SÁNG TẠO LÀ BAY BỔNG HAY LAO NHỌC?

SÁNG TẠO LÀ BAY BỔNG HAY LAO NHỌC?
Nghệ sĩ Thành Lộc

(Tập 1, mùa 2 “Kịch và nghệ”; trò chuyện về “Tiên Nga” giữa đạo diễn Thành Lộc và khách mời Lê Khánh)

Hôm qua là một ngày tôi phải thu dồn 2 show rất khác nhau, sáng là tập 1 mùa 2 về vỡ Tiên Nga. Tôi ngồi chầu rìa giúp HOST chính, Nghệ sĩ Thành Lộc trò chuyện với khách mời là nữ nghệ sĩ Lê Khánh. Buổi chiều là talkshow tôi host, phỏng vấn chuyên gia kỹ thuật trồng sầu riêng Huỳnh Quới. Thú vị nhất là cả 3 đều là những nhà chuyên nghiệp lão luyện trong nghề, vậy mà trước 3 máy chĩa thẳng vào người với ánh đèn sáng rực thì…Thành Lộc và Lê Khánh thản nhiên, vui vẻ tưng bừng còn “bác sĩ nông dân” Huỳnh Quới thì tay rịn mồ hôi và không giấu được vẻ căng thẳng bối rối.

Vốn tính “lù rù lấy cần cù bù thông minh”, tôi làm tư liệu cho Tiên Nga thật kỹ. Hỏi Thành Lộc cần không, tôi share thì Lộc lắc đầu, dạ không, có đọc thì vô câu chuyện em cũng nói khác; còn Lê Khánh thì dạ, con đọc tài liệu và nghe không sót một clip nào rồi cô. Trái lại, anh Huỳnh Quới thì lại soạn một tài liệu dài gửi cho người HOST, định nghĩa, phân tích mọi lẽ, ôi, thú vị thật vì đã hơn 40 tập 5W1H tôi chưa bao giờ được khách mời chuẩn bị tài liệu cho như vậy. Nhà logic và kỹ thuật, qui trình có khác!

Cuộc trò chuyện đầu mùa 2 hết sức thú vị nhưng tối qua, tôi nghĩ, video sẽ phát hành (trên youtube) sớm, vậy chờ lúc ấy rồi kể luôn. Nhưng sáng nay, bạn Kiến Phước, CEO maybe và Lê Anh Đủ, sếp BSA media và Kim Chi, Hoài Phương các “diễn thật” đã cao hứng đưa tin ảnh hết rồi thì thôi mình kể những chuyện hậu trường vui nhất luôn đi. Tuần sau thu tiếp tập 2 chắc chắn sẽ còn “ly kỳ” hơn vì nhân vật và bối cảnh đều mới và đặc sắc.

Tiên Nga, mình từng đi xem tới 3 lần, mỗi lần, vừa xem chung nhưng tập trung xem kỹ một thứ, theo mình, đây là một công trình sáng tạo thật nghiêm cẩn, khó nhọc và công phu. Một tác phẩm bản gốc thuần Việt, thuần Nam Bộ, là THƠ, được dựng thành NHẠC kịch, người đạo diễn kịch tạo nhân vật mới, tình tiết mới, còn người viết nhạc thì sáng tác các bài hát theo ngũ cung truyền thống song biểu diễn sống (live) cùng kịch bằng dàn nhạc thính phòng và các diễn viên kịch, chưa từng hát khi diễn, phải hát đúng bài và diễn tả dù có người chưa từng biết hát hay ngay cả chưa biết giữ nhịp khi hát trong lúc diễn kịch.

Và thú vị là những chuyện hậu trường khó hình dung được. Ví dụ, vì sao giữa Tiên và Nga mọc lên một gạch nối là một đóa sen trắng nhỏ nhắn? Đó là Kim Liên, nhân vật nữ tiêu biểu cho lòng yêu nước của người phụ nữ Việt Nam dù ở giai tầng nào cũng kiên cường chống xâm lăng dù hi sinh mạng sống. Đó là nhân vật không có trong truyện gốc Lục Vân Tiên, là cô người hầu tên Kim Liên của tiểu thư Kiều Nguyệt Nga. Nhân vật này được lấy cảm hứng từ một vỡ cải lương của tác giả Lưu Chi Lăng dựng đã lâu, nay được Thành Lộc sáng tạo mới, tham gia với vai trò làm nổi bật chủ đề tư tưởng của vỡ, làm nên ý nghĩa lớn cho vỡ kịch. Thành Lộc gửi gắm vào đó tất cả tình yêu của anh chan hòa sâu xa cùng nỗi lòng cụ Đồ Chiểu, nhà thơ mù yêu nước. Anh vừa là tác giả sáng tạo nhân vật, vừa là đạo diễn và cũng là diễn viên dẫn dắt toàn bộ linh hồn vỡ nhạc kịch

