Chiều nay đi xem buổi diễn đầu tiên "Nửa đời hương phấn" của đôi bạn Hà Triều-Hoa Phượng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Tự nhủ, phải viết một bài cám ơn hai bạn Thành Hội-Ái Như đã vừa cống hiến cho đời một công trình đáng công nữa. Nhưng mình tìm hình rồi sẽ viết. Bây giờ đang chạy gấp một việc deadline là sáng mai, nên ghi vội vài dòng về mấy chữ "Mùa kỷ niệm" thật sâu sắc mà hai bạn đã đặt tên cho mùa diễn này.

Khi tiếng hát thiên thu Thái Thanh cất lên những câu cuối cho scene cuối rưng rưng cảm động "kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau... gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta; hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ"... mình nhìn quanh thật nhanh, ai cũng quẹt nước mắt (có người còn đầm đìa nữa). Ơ, nhưng trong bao nhiêu người khóc vì bà giáo Ái Như nghẹn ngào gặp lại con gái bị đời dìm tận đáy bi thương, thì cũng có ai đó khóc còn vì kỷ niệm cả đời mà những câu hát nức nở gợi nỗi nhớ riêng khi chỉ còn "tìm nhau ở kiếp mai sau" nên "nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời"?

Hồng Ánh với vai diễn ấn tượng, cô The đau đời (ảnh bị cấm chụp-cũng là hợp lý- nhưng tác giả, bạn Ngọc Kỷ Lam, một bạn trẻ mình luôn thích rủ đi coi kịch chung, đã nể tình chụp nhanh giùm mình). Chụp trong trạng thái đặc biệt nên chắc chính bạn ấy cũng không vừa lòng.

Mình đi xem "nửa đời hương phấn" trước nhất vì nhớ anh Hà Triều, luôn nhớ anh với một niềm kính trọng thương cảm và một kỷ niệm khó quên: lần cuối, mình được ông bạn cùng nhà báo tin khẩn và nhất thiết rủ phải nhanh nhanh đi thăm anh Hà Triều lần cuối ở nhà lạnh bệnh viên A.B. Anh vừa mất sau cơn trụy tim đột ngột và mình nhìn người tài hoa hiếm có nằm yên đó, một đời dâng hiến cho đời bao mật- ngọt-những-tác-phẩm- thăng-hoa, biết rằng sẽ luôn nhớ anh. Một tuần trước khi đột nhiên ra đi, anh còn dặn, KH coi chừng sức khỏe, đừng "ỷ tài ỷ tận" đó nghen...

Nghệ sĩ Thành Hội nhắc đến cái bao thư trân trọng gửi tặng anh từ một người buôn gánh bán bưng nghèo, và khi mở bao thư anh thấy tờ 50 ngàn đồng! Giá trị tờ giấy bạc không lớn mà lại là của một tấm tình rộng lớn vô biên nuôi sống tình yêu sân khấu khiến anh giữ mãi tới giờ. Rồi thật duyên bằng sự chân tình, anh "cập nhật" với một chiếc bánh kem mới rợi vừa được khán giả tặng, mặt bánh khắc những hình ảnh đẹp đến nỗi người nhận không dám ăn.

Họ đều là những con tằm phải sống hết kiếp nhả tơ cho đời và đêm diễn đầu tiên mùa mới, khi thấy khán phòng không còn một chỗ trống, mình đoán cả đoàn kịch ai cũng muốn rơi nước mắt. Thâm tình với khán giả, mình nghĩ đôi khi người khán giả không hiểu hết là nó ray rứt thiêng liêng với người nghệ sĩ như thế nào. Nên dù chỉ là những câu rất ngắn, mình đọc được nỗi niềm của họ, với thương cảm trân trọng như khi mùa mưa này, sân khấu sắp tới giờ diễn mà mưa cứ lê thê tầm tã. Đọc mấy câu Thành Lộc viết, nửa đùa nửa thật (mà rất thực) : "Mưa bự, bạn có quyền không đến xem nhưng chúng tôi không có quyền không đến diễn. Đó là nghiêm lệnh" hay là "dù có áp thấp nhiệt đới nhưng mà vẫn mở màn hơi bị đúng giờ" . Đọc nhanh mà mình cũng cảm nhân được lời nhắn nhẹ nhàng tới khán giả khi lòng người nghệ sĩ trĩu nặng nỗi lo...

Lao động nghề gì cũng đáng trân trọng. Nhưng mình đặc biệt kính trọng lao động sáng tạo miệt mài với tất cà tình yêu và tự trọng nghề nghiệp của các bạn. Đêm xem "nửa đời hướng phấn" vừa xong cũng đã trở thành một kỷ niệm của mình rồi đó.

MÙA KỶ NIỆM

Danh sách các bài viết gần nhất: