KÝ SỰ "TRẠI HÈ ĐẠI SỨ HÀNG VIỆT TÍ HON"
BẮT ĐẦU RỒI NÈ ! VUI QUÁ, NHỮNG NGÀY HÈ ĐẠI SỨ TÍ HON !
Sáng tinh sương hôm nay 6/8, từ các tỉnh miền Tây xa xôi: Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, xe đón các trại sinh rộn rã trở về thành phố… Nhìn cửa xe kìa, những ánh mắt sáng vui, nụ cười "hết cỡ” của con nít miền Tây về đây, vui gì đâu, cảm động gì đâu !
VĨNH LONG. Tối qua, tại khách sạn Ngọc Yến - Thành Phố Vĩnh Long, nơi các trại sinh từ tỉnh này tập trung trước khi lên đường, một bất ngờ đã xảy ra. Sau khi biết được chương trình và hoàn cảnh của các em, chị chủ khách sạn đã “đột xuất” nấu chè đãi các em. Ấm lòng các đại sứ tí hon quá!
Các tỉnh khác, HẬU GIANG, KIÊN GIANG, TRÀ VINH, đoàn đón trại sinh của BSA lần lượt về tới, xe nối đuôi nhau vào sân trại, tiếng nói cười tưng bừng râm ran…
ĐÀ NẴNG- TRƯỜNG HOPE. Năm nay là năm đầu tiên, trại đón các bạn lứa tuổi này - những trẻ mồ côi sau Covid - cũng vừa bay từ Đà Nẵng vào “hội quân”.
Các em đến từ Đà Nẵng nhưng hầu hết là gốc TP HCM (ba mẹ các em là công nhân nhập cư vào TP và qua đời sau Covid, trường Hope đón các em về).
Chương trình “Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon 2024” diễn ra từ hôm nay đến 9/8 không chỉ mang đến cho các em những trải nghiệm thú vị, mà còn là cơ hội để các em học hỏi, giao lưu, và nuôi dưỡng ước mơ.
Nhiều cô chú nghệ sĩ nổi tiếng là Đại sứ hàng Việt và cả các doanh nhân là các Mạnh thường quân hàng năm đều góp sức “nuôi” vững trại hè này mùa hè hàng năm.
–—
“Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon” năm nay là lần tổ chức thứ 13, là chương trình vì cộng đồng thường niên do Hội DN HVNCLC, Trung tâm BSA, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, CLB Đại sứ hàng Việt chung tay tổ chức cùng với sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, mong muốn mang đến cho các em những ngày hè ý nghĩa. Trại sinh của chương trình là các em học sinh cấp 2 có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm học, hiếu thảo
HAI NGƯỜI ĐÀN ÔNG TÔI VỪA GẶP TỐI NAY
Vẫn mưa, không thể đi xe gắn máy, đón taxi lâu, tôi đến buổi giao lưu tối đầu tiên của trại hè hơi trễ. Tối nay các bạn học làm tinh dầu từ thảo dược (do dược sĩ Đoàn Hồng Thắm dạy và học vẽ áo dài do nhà thiết kế Sỹ Hoàng dạy).
Đã bắt đầu chương trình "làm DẦU không khó" của dược sĩ Đoàn Hồng Thắm được một hồi. Tôi đi vòng vòng chụp ảnh các nhóm "bào chế tinh dầu thảo dược" xôm tụ.
Dừng nghe câu chuyện của Cẩm Tiên, thành viên ban tổ chức với một người đàn ông có đôi mắt buồn. Dạ con sẽ đem chai dầu con mới tự chế về cho nội con. Ba má con đâu. Dạ má con đi buôn bán rồi theo chú người quen đi luôn, bỏ ba con với 2 anh em con mấy năm rồi. Rồi ba con? Dạ ba con hồi lâu buồn quá treo cổ cũng đi luôn. Giờ anh con đi bộ đội, còn mình con ở với nội. Nên con thương nội lắm.
Tôi xin chụp tấm hình con với chai dầu "nhớ nội".
Lúc đó cô giáo Thắm hỏi, bạn nào chưa làm được chai dầu của riêng mình, đưa tay lên. Tôi đưa tay. Cô giáo tức cười, phân xử ngay, cô Kim Hạnh không kể nha...
Biết rồi, không lao động đâu mong hưởng thành quả, tôi không thắc mắc.
Bỗng một người đàn ông bước đến trước mặt tôi, giọng chững chạc. Con tặng cô Hạnh chai dầu này của con. Ủa cô nhìn con quen lắm. Mà tặng cô rồi lấy gì đem về tặng má? Người đàn ông này trả lời rất đàn ông. Con làm được 2 chai, con cho cô chai đẹp hơn. Con là Dương, trường Hope nè. Tôi ôm anh ta. Ôi, cô Hạnh thấy con quen quen mà dở quá, chưa nhớ được tên con. Con trai trường Hope luôn ga lăng ha. Cô cám ơn con nha Dương.
Tôi cầm chai tinh dầu quay đi, nghĩ tới một lời xin lỗi mà không đành nói. Từ lâu tôi đã dặn lòng, với trẻ con trường Hope mình không được hỏi tới ba, má nó.
Tôi đi nửa vòng, bà chủ trại Kim Anh đã kịp khều vai tôi, chỉ một chàng "quạ sĩ" chun trong hốc kẹt vẽ tranh trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
Chàng ta điềm tĩnh chăm chú tập trung như một ông già đắm mình vào tác phẩm. Ông già đó, người đản ông đang cúi cúi đó nhìn một hồi, à thì ra chính là Dương, hoper hào phóng.
Hai người đàn ông tôi gặp tối nay, một đã nhắc tôi (quên tên người quen cũ) tên là Dương, còn người có đôi mắt buồn, tôi chưa kịp hỏi tên.
Song tôi đã có tên cho hai "ông" ấy. Ông định tặng quà cho nội tên Hiếu; ông còn lại, ngoài tên Dương tôi đặt thêm tên Thảo.