RÁC THẢI NHỰA TỪ MỖI NHÀ, VÌ SAO TĂNG HOẢNG HỒN?

RÁC THẢI NHỰA TỪ MỖI NHÀ, VÌ SAO TĂNG HOẢNG HỒN?

Cả khu phố xóm mình ngày nào cũng nghe tiếng shipper gọi ra lấy hàng. Các ụ rác trước cửa nhà mỗi chúng ta mỗi ngày đang đầy lên nhanh, toàn nhựa! Lượng rác thải nhựa tăng thật đáng sợ, nếu nghĩ tới qui mô cả nước. Phân tích nguyên nhân việc tăng rác thải nhựa quá nhanh từ Thương mại điện tử, bài viết còn đưa ra các giải pháp xử lý để mọi người xem xét tính khả thi và góp thêm ý cho việc thực hiện.

Đọc các con số của hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử (TMĐT) ”  cuối tháng 4/2024, do Hiệp Hội TMĐT Việt Nam tổ chức  là thấy rõ. Tại hội thảo này, ông Nguyễn Thanh Hưng nhà tư vấn của Hiệp hội THương mại điện tử (TMĐT) cho biết, năm 2023, có 1,84 tỷ gói hàng được giao cho khách mua hàng online tương đương 306 ngàn tấn bao bì nhựa đã được gói gửi đi. Các loại hàng: thời trang, thực phẩm, đồ ăn nhanh, phụ kiện  được mua nhiều nhất.

Hộp carton và túi nilong là món bao bì được dùng phổ biến nhất. Các thùng mút xốp, những miếng bong bóng khí chèn trong gói đồ và vật liệu bao ngoài là băng keo nhựa cũng được xài hào phóng. Đọc một tài liệu nghiên cứu về bao bì thì thấy có 1.001 lý do gia tăng xài nhựa: Phải xài nhiều lớp cho khỏi bị vỡ, rách khi vận chuyển.  Việc được trả và đổi sản phẩm cũng gây lãng phí bao bì thêm.Các loại nhựa dùng một lần (dùng nhanh vứt nhanh) cũng làm tăng rác nhựa…

Với đà “thâm dụng” nhựa cách đó, rác thải nhựa đang tăng chóng mặt song song với tốc độ tăng TMĐT hơn 25%/năm/ Tới năm 2030, qui mô TMĐT Việt Nam tăng trên 4,7 lần và lượng rác thải sẽ tăng từ 306 ngàn tấn lên…800 ngàn tấn!. 

THU THẬP HÀNG LOẠT ĐỀ XUẤT VỀ GIẢI PHÁP

Tôi mang nỗi lo này đến hỏi bạn bè quan tâm môi trường, các chuyên gia bảo vệ môi trường thì họ đưa ra nhiều giải pháp khả thi. Công khó đi nghe, đi ghi chép rồi viết ra đây, tôi càng thiết tha mong người đọc sẽ nhận xét về việc thực thi cũng như đưa ra thêm nhiều giải pháp khác nữa. Xin nêu một số giải pháp:

  • Nên sử dụng vật liệu đóng gói có thể phân hủy, làm từ thực vật như đậu phộng , bột bắp, nấm… Hoặc dùng loại nhựa có thể tái chế (dán nhãn rõ ràng để người tiêu dùng biết mà xử lý thích hợp). Cũng có thể đây là cơ hội cho các nhà thiết kế “bao bì tối giản” (dùng ít vật liệu hơn mà vẫn bảo vệ được sản phẩm) hoặc là “bao bì thông minh” đòi hỏi dùng ít nhựa hơn. Hoặc thiết kế bao bì có thể tái sử dụng (khách hàng có thể  trả lại bao bì để sử dụng lại trong tương lai).

Tôi nghĩ rất nên tuyên dương, hoan hô các công ty bán hàng online mà có chính sách khuyến khích, ưu đãi khách hàng trả lại bao bì để công ty dùng tiếp. Các nhà hoạt động môi trường nên đặc biệt quảng bá và khuyên người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu có hoạt động bền vững, bảo vệ môi trường.

  • Bản thân ban lãnh đạo hay cán bộ nhân viên các CT có thể đưa ra các chính sách nội bộ để cam kết giảm rác thải bao bì nhựa, đầu tư vào vật liệu bền vững.
  • Chính phủ đưa ra các TIÊU CHUẨN ĐÓNG GÓI BỀN VỮNG buộc các CT TMĐT phải áp dụng. Ví dụ, lệnh cấm một số loại nhựa sử dụng một lần…
  • Các nhà nghiên cứu vật liệu đưa ra các vật liệu mới giảm dùng bao bì nhựa. Lại nhớ một ví dụ đặc sắc: làm ra loại bao bì ăn được
  • Và cuối cùng là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi hành vi. Điều này được đề cập sau cùng vì là việc khó nhất.

Kết luận: Không còn sớm để chúng ta đưa ra chiến lược giảm thiểu rác thải nhựa. Sử dụng các vật liệu đóng gói bền vững, thu hút người tiêu dùng và biểu dương, khen thưởng doanh nghiệp giảm dùng bao bì nhựa và đưa ra những quy định nghiêm khắc là cần thiết. Như vậy, sự hợp tác giữa các ngành, chính phủ, doanh nghiệp  và người tiêu dùng là rất cần thiết./.


Chào các bạn, tôi có chuẩn bị một bản khảo sát nhỏ với mục đích ghi nhận những ý kiến, phản hồi về bản tin tổng hợp mà tôi đang gửi đến các bạn vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, để từ đó cải thiện nội dung và mang tới nhiều giá trị hơn cho các bạn. Mong các bạn sẽ dành chút thời gian để giúp tôi thực hiện khảo sát này.