THẾ HỆ NHỮNG NGÔI SAO THỰC TÀI ?
Tôi nhớ tới câu tục ngữ “Con hơn cha là nhà có phúc” khi nghĩ tới họ. Những chàng trai cô gái làm rỡ ràng cho cha mẹ quá chừng (và tôi là bạn của ba mẹ họ nên cũng hảnh diện lây).
Hôm tôi phỏng vấn anh Võ Quang Huệ cho loạt talkshow 5W1H, có một câu tôi nghĩ tới mà không kịp hỏi vì mắc say sưa với các bài học quản trị của anh ấy ở BMW, Bosh Việt Nam và cả Vinfast. Đang lúng túng tìm cách hỏi thêm: “Nước Đức có đến hàng trăm nhà khoa học đoạt giải Nobel mà chủ yếu tập trung 3 chuyên ngành vật lý, hóa học và sinh học, anh lại đi ngành ô tô. Vậy anh có biết đến một nữ tiến sĩ Hóa học đang rất nổi tiếng ở Đức không…” thì bỗng anh ấy vui vẻ nói, ở Đức hiện nay, nhiều bạn trẻ là con cháu mình nó giỏi lắm chị. Như cháu Nguyễn Kim Mai Thi, con của hai vợ chồng - anh Sơn và chị Vân - bạn Việt Kiều rất thân của tôi, bây giờ là một ngôi sao truyền hình nha chị, mà không phải ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh, những tài năng này còn dễ hình dung, Mai Thi lại là ngôi sao về “truyền bá khoa học” cho hàng triệu thanh niên và người dân nước Đức trên các kênh chính thống quốc gia. Mai Thi được Tổng thống Đức tặng huân chương của Liên Bang về cống hiến cùng 14 danh nhân của nước Đức. Năm 2021, cô được tặng danh hiệu "nhà báo của năm" vì loạt bài phân tích và hướng dẫn người dân Đức hiểu đúng về dịch Covid 19. Hiện nay cô host chương trình MaiLab thu hút hàng triệu người xem, dẫn đầu xu hướng trên kênh youtube.
Nhóm bạn cùng thời của anh Huệ có chọn một cuốn sách nổi tiếng của Mai Thi, dịch ra tiếng Việt và xuất bản với tựa tiếng Việt là “Ngộ quá, cái gì cũng hóa”. Hai vợ chồng anh Trường chị Thủy tặng tôi cuốn sách này và tôi đã đem giới thiệu trên chuyên mục “Đọc sách cùng Sen” trên đài truyền hình Đồng Tháp.
Cũng tuần qua, một người bạn gửi cho tôi đường link chương trình “Việt Nam ngày mới” của Truyền hình Quốc Hội, phỏng vấn Hải Anh, tác giả cuốn truyện tranh “Sống” kể chuyện về cuộc sống của mẹ cô 7 năm trong chiến khu. Một lần tôi nghe Việt Linh kể là khi Hải Anh còn nhỏ, mẹ thường đi làm phim xa nhà. Mỗi khi mẹ về, ba của Hải Anh rất vui làm phiên dịch giữa hai mẹ con. Vậy mà trong cuộc phỏng vấn truyền hình, Hải Anh nói tiếng Việt trôi chảy, rành rẽ. Hải Anh kể, em thường chia sẻ nhiều điều với mẹ, em tưởng mình biết hết về mẹ mình. Nhưng một hôm em hỏi mẹ về tuổi 16 của mẹ, lúc ấy em mới nhận ra mình thực sự không biết hết về mẹ như mình nghĩ. Vì vậy, “Sống” là bài học rất lớn của Hải Anh về mẹ mình.
Cô cũng nói thẳng thắn cảm nghĩ về cuốn truyện tranh: “Sống” là một góc nhìn rất độc đáo về một thời gian lịch sử, về cuộc chiến tranh của Việt Nam. Chọn đặt tựa sách bằng tiếng Việt là “Sống” thì không đơn giản đâu, vì độc giả Pháp muốn truy cập tìm hiểu về cuốn sách thì tiếng Pháp lại không có dấu, rồi Hải Anh nhấn mạnh, em vẫn để rõ Sống đủ dấu tiếng Việt vì nếu không có dấu thì không phải là tiếng Việt nữa.
Ôi, cô gái nhỏ mà tôi biết từ 20 năm trước, khi đến chơi nhà anh Trần Hải Hạc, thầy giáo dạy kinh tế học đại học Pháp và Việt Linh, đạo diễn nhiều phim được giải thưởng quốc tế, khi ấy cô bé còn chưa rành tiếng Việt mà bây giờ đang nói trên truyền hình về “góc nhìn độc đáo” và còn nhấn mạnh rằng “tiếng Việt mà không có dấu thì không phải là tiếng Việt nữa”...
Cũng chơi thân với anh Hạc và cũng dạy đại học Pháp là anh Nguyễn Ngọc Giao người phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ tại hiệp định Paris. Không thật là thân thì khó hình dung được, con trai và con dâu của anh chị (phu nhân anh Giao là chị Phạm Tư Thanh Thiện, nhà báo từng phụ trách đài RFI tiếng Việt) lại cũng là những ngôi sao âm nhạc nổi tiếng đang sống ở Sài Gòn: con trai là nhạc sĩ có tiếng ở châu Âu, nhà soạn nhạc và sản xuất âm nhạc Don Nguyễn (Nodey) và vợ là một nữ rapper hàng đầu Việt Nam, ca sĩ Suboi. Suboi hát rap khi ở Việt Nam còn chưa quen với loại nhạc này và cô cũng là người truyền cảm hứng dòng thời trang mới mẻ cùng đưa nhạc rap Việt Nam ra với các lễ hội âm nhạc thế giới.
Các bạn kiều bào ở Pháp, Đức, Hoa Kỳ, các nước châu Âu cùng thời anh Huệ, Hạc và Giao tới giờ vẫn chơi thân với nhau và luôn tìm cơ hội gặp nhau qua các Hội thảo hè. Năm qua, có nhiều chuyện buồn là những người nòng cốt tổ chức của sự kiện đoàn tụ rất ấm áp này đã ra đi: nhà sử học Ngô Vĩnh Long, giáo sự kinh tế Trần Hữu Dũng và gần nhất là chị Thanh Thiện, hiền thê của anh Giao.
Tôi bỗng nghĩ tới một cuộc họp mặt hè sắp tới, vẫn bao gồm những thành viên có tuổi cũ, nay thêm các thành viên mới rất thú vị và hấp dẫn là những ngôi sao thực tài, nổi bật các lãnh vực tôi kể trên: Mai Thi ở Đức, Hải Anh ở Pháp, Don Nguyễn và Suboi ở TPHCM và còn bao nhiêu tài năng là con của những bậc cha mẹ thuộc phong trào Việt Kiều yêu nước khắp các châu lục mà nhà báo VKH tôi chưa biết hết?