Diễn viên Lê Khánh

Một khó khắn rất…khó đỡ cho Thành Lộc khi dựng vỡ: cả 3 nữ diễn viên chính đều bất ngờ xin nghỉ giữa chừng vì…mang thai (Lê Khánh, Vân Trang và Lê Phương). Lê Khánh là một trường hợp khá lạ: đang diễn vai Kim Liên thì nghỉ sinh con, trở vô, lại nhận vai có tính cách hoàn toàn khác là Võ Thể Loan. Hôm qua nhắc đến sự tình, Thành Lộc bật cười, thiệt tình học nghề đạo diễn không hề có dạy giải quyết vấn nạn này. Rối quá, đột xuất quá, anh phải nhờ các diễn viên giỏi mà là…bà con và quen sân khấu như Trinh Trinh, Quế Trân…thay vai. Chưa kể là Lê Khánh và Vân Trang chưa hề quen hát tân nhạc khi diễn, đêm nào 2 cô diễn, Thành Lộc cũng phải đứng sát cánh gà bắt giọng đúng cao độ để 2 cô vô cho khớp: “Khoan, khoan…” sau giọng hát nam của Lương Thế Thành. Lê Khánh nói thật vui. Hôm nào gần tới chỗ hát mà nhìn vô cánh gà không thấy anh Lộc là …hoang mang tột độ.

Đức Trí thì vẫn luôn quá bận nên lúc đầu anh nói là sẽ chỉ cầm đũa điều khiển ban nhạc của anh chừng 10 buổi là ban nhạc sẽ quen, nhưng rồi anh vẫn không yên tâm và đã theo suốt mấy chục đêm diễn. Lộc nói về Đức Trí, tuy nhỏ hơn tôi một con giáp nhưng Trí là thầy của tôi, chẳng những về nhạc mà còn là nguồn năng lượng thôi thúc tôi làm hết sức cho vỡ nhạc kịch thuần Việt Tiên Nga với tất cả sự cầu toàn và yêu nghề của Trí. Cho nên cuộc trò chuyện sắp tới giữa ông đồ mù với anh nhạc sĩ quơ cây đũa sáng choang làm nên hồn phách đầy hùng tráng của vỡ kịch sẽ là một cuộc đối thoại hấp dẫn biết mấy?

Dù kể quá nhiều chuyện với nhiều cảm xúc, Thành Lộc không quên nhắc đến người đứng rất xa bơm “năng lượng” bằng “ngân lượng” cho Tiên Nga là ông chủ của công ty Nông nghiệp-Công nghệ cao Hải Âu, người đã cử CEO công ty du lịch Hải Âu đến bám sát đội hình Tiên Nga giúp vượt qua từng khó khăn.

Còn tôi, tôi không quên nhắc Lộc, trong tập 1 này, ít nhất phải hát lại một đoạn xúc động nhất mà lần nào nghe Lộc cất tiếng, khán giả cũng lặng người hay nổi da gà, và tôi nhìn chung quanh luôn thấy biết bao người rơi nước mắt. Lộc nghe yêu cầu thì hát ngay, như những giọt cảm xúc chảy tự nhiên từ trong máu tim anh: “Tôi một người mù. Thèm nhìn bầu trời non cao ngát xanh…”.

Tôi gật gù thấy vậy được rồi. Vàß tập kế sẽ nhắc mọi người cùng nhau hát 2 câu kết dễ nhớ dễ thuộc nhất dù đã 6, 7 năm rồi: “Đất bằng dây sóng biển Đông. Mong ngày con Lạc cháu Hồng nạn qua”.

Danh sách các bài viết gần nhất: