SỐNG CÒN VÀ VƯỢT QUA 4R ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC?

SỐNG CÒN VÀ VƯỢT QUA 4R ở THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC?

Tuần qua tôi ở Thượng Hải cả tuần. Ngắm nhìn, nghe ngóng cũng nhiều. Xin ghi lại đây mấy điều nghĩ và thấy mà các doanh nghiệp Việt (SME) cần chú ý cẩn trọng để tránh mìn bẫy và khó khăn.

4R nêu trên là RẮC RỐI và RỦI RO.

Nếu chúng ta chân ướt chân ráo vào thị trường này, nên có người rành thủ tục Hải Quan, có sẵn đường dây (đội ngũ sale) đưa hàng vào các siêu thị, nghe phản hồi từ người tiêu dùng để kịp thời chỉnh đổi…

Vào thị trường này, nếu tính bán vài container là thắng thì…tiêu. Phải tính xa, rất xa, nghĩa là phải đi cùng nhau.

Ông Lý Tứ Xuyên nói với đoàn doanh nghiệp VN về kinh nghiệm gần 30 năm làm phân phối chuyên nghiệp ở thị trường này. Cần hiểu về thủ tục Hải quan. Có team về Pháp lý theo đuổi những thay đổi về thuế, an toàn thực phẩm, cạnh tranh. Hiểu rõ qui định về kiểm dịch của TQ. Có đội ngũ sale chuyên nghiệp, quan hệ rộng với các siêu thị để có thể đưa hàng từ Hải quan tới thẳng siêu thị thay vì đưa về lưu ở kho rồi mới liên hệ (tốn thời gian, tiền bạc…).

Tôi trực tiếp chứng kiến 4 câu chuyện sau:

  • Một doanh nghiệp lớn ở Sài Gòn giới thiệu hàng với nhà phân phối lớn của VN tại TQ. Nhà phân phối nói: Ghi nhãn sai hết. Vấn đề ghi nhãn ở TQ rất hệ trọng, không được sai một dấu phẩy và họ lại có qui định khác nhau tùy địa phương. Làm sao ghi cho trúng?
  • Một doanh nghiệp than, hàng tui chưa từng qua đây, mà đi đăng ký thì kết quả là đã có doanh nghiệp đăng ký tên mình rồi. Thảm nạn quen thuộc là hễ thấy nhãn hiệu nào ở VN bắt đầu bán chạy là họ đăng ký sẵn ở TQ, mình chậm chân, không nhìn xa là bị…cướp cạn có patent. Tôi còn được giải thích, cái tên SÀI GÒN đã bị họ đăng ký từ lâu, nay thành như là…tên chung, khó đăng ký tiếp?
  • Nhà báo Châu Thái Bình bạn tôi vào các siêu thị bán sầu riêng, có cả 2 loại của Thái và Việt. Anh hỏi mua SR Việt nhưng người bán cứ quảng cáo nhiệt tình xúi anh mua SR Thái. Nói cách nào người bán vẫn qui về: hãy mua SR Thái. Có thể do hoa hồng nhưng tôi nghĩ, mình không có làm trade marketing ở đây, chăm lo cho hàng của mình. Cứ “tống” được vào siêu thị là xoa tay, coi như xong? Chết chỗ đó. Người bán họ quảng cáo hàng khác, mình không có mặt, thua là chắc?
  • Cạnh tranh chết người về Kỹ thuật chế biến? Quả là 2 năm bị nhốt trong nhà vì dịch đã ra cớ sự là hàng TQ sau đó có quá nhiều cải tiến và mẫu mã mới. Chỉ đi xem, chụp ảnh, ghi nhận các tính năng sản phẩm đã thấy cả rừng. Đặc biệt thực phẩm ăn liền, ăn vặt thì mênh mông và hết sức ngon, hấp dẫn. Tôi đứng nhìn mấy chục món “Trứng ăn liền”, các chế phẩm từ sầu riêng mà…ngậm ngùi cho VN mình quá. Ăn thử càng thấy âu lo vì nó ngon và giá thì phải chăng…

    Mà tất cả đều được họ nhấn mạnh là: An toàn, tốt cho sức khỏe. Đó là tiêu điểm họ tuyên truyền mạnh nhất cho thực phẩm năm nay.
Có nguyên 1 gian triển lãm giải thưởng về các mẫu thức ăn vặt cho trẻ con, cũng là nơi tham khảo các mẫu SP mới cho thị trường

Như vậy, đội ngũ pháp lý, bán hàng, nghiên cứu và phát triển cho sản phẩm mới và nghiên cứu thị trường đều cần và phải tác chiến chuyên cần, hiệu quả nếu muốn hàng vào được TQ và có sức cạnh tranh.

Một bạn doanh nghiệp kinh doanh đồ uống lâu năm ở TQ nói với tôi. Nhìn kiểu COFFEE SÀI GÒN bỏ tiền thuê gian hàng to, thuê livestream suốt ngày và thấy họ ra sức “bắt chước như thật” CF hòa tan 3 trong 1 thương hiệu G7 là tôi thấy họ quyết đấu với G7 đấy.

Tại gian hàng CF SAIGON bao bì y chang G7 TRung Nguyên, livestream tổ chức suốt ngày

Câu chuyện ăn trộm, ăn cắp và ăn cướp thương hiệu diễn ra cực kỳ khốc liệt ở TQ. Một mình doanh nghiệp Vinamit phải kiện ra tòa, theo đuổi 3 năm để lấy lại thương hiệu.

Tôi phải đề nghị và ông Nguyễn Lâm Viên đã đồng ý dành một buổi ở Sài Gòn để nói với các DN muốn vào thị trường TQ về tất cả thông tin và kinh nghiệm để đăng ký và bảo vệ thương hiệu của mỗi DN.

4 câu chuyện tôi tận mắt nhìn và theo dõi nêu trên gợi ra điều gì? Tầm nhìn xa, chiến lược vững và đầu tư đúng mức cho cả chuỗi cung ứng. Như vậy thì phải “ĐI CÙNG NHAU” và có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong tổ chức dịch vụ cung ứng cho các nhà sản xuất Việt Nam, thay vì chủ yêu mạnh ở chỗ “mạnh ai nấy làm” như hiện nay?

Nghe nói đã có Hiệp Hội doanh nghiệp Việt – Trung? Tôi có nghe nói đến Hiệp Hội doanh nhân Thái- Trung hoạt động cho ngành sầu riêng rất hiệu quả?

Bài toán liên kết và đồng bộ phải chăng là gót Achille của doanh nghiệp Việt?