MILIKET, GÓI MÌ “HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ”

MILIKET, GÓI MÌ “HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ”

Bữa ăn tối trên đỉnh đồi Madagui hôm ấy thật cảm động vì được gặp nhóm bạn cùng nhau trồng sầu riêng hữu cơ vi sinh thật chân tình và ấm áp. Và món lẩu với toàn nguyên liệu tự chế (cải chua tự muối, cá câu dưới hồ), phải nói là ngon chưa từng thấy. Và khi nhà bếp đưa mấy gói mì Miliket ra làm phụ tùng cho lẩu thì mình gật gù, đúng ca ta lô rồi. Nó đó, những gói mì vỏ màu bao xi măng, cái màu gợi nhớ miên man thân thương. Nhớ cái hồi ăn độn khoai với bo bo, kiếm được gói mì này làm canh là cả nhà xúm xít xí xụp… Ôi, miliket, mi nhé, mi là mì vừa li vừa kết nha. Mình về đến nhà là đặt hàng “dì Sáu bếp xịn” nhà mình, món cá om dưa, cho gia vị là chút nghệ và có hai gói mì Miliket…

Vậy nên chiều nay, ngồi chờ lấy thư cô tiếp tân  BSA đưa trước khi về, mình đọc thấy câu chuyện cảm động này, lại  từ mì Miliket. Thì làm sao mà không kể lại…

Từ FB bạn Phan Châu Thành.

“Hôm trước, mình viết về việc đưa sản phẩm mỳ Miliket sang thị trường Ba Lan. Hôm qua mình mới được biết, cũng vì điều đó, mình đã gây ra 1 cơn bão cho nhà máy, khi có thêm nhiều người ở khắp nơi ào về đòi "độc quyền" sản phẩm này tại thị trường Ba Lan, dù nhà máy đã có hợp đồng trước với mình, còn gây sức ép, thủ đoạn... các kiểu để giành. Được cái giám đốc cũng thuộc loại "gấu", giữ chữ tín, nên chưa "bể kèo"

Thưa mọi người, tại sao phải tốn công tranh giành vậy ? Giời ạ. Nếu ai đó muốn, liên hệ thẳng, mình nhường cho, xem mọi người có làm được không. Để đưa hàng vào thị trường Ba Lan - EU, nhất là các siêu thị, phải có quá nhiều yếu tố: hàng đủ chất lượng, giấy tờ, hợp đồng, hệ thống phân phối, chăm sóc hàng trong các cửa hàng, quảng cáo, marketing... chưa kể uy tín, quan hệ... để các hệ thống cửa hàng chịu làm việc cùng. Mọi người chuẩn bị đủ những thứ đó chưa ?

Nếu chưa có thì giành về làm gì? Rồi sản phẩm lại vứt xó, chết yểu, hoặc bán loanh quanh trong các cửa hàng châu Á của người Việt, thì sản lượng tiêu thụ được bao nhiêu ? Thế nên muốn đưa hàng Việt Nam vào thì phải có yếu tố "bản xứ", chứ "tay mơ" kiểu chộp giật, tranh giành thì sao bền? Phải tự học, tự làm mới có kết quả lâu dài, chứ tư duy kiểu "hớt tay trên" để "đi tắt" thì sao tồn tại, phát triển được?

Mình mở được cửa cho 1 sản phẩm, mình mở cho các sản phẩm khác mấy hồi, bởi riêng phục vụ cho 3.200 cửa hàng thuộc hệ thống Lewiatan Ba Lan đã đủ lặc lè rồi. Nhưng để làm được như vậy, có bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc... để chuẩn bị cho việc đặt nền móng, các bạn có biết không? 🙂 Có từ trên trời rơi xuống đâu?

Làm việc với mình mà thiếu tín nghĩa là mình bỏ qua làm cái khác, chả hơi đâu thừa thời gian mà cãi cọ. Với mình, thiệt hại không nhiều, nhưng với các bạn sẽ là ôm cục nợ, chứ hay ho gì mà tranh.

Nhân đây mình xin phép được có lời khen ngợi tới giám đốc nhà máy, người biết giữ chữ "tín" trong kinh doanh ở Việt Nam rất hiếm, nhưng có chữ "tín" mới đi được xa, mới "bơi ra biển lớn" được. Chúc mừng bạn. Bạn làm mình càng thêm có quyết tâm để thực hiện kế hoạch đề ra.

Đó là cam kết từ mình 🙂.(Hết trích)

À, vậy là không chỉ bản thân gói mì “hương gây mùi nhớ” với cái tên Miliket, mà chính đội ngũ làm ra những gói mì này cũng quá hay về “đường ăn ở”. Mình gọi cho bạn mình trong ban lãnh đạo Miliket. Thì anh ấy nói giọng năn nỉ: “Khó lắm chị, có chuyện như chị nói đó. Nhưng mọi chuyện mới bắt đầu, hàng mới vô siêu thị. Chị cho tụi mình ít lâu nữa. Anh em ở Ba Lan rất cố gắng, nhà máy cũng cố gắng, nhưng chưa nói chi tiết được nha chị, chút thời gian nữa…”

Nhà báo mà bị ”giả lả” kiểu này là thua. Nhà xúc tiến thì phì cười vì biết chứ, khó khăn bởi những kẻ phá bỉnh nào cũng giống nhau.

Nhưng thôi, đành chiều lòng những người “tín nghĩa” (chữ anh Phan Châu Thành dùng gọi người làm ra Miliket) ít lâu nữa sẽ “bạch hóa” những chông gai mà nhà Miliket muốn đưa hàng vào siêu thị Ba Lan phải vượt qua.

Khen và cám ơn nhà Miliket trước đã…