng kỳ năm 2023 (153 triệu USD). Sầu riêng tươi là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm phần lớn tổng giá trị xuất khẩu. Đơn giá xuất khẩu bình quân là 4700 USD/tấn.

Sản lượng sầu riêng đầu năm nay tăng nhờ người trồng sầu riêng ở nhiều tỉnh như Tiền Giang, Vĩnh Long… áp dụng thành công kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa trái vụ và một vài tỉnh thì đang rãi vụ. Việc nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ đã có tiến bộ. Và nhất là tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc vẫn cao mà Việt Nam thuận lợi hơn Thái về cự ly vận chuyển.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam với trị giá thu về 226.5 triệu USD, chiếm 92.86% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý 1/2024. Các thị trường nổi bật khác là Mỹ với 8.6 triệu USD tương đương 3.6% tổng kim ngạch xuất khẩu và Hồng Kông với 7.6 triệu USD tương đương 3.1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hai phương thức giao dịch chủ yếu là DAF (Người bán giao hàng cho người mua tại biên giới quy định) và DAP (giao hàng tại nơi đến, người bán chịu mọi chi phí và rủi ro phát sinh để đưa hàng hóa đến nơi đến đã chỉ định).

Mặc dù vậy, giá sầu riêng của Việt Nam lại bán thấp hơn, trung bình 4.500 USD/tấn. Trong khi đó, sầu riêng Thái Lan khoảng 6.100 USD/tấn. Bên cạnh đó, người Trung Quốc quen ăn loại sầu riêng Monthong của Thái Lan hơn và trong thực tế, cơ quan quản lý của quốc gia này kiểm soát chất lượng từng trái sầu riêng chặt chẽ nên không có tình trạng lẫn lộn kém chất lượng.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm chế biến từ sâu riêng đang ngày càng thông dụng ở Trung Quốc. Tại các quán cà phê, có kem sầu riêng, bánh kem sầu riêng, cà phê sầu riêng và thậm chí có khi họ cũng bán sầu riêng cả múi. Dự kiến cuộc cạnh tranh xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ gay gắt hơn trong năm 2024 vì Malaysia bắt đầu xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc vào tháng 5/2024.

Trước đó, Malaysia đã xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ năm 2011 và sầu riêng nguyên quả đông lạnh từ tháng 5/2019. Đáng chú ý, các chuyên gia Malaysia cũng đề xuất tạo logo sầu riêng Malaysia để phân biệt sầu riêng Musang King của nước này với trái cây có nguồn gốc từ nơi khác. Nông dân Malaysia có tiếng tốt với những giống sầu riêng mới như Musang King, Udang Merah và Black Thorn đánh trúng phân khúc người tiêu dùng sành ăn để bán giá cao.

THỊ TRƯỜNG MỸ "ĂN" SẦU RIÊNG NHƯ THẾ NÀO?

Mỹ là nhà nhập khẩu sầu riêng đông lạnh lớn nhất của Việt Nam trong quý 1/2024. Giá trị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh này đến Mỹ ước tính đạt hơn 8 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay. Các phương thức giao dịch chủ yếu liên quan đến vận tải đường biển như FOB, CIF hay C&F.

Do khoảng cách về địa lý và vấn đề bảo quản, phần lớn sầu riêng xuất khẩu qua Mỹ là loại đông lạnh nguyên trái, đông lạnh nguyên múi hoặc múi tách hạt đều đang là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau khi thu mua, trái tươi sẽ được đưa vào kho cấp đông với nhiệt độ cực lạnh tới -40 độ C để bảo quản được lâu và đảm bảo chất lượng tốt nhất. Sau đó sầu riêng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chuyển vào các container lạnh được tiếp tục cấp đông ở nhiệt độ -18 độ C, vận chuyển bằng tàu biển, khoảng ba tuần sẽ có mặt tại Mỹ.

Ngoài ra, sầu riêng của ta xuất khẩu sang Mỹ hiện mới hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ là chính. Đây là một nguyên nhân khiến sầu riêng Việt nói riêng và trái cây Việt nói chung vào Mỹ chưa nhiều. Cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cộng đồng khác vì Mỹ là quốc gia hợp chủng quốc. Ngoài ra, yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn nhập khẩu từ thị trường này cũng là một rào cản lớn.

Thị trường Hồng Kông là nhà nhập khẩu sầu riêng lớn thứ 3 của Việt Nam trong quý 1/2024. Giá trị xuất khẩu sầu riêng đến Hồng Kông ước tính đạt hơn 7 triệu USD trong 3 tháng đầu năm nay. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sầu riêng tươi nguyên trái.

KẾT LUẬN

Sau quí 1/2024, có thể nói, thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong quý này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc. Tuy nhiên cần hết sức chú ý đối thủ cạnh tranh mới là Malaysia với nhiều giống sầu riêng chất lượng cao. Sầu riêng tươi Malaysia có thể sẽ chia lại “miếng bánh” thị phần Trung Quốc mà hiện nay Thái Lan và Việt Nam đang nắm giữ.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu) thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu sầu riêng Việt Nam, đồng thời có biện pháp kiểm soát truy xuất nguồn gốc, gắn chặt việc thu hái hàng sầu riêng không đạt chất lượng, sầu riêng non, đồng thời xây dựng cho được quy chuẩn, tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu.